Điểm mặt những cơn sốt nguy hiểm
Nếu những cơn sốt có kèm theo các triệu chứng khác như rét run, xuất huyết, co giật, nôn, khó thở, hôn mê… thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Sốt không phải là một bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh. Sốt đa phần lành tính (sốt do viêm mũi họng, viêm amiđan, cảm cúm, do virus…).
Sốt thương hàn
Nếu bạn sốt do cảm cúm, chắc chắn sẽ có ho và sổ mũi. Sốt do thương hàn thì không kèm hai triệu chứng này mà có đặc điểm là sáng mát, chiều nóng, sốt tăng dần, kéo dài. Sốt kéo dài, liên tục, kèm theo li bì, hoảng hốt, mê sảng, môi khô, lưỡi trắng, phân lỏng, đau bụng vùng hố chậu phải. Bệnh nhân thường nhức đầu, buồn nôn, tiêu chảy, sờ ấn bụng vùng hố chậu phải nghe tiếng ọt ọt rất đặc biệt.
Sau một tuần, sốt lên đến 40 độ C nhưng mạch lại rất chậm. Thường trong các bệnh nhiễm khuẩn, nếu sốt 40 độ C thì mạch tương ứng 120 lần/phút, nhưng sốt thương hàn thì mạch khoảng 80-90 lần/phút. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh này là thủng ruột. Vì vậy, nếu nghi sốt do thương hàn thì phải nhập viện làm xét nghiệm để chẩn đoán xác định và có chỉ định dùng thuốc đặc hiệu.
Video đang HOT
Sốt xuất huyết
Bệnh dễ nhận ra bởi dấu hiệu sau đây: Sốt cao đột ngột liên tục từ 2 đến 7 ngày. Sau đó có biểu hiện xuất huyết như: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, kinh nguyệt kéo dài, có những chấm hoặc mảng xuất huyết ở dưới da (nốt xuất huyết) hoặc tiêu hóa, đau (sờ dưới hạ sườn phải có một khối, ấn thấy đau).
Riêng với người lớn, kèm theo sốt thường là những cơn lạnh run, nhức đầu, ói mửa, tiêu chảy, đau bụng. Bệnh thường phát biến chứng (nếu có) vào ngày thứ 4 hay thứ 5. Xét nghiệm máu thấy bạch cầu hạ.
Sốt do bệnh phổi, lao
Những cơn sốt nhẹ dai dẳng, thường sốt về chiều, kém ăn, sút cân. Nếu lao phổi thường có ho, khạc đờm kéo dài, có thể ho ra máu. Vì vậy, bạn nên tới bệnh viện khám để được điều trị dứt điểm.
Sốt trong thai kỳ
Phụ nữ mang thai cần thận trọng nếu bị sốt. Theo các nghiên cứu khoa học gần đây, khi người mẹ bị nhiễm bệnh nặng do các virus cúm nói chung gây ra có thể dẫn đến sốt cao, nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sẩy thai hoặc thai lưu.
Nếu bị sốt trong thai kỳ, cần làm các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân (có thể bạn bị sốt vì nhiễm siêu virus lúc bắt đầu mang thai, lây nhiễm trong thai kỳ, hay bạn bị nhiễm khuẩn do viêm bể thận, viêm nhau, màng ối, viêm gan siêu vi B…). Tùy theo tình trạng của bạn, bác sĩ sẽ có hướng điều trị hợp lý, không nên tự ý dùng kháng sinh.
Sốt do nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn ở bộ máy hô hấp: Viêm khí phế quản, viêm phổi, viêm màng phổi, áp- xe phổi, thường có biểu hiện sốt, ho khạc đờm hay máu, đau ngực, khó thở. Cần chụp X – quang lồng ngực, xét nghiệm đờm, máu.
Nhiễm khuẩn hệ thống thận – tiết niệu: Viêm bàng quang, viêm mủ bể thận, viêm cầu thận cấp. Người bệnh có biểu hiện tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ít, nước tiểu đục hay hồng, có phù, đau vùng thắt lưng. Cần xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận, siêu âm, chụp X-quang vùng thận – tiết niệu.
Nhiễm khuẩn ở gan mật: Viêm đường mật, áp-xe gan, viêm gan do virus. Thường kèm theo sốt, vàng da, vàng mắt, đau vùng gan.
Nhiễm khuẩn màng não: Có sốt, nôn, nhức đầu. Có khi co giật, liệt nửa người, hôn mê. Viêm màng não là bệnh nguy hiểm, dẫn đến những hậu quả nặng nề không chỉ cho trẻ em mà còn cho cả người lớn. Bệnh gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời.
Thử gập cổ trẻ vào ngực, nếu gập không được hoặc trẻ lộ vẻ đau đớn (dấu hiệu cổ cứng) thì nhiều khả năng là viêm màng não. Đối với trẻ dưới hai tuổi, dấu hiệu thóp trước phồng cũng rất quan trọng để nhận ra viêm màng não, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Ngoài các tác nhân gây bệnh như đã kể trên, sốt còn có thể là nguyên nhân của một số căn bệnh khác, chẳng hạn như rối loạn nội tiết (cơn cường giáp) hoặc do tăng sinh tổ chức (trong ung thư và bệnh về máu). Vì vậy bạn không nên chủ quan với những cơn sốt bất thường, mà nên đến bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.
Theo VNE