Du lịch Đà Nẵng thưởng thức gỏi cá Nam Ô
Nam Ô là một làng chài nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân, thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, nơi từng nổi tiếng với nghề làm nước mắm đã có truyền thống lâu đời và còn được biết đến với món gỏi cá đã thành thương hiệu ẩm thực dân gian.
Gỏi cá Nam Ô đã trở thành một trải nghiệm ẩm thực không thể bỏ qua đối với du khách phương xa khi đến với thành phố biển Đà Nẵng. Do được chế biến từ cá sống mới đánh bắt, còn tươi rói nên phải ăn đặc sản này ngay tại Nam Ô mới đúng điệu.
Để chế biến món ăn, có thể dùng nhiều loại cá: cá mòi, cá trích, cá tớp, cá cơm… nhưng theo những đầu bếp có kinh nghiệm thì thích hợp nhất là cá trích. Cá trích sống gần bờ, thường được đánh bắt vào buổi sáng sớm nên còn gọi là cá trích mai.
Thịt cá tươi ngon, có vị ngọt, săn chắc, trừ những ngày biển động còn thì lúc nào cũng sẵn có nên là nguồn nguyên liệu dồi dào cho món gỏi.
Chọn những con cỡ lớn hơn ngón tay, cắt đầu, đuôi, bụng, khi rửa thêm chút muối và giấm vào nước để khử mùi tanh. Lóc bỏ xương, tách đôi thân cá, cắt thành từng miếng nhỏ, ép ráo nước rồi ướp gia vị cho thấm, đặc biệt không thể thiếu nước mắm Nam Ô nguyên chất.
Nước cốt ép cá được giữ lại để chế biến nước chấm, đây cũng chính là yếu tố quan trọng làm nên hương vị đặc trưng của gỏi cá Nam Ô.
Video đang HOT
Cá đã được trộn với thính, đậu phộng, mè rang, bánh tráng bóp vụn…
Gỏi cá Nam Ô có hai loại: khô và ướt. Gỏi khô thường dành cho những thực khách mới thưởng thức món này lần đầu, còn với người đã sành ăn thì gỏi cá ướt đậm đà hơn.
Gia vị để ướp cá là gừng, riềng, tỏi băm nhuyễn và thính. Với gỏi khô, cá đã ép ráo nước được cho vào hỗn hợp gừng, riềng, tỏi, ớt hiểm giã nhuyễn cùng chanh, giấm gạo rồi trộn đều khoảng 10 phút cho ngấm rồi vớt cá ra cho lên đĩa.
Rắc thính và lăn cá cho thính bám đều – thính được cho là có tác dụng khử vi khuẩn cá sống. Đậu phộng và mè rang cho dậy mùi thơm, giã nhỏ trộn vào cá cùng bánh tráng nướng bóp vụn. Bánh tráng làm cho cá khô ráo hơn, còn mè và đậu phộng làm tăng vị béo, thơm…
Cách ướp gia vị làm gỏi ướt cũng giống như gỏi khô nhưng cá sau khi ướp được ngâm trong chén nước mắm nên đậm mùi vị hơn.
Từng miếng thịt cá mỏng, màu trắng hồng trong veo chỉ nhìn thôi đã rất bắt mắt, muốn động đũa ngay.
Gỏi cá Nam Ô chỉ ngon trọn vẹn khi ăn kèm các loại rau như xà lách, húng lủi, húng quế, dấp cá, dưa leo, chuối chát, trái vả…, đặc biệt là các loại rau hoang dã như đọt xoài non, đinh lăng, lá ổi, đọt sim, ngành ngạch…
Tất cả được cuốn với bánh tráng, chấm với nước chấm được pha chế đặc sánh. Món gỏi cá Nam Ô như chứa đựng hương vị nồng nàn của biển, của rừng và cả cái tình của người làng biển Nam Ô chân chất, ăn một lần là nhớ mãi…
Theo Doanhnhansaigon.vn
Mê ly gỏi cá Nam Ô
Thật ra mà nói gỏi cá là đặc sản của Nam Ô, nhưng vài năm gần đây nó "nhích dần" xuống Đà Nẵng và trở thành một món đưa cay không chê vào đâu được.
Ai đã từng đến Đà Nẵng vào những ngày hè có dịp đi trên đường Nguyễn Tất Thành, dọc theo vịnh Đà Nẵng, chắc hẳn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy những chiếc xe đủ loại xếp thành nhiều hàng của thực khách đang ngồi thưởng thức món gỏi cá đặc sản.
Chiều về, nhâm nhi từng cuốn gỏi cá, nhấp môi chút rượu cay xè nơi đầu lưỡi thì không gì sướng bằng. Trong ánh chiều vàng vọt, mắt nhìn ra mặt biển xanh rờn lấp lánh, cảm thấy đời bỗng thư thái nhẹ nhàng biết bao - Ảnh: Hòa Nhơn
Quán xá ở đây không sang lắm, chỉ vài cái bàn, dăm cái ghế kê sát mé đường với mục đích để thực khách vừa nhâm nhi những món ngon vừa tận hưởng từng làn gió biển mát rượi.
Gỏi cá có hai loại: gỏi khô và gỏi ướt. Gỏi khô làm bằng cá lạt, một loại cá thân dài nhiều xương; gỏi ướt chủ yếu làm bằng hai loại: cá trích và cá cơm, trong đó phần lớn là cá trích vì đây là loại cá được ngư dân khai thác nhiều.
Dù cá trích chi chít những xương là xương, nhưng bằng tay nghề điêu luyện, người ta nhẹ nhàng lóc cá thành những lớp mỏng tang và tuyệt nhiên trong phần thịt không còn thấy miếng xương nào hiện diện. Sau khi đã loại bỏ xương, thịt cá trích đem trộn chung với thính và như thế là có ngay món gỏi cá trích khô. Còn muốn ăn gỏi ướt, người ta sẽ ngâm thịt cá trích vào một cái tô chứa thật nhiều giấm, tỏi, ớt.
Món này ăn phải đúng "bài" mới ra được cái chất của nó. Rau ăn kèm với gỏi cá phải gồm nhiều loại như: lá cóc rừng, lá xoài, lá trám, lá dừng... đặc biệt không thể thiếu lá đinh lăng, và tất nhiên là có bánh tráng, nước chấm, ớt xanh, tỏi. Không chỉ là mồi ngon của dân nhậu, gỏi cá còn là món ăn yêu thích với cả chị em phụ nữ. Vào tầm ba, bốn giờ chiều, người Đà Nẵng thường có thói quen ăn nhẹ giữa buổi - gọi vui là "giấc ba giờ". Lúc đó, món gỏi cá luôn là gợi ý tuyệt vời.
Chiều về, nhâm nhi từng cuốn gỏi cá, nhấp môi chút rượu cay xè nơi đầu lưỡi thì không gì sướng bằng. Trong ánh chiều vàng vọt, mắt nhìn ra mặt biển xanh rờn lấp lánh, cảm thấy đời bỗng thư thái nhẹ nhàng biết bao.
Theo Thanhnien
Gỏi cá đục đánh gục cơn sầu Ở vùng biển, gỏi là món ăn phổ biến. Có thể lập một 'sơ đồ' gỏi như gỏi cá chuồn, cá hố, cá trích, cá cơm, cá rựa... Gỏi cá đục Nhưng theo các "tín đồ" gỏi vùng ven biển Phổ Châu, Phổ Thạnh (H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) thì không gỏi nào "qua mặt" nổi gỏi cá đục. Sau khi làm sạch, cá...