Dùng thuốc và điều trị chấn thương dây chằng chéo trước
Chấn thương dây chằng chéo trước là tình trạng dây chằng bị đứt một phần hoặc toàn bộ do thay đổi chuyển động đột ngột, vấp hoặc ngã làm dây chằng chéo bị căng.
Dây chằng chéo trước (Anterior cruciate ligament – ACL) có nhiệm vụ kết nối xương đùi và xương ống chân, giữ các xương trong đầu gối được ổn định, không bị xô lệch…
Khi dây chằng chéo bị đứt, người bệnh có thể (hoặc không) nghe thấy âm thanh “lục cục”, thậm chí là tiếng “rắc” ở đầu gối. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, sưng tấy quanh đầu gối, đi lại, di chuyển khó khăn. Đây là một trong những chấn thương thường gặp nhất trong thể thao, đặc biệt là đối với cầu thủ bóng đá.
1. Phương pháp điều trị chấn thương dây chằng chéo trước
Nếu chỉ bị rách dây chằng chéo trước nhẹ, các triệu chứng không quá nghiêm trọng thì sau 2 – 3 tuần sẽ tự hết. Tuy nhiên, nếu bị nặng mà không điều trị thì sẽ tiềm ẩn biến chứng tổn thương sụn chêm thứ phát, tổn thương sụn khớp, teo cơ đùi… Do đó, người bệnh không nên chủ quan, bỏ qua việc thăm khám và điều trị để tránh ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp gối.
Các phương pháp điều trị chấn thương dây chằng chéo trước bao gồm:
1.1. Chườm lạnh, nghỉ ngơi
Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bị đứt dây chằng chéo trước cùng cảm giác đau khó chịu, người bệnh có thể chườm lạnh để giảm đau. Trong và sau khi chườm, nên nằm nghỉ ngơi, tránh vận động.
Có thể băng ép đầu gối nhẹ nhàng bằng băng thun chuyên dụng để hạn chế sưng và giảm viêm tại khu vực có chấn thương. Đến khi cảm giác đau thuyên giảm nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị.
1.2. Dùng thuốc giảm đau
Sau khi thăm khám và thực hiện các chỉ định cần thiết như chụp X-quang, chụp MRI, siêu âm, nội soi, bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị phù hợp. Một số trường hợp sau có thể không cần phẫu thuật:
Đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, khớp gối còn vững.
Đứt dây chằng chéo trước ở bệnh nhân lớn tuổi.
Đứt dây chằng chéo trước ở trẻ em còn sụn tăng trưởng.
Nếu bị đau nhiều, đầu gối sưng nề thì dùng thuốc giảm đau, chống viêm. Paracetamol là lựa chọn phổ biến trong những ngày đầu vì có hiệu quả giảm đau tốt mà không làm tăng khả năng bị chảy máu. Sau khoảng 1-2 ngày, các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) được cân nhắc sử dụng để làm giảm phản ứng viêm cũng như đau.
Tuy nhiên, các thuốc chống viêm NSAID có thể gây tác dụng phụ loét dạ dày, suy thận, chảy máu… đặc biệt nếu lạm dụng. Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị chảy máu dạ dày do dùng các loại thuốc này.
Video đang HOT
Paracetamol khi dùng quá liều (>10g) gây tổn thương, hoại tử tế bào gan, rất nguy hiểm. Do đó, uống thuốc đúng liều lượng, tránh lạm dụng thuốc, không tự ý tăng liều khi thấy triệu chứng không cải thiện.
Trường hợp cơn đau quá nghiêm trọng có thể thay thế thuốc đường uống bằng cách tiêm steroid trực tiếp vào đầu gối theo chỉ định của bác sĩ.
Chấn thương dây chằng chéo trước xảy ra do thay đổi chuyển động đột ngột, vấp hoặc ngã làm dây chằng chéo bị căng.
1.3. Phẫu thuật
Phương pháp điều trị này thường được áp dụng cho người bị đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn, thường là các vận động viên hoặc người trẻ tuổi. Mục đích của phẫu thuật là khôi phục chức năng của khớp gối, đồng thời phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra sau khi dây chằng chéo trước bị đứt.
Đối với trường hợp bị đứt dây chằng chéo trước không hoàn toàn nhưng dây chằng trở nên yếu ớt, không thể đảm bảo sự liên kết tại khớp gối, bác sĩ cũng có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
1.4. Vật lý trị liệu
Ngoài phẫu thuật, điều trị đứt dây chằng chéo bằng vật lý trị liệu cũng được đánh giá cao. Người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập giúp khôi phục chức năng của khớp gối, cải thiện vận động và phòng tránh hiện tượng teo cơ đùi. Những bài tập này có thể được thực hiện tại cơ sở y tế hoặc tại nhà, người bệnh có thể tập với kỹ thuật viên trong thời gian đầu, sau đó là tự tập.
