Để ung thư không còn là “án tử”
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, ít người biết rằng ung thư vẫn có khả năng chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.
Phẫu thuật nội soi 3D tại Bệnh viện K cho bệnh nhân bị ung thư dạ dày. Ảnh: Hà Linh
Nhiều sai lầm
Theo thống kê, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư cao nhất trên thế giới, khoảng 115.000 người chết mỗi năm, tương ứng với 315 người/ngày. Các chuyên gia y tế khẳng định bất cứ ai cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh. Khó tin, nhưng hiện vẫn có không ít người dân nghĩ rằng bị ung thư là do quả báo, nghiệp quật, trời hành.
Chưa kể, có một thực tế đáng buồn là có tới 70% bệnh nhân ung thư được chẩn đoán khi đã ở giai đoạn cuối, trong khi đó nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ cho kết quả khả quan song họ đã để lỡ vì các nguyên nhân “trời ơi”.
Bác sỹ Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cảnh báo, hiện nay đang tồn tại nhiều suy nghĩ sai lầm về ung thư như càng đụng “dao kéo càng nhanh chết”, ung thư là bản án tử hình; trải qua điều trị ung thư có nghĩa là không thể sống và làm việc bình thường lại được hay bệnh ung thư có tính lây lan.
“Không chỉ có vậy, rất nhiều bệnh nhân ung thư còn gặp phải sai lầm khi chữa trị căn bệnh này như nhịn đói, uống nước hoa quả, thực dưỡng nhằm mục đích để tế bào ung thư chết đi. Đây là sai lầm trầm trọng khiến bệnh nhân nhanh chóng suy kiệt. Đến khi bệnh không hết mà ngày càng nặng thêm, lúc này bệnh nhân mới quay lại bệnh viện đã quá muộn, không còn khả năng điều trị khỏi, phải sống trong đau đớn và tử vong”, Giám đốc Bệnh viện K lo ngại.
Cách đây hơn 1 năm, chị N.T.T.H (sinh năm 1974, ở tỉnh Nghệ An) được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tuyến thùy trên phổi phải. Chị H. được điều trị hóa chất tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và đáp ứng rất tốt với điều trị. Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, chị H. ngại đến bệnh viện. Thậm chí, chị H. còn tìm đọc những thông tin được lan truyền trên mạng và tin tưởng phương pháp chỉ ăn rau xanh thải độc, kết hợp tập theo giáo phái lạ để điều trị ung thư. Kết quả, sau 3 tháng tự điều trị, chị H. bị sụt 8kg và phải nhập viện do bệnh trầm trọng hơn.
Hay vừa qua, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị 2 trường hợp mắc ung thư song không điều trị theo yêu cầu dẫn tới việc đối diện nguy cơ tử vong. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân chẩn đoán ung thư tuyến thượng thận được phẫu thuật cắt bỏ khối u cách đây 9 tháng kèm theo bệnh đái tháo đường.
Bệnh nhân không khám định kỳ theo hẹn, không điều trị theo tư vấn của bác sỹ chuyên ngành ung thư cũng như bác sỹ nội tiết mà về nhà áp dụng chế độ ăn thực dưỡng, uống thuốc nam. Hiện tại, bệnh nhân nhập viện với thể trạng suy kiệt, đường máu tăng cao khó kiểm soát, bệnh ung thư tuyến thượng thận tái phát, xâm lấn gan, mạch máu, di căn lan tràn phổi, ổ bụng.
Trường hợp thứ hai là người bệnh được chẩn đoán ung thư dạ dày, đã được phẫu thuật, có chỉ định điều trị hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân bỏ dở điều trị, về nhà tự điều trị bằng thuốc nam và ăn chế độ thực dưỡng. Cách đây một tuần, bệnh nhân nhập viện lại trong tình trạng suy kiệt nặng, suy thận giai đoạn cuối, bệnh ung thư đã ở giai đoạn di căn lan tràn, không còn khả năng điều trị.
Tin tưởng vào y học
Với sai lầm phổ biến là ung thư mà đụng dao kéo sẽ làm bệnh lan nhanh và tử vong sớm hơn, theo GS. Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, điều này không đúng, đôi với đa số các lọai ung thư, phẫu thuật là phương phap điêu trị quan trọng nhất để cứu chữa bệnh nhân ung thư ở giai đoạn sớm.
“Hậu quả của quan niệm này cũng rất nguy hiểm, tai hại khiến bệnh nhân sợ hãi và trốn tránh phẫu thuật, thử dùng thuốc này thuốc kia các nơi, khi bệnh đã nặng mới vào viện, thời điểm vàng của quá trình điều trị đã trôi qua, thời cơ chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật đã mất”, GS. Khoa lo ngại.
Video đang HOT
Với trào lưu thực dưỡng chữa ung thư, chuyên gia cũng khẳng định, một cơ thể khỏe mạnh mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt, các tế bào miễn dịch khỏe mạnh mới có khả năng trở thành những “chiến binh” chiến đấu và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, trong đó có tế bào ung thư.
Bản thân tế bào ung thư cũng cần dinh dưỡng và chúng sẽ lấy dinh dưỡng từ chính người bệnh. Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ năng lượng, người bệnh sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được với các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị….
Theo khẳng định của chuyên gia y tế, ung thư không phải là “án tử” như nhiều người thầm mặc định bởi hiện nay với tiến bộ của khoa học và công nghệ, phần lớn các loại ung thư có thể được phát hiện và điều trị sớm.
Giám đốc Bệnh viện K thông tin, hiện nay, với những tiến bộ mới trong sàng lọc sớm, chẩn đoán và điều trị ung thư, một số bệnh ung thư có thể được phát hiện ở giai đoạn rất sớm, có thể điều trị khỏi hoàn toàn và ít tốn kém về kinh tế như ung thư vú, phổi, cổ tử cung, đại trực tràng, tuyến tiền liệt.
“Ngay cả với trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán với giai đoạn muộn hơn, với các phương pháp điều trị mới hiện nay như điều trị đích, điều trị miễn dịch, những tiến bộ mới trong xạ trị đã kéo dài thời gian sống cho người bệnh tốt hơn trước đây rất nhiều”, chuyên gia đầu ngành ung bướu thông tin.
Để không còn những cái chết oan uổng của người bệnh ung thư do nhận thức không đúng và tin vào cách thức chữa bệnh chưa được khoa học chứng minh, theo bác sỹ Lê Văn Quảng, các cơ quan quản lý cần nâng cao nhận thức của người bệnh, có các chương trình tư vấn, tuyên truyền sâu rộng để người dân có thêm kiến thức phòng ngừa, khám sức khỏe định kỳ phát hiện bệnh sớm…
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần coi đây là vấn đề hết sức quan trọng tới sức khỏe, cần có biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn, giáo dục những đối tượng tuyên truyền, quảng cáo chữa được bệnh ung thư bằng thực dưỡng, để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Sau cùng, lãnh đạo Bệnh viện K khẳng định, ung thư là bệnh có thể phòng và điều trị khỏi nếu phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Chúng ta cần có một lối sống khỏe mạnh, tăng cường rèn luyện sức khỏe, chế độ ăn uống hợp lý, khoa học về dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm sạch, tránh các thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc lá để phòng bệnh ung thư.
Tránh lãng phí, sai lệch khi tầm soát ung thư
Trong bài viết trên số báo trước, GS-TS-BS. Nguyễn Sào Trung (Đại học Y Dược TP.HCM; Phó chủ tịch Hội Giải phẫu bệnh - Tế bào bệnh học Việt Nam; Phó chủ tịch Hội Y học TP.HCM) đã chia sẻ thông tin đa chiều về "xét nghiệm máu tìm dấu ấn ung thư" đang được quảng cáo rầm rộ, cho thấy chúng không hữu ích trong tầm soát, phát hiện sớm hầu hết các ung thư.
Số báo này, GS. Sào Trung tiếp tục trả lời chung các thắc mắc của bạn đọc về những phương cách giúp tầm soát, phát hiện sớm ung thư đã được y giới ghi nhận.
Trên thế giới, kể cả các nước có nền y học tiên tiến, cũng có nhiều trường hợp ung thư phát hiện trễ, do nhiều loại ung thư không có triệu chứng khi ở giai đoạn sớm mà diễn tiến âm thầm, và một số bệnh nhân (kể cả bệnh nhân là nhân viên y tế), vì nhiều nguyên nhân khác nhau đã quên chú ý đến sức khỏe, nhất là phát hiện sớm bệnh tật. Với ung thư, dù y học đã có nhiều tiến bộ về phương tiện kỹ thuật hiện đại, dù đã có nhiều cơ sở y tế mang trọng trách tầm soát, phát hiện bệnh sớm nhưng số người mắc bệnh ở giai đoạn trễ vẫn còn nhiều và vì vậy, tỷ lệ tử vong vẫn cao, gánh nặng kinh tế cho loại bệnh này vẫn chưa nhẹ.
Cách phát hiện sớm một số loại ung thư
GS-TS-BS. Nguyễn Sào Trung
Có rất nhiều loại ung thư. Mỗi loại lại có đặc điểm riêng, tùy theo vị trí, tế bào sản sinh ra ung thư đó. Mặc dù đã có nhiều cách tầm soát nhưng vẫn chưa có cách nào tầm soát hết các loại ung thư. Việc này tùy thuộc vào loại ung thư, độ tuổi, giới tính, tiền sử gia đình của mỗi cá nhân.
