Gia Lai – Kon Tum: Vì sao chế độ hỗ trợ bán trú cho học sinh bị cắt?
Hàng nghìn em học sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn ở 2 tỉnh Gia Lai, Kon Tum vừa bị cắt chế độ hỗ trợ bán trú, khiến các em có nguy cơ bỏ học. Ngành giáo dục 2 địa phương này đang loay hoay tìm cách kiếm nguồn kinh phí bù đắp, nâng bước các em đến trường.
Các em học sinh bán trú nhận mì tôm trong ngày cuối tuần. Ảnh: T.T
Phụ huynh góp gạo, rau củ giúp các em
Nghị định 116 của Chính phủ về việc hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số tại các địa bàn khó khăn đã góp phần tích cực trong việc duy trì sĩ số cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông ở vùng sâu. Tuy nhiên, bước vào năm học mới 2021-2022 này, nhiều xã sau khi được đưa ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành tiêu chí Nông thôn mới, thì rất nhiều học sinh không còn được thụ hưởng chính sách này.
Năm học 2021-2022, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có đến 920 em học sinh bị cắt chế độ hỗ trợ bán trú, tập trung chủ yếu ở xã Măng Cành, Pờ Ê và thị trấn Măng Đen.
Tại các địa phương này, có 3 trường Mầm non và 3 trường Tiểu học và THCS, các em học sinh không được hưởng chế độ ăn trưa. Việc cắt chế độ bán trú có nguyên nhân là do các xã đã đạt chỉ tiêu nông thôn mới, thị trấn Măng Đen lên đô thị loại 5.
Video đang HOT
Tuy nhiên, thực tế đời sống người dân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu đất sản xuất, không có việc làm. Lo ngại các em bỏ học giữa chừng, ngành Giáo dục huyện Kon Plông đã vận động phụ huynh học sinh quyên góp gạo, tiền, tùy theo điều kiện tự có của mỗi gia đình để nâng bước các em đến trường.
Đến tháng 9.2021, các phụ huynh ở Kon Plông đã quyên góp hơn 10 triệu đồng, 1 tấn gạo, trên 1.000kg rau củ quả cho các em với mong muốn con em mình cải thiện bữa ăn, ở lại nghỉ ngơi có sức đến trường. Nhờ sự quyên góp này, các nhà trường đã đưa trên 300 em học sinh trở lại thực hiện chế độ bán trú.
Còn tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, theo thống kê năm học mới 2021-2022, toàn huyện có đến 558 học sinh các trường bán trú không còn nhận gạo hỗ trợ.
Ông Phan Danh – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Krong, huyện Kbang cho biết: “Điều này đã gây áp lực không nhỏ đối với các trường phổ thông trên địa bàn trong việc duy trì sĩ số. Bởi thực tế, mức sống và điều kiện của người dân ở các thôn làng vẫn chưa được nâng cao, cải thiện, việc chi trả tiền ăn uống, học tập trở nên quá sức đối với họ. Nhà trường rất lo các em bỏ học giữa chừng”.
Kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ
Theo thầy Danh, năm nào cũng vậy, các thầy cô giáo phải lội bộ vào từng bản làng, thôn buôn ở sâu trong núi rừng Kbang để vận động các em học sinh trở lại lớp. Việc các em bị cắt chế độ, thầy cô giáo lo lắng sẽ khiến các em bỏ học. Như vậy, nỗ lực cố gắng của các thầy cô “gieo” chữ cho các em trong nhiều năm qua sẽ đổ xuống sông xuống biển. Do địa bàn giữa rừng núi, đường đến trường xa xôi, nhiều em học sinh muốn bỏ học để lên nương rẫy phụ cha mẹ mưu sinh.
