Du lịch miền Tây, sao có thể ‘ngó lơ’ 5 loại trái cây đặc sản sông nước miệt vườn
Vựa trái cây Đồng Bằng Sông Cửu Long nổi tiếng nhiều loại trái cây đặc sản được du khách gần xa yêu thích. Đó là vú sữa, dừa sáp, thốt nốt, quýt hồng và bưởi năm roi.
Nếu như người Bình Dương có món vú sữa tím được nhiều yêu thích thì người Tiền Giang tự hào với vú sữa Lò Rèn – loại trái cây dân dã, bình dị mà thấm đẫm vị ngọt đậm đà, chất phác như người miền Tây.
Vú sữa Lò Rèn là một trong những loại trái cây đặc sản của miền đất “chín rồng”, được trồng nhiều ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Đây là một vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời, thích hợp trồng các loại cây ăn trái, đặc biệt là vú sữa.
Vú sữa Lò Rèn là loài trái thơm ngon nức tiếng của người Vĩnh Kim, Tiền Giang. Ảnh: traicaydungmap.blogspot.com
Vú sữa Vĩnh Kim có đặc điểm là trái to tròn, khi còn sống có vỏ màu xanh nhạt ánh tím rất bóng.. Khi vú sữa chín sẽ dần chuyển sang màu tím nhạt hoặc nâu tím có ánh xanh lục. Một trái vú sữa khi phát triển cực đại có thể to hơn cả một cái chén ăn cơm, vỏ căng bóng, nhìn thôi đã thấy hấp dẫn.
Vú sữa khi chín có màu tím, vỏ bóng đẹp mắt. Ảnh: caygiong365.com
Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có vị thơm nhẹ, mềm và ngọt lịm, thanh mát. Vị ngọt của vú sữa không phải ngọt gắt nên khi ăn không bị ngán. Mỗi người có thể thưởng thức 2 – 3 trái vú sữa cùng lúc. Nhờ hương vị thơm ngon khó cưỡng mà vú sữa Lò Rèn luôn có mặt trong danh sách các loại trái cây ngon của người miền Tây. Không chỉ được yêu thích tại Việt Nam, vú sữa Lò Rèn còn được xuất khẩu sang nước ngoài, trở thành niềm tự hào lớn của người Tiền Giang.
Bưởi Năm Roi
Rời Tiền Giang, mời bạn cùng đến đất Vĩnh Long để thưởng thức món bưởi năm roi. Đây cũng là một loại trái cây đặc sản của người miền Tây, nổi tiếng với vị chua thanh, ngọt dịu. Loại bưởi này được trồng nhiều nhất ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước.
Bưởi năm roi được trồng nhiều nhất ở Bình Minh, Vĩnh Long. Ảnh: tuhaoviet.vn
Trên thực tế, không chỉ có miệt Bình Minh – Vĩnh Long mới trồng được giống bưởi thơm ngon, nức tiếng này. Thế nhưng điều thú vị là bưởi năm roi ở đây được trồng trong điều kiện đất đai, thời tiết thuận lợi nên chất lượng vượt trội hơn. Đặc biệt là bưởi ít hạt và gần như không có hạt. Còn nếu trồng loại trái cây ngon này ở những vùng đất khác không phù hợp, bưởi cũng sẽ cho trái bình thường nhưng hạt nhiều hơn, vị ngon ngọt, thanh mát không đạt được tối đa.
Video đang HOT
Múi bưởi năm roi chính hiệu có màu vàng nhạt óng ánh, ít hạt. Ảnh: traicayxuatkhau.com
Người Bình Minh hướng dẫn cách phân biệt bưởi năm roi với các loại bưởi khác thế này. Bưởi năm roi có hình dáng như quả lê, tức là phần cuống bưởi hơi nhỏ và dần phình to ra ở phía dưới. Một trái bưởi già và chín có trọng lượng từ 1,2 – 1,4 kg, vỏ mỏng và ruột bưởi hơi vàng nhạt, thịt mềm và múi bưởi căng mọng. Đặc biệt, trái bưởi năm roi để càng lâu ăn sẽ càng ngon hơn.
