‘Giá mà lương nghề giáo được cải thiện hơn’
Bài viết của tác giả Diễm Trần, giáo viên sống tại TP HCM, khiến nhiều người suy nghĩ về những hoàn cảnh của thầy, cô giáo trong xã hội hiện đại.
Mới đây, cô giáo Diễm Trần đăng tải bài viết trên mạng xã hội khiến nhiều người đồng cảm. Những mẩu chuyện từ đồng nghiệp đã lột tả về đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn. Một nghề nghiệp vinh quang đấy nhưng cũng nhiều xót xa.
Ảnh minh họa: Việt Hùng.
Bài viết của cô giáo Diễm Trần:
Mình có cậu em đồng nghiệp, vào nghề 10 năm, dạy hay, chất giọng ấm, làm MC kiêm tổ chức các chương trình của trường. Bất cứ chương trình nào có mặt cậu ấy thì không ai có thể chê được. Sáng tạo, đam mê và tâm huyết.
Trong trường ai cũng bảo, nếu không làm giáo viên, hẳn cậu ấy sẽ thành công, rất thành công trong lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện hoặc làm ở đài phát thanh đài truyền hình gì đó. Mình biết, cũng không ít lần, cậu có nghĩ đến một công việc khác, một thế giới khác. Nhưng rồi, điều níu kéo cậu là những học sinh.
10 năm với nghề, ít có thứ bảy, chủ nhật nào thấy cậu ở nhà hoặc về quê. Ở thành phố một mình, cuối tuần, cậu và những học sinh trong Ban chấp hành Đoàn miệt mài với những kế hoạch, dự án, chương trình: Hoạt động Đoàn, đi từ thiện, hoạt động ngoại khoá, chương trình cho các ngày lễ lớn…
Cậu và các “đệ tử” luôn chuẩn bị chu đáo để sáng sớm thứ hai, học sinh toàn trường được xem những chương trình hành động hay và ý nghĩa, được giáo dục đạo đức, truyền thống bằng những tiết mục kịch, ca hát. Để có được những chương trình đó, thầy và học sinh đã miệt mài, lăn xả.
Mình thường xuyên thấy thầy trò áo đẫm mồ hôi, bụng đói, cổ khát khô đang tập tành, cắt dán vào những giờ mọi người nghỉ trưa. Có khi đêm muộn cuối tuần, gọi điện thoại, tiếng thầy trò vẫn lao xao cười nói ở trên trường. “Giờ này chưa về hả em?” – “Thầy trò em sắp xong rồi chị. Mai coi nha, tụi em làm công phu lắm chị, mong học trò coi và hiểu”.
Năm nào, thầy giáo trẻ ấy cũng được một nhóm khoảng chục học trò, vì thương nể thầy hay vì thầy dạy hay, vì muốn đậu đại học mà xin học thêm thầy. Tiền thu đứa có đứa không, học sinh làm Đoàn phụ, thầy khỏi thu học phí, đứa nhà nghèo thầy còn xin học bổng cho.
Tiền dạy thêm đủ trang trải hơn cho cuộc sống thị thành nhiều chi phí, đủ mua cái áo mới mặc ra sân khấu cho đàng hoàng khi làm MC, đủ mua thức ăn, mua nước cho thầy trò vào những ngày lăn xả.
Mình cũng có một chị đồng nghiệp dạy ở trường THCS ở Gò Vấp, TP HCM. Sau gần 15 năm chắt chiu từ nghề dạy, chị mua được căn chung cư cách chỗ làm khoảng chục km. Gom góp, vay mượn thêm đồng nghiệp, nữ giáo viên trả trước được 30%. 20 năm tới, mỗi tháng, chị trả góp trên dưới 5 triệu đồng.
Chị không lo, lương dạy chính khoá trên 4 triệu đủ để chi phí ăn uống tiết kiệm, chị chỉ có một mình. Chiều chị dạy thêm do trường tổ chức buổi hai, thêm được khoảng 5, 6 triệu. Vậy là cứ mỗi tháng chị sẽ trả ngân hàng, 20 năm là hết nợ. Đợi đến lúc đủ tiền, nhà tăng giá sao mua nổi.