Năm học mới này, nhiều thầy cô dựa vào mối quan hệ quen biết đi vận động các mạnh thường quân hỗ trợ vật chất, sách giáo khoa cho các em, để các em được đến trường như bao đứa trẻ khác. Việc san sẻ lương thực này không ảnh hưởng nhiều đến các em học sinh khác, nhưng về lâu dài cần một nguồn kinh phí, tài chính ổn định để hỗ trợ.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Duy Định – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai – cho biết: “Toàn huyện Kbang ngắt khoảng 22% số học sinh có chế độ bán trú ở 6 trường học. Tuy nhiên, đơn vị sẽ cho rà soát lại cụ thể từng trường, từng xã.
Theo quy định, nhiều xã đạt tiêu chí Nông thôn mới thì học sinh xã đó sẽ không được hưởng chế độ theo Nghị định 116, nhưng nếu thôn vẫn còn nằm ở vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn) thì học sinh sẽ nhận được hỗ trợ”.
Theo ông Định, đơn vị đang gửi công văn lên Sở Tài chính để xin nguồn kinh phí hỗ trợ các em học sinh, đồng thời vận động các mạnh thường quân để giúp các em có thêm gạo, mì tôm, tiền sinh hoạt giúp các em thuận lợi đến trường theo học con chữ.
Lào Cai dồn lực cho giáo dục vùng cao
Tại các huyện vùng cao Lào Cai, thời điểm này, bên cạnh hỗ trợ đồng bào gặp khó do thiên tai bão lũ, dịch COVID-19 phức tạp, tỉnh còn ban hành một số chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục cùng chính quyền địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn, vận động các gia đình đưa học sinh đến trường đảm bảo tỷ lệ chuyên cần trong năm học mới.
Giảm nguy cơ học sinh bỏ học giữa chừng
Các lớp học tại trường tiểu học thị trấn Sa Pa được trang bị đèn sưởi để giữ ấm cho học sinh. Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN
Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Tại quyết định này, Lào Cai có 64 xã thuộc khu vực I đã hoàn thành nông thôn mới và ước tính sẽ có hàng trăm ngàn trẻ em và học sinh không được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo, giảm học phí. Điều này được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến tỷ lệ học sinh ra lớp trong năm học mới 2021-2022. Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai Nhâm Tiến Đức cho biết, triển khai Quyết định số 861, toàn bộ học sinh của 4 xã (Cán Cấu, Nàn Sán, Sín Chéng, Bản Mế) và thị trấn Si Ma Cai không còn chế độ hỗ trợ, đồng nghĩa với việc ngành Giáo dục địa phương mất đi hơn 12 tỷ đồng/năm chăm lo việc học của các em. Cụ thể, thực hiện Quyết định số 861, học sinh bán trú ở những địa bàn trên không còn được hỗ trợ 569.000 đồng và 15 kg gạo mỗi tháng (theo Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn). Đồng thời, nhiều học sinh không còn trong diện được hỗ trợ học phẩm theo Nghị quyết số 29 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025. Các học sinh mầm non sẽ không còn được hỗ trợ tiền ăn bữa trưa 160 nghìn đồng/học sinh/tháng và nhà trường cũng không được hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho trẻ theo Nghị định 105 năm 2020 của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương, ngoài việc không còn được hỗ trợ gạo, sách giáo khoa, điều lo lắng nhất là năm học tới, học sinh Trung học Cơ sở không thuộc hộ nghèo tại 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện này sẽ không được miễn, giảm 70% học phí như trước. Thay vào đó, mức học phí phải đóng được nâng từ 10.000 đồng lên 60.000 đồng/học sinh/tháng. "Đối với những gia đình có 4-5 con đi học thì đây thực sự là khoản đóng góp không nhỏ", ông Nguyễn Văn Vinh nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của đội ngũ giáo viên vùng cao, có thể nói, trong số các chính sách hỗ trợ giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai trên địa bàn Lào Cai thời gian qua, chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/N-CP của Chính phủ mang lại hiệu quả rõ rệt nhất. Nhờ có chính sách hỗ trợ này, hàng trăm nghìn học sinh vùng khó khăn ở Lào Cai đã yên tâm học tập; việc duy trì sĩ số, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên. Không chỉ học sinh mà cả phụ huynh yên tâm khi cho con đi học, ăn, ở tại trường. Do đó, không khó hiểu khi có nhiều người lo ngại nếu không có nguồn lực giải quyết khó khăn, nguy cơ học sinh bỏ học giữa chừng có thể xảy ra.