Nếu bạn có du lịch miền Tây và về Trà Vinh, đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức món dừa sáp nức tiếng của tỉnh này. Khi nhắc đến dừa, nhiều bạn sẽ nghĩ đến Bến Tre. Tuy nhiên, Trà Vinh mới là xứ sở của loại dừa sáp thơm ngon, béo ngậy và nhiều dinh dưỡng. Nổi tiếng nhất chính là dừa sáp ở huyện Cầu Kè.
Dừa sáp là loại trái cây nổi tiếng của người dân huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: aloduasap.com
Loại trái cây đặc sản này là một giống dừa sáp hẳn hoi. Tuy nhiên, không phải cây dừa sáp chính hiệu nào cũng cho ra toàn bộ trái dừa sáp. Người trồng dừa ở Trà Vinh cho biết, mỗi buồng dừa cho 2 – 3 trái dừa sáp là “ngon lành” rồi. Đó là lý do mà loại dừa này có giá thành đắt đỏ, từ 150.000 – 200.000 đồng/trái. Điều đặc biệt là dừa sáp không dễ phân biệt với dừa thường. Chỉ có người trồng dừa lâu năm, nhiều kinh nghiệm mới “nhìn ra” đâu là trái dừa sáp. Thông thường, người nông dân sẽ dựa vào lượng nước trong trái dừa. Nếu như trái nào lắc nghe tiếng kêu nhỏ, không trong trẻo thì khả năng cao là dừa sáp.
Bạn có thể thưởng thức cơm dừa tươi hoặc làm sinh tố tùy thích. Ảnh: raovat.net
Cổ nhân có câu “tiền nào của nấy” và điều này đúng 100% với loại trái cây ngon nức tiếng của người Trà Vinh. Trái dừa sáp sau khoảng 10 tháng tuổi sẽ ngon nhất, phần cơm dừa dày, trắng và mềm, ngọt với vị béo vừa phải. Khác với các loại dừa thông thường, trái dừa sáp gần như không có nước mà phần cơm dừa phát triển thành một lớp xôm xốm, hút gần hết nước bên trong.
Trái dừa sáp Cầu Kè có thể được ăn trực tiếp bằng cách dùng muỗng nạo, thưởng thức vị ngọt thanh và chút béo của lớp cơm dừa sáp sáp trong miệng. Cầu kỳ hơn, bạn cũng có thể cho thêm ít đường, sữa và đá bào để làm món sinh tố dừa ngon hảo hạng.
Rời xứ sở dừa sáp, bạn có thể về vùng Bảy Núi ở An Giang để thưởng thức món thốt nốt. Đây là một loại trái cây ngon nức tiếng của người An Giang, được du khách gần xa đem lòng yêu thích. Dọc đường về vùng đất này, bạn sẽ phát hiện ra có rất nhiều nơi trồng một loại cây có thân giống cây dừa nhưng phần lá lại giống cây cọ. Sự kết hợp độc đáo ấy chính là cây thốt nốt.
Thốt nốt là loài cây biểu tượng của người An Giang. Ảnh: news.zing.vn
Với người An Giang, loại trái cây đặc sản này không chỉ để ăn mà đây còn là người bạn. Gần như mọi bộ phận của cây thốt nốt đều dùng được. Nước của thốt nốt dùng làm đường, phần cơm thốt nốt dùng để ăn tươi. Còn các bộ phận khác như thân, lá,… dùng để lợp nhà, rất tiện dụng cho người dân địa phương.
Có một điều thú vị mà nhiều người dễ nhầm lẫn rằng nước thốt nốt được lấy từ trái giống như trái dừa. Tuy nhiên, thực tế người dân lấy nước thốt nốt từ hoa bằng cách buộc một ống nhỏ vào đầu của mỗi cụm hoa và nối ống này vào một bình chứa to hơn.
Trái thốt nốt có thể uống nước, ăn phần ruột bên trong, vừa mát, vừa bổ dưỡng. Ảnh: thitruongsi.com
Có dịp du lịch miền Tây và về đất An Giang, bạn đừng quên thưởng thức một ly nước thốt nốt tươi mát, vị ngọt thanh và có mùi thơm dễ chịu. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua đường, bánh bò được làm từ thốt nốt về làm quà cho người thân, bạn bè.
Cứ mỗi độ cuối năm, người dân các tỉnh miền Tây lại về Đồng Tháp để tham quan làng trồng quýt hồng Lai Vung. Đây là một loại trái cây ngon mà người khó tính nhất cũng khó lòng từ chối.
