Điểm sáng giáo dục vùng cao
Mong muốn cho những trẻ em vùng cao nhạy bén, linh hoạt từ cấp học đầu đời, các giáo viên Trường Mầm non Húc Động (xã Húc Động, huyện Bình Liêu) luôn nỗ lực, cố gắng, đổi mới phương pháp dạy và học để đem lại môi trường giáo dục tốt nhất cho những trẻ em nơi đây.
Một giờ học tiếng Việt của học sinh lớp 5 tuổi, Trường Mầm non Húc Động, huyện Bình Liêu.
Trường Mầm non Húc Động có 5 điểm trường gồm 1 điểm chính và 4 điểm lẻ. Nhà trường có 10 nhóm lớp, với 196 trẻ là người dân tộc thiểu số, trong đó trẻ dân tộc Sán Chỉ chiếm trên 80%.
Với nhiều khó khăn về điều kiện vùng miền, đặc biệt là những trở ngại về trình độ dân trí của người dân, lãnh đạo nhà trường đã xác định, để xóa đi khoảng cách với các trường thuộc vùng thuận lợi cần phải nỗ lực đổi mới, đặc biệt tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ, vì việc tiếp cận với tiếng Việt sớm, có ý nghĩa rất quan trọng với trẻ em người dân tộc thiểu số, đây sẽ là tiền đề thuận lợi cho trẻ bước vào các cấp học tiếp theo.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, nhà trường đã phân công sắp xếp đảm bảo mỗi nhóm, lớp, có 1 giáo viên là người bản địa để hỗ trợ nhau trong việc giao tiếp với trẻ và cha mẹ của trẻ; hướng dẫn giáo viên lồng ghép tích hợp nội dung tăng cường dạy tiếng Việt vào các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ phù hợp. Đặc biệt, khuyến khích cha mẹ trẻ cùng tham gia vào các hội thi “Gia đình bé yêu tiếng Việt”, “Bé mầm non với tiếng Việt”, “Giao lưu tiếng Việt của bé”…
Cô giáo Lý Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Húc Động cho biết: Sau 4 năm thực hiện tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ, nhà trường đã có một môi trường giáo dục “Lấy trẻ làm trung tâm” như mong đợi. Hầu hết, trẻ em mạnh dạn trong giao tiếp, chủ động đề xuất ý kiến với cô giáo và mọi người về mong muốn của mình; phụ huynh tích cực phối hợp với giáo viên trong việc chăm sóc giáo dục trẻ, ủng hộ trong việc tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ, luôn mong muốn cho con đến trường để được mở mang kiến thức, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui…
Video đang HOT
Phụ huynh và học sinh người dân tộc thiểu số cùng tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhà trường, đây là một trong những biện pháp tăng cường học tiếng Việt cho trẻ.
Ngoài ra, cơ sở vật chất của nhà trường luôn được đầu tư, hấp dẫn với trẻ. Phòng thư viện, tủ sách Bác Hồ, phòng học thông minh, các góc vận động trải nghiệm… đã được các cô giáo tự tay tạo dựng, chăm sóc. Các góc đều xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục mang tính mở, kích thích sự tập trung chú ý, tư duy và cảm xúc tích cực của trẻ, thúc đẩy trẻ tham gia hiệu quả vào các hoạt động vui chơi và trải nghiệm đa dạng, đặc biệt tạo được nét đặc thù của địa phương, vùng miền. Sự đổi mới đầu tư về cơ sở vật chất của nhà trường cũng được địa phương và ngành Giáo dục hết sức quan tâm.
Nhà trường thường xuyên huy động được 100% phụ huynh tham gia lao động và ủng hộ nguyên vật liệu sẵn có tại gia đình cho các nhóm để xây dựng các khu vui chơi ngoài trời cho trẻ. Trường huy động Đoàn Thanh niên xã Húc Động tham gia vẽ tranh tường, nhặt đá, sỏi, cải tạo khuôn viên, đắp tượng, ủng hộ trang phục dân tộc, đồ dùng làng quê.
Chị Sẻn Thị Lý (thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu), một phụ huynh học sinh chia sẻ: So với trước đây, tôi thấy nhà trường thay đổi rất nhiều về cả cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy. Việc học 2 buổi/ngày rất thuận lợi cho chúng tôi trong việc gửi con để đi làm. Các con tiếp cận với tiếng Việt rất nhanh và rất yêu thích ngôi trường của mình. Phụ huynh chúng tôi rất yên tâm.
Với những thành công trong công tác giáo dục, chăm sóc trẻ, vừa qua Trường Mầm non Húc Động được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Trường trở thành điểm sáng giáo dục vùng cao về những nỗ lực vượt qua khó khăn để xây dựng môi trường cảnh quan sư phạm hiện đại, đổi mới, giảm bớt thiệt thòi cho những trẻ em vùng dân tộc thiểu số.