Dồn lực "gỡ khó"
Giữa lúc khó khăn bủa vây đến từ nhiều phía, tin vui đã đến với các trường học vùng cao Lào Cai khi mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai vừa ra Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND về việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho học sinh các xã khu vực II, khu vực III hoàn thành nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, học sinh, trẻ mầm non tại các xã khu vực II và III dù đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới trên địa bàn Lào Cai vẫn được hưởng các chính sách đặc thù như: hỗ trợ tiền ăn bằng 20% mức lương cơ sở/học sinh/tháng; hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 160.000 đồng/trẻ em/tháng cho trẻ nhà trẻ từ 24 - 36 tháng tuổi cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập...
Việc ban hành nghị quyết trên được coi là cơ sở để các xã duy trì và nâng cao tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới bởi trên thực tế, mặc dù đã đạt nông thôn mới song các tiêu chí đạt chuẩn chỉ ở mức thấp, đời sống người dân còn khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ. Mặc dù thời gian hưởng hỗ trợ quy định trong nghị quyết này không quá 9 tháng trong một năm học và chỉ hỗ trợ trong năm học 2021-2022 nhưng theo đánh giá của những người làm giáo dục vùng cao Lào Cai, điều này đã thể hiện sự quan tâm chia sẻ của tỉnh trước những khó khăn của người dân trong vấn đề giáo dục, đặc biệt ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, với nhiều giải pháp cụ thể, ngành Giáo dục và các địa phương đang từng bước tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tỷ lệ học sinh ra lớp trong năm học 2021 - 2022. Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai cho biết, nghị quyết mới được thông qua đã "gỡ khó" một phần cho giáo dục vùng cao trong vấn đề hỗ trợ kinh phí ăn bán trú. Các vấn đề liên quan đến gạo, học phí... vẫn là một trở ngại đối với nhiều gia đình có con em đi học ở địa phương. Giải pháp bước đầu, trong năm học mới, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, các xã bị ảnh hưởng có thể quay trở lại mô hình trường học bán trú dân nuôi (phụ huynh đóng góp gạo, thực phẩm) để duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần. Về vấn đề sách giáo khoa, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo các trường khẩn trương rà soát, liên hệ với phụ huynh đăng ký nhu cầu mua sách giáo khoa cho con, đặc biệt với lớp 2 và lớp 6, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa trong đầu năm học mới.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương cho biết, Mường Khương sẽ làm việc với 6 xã, thị trấn để bàn giải pháp an sinh xã hội, trong đó có công tác giáo dục. Với tác động của Quyết định 861, việc sẽ có một số học sinh thôi học là điều có thể lường trước. Do đó, ngành Giáo dục địa phương và chính quyền các cấp huyện Mường Khương đang nỗ lực vận động tuyên truyền người dân khắc phục khó khăn cho con em đến trường, không bỏ dở việc học. "Mục tiêu của chúng tôi đặt ra là cố gắng không để em nào bị thất học hoặc không có sách giáo khoa và thiếu đồ dùng học tập khi đến trường", ông Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.
Thầy và trò Kon Tum hạnh phúc khi "điều ước" thành hiện thực Những món quà hỗ trợ từ trung ương trong thời gian qua đã giúp thầy và trò vơi bớt khó khăn. Bữa cơm của học trò vùng khó cũng đủ đầy hơn, nhờ vậy sĩ số và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Các em học sinh tại điểm trường Tiểu học cụm Đăk Ka hạnh phúc khi nhận được...