Đột ngột lên cơn đau đầu dữ đội, thanh niên 27 tuổi nguy kịch do đột quỵ
Nam thanh niên 27 tuổi và cụ bà 75 tuổi đột ngột đau đầu dữ dội, nguy kịch phải nhập viện cấp cứu do bị đột quỵ.
Bệnh nhân P.M.T (27 tuổi, quê Sóc Trăng) đột ngột lên cơn đau đầu dữ dội, rồi rơi vào hôn mê, được đưa vào bệnh viện ở địa phương cấp cứu.
Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ với chẩn đoán xuất huyết nội sọ.
Thời điểm được đưa vào Khoa cấp cứu, bệnh nhân đã hôn mê sâu, nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ đã hồi sức tuần hoàn, hô hấp cho bệnh nhân.
Qua chụp cắt lớp vi tính mạch máu não, bác sĩ chỉ thấy hình ảnh xuất huyết lan ở vùng chẩm trái và chảy vào hệ thống não thất.
Hình ảnh túi phình mạch não của bệnh nhân T. trước khi can thiệp
Qua hội chẩn, bác sĩ quyết định thực hiện chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền. Kết quả cho thấy, có búi dị dạng động tĩnh mạch não vị trí gần não thất bên ở bên trái.
Bác sĩ đã tiến hành nút dị dạng và bảo toàn các nhánh mạch máu lành. Sau khi nút dị dạng thành công, bệnh nhân được tiếp tục phẫu thuật để dẫn lưu máu và dịch trong não ra ngoài làm giảm áp lực trong sọ.
Hiện, bệnh nhân tiếp xúc được, sinh tồn ổn định, tự thở và vẫn đang tiếp tục được điều trị phục hồi.
Bà L.T.K (75 tuổi, quê Vĩnh Long) nhập viện Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng đau đầu dữ dội, nôn ói.
Bác sĩ xác định bệnh nhân bị xuất huyết khoang dưới nhện do vỡ túi phình động mạch thông trước, tắc động mạch não trước.
Video đang HOT
Song, vị trí túi phình không thuận lợi cho kỹ thuật can thiệp mạch não, bệnh nhân có nhiều bệnh lý nội khoa kết hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường…
Bệnh nhân K. thực hiện tốt y lệnh của bác sĩ
Các bác sĩ lựa chọn phương pháp phẫu thuật kẹp cổ túi phình thực hiện cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra trong 5 giờ.
Bác sĩ cho biết, do bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền lâu năm, và tình trạng phù não sau mổ nên giai đoạn hồi sức sau mổ là một thách thức.
Tuy nhiên, ngày thứ 5 sau mổ, bệnh nhân dần tỉnh lại. Hiện, bệnh đã tỉnh táo, tiếp xúc, vận động 2 tay tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Bác sĩ Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, để điều trị cấp cứu kịp thời, hiệu quả những trường hợp đột quỵ luôn cần sự phối hợp nhịp nhàng nhiều chuyên khoa, cũng như cần phải có đầy đủ các phương tiện hiện đại giúp chẩn đoán chính xác và kịp thời.
Đau đầu đột ngột cảnh báo nguy cơ xuất huyết nội sọ
Xuất huyết nội sọ là một tình trạng cấp cứu có khả năng đe dọa tính mạng và bệnh nhân cần được can thiệp y tế ngay lập tức.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật cấp cứu xuất huyết nội sọ - NGUYÊN MI
Có nhiều triệu chứng cảnh báo tình trạng xuất huyết nội sọ. Đau đầu chính là một trong những triệu chứng mà nhiều người bỏ qua.
Bệnh nhân (BN) T.T.H (46 tuổi, ngụ TP.HCM) được người nhà đưa đi cấp cứu do đau đầu đột ngột, lơ mơ và tê liệt một bên cơ thể. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), qua hình ảnh chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA), các bác sĩ xác định BN bị rò động tĩnh mạch màng cứng, giãn tĩnh mạch vỏ não, có ổ máu tụ, đột quỵ xuất huyết nội sọ.
BN đã được phẫu thuật cấp cứu thành công. Sau 3 ngày phẫu thuật, BN hồi phục tốt, không để lại khiếm khuyết thần kinh; có thể đi đứng, sinh hoạt bình thường.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Đức, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM): Xuất huyết nội sọ là một loại đột quỵ xảy ra khi mạch máu đột nhiên bị vỡ và máu tràn vào nhu mô não. Lượng máu trong não gia tăng áp lực có thể làm tổn thương các tế bào não. Trường hợp xuất huyết một cách ồ ạt có thể khiến nạn nhân bất tỉnh hoặc tử vong.
