Điểm đầu vào ĐH Hồng Đức “gây sốc”
Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) vừa thông báo điểm trúng tuyển đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2021.
Điểm đầu vào cao nhất thuộc về ngành đào tạo trình độ đại học sư phạm (ĐHSP) Ngữ văn chất lượng cao (CLC) với 30,5 điểm, ĐHSP Lịch sử CLC 29,75 điểm. Số điểm đầu vào “vượt khung” này đã gây kinh ngạc cho dư luận.
Ảnh minh họa
Trao đổi với PV Báo SGGP trong ngày 21-9, PGS-TS Đậu Bá Thìn, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo ĐH Hồng Đức, cho biết, điểm chuẩn đầu vào của trường dựa vào tổ hợp 3 môn xét tuyển, điểm đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên của thí sinh. Theo đó, trong số 15 em được tuyển vào ĐHSP Ngữ văn CLC, em thấp nhất có số điểm 3 môn là 27,75 điểm, cao nhất là 28,5 điểm. Sau khi cộng điểm ưu tiên, cả 15 em đều có số điểm “vượt khung”.
Tổng nguyện vọng đăng ký vào khối ngành đào tạo ĐH Hồng Đức năm nay tăng từ 2,5 đến 3 lần so với năm 2020, riêng các ngành đào tạo ĐHSP CLC cũng tăng rất cao. Cụ thể, nguyện vọng 1 đăng ký vào ĐHSP Ngữ văn CLC là 347 (năm 2020 gần 100 nguyện vọng), ĐHSP Lịch sử CLC là 194 (năm 2020 khoảng 70 nguyện vọng). So với năm 2020, điểm đầu vào nhiều ngành tại ĐH Hồng Đức tăng 3 – 4 điểm.
Video đang HOT
PGS-TS Đậu Bá Thìn cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến đầu vào năm nay cao hơn năm trước, trong đó có thể kể đến tác động từ Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm; nhiều địa phương tại Thanh Hóa đang có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực giáo viên. Riêng ngành học CLC, khi vào học các em sẽ được miễn học phí, ở ký túc xá miễn phí, được cấp học bổng với mức 990.000 đồng/tháng đối với sinh viên loại xuất sắc và 915.000 đồng/tháng đối với sinh viên loại giỏi.
Lý giải ý kiến có hay không việc ĐH Hồng Đức xin chỉ tiêu ít để xảy ra tình trạng điểm đầu vào “vượt khung”, PGS-TS Đậu Bá Thìn khẳng định, không phải trường xin chỉ tiêu ít, mà do tỉnh Thanh Hóa “đặt hàng”. Năm 2018, nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào học các ngành sư phạm, đáp ứng yêu cầu nguồn giáo viên THPT CLC giai đoạn 2022-2030, tỉnh Thanh Hóa “đặt hàng” ĐH Hồng Đức. Sau đó, ĐH Hồng Đức được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo 4 ngành CLC trình độ ĐH, gồm: Sư phạm Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử. Căn cứ kế hoạch tiếp nhận sinh viên sau khi ra trường của tỉnh Thanh Hóa nên năm nay, mỗi chuyên ngành đào tạo 15 sinh viên. Từ năm 2022, sau khi ra trường, sinh viên được đào tạo theo đề án sẽ được tuyển dụng với các điều kiện: tốt nghiệp loại khá trở lên, có sức khỏe tốt, đạo đức tốt…
Theo tìm hiểu, mặc dù tỉnh Thanh Hóa đã mở “đầu ra”, có nhiều ưu đãi, nhưng thời gian đầu vẫn không thu hút được thí sinh vào ĐHSP CLC. Cụ thể, năm 2018 chỉ có 1 thí sinh vào ngành Toán, 11 thí sinh vào ngành Ngữ văn và 11 thí sinh vào ngành Lịch sử. Sang năm 2019, có 7 thí sinh vào ngành Toán, 16 thí sinh vào ngành Ngữ văn và 23 thí sinh vào ngành Lịch sử.
Riêng ngành Vật lý, 2 năm 2018-2019 không tuyển được thí sinh. Lý giải nguyên nhân, PGS-TS Đậu Bá Thìn cho rằng do năm 2018, đề thi THPT quốc gia khó, điểm trung bình chung thấp, số thí sinh đạt 24 điểm (điểm tối thiểu đầu vào theo đề án của tỉnh Thanh Hóa) ít. Bên cạnh đó, số thí sinh đáp ứng điều kiện trong 3 năm học THPT đạt hạnh kiểm loại tốt và học lực khá trở lên cũng không nhiều. Năm 2019, ĐH Hồng Đức đề xuất mở thêm các ngành đào tạo ĐHSP CLC về Hóa, Sinh và Địa lý nhưng không được Bộ GD-ĐT đồng ý.
Bình thường hay không?
