Đột quỵ đứng đầu bảng nguyên nhân gây tử vong tại Việt Nam
Xu hướng gánh nặng bệnh tật đang chuyển dịch từ các bệnh truyền nhiễm sang bệnh không lây nhiễm và các yếu tố liên quan đến lối sống.
Gánh nặng bệnh không lây nhiễm gia tăng
Năm 2023, trong 10 nguyên nhân tử vong hàng đầu, các bệnh không lây nhiễm (NCDs) chiếm ưu thế. Đứng đầu là bệnh mạch máu não (tai biến mạch máu não, đột quỵ) với tỷ lệ 86/100.000 dân, tiếp theo là ung thư phổi, ung thư gan, bệnh lý tăng huyết áp và bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Đây là thông tin trong tham luận của Bộ Y tế tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024. Hội nghị do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16/12 tại Hà Nội.
Đột quỵ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam (Ảnh: Getty).
Theo tham luận, tai nạn giao thông, dù không thuộc nhóm bệnh lý, vẫn là một vấn đề lớn khi đứng thứ 6 với tỷ lệ 10/100.000 dân. Những dữ liệu này phản ánh xu hướng gánh nặng bệnh tật đang chuyển dịch từ các bệnh truyền nhiễm sang bệnh không lây nhiễm và các yếu tố liên quan đến lối sống.
“Chỉ khoảng 16% số trường hợp tử vong có dữ liệu rõ ràng về nguyên nhân. Đối với tử vong tại nhà, nguyên nhân thường được ghi nhận chung chung như “suy tim”, “suy hô hấp” hoặc “chết già”, làm giảm giá trị sử dụng của số liệu trong hoạch định chính sách”, Bộ Y tế thông tin.
Thông qua hội nghị, Bộ Tư pháp ghi nhận sự hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả và thiết thực của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (Ảnh: CTV).
Theo báo cáo từ Bộ Y tế, tổng số người tử vong được ghi nhận tại cộng đồng và bệnh viện ở Việt Nam tăng dần qua các năm. Năm 2021, con số này là 267.000 trường hợp, đến năm 2023 đã tăng lên 391.610 trường hợp. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, số tử vong đã đạt 329.200 trường hợp .
Video đang HOT
Người Việt ngày càng kết hôn muộn
Ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) thông tin, giai đoạn 2017-2020 cả nước có 2.778.532 cặp đăng ký kết hôn, trong đó kết hôn lần đầu là 2.479.308 cặp (89,23%).
Giai đoạn 2021-2023, số liệu tương ứng là 1.890.488/1.618.020 (85,58%). Tỷ lệ kết hôn lần đầu có xu hướng giảm, trong khi tuổi trung bình kết hôn lần đầu của nam và nữ có xu hướng tăng.
Ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Ảnh: CTV).
“Có thể thấy rằng người dân Việt Nam có xu hướng kết hôn chậm hơn, muộn hơn”, ông Hiển nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiển, cùng với việc Quốc hội thông qua Luật Hộ tịch năm 2014, ngày 23/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024.
Đây là chương trình hành động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội, là một dấu mốc quan trọng trong thể chế và cơ chế thực hiện đăng ký, thống kê hộ tịch.
Việc ban hành Chương trình hành động cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Qua hơn 7 năm thực hiện chương trình hành động, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực đối với hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân.
8 nguyên tắc vàng để phòng đột quỵ
Đột quỵ đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam và trên thế giới.
Cứ 4 người trên 25 tuổi thì sẽ có một người từng trải qua đột quỵ ít nhất một lần trong đời. Chỉ riêng năm 2023, toàn cầu ghi nhận 12,2 triệu người mắc đột quỵ mới và có tới 101 triệu người đang sống chung với di chứng do đột quỵ.
Đây là những con số đáng báo động được TS.BS Nguyễn Thế Anh, Trưởng đơn nguyên Đột quỵ, Bệnh viện Thanh Nhàn thông tin tại Chương trình tổng kết công tác Hội và Hội nghị khoa học năm 2024 của Hội Nội khoa thành phố Hà Nội.
TS.BS Nguyễn Thế Anh, Trưởng đơn nguyên Đột quỵ, Bệnh viện Thanh Nhàn (Ảnh: Khánh Vi).
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó tỷ lệ tử vong chiếm đến 50%.
Đáng lo ngại, căn bệnh này không còn chỉ tập trung ở người cao tuổi mà ngày càng trẻ hóa nhanh chóng, với nhiều bệnh nhân chỉ mới ngoài 30 tuổi. Số lượng bệnh nhân đột quỵ ngày càng gia tăng tạo gánh nặng y tế và xã hội.
TS Anh cho biết, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra "Life's Essential 8" (8 yếu tố cốt lõi cho sức khỏe tim mạch) như một kim chỉ nam giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Việc tuân thủ các nguyên tắc Life's Essential 8 không chỉ bảo vệ sức khỏe tim mạch mà còn giảm thiểu gánh nặng do di chứng đột quỵ mang lại và tránh tái phát đột quỵ.
Đột quỵ có thể cướp đi sinh mạng và để lại những di chứng nặng nề (Ảnh: Freepik).
Cụ thể, 8 nguyên tắc này bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng: Hướng đến chế độ ăn uống lành mạnh tổng thể bao gồm ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, ưu tiên sử dụng dầu oliu và dầu hạt cải khi nấu ăn và hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn.
TS Anh cho biết, với những người chưa từng mắc bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chế độ ăn Địa Trung Hải giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ đột quỵ.
- Hoạt động thể chất: Nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút hoặc cường độ mạnh ít nhất 75 phút mỗi tuần để giảm nguy cơ đột quỵ. Theo thống kê, người ít vận động có nguy cơ đột quỵ cao hơn 30% so với người thường xuyên tập luyện.
- Đường huyết: Đường huyết không ổn định dễ dẫn đến các biến chứng tim mạch. Cần ăn uống khoa học và hạn chế đồ ngọt.
- Kiểm soát cân nặng: Duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức 18,5-24,9 là lý tưởng để giảm áp lực lên tim và mạch máu.
- Quản lý cholesterol trong máu: Cholesterol cao gây tắc nghẽn mạch máu, làm tăng nguy cơ đột quỵ. Người dân cần hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ và kiểm tra định kỳ.
TS Anh khuyến cáo, người thừa cân, béo phì hoặc xơ vữa mạch máu nên sàng lọc đái tháo đường để dự phòng nguy cơ đột quỵ.
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên: Cao huyết áp là yếu tố hàng đầu dẫn đến đột quỵ. Người trên 18 tuổi nên kiểm tra huyết áp ít nhất một lần mỗi năm.
- Không hút thuốc lá: Khói thuốc làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, dẫn đến đột quỵ. Đối với những người đang hút thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác cần cai thuốc để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Đồng thời, không nên sử dụng thuốc lá điện tử thay thế cho liệu pháp thay thế nicotine để cai thuốc lá.
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm, tránh thức khuya và giảm căng thẳng. Thiếu ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ đến 20%.
Việc càng sớm cải thiện sức khỏe thì kết quả đạt được sẽ càng tốt. Thay đổi lối sống có thể gặp khó khăn ban đầu, nhưng những bước nhỏ như tăng cường vận động, ăn uống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ sẽ mang lại lợi ích lâu dài, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.
Loại quả Việt xuất khẩu sang Mỹ là "kẻ thù" của ung thư Từ tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ tiêu hóa đến làm đẹp da, loại quả này xứng đáng có mặt trong thực đơn của mỗi gia đình. Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 13 cho Hoa Kỳ. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết...