Điểm cao nhưng trượt đại học, lỗi không ở kỳ thi tốt nghiệp!
Với tình hình như hiện nay, chúng ta không thể bỏ kỳ thi trung học phổ thông, nếu bỏ thì học sinh sẽ không chịu học gì.
Điểm chuẩn vào nhiều trường đại học tốp đầu, các ngành hấp dẫn năm nay cao “đột biến”, có ngành tăng tới 9 điểm so với năm trước, khiến thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn trượt nguyện vọng 1 khiến một số ý kiến lại đặt ra câu chuyện nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bởi dùng điểm thi của kỳ thi này làm thước đo không “chuẩn” nữa.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Không chỉ nước ta mà hầu hết nước nào họ cũng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Do đó, với tình hình như hiện nay chúng ta không thể bỏ kỳ thi này, nếu bỏ thì học sinh sẽ không chịu học gì”.
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, chỉ khi nào người thầy trên cả nước thực sự khách quan, công minh trong kiểm tra- đánh giá- cho điểm thì có thể xét tốt nghiệp bằng học bạ, chứ hiện nay vẫn còn tình trạng bệnh thành tích, xin xỏ, nâng điểm, hạ điểm… nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp thì cảnh “chạy điểm” sẽ càng phổ biến và thuận lợi, khi đó, điểm học bạ sẽ cao chót vót, không đánh giá được năng lực thực sự của người học.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)
Nhìn nhận việc năm nay điểm chuẩn nhiều ngành/trường đại học năm nay cao, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, chỉ tiêu tuyển sinh là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước điều phối cho việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội, cơ hội việc làm.
Tức là, chỉ tiêu tuyển sinh đã được tính toán trên cơ sở khoa học, hợp lý do đó trên cơ sở chỉ tiêu, các trường sẽ lấy điểm từ trên xuống và nguyên tắc “nước lên thì thuyền lên” đương nhiên xảy ra.
Video đang HOT
Do đó không đỗ nguyện vọng này, trường này thì các em vẫn còn cơ hội vào nguyện vọng khác gần giống như vậy bởi các em được đăng ký vô hạn số lượng nguyện vọng.
Còn tuyển sinh thì trong hoàn cảnh dịch bệnh, một số trường dù đã xây dựng những phương án xét tuyển khác nhau bằng kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi kiểm tra tư duy, nhưng không thể tổ chức được vẫn phải sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ.
“Tôi cho rằng, kết quả đầu vào không ảnh hưởng gì đến việc đào tạo của các nhà trường, cũng không ảnh hưởng gì đến người học vì tuyển sinh dựa trên căn cứ lấy từ cao xuống thấp, rất công bằng, minh bạch”, thầy Nhĩ nói.
“Nếu bản thân các trường còn băn khoăn về kết quả thi tốt nghiệp thì hoàn toàn chỉ coi điểm chuẩn này là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường.
Sau sơ tuyển, các trường đại học có thể phải kiểm tra lại bằng hình thức tổ chức bài test hoặc phỏng vấn trực tiếp để đánh giá năng lực thật của người học thì đó là chuyện của từng cơ sở giáo dục đại học”, chuyên gia này đưa quan điểm.
3 nguyên dân dẫn tới hiện tượng điểm chuẩn cao
Dưới góc nhìn của cơ sở đào tạo, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng điểm chuẩn cao. Cụ thể, theo thầy Đức, năm nay, số lượng thí sinh dự thi tăng vọt so với năm trước (xấp xỉ 11%), trong khi chỉ tiêu không có sự tăng đột biến.
Thứ hai, các đơn vị đào tạo cũng tự chủ trong việc xét tuyển và ngày càng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác ngoài kết quả thi trung học phổ thông như xét học bạ, đánh giá năng lực; có không ít trường có đến gần 50% thí sinh trúng tuyển.
Điều này khiến tỷ lệ chọi theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng lớn và đẩy điểm trúng tuyển lên cao.
Thứ ba, do tình hình dịch bệnh, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhìn chung được điều chỉnh dễ hơn so với những năm trước đây. Cá biệt, có những tổ hợp tổng số bài thi đạt điểm giỏi tăng đột biến và ở mức cao như các tổ hợp có môn Tiếng Anh, Ngữ văn; hoặc Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân,…
Ngoài ra, ở một số ngành tăng mạnh, thu hút thí sinh vì những ngành đó hứa hẹn khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp cao.
“Với những yếu tố trên, tôi thấy việc tăng điểm trúng tuyển năm nay có lý do rất khách quan và cũng là tín hiệu đáng mừng khi việc lựa chọn trường, chọn ngành dần đi vào quy luật cung – cầu; ngành tốt, trường tốt thì điểm sẽ rất cao và dễ dàng tuyển đủ thí sinh có chất lượng ngay từ đợt 1″, thầy Đức nêu quan điểm.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ xét tuyển vừa qua, số thí sinh đạt 27 điểm thực (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào là 165 em, có 3 em trong số này có tổng điểm trên 28 điểm.
Trong 165 em, có 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, 114 em xét tuyển vào các trường công an, quân đội (bao gồm cả 61 em như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cung cấp thông tin trước đó với điểm xét tuyển – đã cộng điểm ưu tiên, điểm học bạ – đạt từ 29,5 điểm xét trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào).