Cho dù lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lý giải rằng, điểm chuẩn đại học (ĐH) năm 2021 tăng vọt là chuyện bình thường, nhưng theo ý kiến của nhiều phụ huynh, việc thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt ĐH là không bình thường, phi lý trong giáo dục.
Hoặc chí ít khi thấy dấu hiệu từ mùa tuyển sinh 2020, Bộ GDĐT phải sớm có giải pháp để thí sinh không thiệt thòi.
Ảnh minh họa
Theo phân tích từ lãnh đạo Bộ GDĐT: Các trường "top" trên điểm chuẩn tăng không nhiều lắm, chỉ tiêu không tăng, số thí sinh còn lại vào các trường "top" giữa tăng vọt. Khi tỷ lệ số thí sinh đăng ký trên số chỉ tiêu tăng hẳn như thế thì chuyện tăng điểm chuẩn là bình thường...
Lãnh đạo Bộ GDĐT cũng cho rằng, việc xét tuyển ĐH là câu chuyện cạnh tranh. Bộ GDĐT đã đưa ra mô hình xét tuyển nhiều trường, nhiều ngành và cơ hội trong tay thí sinh.
Nói như vậy, nghĩa là với cách xét tuyển hiện nay thì thí sinh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, mà ở sự lựa chọn nào cũng phải chấp nhận sự may rủi.
Đúng là trên thực tế, mùa tuyển sinh 2021 thí sinh có hẳn 3 lần được điều chỉnh nguyện vọng. Những thí sinh có kết quả điểm thi cao tự tin chọn nguyện vọng 1 vào trường yêu thích và dự kiến có điểm chuẩn cao chứ không chọn giải pháp an toàn như năm trước. Nhưng không phải thí sinh nào cũng sáng suốt như vậy. Việc được quyền thay đổi nguyện vọng tới 3 lần đã khiến nhiều thí sinh rối. Thành thử, cứ điều chỉnh đi lại đâm ra hóa trượt.
Vậy thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH có còn cơ hội nào nữa không? Sau khi công bố điểm chuẩn xét tuyển ĐH đợt 1 - 2021, nhiều trường cho biết đã tuyển gần đủ chỉ tiêu. Song cũng còn một số ít trường "top" giữa và "top" cuối cho biết sẽ tuyển chỉ tiêu bổ sung, và tiếp tục tuyển thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp.
Như vậy có thể hiểu, ở mùa tuyển sinh 2021 với đa số các trường "top" trên, trong đợt 1 xét tuyển theo điểm thi THPT cơ hội của các em đã gần như khép lại. Nhiều thí sinh đạt từ 25, 26 điểm ở các khối C, D đã vỡ mộng vì không được học ngành hoặc trường mình yêu thích. Nhìn những cô cậu học trò nức nở, bỏ ăn, sầu não... hỏi phụ huynh nào không đau lòng?
Nếu nhìn vào điểm xét tuyển ĐH 2 năm qua, hẳn có người sẽ thốt lên: học trò bây giờ giỏi thật! Với ngành học mà điểm thi đạt 30/30 thì đúng là nể phục quá. Và mức điểm chuẩn lên tới 30,5 (khoa Sư phạm Ngữ văn - ĐH Hồng Đức), nếu không có điểm ưu tiên - thì nói theo ngôn ngữ của bọn trẻ là vẫn "tạch" như thường.
Điểm thi cao mà vẫn trượt - cho dù có được lý giải thế nào đi chăng nữa, nhiều người cũng thấy chưa hài lòng, rõ ràng đó là một điều không bình thường. Nếu những dấu hiệu này đã âm ỉ từ mùa tuyển sinh 2020, lẽ ra nhà quản lý cần phải lưu tâm để sớm có giải pháp cân bằng chỉ tiêu ở các phương thức tuyển sinh.
Kỳ thi "2 trong 1" được tổ chức từ năm 2015, tới nay đã qua 6 năm thực tế và cái kết như chúng ta đang thấy. Một kỳ thi phục vụ đồng thời 2 mục đích vừa căn bản vừa phân hóa sẽ rất khó. Theo đó, Bộ GDĐT cần có đánh giá tổng thể về phương thức tuyển sinh "2 trong 1"; cần nghiêm túc xem xét lại kỳ thi, sớm có sự điều chỉnh trong lộ trình đổi mới thi cử, tạo điều kiện cho những thí sinh thực sự có năng lực, có ước mơ và có điều kiện học ĐH được toại nguyện.
Bộ GD-ĐT 'nhờ' xét bổ sung thí sinh điểm cao trượt ĐH có vi phạm quy chế? Theo Bộ GD-ĐT, việc Bộ này trao đổi với các trường lớn xét tuyển bổ sung thí sinh điểm cao nhưng trượt ĐH trong đợt 1 vừa tạo điều kiện cho thí sinh, đồng thời đúng quy chế và không ảnh hưởng quyền lợi thí sinh khác. Kỳ tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh có điểm rất cao vẫn không trúng tuyển...