Đề xuất bỏ khái niệm ‘trồng người,’ ‘tiên học lễ, hậu học văn’
Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng khái niệm “ trồng người”, quan điểm “tiên học lễ, hậu học văn” hay hình ảnh coi thanh niên là “cánh tay phải” không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay.
Giáo sư Trần Ngọc Thêm. (Ảnh: TTXVN)
Tính thụ động trong giáo dục Việt Nam thể hiện đậm đặc qua khái niệm “trồng người,” tính phục tùng “tiên học lễ, hậu học văn” kiềm chế con người sáng tạo. Vì thế không nên tiếp tục sử dụng rộng rãi các quan điểm này.
Đây là đề nghị của giáo sư Trần Ngọc Thêm, giáo sư đầu ngành của cả nước về văn hóa học, đặc biệt chuyên sâu về văn hóa Việt Nam, tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo.” Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11.
“Bắt bệnh” giáo dục Việt Nam
Theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, xã hội truyền thống của Việt Nam là “xã hội âm tính,” ưa ổn định nên mục tiêu đào tạo là xây dựng mẫu người thừa hành với căn bệnh thụ động, khép kín, với thói cào bằng, đố kỵ và thói dựa dẫm ỷ lại.
Cụ thể, trong điều tra về triết lý giáo dục của ông cùng nhóm nghiên cứu trong năm 2020, bệnh thụ động chiếm ở vị trí thứ 4, thói cào bằng đố kỵ ở vị trí thứ 6, thói dựa dẫm ỷ lại đứng vị trí số 8 trong các tật xấu của người Việt.
Phẩm chất thường đánh giá cao trong văn hóa Việt Nam không phải là tính tiên phong hay sự tự tin mà là sự khiêm tốn và khiêm tốn theo cách hiểu không phải là đánh giá đúng mình mà là nhún nhường, hạ thấp mình.
Trong giáo dục, tính thụ động thể hiện ở mọi nơi: Con cái thụ động trong quan hệ với cha mẹ, người học trong quan hệ với người dạy và người dạy thụ động trong quan hệ với nhà trường, nhà trường thụ động trong quan hệ với bộ máy cấp trên.
“Tính thụ động của người Việt hội tụ đậm đặc trong giáo dục qua khái niệm ‘trồng người.’ Cách nói này cứ đến 20/11 lại được vang lên rất nhiều lần. Chúng tôi đề xuất không nghĩ và nói ‘trồng người,’ giáo sư Trần Ngọc Thêm nói.
Ông cho rằng trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ chỉ nói từ “trồng người” duy nhất một lần trong một cuộc nói chuyện với giáo viên: “vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người,” và đây là ý Bác mượn của Quản Trọng, một Tể tướng nước Tề thời Xuân Thu.
“Do chúng ta gắn bó với nghề trồng lúa nước nên chúng ta thích hình ảnh này chứ đây không phải là hình ảnh thường trực trong tư duy của Bác Hồ,” giáo sư Trần Ngọc Thêm phân tích.
Video đang HOT
Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng giáo dục phải hướng đến đào tạo con người chủ động, sáng tạo, trung thực. (Ảnh: PV/Vietnam )
Theo ông, sáng tạo thuộc về tài năng trong khi xã hội Việt Nam truyền thống hướng đến ổn định nên không hướng đến tài năng mà đề cao chữ lễ, “tiên học lễ hậu học văn,” đề cao sự phục tùng. “Bác không nhắc đến chữ ‘lễ’ trong cuộc đời của mình, Bác càng không nhắc đến ‘tiên học lễ hậu học văn’ một lần nào. Bác thường đặt tài trước đức: ‘tìm người tài đức.’ Lênin thì nói thẳng rằng: Đối với chúng ta, một chuyên gia thạo công việc của mình thì 10 lần quý hơn người đảng viên cộng sản huyênh hoang,” giáo sư Thêm viện dẫn.
Cũng theo giáo sư Trần Ngọc Thêm, để có con người sáng tạo thì cần đề cao tính dân chủ trong giáo dục, coi trọng bản lĩnh. Tuy nhiên, ‘bệnh’ thiếu bản lĩnh đứng vị trí số 3 trong cuộc điều tra của nhóm nghiên cứu. Cách quản lý giáo dục hiện nay vô tình khuyến khích cho việc học thuộc lòng như sách giáo khoa ngắn gọn, học theo văn mẫu, chấm thi theo đáp án khiến học sinh, sinh viên không được nói khác với những gì mình đã học.
Nghiên cứu cũng chỉ ra “bệnh” thành tích, “bệnh” phong trào, “bệnh” đối phó là những “bệnh nặng” của giáo dục. Ba căn “bệnh” này dẫn đến “bệnh” giả dối. Cụ thể, trong cuộc điều tra về triết lý giáo dục năm 2020, có 77,4% người được hỏi thừa nhận bệnh giả dối đứng vị trí số 1 trong số 15 tật xấu, 73,8% thừa nhận gian lận trong giáo dục đứng vị trí số 3 trong 13 nhược điểm của giáo dục Việt Nam.
Phải thay đổi triết lý giáo dục
Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng để đổi mới giáo dục thì chìa khóa là triết lý giáo dục, trọng tâm trong triết lý giáo dục là sứ mệnh và mục tiêu. Sứ mệnh của xã hội Việt Nam hiện nay là xây dựng một xã hội phát triển và mục tiêu cuối cùng là cần có con người sáng tạo. Vì vậy, triết lý giáo dục là phải thay đổi từ hướng đến xã hội ổn định sang hướng đến xã hội phát triển.
Sứ mệnh này được cụ thể hóa bằng 6 mục tiêu mà ông cùng nhóm nghiên cứu đã đề xuất trong đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về triết lý giáo dục vừa được nghiệm thu, đó là học để làm việc, học để sáng tạo, học trung thực, học làm người, học chung sống và học để tổ chức; trong đó học để sáng tạo là mục tiêu cao nhất. Để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động và con người trung thực. Để có con người chủ động thì cần loại trừ tính thụ động ở người dưới và tính áp đặt ở người trên.
Ông kiến nghị cần thay đổi quan niệm và không sử dụng những biểu đạt mang tính thụ động như con ngoan trò giỏi trong cách hiểu là dễ bảo, vâng lời; phải giải thích cho xã hội hiểu “trồng người” không nằm trong triết lý giáo dục của Hồ Chí Minh; không sử dụng hình ảnh “cánh tay phải” khi nói về thanh niên.
“Trong quan điểm của Hồ Chủ tịch, thanh niên là người chủ tương lai của đất nước. Người chủ không phải là cánh tay mà là khối óc. Để có con người chủ động thì điều quan trọng là thanh niên phải tự tin, phải rèn luyện tư duy phản biện, phải có bản lĩnh để nghĩ khác, nói khác với số đông. Điều này là rất quan trọng vì hiện nay chúng ta vẫn thường đi theo số đông, tâm lý số đông chi phối. Phải rèn luyện phong cách làm việc có kế hoạch và khoa học. Tôi cũng đề nghị Trung ương Đoàn nên thay huy hiệu đoàn. Hiện nay, ngoài Việt Nam, trên thế giới chỉ có Canada là sử dụng cánh tay trong huy hiệu đoàn,” giáo sư Trần Ngọc Thêm nói.
Ông cũng đề xuất không dùng khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” vì không thể hiện được tính dân chủ trong giáo dục. Giáo dục phải khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo; chống học thuộc lòng; thay đổi quan niệm về sách giáo khoa; không ra đề thi kèm đáp án; giáo dục cá nhân hóa…
Để có con người trung thực, ngành giáo dục phải dạy và học trung thực, xây dựng liêm chính học thuật, chống bệnh thành tích, bệnh phong trào, bệnh đối phó.
“Mắt xích trung tâm trong toàn bộ quá trình này là triết lý giáo dục. Cốt lõi triết lý giáo dục trong nghĩa hẹp là phải tập trung ba phẩm chất: sáng tạo, chủ động và trung thực. Trọng tâm của triết lý này trong giai đoạn trước mắt là chủ trương học thật, thi thật, nhân tài thật như Thủ tướng đã phát động,” giáo sư Trần Ngọc Thêm nói./.
Cô giáo và cuộc hành trình mang trường học hạnh phúc đến với học trò
"Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới". Đó là điều mà cô Trần Thị Thanh Hương (SN 1980) - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên, Hà Nội) luôn tâm đắc trong cuộc hành trình gần 20 năm "trồng người".
Cô Trần Thị Thanh Hương luôn tận tụy với nghề
Vượt khó để thành công
Sinh ra và lớn lên tại Giang Biên (Long Biên, Hà Nội), cô Trần Thị Thanh Hương luôn mang trong mình ước mơ trở thành một cô giáo, được đứng trên bục giảng, trao truyền những kiến thức cho những học trò thân yêu. Ước mơ ấy được ấp ủ từ thủa nhỏ, bởi chính những người thầy đã dìu dắt cô bằng sự yêu thương, quan tâm vô bờ bến.
Sau khi tốt nghiệp THPT, dù đỗ 2 trường Đại học nhưng cô Hương vẫn lựa chọn học trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Năm 2002, cô trở về quê hương dạy học trong chính ngôi trường đã vun đắp ước mơ cho mình. Trường Tiểu học Giang Biên cũng chính là ngôi nhà thứ hai gắn bó với cô trong suốt gần 20 năm qua.
"Hình ảnh thân thương của những người thầy dạy mình năm xưa là những ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời tôi. Khi đứng trên bục giảng, những kỷ niệm đáng nhớ ấy lại ùa về. Để rồi tại chính ngôi trường mà tôi đã lớn lên, tôi lại truyền đạt kiến thức cho học trò của mình. Những gương mặt say sưa, háo hức tìm tòi những điều mới lạ của các em học sinh chính là động lực để tôi vững tin vào sự lựa chọn của mình", cô Hương chia sẻ.
Cô Hương luôn hướng đến mỗi tiết học đều là niềm vui của các em học sinh
Với chuyên môn tốt và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ sau 2 năm về trường công tác, cô Hương đã được tín nhiệm, giao trọng trách khối trưởng. Nhiều năm liền, cô được bầu làm Chủ tịch Công đoàn trường. Dù ở vị trí nào, cô Hương cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng nghiệp tin yêu, học trò quý trọng.
Khó khăn ập đến với gia đình cô Hương khi cách đây 8 năm, chồng cô qua đời vì tai nạn. Giấu những ngọt nước mắt vào trong, cô mạnh mẽ bước tiếp, một mình nuôi 2 con ăn học. Con trai lớn của cô vừa vào đại học, còn một bé gái đang học lớp 6. Suốt những năm tháng qua, cô Hương lấy sự trưởng thành của các con và những ngày được lên lớp cùng học trò làm niềm hạnh phúc của mình.
Luôn giữ ngọn lửa đam mê với nghề cùng tinh thần vươn lên trong cuộc sống và công việc, nhiều năm học, cô Hương được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp quận. Cô có 5 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải Ba cấp thành phố; bồi dưỡng học sinh đạt giải tại cuộc thi viết chữ đẹp cấp thành phố.
Nhiều năm liền, cô được Chủ tịch UBND quận Long Biên tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được Liên đoàn Lao động quận Long Biên tặng giấy khen Chủ tịch Công đoàn giỏi. Cô cũng được Quận đoàn Long Biên tặng thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi,...
Cô Hương trong ngày được bổ nhiệm chức vụ Hiệu phó Trường Tiểu học Giang Biên
Trong quá trình công tác, dù là cương vị giáo viên hay quản lý, cô Hương luôn đề cao tinh thần đoàn kết, chăm chỉ, ham học hỏi. Cô luôn động viên, sẻ chia với đồng nghiệp để tạo sự kết nối giữa các giáo viên trong trường. Điều đó đã góp phần xây dựng nhà trường thành một tập thể đoàn kết, vững mạnh.
Gần 20 năm miệt mài gắn bó với hành trình "trồng người", cô Hương luôn tìm tòi, nghiên cứu để cho xây dựng những sáng kiến kinh nghiệm mang lại hiệu quả cao cho công tác giảng dạy cũng như quá trình học tập của học sinh.
5 sáng kiến kinh nghiệm từng đạt giải cấp thành phố của cô gồm: Giúp học sinh lớp 5 khắc sâu kiến thức khi học môn Lịch sử; Một số kinh nghiệm làm công tác chủ nhiệm; Thiết kế và sử dụng đồ dùng tự làm để dạy chương trình phép nhân, phép chia môn Toán; Một số biện pháp rèn kỹ năng viết đúng dấu câu Tiếng Việt cho học sinh lớp 5; Một số biện pháp xây dựng trường học hạnh phúc tại Trường Tiểu học Giang Biên.
Người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới
Với cô Hương, nghề giáo tuy vất vả nhưng cũng đầy vinh quang. Sự vinh quang ấy không phải là những giải thưởng, danh hiệu mà là ở chính những nụ cười của học trò mỗi khi đến trường, là sự trưởng thành từng ngày của các con.
Về sáng kiến "Một số biện pháp xây dựng trường học hạnh phúc tại Trường Tiểu học Giang Biên", cô Hương nhấn mạnh trường học hạnh phúc không đặt ở những gì cao siêu mà hướng đến những điều nhỏ nhất, đặc biệt là tôn trọng cảm xúc, mong muốn của học sinh.