Đây là một tình trạng cấp cứu có khả năng đe dọa tính mạng và BN cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
"Mục tiêu chính của điều trị xuất huyết nội sọ là cầm máu dẫn lưu lượng máu đang chèn ép mô não. Tùy thuộc vào mức độ tổn thương và vị trí xuất huyết trong não, người bị xuất huyết nội sọ có thể cần được chăm sóc và điều trị trong thời gian dài hay ngắn", bác sĩ Minh Đức cho hay.
Nguyên nhân
Theo bác sĩ Minh Đức, xuất huyết nội sọ có thể xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên, những người bị huyết áp cao hoặc có các chấn thương vùng đầu từ trước có nguy cơ bị xuất huyết nội sọ cao hơn. Ngoài ra, các mạch máu bất thường trong não có thể gây xuất huyết nội sọ.
Một số các nguyên nhân ít gặp hơn của xuất huyết nội sọ bao gồm: chấn thương đầu; khối u; sử dụng chất làm loãng máu; vỡ phình động mạch não; vấn đề đông máu; lạm dụng một số loại thuốc; một số rối loạn khác về máu, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu hình liềm.
Người dân có thể làm giảm nguy cơ mắc xuất huyết nội sọ bằng cách: kiểm soát bệnh tiểu đường; bỏ thói quen hút thuốc; kiểm soát và điều trị bệnh tim; tập thể dục thường xuyên; thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh; điều trị huyết áp cao.
Triệu chứng cảnh báo
Bác sĩ Nguyễn Minh Đức lưu ý có nhiều triệu chứng cảnh báo tình trạng xuất huyết nội sọ. Trong đó, đau đầu là một trong những triệu chứng mà nhiều người bỏ qua. Mọi người cần nhận biết một số dấu hiệu và triệu chứng quan trọng của xuất huyết nội sọ như:
- Đau đầu đột ngột, dữ dội.
- Khó nói, khó hiểu, hay mất khả năng viết hoặc đọc một cách đột ngột.
- Tê, ngứa đột ngột hoặc yếu một bên cánh tay, chân hoặc một bên mặt.
- Mê sảng, mất ý thức.
- Nôn hoặc buồn nôn.
- Mất thăng bằng.
- Đột ngột thay đổi về thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
- Lú lẫn.
- Mất phối hợp vận động.
Để xác định tình trạng bệnh và nguyên nhân gây ra xuất huyết nội sọ, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc MRI. Trong một số trường hợp, có thể sử dụng kỹ thuật DSA để tìm kiếm những bất thường đối với mạch máu.
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm máu giúp xác định các nguyên nhân khác gây ra tình trạng trên, như bệnh tự miễn hoặc các vấn đề về đông máu.
BN bị xuất huyết nội sọ phải điều trị lập tức và cả lâu dài. BN sẽ có tiên lượng kết quả tốt nếu được điều trị sớm kể từ khi bắt đầu có tình trạng xuất huyết. Nếu khoảng thời gian bắt đầu có triệu chứng càng kéo dài thì lượng máu chảy càng nhiều, dẫn đến BN càng có nhiều khả năng gặp phải các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả tử vong.
Vì vậy, "người có triệu chứng xuất huyết nội sọ cần phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt", bác sĩ Đức lưu ý.
Về lâu dài, BN cần kiểm soát huyết áp cao và thay đổi lối sống, cũng như kiểm tra tái khám thường xuyên, sẽ có thể giúp giảm nguy cơ tái xuất huyết. Ngoài ra, đối với một số BN bị tổn thương não nặng hơn, mất chức năng thì phải vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để có thể khôi phục một phần các hoạt động thường ngày; trị liệu ngôn ngữ có thể được áp dụng giúp BN lấy lại được khả năng giao tiếp.
Cứu 2 người xuất huyết não do vỡ túi phình Qua thời gian điều trị tích cực, 2 bệnh nhân từ tình trạng nguy kịch đến nay đã có dấu hiệu sinh tồn ổn định, tự thở, tiếp xúc tốt. Sáng 11/12, ông Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh và Đột quỵ của đơn vị này...