Video đang HOT
Kế hoạch đẹp như mơ. Chị mừng lắm, ba mẹ chị mừng lắm, dòng họ chị chia vui, đồng nghiệp chị mừng dùm. Từ nay, chị thoát cảnh nhà trọ nay đây mai đó. Nhưng than ôi! ‘Niềm vui ngắn chẳng tày gang’, vừa dọn vào nhà mới chưa được một tháng, trường không tổ chức dạy thêm nữa. Lương 4 triệu mà trả ngân hàng 5 triệu mỗi tháng. Hôm gặp, mặt chị méo xệch, túi không còn tiền đổ xăng. Chị phải làm sao để giữ căn nhà, để trả tiền ngân hàng mỗi tháng?
Anh bạn khác của mình, hai vợ chồng làm giáo viên. Học, ra trường rồi lấy nhau, trong 5 năm, vợ vừa đi dạy, vừa sinh con, vừa học lên. Chồng dạy ngược xuôi kiếm tiền trả nhà trọ, đóng học phí cao học, mua bỉm, mua sữa, đóng tiền học mẫu giáo cho 2 con. Thỉnh thoảng có học sinh học thêm mỗi tháng mới dư được một ít, gom góp cả năm mới đổi được chiếc xe máy bớt cà tàng cho vợ, mua chiếc tủ sắt thay chiếc tủ vải để nhà trọ thêm tươm tất, mua chiếc nệm tối con nằm đỡ đau lưng.
Cả hai đều đã là thạc sĩ. Phấn đấu học để nâng cao chuyên môn thôi ư? Học phí cao học đâu có rẻ. Giờ không dạy thêm, lương hai vợ chồng chưa đến chục triệu có nuôi nổi hai đứa con thơ ở chốn thị thành?
Đâu đó, bạn và tôi, từng thấy hy hữu trong trăm ngàn giáo viên có một vài người dạy học sinh học thêm đông, rồi mua nhà, rồi giàu có. Bạn biết không, họ phải làm việc cực lực đến tận 9 giờ đêm, không có cuối tuần và phải cực kỳ giỏi học sinh, phụ huynh nơi khác mới biết, mới đến xin học. Tiền họ thu được thế nào cũng có người xỉa xói, lên án. Chẳng lẽ giáo chức phải gắn mãi với chữ nghèo mới trong sạch hay sao?
Bạn và tôi chắc cũng thấy nhiều giáo viên dạy môn xã hội, có ai mà học thêm. Họ hoặc tiết kiệm chi tiêu, làm nghề tay trái, hoặc nhờ chồng, hoặc nương tựa mẹ cha. Cũng sống được hết, cũng qua ngày hết. Họ cũng gắn bó với nghề và mãi hát bài “ước gì” lương cao hơn chút đỉnh để thấy yêu nghề hơn.
Tôi tin rằng, những đồng nghiệp trên của tôi dù có thế nào họ vẫn sống được, vẫn vượt qua. Họ đã xuất thân từ nghèo hoặc quá nghèo mà đi lên. Họ từng “sáng đạp xe 20 cây số” lên giảng đường, tối đạp thêm mấy chục cây số đi dạy kèm, phát tờ rơi, phụ nhà hàng, bán kẹo kéo… Khuya họ tiêu thụ một thùng mì gói trên một tháng thì có khó khăn nào mà họ không vượt qua đâu.
Tôi tin hoặc họ sẽ làm bất cứ công việc nào chân chính khác để tiếp tục gặp học trò. Hoặc quá khó khăn mà đủ kiên quyết, táo bạo hơn, có đồng nghiệp tôi sẽ đổi nghề và chừng vài năm nữa thôi biết đâu họ sẽ cảm ơn ngày hôm nay. Cảm ơn một bước ngoặc giúp họ mạnh dạn thay đổi mà nhờ đó cuộc sống họ tốt hơn, hạnh phúc hơn, giàu có hơn.
Chỉ ước, giá mà lương nghề giáo được cải thiện hơn, giá mà bớt cào bằng, giá mà có chính sách công bằng hơn cho những người thầy tâm huyết, để nếu lỡ không muốn rời xa nghiệp bục giảng cũng sống tử tế được với nghề mà không phải ngậm ngùi, không phải xót xa.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Theo Zing
Đuổi việc nếu dạy thêm: Giáo viên bị đánh đồng như tội phạm
Theo thầy Đức Trung, cấm tất cả giáo viên là đánh đồng giữa sai trái và lẽ phải, người lao động và tội phạm. Song giáo viên Quốc Anh lại ủng hộ việc TP HCM dùng biện pháp mạnh.
Mới đây, Sở GD&ĐT TP HCM cho biết sẽ kỷ luật ở mức cao nhất là đuổi việc, nếu giáo viên trên địa bàn thành phố vi phạm quy định cấm dạy thêm ở nhà trường, cũng như bên ngoài trong năm học 2016-2017. Một lần nữa, thông tin này gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Dạy thêm là quyền được lao động
Thầy Đức Trung - giáo viên tại quận 1, TP HCM - chia sẻ quan điểm: "Giống như việc học, việc dạy thêm cũng là quyền của con người, không thể cấm. Chúng ta đang sống trong xã hội dân chủ, nhưng lại không được làm chủ, cụ thể ở đây là người giáo viên bị động trong lệnh cấm".
Theo nam giáo viên, trước một quyết định lớn và có tầm ảnh hưởng đến ngành Giáo dục thành phố, Sở GD&ĐT, Thành ủy TP HCM nên lấy ý kiến của người dân, ít nhất là những người trong cuộc như giáo viên, phụ huynh và học sinh. Nhưng hiện tại, chúng ta đang thiếu cuộc "đối thoại" này.
Học sinh ôn tập trước kỳ thi. Ảnh: Như Quỳnh.
Là người làm trong ngành Giáo dục, thầy Đức Trung nêu, thực tế có hiện tượng giáo viên ép học sinh đi học thêm bằng cách dùng điểm số, cắt xén chương trình. Vậy lệnh cấm hãy chỉ sử dụng cho những trường hợp trên.
Nếu cấm tất cả giáo viên, Sở GD&ĐT, Thành ủy TP HCM đang cào bằng việc làm sai trái và lẽ phải. Như vậy, một nghề cao quý như giáo viên lại bị coi như tội phạm.
Theo đánh giá của thầy Đức Trung, lệnh cấm dạy thêm, học thêm chỉ là cách giải quyết phần "ngọn", trong khi "gốc" của vấn đề chưa được đề cập. Vấn đề lương bổng, đãi ngộ của người giáo viên đang ở mức thấp. Họ không thể cân bằng thu nhập và sự phát triển của xã hội, nên việc dạy thêm là điều tất yếu.
Thầy Trung đề xuất, vấn đề lương bổng và chế độ cần được xem xét lại để không "cào bằng" giữa những người cống hiến ít và cống hiến nhiều.
Ngoài ra, hiện tại tất cả áp lực đều đổ dồn lên người giáo viên. Về áp lực thành tích, kết quả thi cử với các câu hỏi "Làm sao để đậu đại học?" vẫn được nêu ra từ các cấp quản lý đến phụ huynh, học sinh. Thêm nữa, ngành Giáo dục liên tục đổi mới qua mỗi năm, khiến giáo viên, phụ huynh và học sinh hoang mang.
"Với đề thi và chương trình học hiện tại, chúng ta tự hỏi, có bao nhiêu thí sinh không đi học thêm mà vẫn đỗ đại học với kết quả cao?" - thầy Trung thẳng thắn.
Giáo viên này cho rằng, việc ra đề thi, áp lực thi cử, chương trình sách giáo khoa cần được lồng ghép sao cho việc dạy và học nhẹ nhàng, hiệu quả hơn.