2. Lưu ý trong quá trình điều trị
Thời gian phục hồi sau chấn thương dây chằng chéo nhanh hay chậm tùy thuộc vào mức độ tổn thương của mỗi người bệnh.
Đối với những trường hợp không phẫu thuật, sau khoảng 3 tháng dây chằng bị rách sẽ liền mạch trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế thì dây chằng không thể tự lành, mà nó sẽ tạo thành mô xơ để sửa chữa tổn thương. Do đó, tuy không rách nhưng độ căng của dây chằng không còn như ban đầu, dẫn đến chức năng của chúng cũng bị ảnh hưởng.
Đối với trường hợp đã phẫu thuật, sau khi mổ tái tạo dây chằng chéo trước có thể phải mất từ 7-9 tháng mới có thể hồi phục hoàn toàn và sẵn sàng cho các hoạt động như trước đây.
Để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như mau chóng hồi phục sau khi gặp chấn thương dây chằng chéo trước, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thời gian đầu, tạm thời không chơi thể thao hay vận động mạnh mà hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng.
Khi nằm thì nên kê chân ở vị trí cao một chút.
Khi đi lại thì nên nhờ đến sự hỗ trợ của nạng để tránh cho trọng lượng gây áp lực lên đầu gối; hoặc đeo nẹp để hỗ trợ và ổn định đầu gối.
Nếu bị đứt dây chằng chéo trước và điều trị bằng phẫu thuật thì sau khi mổ, nên theo dõi sát sao vết thương. Sau 3 – 4 ngày mổ thì có thể đi tắm nhưng không để vết thương bị dính nước. Nếu vết thương bị sưng đau, cần báo bác sĩ để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn sau mổ.
Thường xuyên thực hiện các bài tập vật lý trị liệu một cách nhẹ nhàng và đúng kỹ thuật để để tăng cường sức mạnh của cơ bắp và phục hồi phạm vi chuyển động.
Đứt dây chằng chéo của gối có biểu hiện như thế nào?
Theo thống kê, có khoảng 70% chấn thương thể thao, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt... liên quan đến khớp gối, phổ biến nhất là chấn thương dây chằng đầu gối.
Nếu không được chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời và triệt để, bệnh nhân có nguy cơ suy giảm khả năng vận động và tái phát chấn thương.
Các xương cấu tạo đầu gối sẽ được kết nối với nhau nhờ hệ thống dây chằng chính gồm:
Dây chằng chéo trước: nằm ở trung tâm của đầu gối, có chức năng điều khiển chuyển động quay và chuyển động về phía trước của xương chày (xương cẳng chân).
Dây chằng chéo sau: nằm ở phía sau đầu gối, điều khiển chuyển động ra sau của xương chày.
Dây chằng giữa gối: kéo dài từ mặt trong của đầu trên xương chày lên mặt trong của đầu dưới xương đùi, giúp giữ ổn định cho đầu gối bên trong.
Dây chằng bên ngoài: là dây chằng nằm bên ngoài đầu gối tạo thành một góc hẹp ở phía sau, giữ ổn định mặt ngoài đầu gối.
Nguyên nhân gây đứt dây chằng chéo của gối
Có nhiều nguyên nhân trong đó hay gặp là chấn thương trực tiếp vào gối bằng một lực mạnh do: Tai nạn, tập luyện, thể thao, giao thông và sinh hoạt.
Chấn thương gián tiếp là loại hay gặp nhất, xảy ra trong các trường hợp: Khi đang chạy mà dừng lại hoặc chuyển hướng đột ngột khi bàn chân vẫn giữ nguyên dẫn đến đứt dây chằng chéo của gối; do chấn thương trong khi chơi thể thao như chân bị xoắn vặn đột ngột trong khi đang chạy, bàn chân bị cố định đột ngột do sa chân xuống hố; hoặc bị người khác dẫm vào (đá bóng) hoặc người chơi xoay người chuyển hướng quá nhanh (tennis), hoặc do nhảy cao rồi rơi xuống tiếp đất trong tư thế chân không thuận hoặc trụ chân không chuẩn (bóng chuyền, bóng rổ).
Chấn thương có 3 mức độ phân loại:
Độ 1: Dây chằng bị tổn thương mức độ nhẹ (còn gọi là bong gân đầu gối), khớp gối vẫn được giữ ổn định.