Trong số 114 em đăng ký xét tuyển vào các trường công an, quân đội, có 97 em chỉ đăng ký 01 nguyện vọng duy nhất. Trong số 51 em đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự, có 10 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng duy nhất.
Bình thường hay không?
Cho dù lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) lý giải rằng, điểm chuẩn đại học (ĐH) năm 2021 tăng vọt là chuyện bình thường, nhưng theo ý kiến của nhiều phụ huynh, việc thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt ĐH là không bình thường, phi lý trong giáo dục.
Hoặc chí ít khi thấy dấu hiệu từ mùa tuyển sinh 2020, Bộ GDĐT phải sớm có giải pháp để thí sinh không thiệt thòi.
Ảnh minh họa
Theo phân tích từ lãnh đạo Bộ GDĐT: Các trường "top" trên điểm chuẩn tăng không nhiều lắm, chỉ tiêu không tăng, số thí sinh còn lại vào các trường "top" giữa tăng vọt. Khi tỷ lệ số thí sinh đăng ký trên số chỉ tiêu tăng hẳn như thế thì chuyện tăng điểm chuẩn là bình thường...
Lãnh đạo Bộ GDĐT cũng cho rằng, việc xét tuyển ĐH là câu chuyện cạnh tranh. Bộ GDĐT đã đưa ra mô hình xét tuyển nhiều trường, nhiều ngành và cơ hội trong tay thí sinh.
Nói như vậy, nghĩa là với cách xét tuyển hiện nay thì thí sinh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, mà ở sự lựa chọn nào cũng phải chấp nhận sự may rủi.
Đúng là trên thực tế, mùa tuyển sinh 2021 thí sinh có hẳn 3 lần được điều chỉnh nguyện vọng. Những thí sinh có kết quả điểm thi cao tự tin chọn nguyện vọng 1 vào trường yêu thích và dự kiến có điểm chuẩn cao chứ không chọn giải pháp an toàn như năm trước. Nhưng không phải thí sinh nào cũng sáng suốt như vậy. Việc được quyền thay đổi nguyện vọng tới 3 lần đã khiến nhiều thí sinh rối. Thành thử, cứ điều chỉnh đi lại đâm ra hóa trượt.
Vậy thí sinh điểm cao vẫn trượt ĐH có còn cơ hội nào nữa không? Sau khi công bố điểm chuẩn xét tuyển ĐH đợt 1 - 2021, nhiều trường cho biết đã tuyển gần đủ chỉ tiêu. Song cũng còn một số ít trường "top" giữa và "top" cuối cho biết sẽ tuyển chỉ tiêu bổ sung, và tiếp tục tuyển thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp.
Như vậy có thể hiểu, ở mùa tuyển sinh 2021 với đa số các trường "top" trên, trong đợt 1 xét tuyển theo điểm thi THPT cơ hội của các em đã gần như khép lại. Nhiều thí sinh đạt từ 25, 26 điểm ở các khối C, D đã vỡ mộng vì không được học ngành hoặc trường mình yêu thích. Nhìn những cô cậu học trò nức nở, bỏ ăn, sầu não... hỏi phụ huynh nào không đau lòng?
Nếu nhìn vào điểm xét tuyển ĐH 2 năm qua, hẳn có người sẽ thốt lên: học trò bây giờ giỏi thật! Với ngành học mà điểm thi đạt 30/30 thì đúng là nể phục quá. Và mức điểm chuẩn lên tới 30,5 (khoa Sư phạm Ngữ văn - ĐH Hồng Đức), nếu không có điểm ưu tiên - thì nói theo ngôn ngữ của bọn trẻ là vẫn "tạch" như thường.
Điểm thi cao mà vẫn trượt - cho dù có được lý giải thế nào đi chăng nữa, nhiều người cũng thấy chưa hài lòng, rõ ràng đó là một điều không bình thường. Nếu những dấu hiệu này đã âm ỉ từ mùa tuyển sinh 2020, lẽ ra nhà quản lý cần phải lưu tâm để sớm có giải pháp cân bằng chỉ tiêu ở các phương thức tuyển sinh.
Kỳ thi "2 trong 1" được tổ chức từ năm 2015, tới nay đã qua 6 năm thực tế và cái kết như chúng ta đang thấy. Một kỳ thi phục vụ đồng thời 2 mục đích vừa căn bản vừa phân hóa sẽ rất khó. Theo đó, Bộ GDĐT cần có đánh giá tổng thể về phương thức tuyển sinh "2 trong 1"; cần nghiêm túc xem xét lại kỳ thi, sớm có sự điều chỉnh trong lộ trình đổi mới thi cử, tạo điều kiện cho những thí sinh thực sự có năng lực, có ước mơ và có điều kiện học ĐH được toại nguyện.
Điểm chuẩn cao: Lạm phát điểm thi? So với mức điểm chuẩn năm 2020, nhìn chung điểm chuẩn năm 2021 tăng như dự đoán, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm thi năm 2021 có mức cao ở nhiều môn Việc tăng điểm chuẩn được dự đoán dựa trên tình hình nhiều trường đã điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển sang các phương thức khác...