Từ những thực tế trên, thầy giáo trẻ cho rằng, lệnh cấm dạy thêm, học thêm chỉ có tác dụng trong vài năm nữa:
"Đến một lúc nào đó sẽ không còn ai để cấm dạy thêm, học thêm, bởi lượng thí sinh thi vào ngành Sư phạm hay cống hiến cho giáo dục sẽ không còn nhiều. Học sinh cũng có thể lựa chọn một môi trường giáo dục thoải mái, dù tốn kém hơn, đó là việc đi du học".
Cần dùng biện pháp mạnh
Trong một quan điểm khác, thầy Trần Quốc Anh - giáo viên tại Hà Nội - cho rằng: Lãnh đạo Sở GD&ĐT TP HCM khẳng định, cơ quan quản lý không cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình, dù dạy trong hay ngoài trường.
Như vậy, Sở GD&ĐT bản chất không phải "cấm dạy thêm", mà chỉ là "cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình, dưới mọi hình thức". Điều này hoàn toàn đúng.
Lớp học của thầy giáo Trần Quốc Anh. Ảnh: NVCC.
Thứ nhất, những câu chuyện như học sinh đi học thêm thầy cô ở lớp để nâng điểm, biết trước những bài kiểm tra định kỳ, không bị trù úm đã quá phổ biến, trở thành nỗi lo của số đông phụ huynh.
Thứ hai, việc cấm sẽ mang tới môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn, thúc đẩy giáo viên nâng cao năng lực của mình. Để đào tạo ra những học sinh tốt, cần đội ngũ giáo viên giỏi và có tâm. Không thể "ép" học sinh ở lớp đi học thêm. Vậy muốn các em khác tới học, thầy cô sẽ cần nâng cao chuyên môn và cải tiến phương pháp truyền đạt.
"Tôi được biết, tại Hà Nội có rất nhiều trường ép học thêm bằng cách biến tướng theo kiểu cô giáo đọc sẵn mẫu đơn, bắt học sinh chép tay 'Đơn xin sinh hoạt câu lạc bộ', hay 'Đơn xin tự nguyện học thêm' để bố mẹ ký vào. Những vấn nạn này đã có nhiều biện pháp nhẹ nhàng nhưng không mang lại hiệu quả, đã đến lúc dùng phương án mạnh mẽ hơn", thầy giáo nêu quan điểm.
Phía sau lệnh cấm là một cuộc chiến
Cô Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM - lại quan tâm nhiều hơn đến việc ngành Giáo dục cần có nhiều thay đổi để đạt hiệu quả trong cách dạy và học khi thực hiện lệnh cấm này.
Trước tiên đó là khâu ra đề thi, không nên ra theo hướng "thách đấu tri thức" mà phải theo hướng phân loại, đánh giá năng lực của học sinh. Cách ra đề thi này có thể tham khảo theo đề Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Theo nữ giáo viên, phụ huynh và học sinh phải đồng lòng mới có thể thực hiện lệnh cấm dạy thêm, học thêm. Bởi một phần nhức nhối của vấn đề giáo dục cũng do những kỳ vọng của phụ huynh, học sinh vào nền giáo dục quá lớn, tạo nên những gánh nặng và áp lực lên chính các em.
Là giáo viên cấp 3, cô Huyền Thảo nhận định: Học sinh ngày nay còn nhiều hạn chế như khả năng tự học, khai thác và xử lý sách, biến kiến thức từ sách thành của mình, diễn đạt bằng ngôn ngữ của bản thân, khả năng tự xử lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến tri thức và kỹ năng.
Ông Đinh Thế Huynh - thường trực Ban Bí thư - nêu quan điểm: "Đối với việc phụ huynh, học sinh tự nguyện học thêm, không thể cấm được. Đó là quyền của con người. Không như thời chiến tranh, cấm cái rụp là cấm luôn. Bây giờ thời buổi dân chủ như thế này, chỉ cấm làm những việc trái pháp luật".
Theo Zing
'Có chuyện giáo viên lôi kéo dạy thêm nhưng không nhiều' Tại cuộc họp với UBND TP HCM ngày 29/8, ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM - lên tiếng về quy định việc cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Ông Lê Hồng Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố về cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường, Sở GD&ĐT đã có...