Độ 2: Dây chằng đứt một phần (tổn thương mức độ trung bình), khớp gối bắt đầu có dấu hiệu lỏng lẻo.
Độ 3: Dây chằng dầu gối bị đứt hoàn toàn (tổn thương mức độ nặng), khớp gối không còn ổn định mà trở nên lỏng lẻo.
Bệnh nhân vẫn có thể đi lại sau khi chấn thương dây chằng, tuy nhiên các cơn đau sẽ tồi tệ hơn sau vài ngày. Nếu không được phát hiện và có phương pháp điều trị phù hợp có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn.
Bệnh nhân vẫn có thể đi lại sau đi lại sau khi chấn thương dây chằng, tuy nhiên các cơn đau sẽ tồi tệ hơn sau vài ngày.
Biểu hiện đứt dây chằng chéo của gối
Nhiều bệnh nhân có thể nghe hoặc cảm nhận thấy tiếng "rắc" ở gối ngay sau chấn thương, sau đó là đau và sưng nề khớp gối.
Một thời gian sau khi hết đau và sưng nề khớp gối, người bệnh có thể đi lại bình thường nhưng sẽ thấy lỏng gối, thể hiện bởi những triệu chứng chân yếu hoặc không thật chân khi đi lại. Không thể đi bộ nhanh được, nhất là trên mặt đường không bằng phẳng, thỉnh thoảng đang đi bị trẹo gối.
Đi lên đi xuống cầu thang khó khăn, cảm giác rất sợ khi phải đặt chân bị chấn thương xuống trước. Nếu cố gắng chơi thể thao trở lại, người bệnh không thể hoặc rất khó để trụ bên chân chấn thương, không thể chạy nhanh hoặc chạy theo hình chữ chi, đôi khi đang chạy người bệnh tự ngã mặc dù không có va chạm.
Những trường hợp người bệnh chủ quan, xem nhẹ các triệu chứng sau chấn thương mà không điều trị, hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn đến teo cơ, gây teo đùi.
Đứt dây chằng chéo để lâu, người bệnh không thể thực hiện được các động tác phức tạp trong sinh hoạt cũng như các hoạt động thể dục thể thao, suy giảm chất lượng cuộc sống.
Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng bất thường ở đầu gối, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết góp phần cho việc chẩn đoán tình trạng bệnh chính xác, từ đó có hướng điều trị phù hợp nhất.
Điều trị đứt dây chằng chéo của gối
Người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn, tránh tự điều trị bằng các phương pháp như: đắp lá, bẻ gối,.....
Điều trị dây chằng chéo trước bao gồm phương pháp không phẫu thuật và phẫu thuật. Lựa chọn phương pháp nào cần xem xét nhiều yếu tố như: Mức độ tổn thương, nhu cầu hoạt động,...
Điều trị bảo tồn được chỉ định cho các trường hợp đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, khớp gối còn vững. Đứt dây chằng chéo trước ở bệnh nhân lớn tuổi. Đứt dây chằng chéo trước ở trẻ em còn sụn tăng trưởng.
Chỉ định phẫu thuật khi người bệnh có nhu cầu vận động khớp gối, tránh các nguy cơ thoái hóa khớp sau này. Có nhiều phương pháp phẫu thuật đã được ứng dụng trong phẫu thuật điều trị đứt dây chằng chéo, trong đó phương pháp phẫu thuật nội soi với các ưu điểm: vết mổ nhỏ, giúp phẫu thuật viên quan sát được toàn bộ các thành phần trong khớp gối, ít đau sau mổ,..... đã trở thành phương pháp được lựa chọn trong hầu hết các trường hợp tổn thương dây chằng chéo.
Tóm lại: Đứt dây chằng là một trong những tổn thương thường gặp, có thể xảy ra do chấn thương thể thao, tai nạn giao thông, té ngã trong sinh hoạt hàng ngày... Nhiều người bị đứt dây chằng chéo cho biết nghe thấy tiếng lục cục ở đầu gối chấn thương. Tuy nhiên, không phải tất cả những người bị đứt dây chằng đều có hiện tượng này, một số triệu chứng khác phổ biến hơn như: Cơn đau xuất hiện dọc theo dây chằng khớp gối; Sưng tấy khi bị chấn thương; Vận động khó khăn nhất là động tác gập đầu gối như bình thường,... cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Bài tập cho người bệnh loét dạ dày tá tràng Để phòng ngừa và giảm triệu chứng của loét dạ dày tá tràng, ngoài việc duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt và làm việc khoa học thì tập luyện các bài tập thể dục cũng rất quan trọng. Việc thực hiện một số bài tập giúp hỗ trợ điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe. 1. Vai trò của tập luyện...