Chuyện về những thầy, cô giáo cưu mang học trò nghèo ở Quảng Ngãi
Bằng tình thương yêu hết lòng dành cho học sinh nghèo, nhiều thầy cô ở Quảng Ngãi đã giúp các em vượt qua khó khăn, tiếp tục đến trường và vươn lên trong học tập.
Các thầy cô đưa trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số đến trường. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Trước những hoàn cảnh bất hạnh của học trò, nhiều giáo viên ở Quảng Ngãi đã cùng nhau sẻ chia, giúp đỡ các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.
Hơn 2 năm nay, nhiều giáo viên Trường Mầm non Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi) đã cùng nhau chăm lo, nuôi dưỡng em Phạm Thị Thảo Nguyên, học sinh lớp Lá của trường.
Thảo Nguyên sống cùng ông bà ngoại già yếu và người mẹ bị bệnh tâm thần. Em ra đời cũng là lúc người cha bỏ đi, mẹ em dày vò về tinh thần nên bệnh ngày càng nặng hơn.
Có những lúc, mẹ em tìm đến cái chết nhưng may mắn được mọi người phát hiện và cứu sống. Biết được hoàn cảnh của Thảo Nguyên, 25 cô giáo Trường Mầm non Tịnh Kỳ đã cưu mang, hỗ trợ em từ quần áo, tiền học...
Cô giáo Nguyễn Thị Tường Linh, giáo viên phụ trách lớp của Thảo Nguyên chia sẻ: " Hiểu hoàn cảnh của bé Nguyên, tôi đã dành cho con nhiều tình cảm, sự quan tâm hơn những bạn khác cùng lớp. Ngoài giờ lên lớp, tôi cũng dành thời gian chăm sóc con..." Thảo Nguyên giờ là con chung của 25 cán bộ, giáo viên nhà trường.
[Chuyện về bé Thảo Nguyên chỉ là câu chuyện điển hình về những hoàn cảnh bất hạnh mà mỗi cô giáo của Trường Mầm non Tịnh Kỳ đã sẻ chia, đồng hành trong những năm qua.
Cô Nguyễn Thị Thanh Nguyên, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tịnh Kỳ cho hay, cuộc sống của các giáo viên trong trường còn nhiều khó khăn nhưng mỗi tháng các cô đều trích một phần kinh phí nhỏ để cùng nhau chia sẻ với hoàn cảnh của bé Thảo Nguyên.
Người dân vùng biển Tịnh Kỳ còn nhiều khó khăn, nhà trường cũng lựa chọn những hoàn cảnh nào đặc biệt nhất để cưu mang, nuôi dạy. Khi các em chuyển cấp học, nhà trường lại tiếp tục giúp đỡ hoàn cảnh khác.
Trong hành trình làm việc nghĩa của mình, thầy giáo Lê Công Tuệ, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa cùng vợ là cô Nguyễn Thị Thu Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Thuận (huyện Tư Nghĩa) không thể nhớ hết đã giúp cho bao nhiêu học trò nghèo được đến lớp. Chỉ cần hay tin có học sinh gặp khó khăn, vợ chồng thầy Tuệ đều đến tận nơi tìm hiểu, giúp đỡ và cùng kêu gọi tấm lòng hảo tâm khác hỗ trợ các em.
Thầy Tuệ chia sẻ, điều quan trọng nhất đối với vợ chồng thầy là giúp các em tiếp tục đến trường, từ đó tìm được hướng đi phù hợp cho bản thân. Đến nay, nhiều em mà vợ chồng thầy từng giúp đỡ đã có được những thành công nhất định.
Nhiều em lựa chọn đi học nghề và đã tìm được việc làm ổn định. Vào các dịp hè, lễ, Tết, các em thường về quê và đến thăm vợ chồng thầy. Qua đó, các em có những sự chia sẻ để giúp đỡ trò nghèo khác tiếp tục đến trường.
Cuộc sống luôn có những mảng màu tươi sáng được vẽ lên từ những tấm lòng sẻ và tình thương yêu. Chuyện về những thầy, cô giáo cưu mang học trò nghèo, bất hạnh luôn được xem là những câu chuyện nhân văn và đầy tình người trong cuộc sống đời thường.
Các thầy cô luôn là ánh sáng giúp nhiều thế hệ học trò tìm được lý tưởng và hướng đi đúng cho cuộc đời mình./.
Đinh Thị Hương
Theo TTXVN/Vietnamplus
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Thắp sáng vùng cao Bằng niềm say mê và lòng nhiệt huyết của mình, những người thầy, cô đã và đang đóng góp sức lực và trí tuệ của mình trong công cuộc thắp sáng vùng cao. Ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đồng bào các nơi khác, nhất là cán bộ từ khu đến huyện cần phải ra sức giúp đỡ đồng...