Cận tết là thời điểm quýt hồng Lai Vung nở rộ. Ảnh: vi.wikipedia.org
Quýt hồng Lai Vung là loại quýt có vỏ mỏng, khi chín vỏ ngoài chuyển thành màu cam rực rỡ, đẹp mắt. Loại quýt này còn có tên gọi khác là quýt Tiều Son. Tuy nhiên, vì được trồng nhiều ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nên người dân cứ gọi quýt hồng Lai Vung cho dễ nhớ.
Huyện Lai Vung là một vùng đất màu mỡ, được phù sa bồi đắp quanh năm nên đất đai ở đât rất tốt. Trên địa bàn huyện có khoảng 2000 ha diện tích trồng quýt, cung cấp cho thị trường khoảng 40.000 tấn quýt phục vụ dịp tết Nguyên đán hàng năm.
Khi chín, trái quýt có vỏ màu cam rực rỡ, bắt mắt. Ảnh: dulichtoday.vn
Khoảng 1 tháng trước tết, loại trái cây đặc sản này bắt đầu chín rộ. Và song song với việc thu hoạch bán tết, người Đồng Tháp cũng mở cửa vườn quýt để du khách được tham quan, chụp ảnh. Những chùm quýt màu cam rực rỡ sai trái, nằm lúc lỉu trên cành, đan xen với những tán lá xanh mướt, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp dưới ánh nắng của ngày cuối năm.
Đến với Lai Vung vào thời điểm này, ngoài tham quan, chụp ảnh, bạn còn có thể mua quýt tại vườn về làm quà. Trái quýt hồng Lai Vung chính gốc khi chín mọng có vỏ căng, mùi thơm tinh dầu dễ chịu. Đặc biệt, trái quýt hồng này rất ít hạt, khi ăn có vị chua ngọt, thanh mát, ăn đến đâu là “ghiền” đến đó. Trung bình, giá quýt hồng dao động từ 30.000 – 50.000 đồng/kg.
Loại quýt đẹp bên ngoài, ngon bên trong này chứa nhiều vitamin C, tốt cho sức khỏe. Ảnh: didauvui.com
Với địa thế đồng bằng, đất đai màu mỡ, miền Tây Nam Bộ trở thành vựa trái cây lớn nhất cả nước với nhiều loại trái ngon nức tiếng. Nếu có dịp du lịch miền Tây và đến Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp hay An Giang, đừng quên thưởng thức các loại trái ngon như dừa sáp, vú sữa, bưởi năm roi, quýt hồng và thốt nốt. Ngoài dừa sáp, thốt nốt và bưởi năm roi có trái quanh năm thì vú sữa và quýt hồng phải đến mùa mới có. Vì thế, bạn nên tham khảo trước để sắp xếp kế hoạch đi chơi cho phù hợp nhất.
Theo Thể Thao Việt Nam
Đặc sản núi xuống phố
Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các loại trái cây đặc trưng, nông sản sạch của người dân thành thị, nhiều hộ dân vùng Bảy Núi đã nhạy bén mở hướng đi mới nhằm đưa các mặt hàng này xuống phố thị, góp phần nâng cao thu nhập, đồng thời giới thiệu "đặc sản" xứ núi đến đông đảo người tiêu dùng.
Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù ở vùng Bảy Núi góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú và những hương vị đặc trưng thơm ngon, lạ miệng, của các loại cây trái, nông sản nổi tiếng như: trái thốt nốt, trái trâm, sầu riêng, bơ, cây chúc, các loại rau rừng... Chính các yếu tố này giúp cho đặc sản của vùng Bảy Núi được du khách gần xa biết đến, săn đón và ngày càng xuất hiện nhiều hơn, điều này đã mở ra tín hiệu lạc quan trong việc nâng cao chuỗi giá trị cho cây trồng của người dân xứ núi.
Điển hình như cây thốt nốt, loại cây nổi tiếng nhất vùng Bảy Núi, trước kia chỉ đơn giản sử dụng để lấy nước làm đường thốt nốt và bán trái tươi, nhưng nay đã có nhiều sản phẩm độc đáo từ thốt nốt, như: nước thốt nốt, đường thốt nốt, mứt, chè, bánh bò, rượu, đũa, chén, thạch thốt nốt... được nhiều người biết đến và có mặt trong các siêu thị lớn.