"Lớp học hạnh phúc là nơi mà học sinh được yêu thương, an toàn và tôn trọng. Lớp học hạnh phúc phải là điểm đến thân thiện và vui thích của trẻ, là môi trường giáo dục hoàn hảo tạo được cho trẻ tâm lí thoải mái khi trẻ đến trường, là nơi khiến cả cô và trò đều có cảm giác muốn đến. "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui", khi đến sẽ có hứng thú, niềm vui, sự mong chờ và những rung động. Lớp học hạnh phúc không áp đặt học sinh phát triển theo khuôn mẫu mà đóng vai trò định hướng để trẻ được làm những gì mình yêu thích và say mê. Ở đó, các em được học những gì có ý nghĩa với mình, được khơi gợi niềm yêu thích, các bài học được thông qua các trò chơi và những trải nghiệm", cô Hương cho biết.
Cô Hương (ngoài cùng bên phải) trong buổi trao đổi chuyên đề về trường học hạnh phúc
Cô Hương luôn tâm niệm "người giáo viên hạnh phúc sẽ thay đổi cả thế giới", bởi các thầy cô hạnh phúc, vui vẻ sẽ lan tỏa những điều hạnh phúc, niềm vui đến với học trò, giúp các em cảm nhận được tình yêu thương, nở những nụ cười trên môi khi đến trường. Và từ đó, các em sẽ học tập tốt hơn.
"Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" cũng là đích đến của Trường Tiểu học Giang Biên trong suốt những năm học qua. Và trong hành trình trở thành một trường học hạnh phúc, điều đó càng được chú trọng, phát triển. Dù là học trực tiếp hay trực tuyến thì các em học sinh của trường luôn háo hức, vui vẻ mỗi ngày đến trường.
Bởi thế, khi nghe các phụ huynh của trường chia sẻ các con về nhà khoe: "Mẹ ơi, hôm nay cả lớp con thấy vui vì cô giáo vui". Hay "Con thích nhìn thấy cô cười mỗi khi đến lớp"; "Hôm nay con vui vì được cô khen học tốt"; "Hôm nay cô bảo con ăn nhiều vào để còn học tốt"; Cô khen con vì biết giúp đỡ bạn",... tôi tin các em, phụ huynh và các cô đều cảm thấy hạnh phúc.
Tôi rất ấn tượng với câu nói "Nhà giáo không phải là người nhồi nhét kiến thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa cho tâm hồn". Câu chuyện về tình thầy trò của cô Hương với học trò cũ chính là câu chuyện về sự khơi dậy tâm hồn như thế.
Cô nhớ lại năm xưa, cậu học trò của mình sống khép kín, thường tự ti, e dè trước mọi người. Kết quả học tập vì thế rất thấp. Để cậu bé tự tin, cởi mở hơn, cô luôn cổ vũ, động viên em: "Tự tin lên con, cô tin con làm được". Cuối cùng, sự chân thành, tận tụy cùng niềm tin trao gửi của cô Hương đã "đánh thức" tâm hồn cậu bé, giúp em thay đổi, trở thành một học sinh hoạt bát, dám thể hiện mình và chia sẻ với mọi người xung quanh.
"Tôi nghĩ, khi giáo viên trao gửi niềm tin và cổ vũ học trò hằng ngày thì các em sẽ tự tin thể hiện mình", cô Hương chia sẻ.
Không chỉ khơi dậy ngọn lửa tự tin, tinh thần học tập cho các em, Trường Tiểu học Giang Biên còn lan tỏa tinh thần sẻ chia đến đông đảo học sinh. Những chương trình thiện nguyện như ủng hộ trẻ em vùng cao, quyên góp quần áo, đêm hội trăng rằm ở Trung tâm Hy Vọng, chương trình "Sóng và máy tính cho em",...đã giúp các em biết san sẻ yêu thương đến mọi người xung quanh, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn.
Thầy cô không chỉ gieo trồng kiến thức mà còn gieo mầm, nuôi dưỡng tâm hồn trong trẻo của những học trò. Tình yêu xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim. Tôi tin, những đứa trẻ hạnh phúc được lớn lên bằng tình yêu thương, quan tâm của cô Hương cũng như các thầy, cô trường Tiểu học Giang Biên sẽ luôn có một trái tim nhân hậu, biết lan tỏa niềm vui, sự nhân ái đến mọi người. Và sẽ có thêm thật nhiều em cũng thắp lên ước mơ được trở thành thầy, cô giáo, tiếp nối những "chuyến đò" chở tri thức và tình yêu đến những thế hệ tương lai.
Trường học hạnh phúc - nơi học trò được học thật và chơi thật Bàn về giải pháp xây dựng môi trường học đường thực sự hạnh phúc, chuyên gia Giáo dục - TS. Giáp Văn Dương cho rằng, thầy và trò cần cùng nhau tuân thủ mọi sự thật, từ ăn uống, vui chơi đến học hành. Ảnh minh hoạ/INT. Hạnh phúc trong giáo dục thực chất TS Giáp Văn Dương chia sẻ: Trường học hạnh...