Cây chúc là loại đặc sản ở vùng Bảy Núi. Trước đây, cây chúc rất quý vì nó chỉ còn tồn tại một số ít phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Chính vì mùi thơm độc đáo của lá chúc và trái chúc, nhiều chuyên gia ẩm thực đã tìm tòi và sử dụng nó như một gia vị đặc biệt để chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, hấp dẫn như: cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc... Hiện nay, trái chúc và lá chúc không chỉ có ở vùng Bảy Núi mà đã xuất hiện nhiều trong các món ăn, các chợ lớn nhỏ từ thành thị đến nông thôn. Hay, trái hồng quân từ loài cây hoang dã, không có giá trị kinh tế nên nhiều người phá bỏ cây hồng quân để trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn, như: xoài, điều, vú sữa, mãng cầu... Bây giờ, trái hồng quân Bảy Núi đã trở thành loại trái cây đặc sản được du khách gần xa săn tìm và tiêu thụ mạnh ở nhiều nơi. "Đến mùa, tôi hái trái hồng quân bán trước nhà, rất nhiều du khách ở TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... ghé mua và xin số điện thoại để đến mùa tiếp theo đặt hàng trái chín" - bà Huỳnh Yến Linh (xã Thới Sơn, Tịnh Biên) chia sẻ.
Anh Chau Sam gánh hàng nông sản núi xuống phố bán
Tất cả những mặt hàng nông sản này được các hộ dân vùng Bảy Núi trồng xen canh dưới tán rừng, hoặc đất vườn nhà, sinh trưởng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng các loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo yếu tố "sạch". Cộng thêm việc, thời gian gần đây, khi người tiêu dùng ở khu vực thành thị đang có xu hướng chuộng sử dụng các sản phẩm "sạch", nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và gia đình. Nắm bắt được nhu cầu này nên nhiều hộ dân người Khmer đã nghĩ ra cách gánh nông sản đến tận các chợ thị trấn, thành phố để bán, nhằm kiếm thêm thu nhập.
Tại TP. Châu Đốc gần 10 giờ sáng, gánh hàng của bà Neáng Sa (Tịnh Biên) chỉ còn một ít trái su, mãng cầu ta và me sống. Bà Neáng Sa cho biết: "Hôm nay là ngày bán đắt nên sẽ về sớm. Trước đây, tôi thường gánh hàng ra chợ Tịnh Biên bán, dần dần "mở rộng thị trường" gánh đi đến Châu Đốc bán. Có bữa chưa đến Châu Đốc đã hết hàng". Ngày nào cũng vậy, anh Chau Sam (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) cũng gánh đầy đặc sản của các nông dân xứ núi theo các chuyến xe buýt đến chợ Trà Ôn (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên) để bán hàng. Chủ yếu là đặc sản theo mùa ở vùng Bảy Núi, như: đường thốt nốt, măng tre, me dốt, đậu phộng, trái su, vú sữa, xoài, mãng cầu... tuy phải đi xa nhưng bán rất đắt hàng, trung bình 1 buổi đi bán anh Chau Sam thu nhập khoảng 200.000 đồng. "Sáng khoảng 4-5 giờ thức dậy, đi gom hàng hóa bán trong ngày, xong xuôi đón xe buýt sớm cho kịp chợ sáng. Hôm nào bán đắt thì khoảng 12 giờ trưa là hết hàng. Hôm nào chợ ít khách thì gánh dọc theo đường lộ bán, khi nào hết hàng thì về" - anh Chau Sam cho biết.
Chị Nguyễn Thị Thoa (thị trấn An Châu, Châu Thành) chia sẻ: "Tôi thường hay đón các gánh hàng đặc sản của người Khmer gánh đi bán ngang nhà, bởi vì các loại rau, củ, trái cây vừa tươi ngon, vừa rẻ so với ngoài chợ và không sợ thực phẩm nhiễm hóa chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Hơn nữa lại được thưởng thức đặc sản Bảy Núi theo mùa mà không cần phải đi xa".
Theo Baoangiang
Sinh tố bơ Đặc sản miền đất lạnh Đà Lạt Đà Lạt - Lâm Đồng được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn đới mát mẻ quanh năm, rất thích hợp để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao trong đó có cây bơ. Quả bơ đã trở thành một loại trái cây đặc sản của vùng đất Tây Nguyên nói chung và Đà Lạt - Lâm Đồng...