Ung thư của não: loại ung thư này nằm trong hộp sọ, không thể "thấy" được và thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng nên không thể phát hiện sớm. Khi có triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, yếu liệt một phần nào cơ thể thì khối ung thư đã lớn, khó chữa khỏi. Phương tiện duy nhất có thể phát hiện sớm là chụp CT não. Não cũng có những bướu lành gây triệu chứng giống như ung thư, nhưng mổ lấy ra được thì sẽ hết.
Ung thư hốc mũi và vòm hầu: triệu chứng sớm thường rất mơ hồ và có thể là triệu chứng của những bệnh lành tính khác như nghẹt mũi, chảy máu mũi, nhức đầu. Khi có một trong những triệu chứng đó, nên đến bác sĩ chuyên khoa khám. Phương tiện tầm soát, phát hiện bệnh là soi vùng tai-mũi-họng.
Ung thư tuyến giáp: phương tiện tầm soát tốt nhất là siêu âm. Với máy siêu âm tốt, bác sĩ kinh nghiệm có thể phát hiện được khối u rất nhỏ - chỉ vài mm. Khi đã phát hiện khối bướu, bác sĩ sẽ làm thủ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (gọi tắt là FNA), để xem có ung thư không. Nếu khối ung thư còn nhỏ (đường kính dưới 10mm) thì điều trị có hiệu quả rất tốt.
Ung thư hốc miệng: gồm ung thư lưỡi, sàn miệng, nướu răng, niêm mạc má, amiđan... Thường biểu hiện dưới dạng vết loét hoặc một chỗ sùi-loét không chịu lành dù đã điều trị bằng thuốc, cần đến bác sĩ chuyên khoa khám sớm để làm sinh thiết.
Ung thư thanh quản: triệu chứng đầu tiên là khàn tiếng kéo dài. Khi có dấu hiệu này, nhất là ở những người hút thuốc lá thì nên sớm đi khám. Bác sĩ sẽ chẩn đoán được bệnh khi soi thanh quản.
Ung thư thực quản: khó tầm soát, phát hiện sớm vì triệu chứng thường xuất hiện muộn, với cảm giác nuốt nghẹn. Chẩn đoán bệnh bằng nội soi và sinh thiết. Những người thường uống rượu cần cảnh giác với triệu chứng nuốt nghẹn.
Ung thư hạch bạch huyết: khi có ung thư, các hạch sẽ sưng lên. Thông thường sưng nhiều nhất là hạch ở vùng cổ. Nên đi khám chuyên khoa để xét nghiệm hình ảnh học như siêu âm, chụp CT scanner... Nếu có nghi ngờ thì sinh thiết hạch để chẩn đoán.
Ung thư phổi: cho tới thời điểm này, phương tiện tầm soát tốt nhất vẫn là X quang, hoặc chụp CT lồng ngực. Khi có ho dai dẳng, điều trị hoài không hết, hoặc ho khạc đàm có máu (đặc biệt ở người hút thuốc lá), cần phải chụp X quang hoặc CT phổi ngay. Ngoài ra, người 50 tuổi trở lên (dù có hút thuốc lá hay không) cũng nên chụp X quang phổi mỗi năm/lần. Để phát hiện sớm khối ung thư trong phổi khi ung thư còn nhỏ thì phim chụp X quang phải rõ. Do đó nên chụp X quang ở nơi có máy chất lượng tốt, bác sĩ có trình độ chuyên môn, đủ thì giờ xem kỹ phim chụp.
Ung thư vú: phụ nữ nên tự khám vú hàng tháng vào lúc vừa sạch kinh. Nếu tiền căn gia đình có người ung thư vú, thì có thể đi tầm soát bằng siêu âm mỗi năm/lần. Nếu siêu âm có nghi ngờ, thì chụp thêm nhũ ảnh. Riêng người có đặt túi ngực (siêu âm khó tầm soát, nhũ ảnh không chụp được) thì phải chụp cộng hưởng từ.
Tầm soát phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định. Từ 35-55 tuổi, nên siêu âm 2 năm/lần. Với phụ nữ có mẹ hay chị, em ruột, người thân đã từng bị ung thư vú (tỷ lệ di truyền khoảng 10%) phải tầm soát bằng siêu âm hay nhũ ảnh 6 tháng/lần. Khi phát hiện khối bướu trong vú thì đừng quá lo sợ vì chỉ khoảng 10% khối bướu đó là ung thư, còn lại khoảng 90% bệnh tuyến vú là lành tính.
Ung thư gan: cách phát hiện tốt nhất là siêu âm bụng. Ngoài ra cần cảnh giác khi có các triệu chứng báo động như: có rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu, tự nhiên chán ăn, đặc biệt ở những người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, người có tiền căn nhiễm viêm gan B hay C. Nếu có bất thường trên siêu âm gan thì chụp CT gan và xét nghiệm máu định lượng dấu ấn ung thư (thường là các dấu ấn AFP).
Ung thư dạ dày: khó phát hiện sớm vì triệu chứng sớm rất mơ hồ, giống như bệnh viêm loét dạ dày, gồm: chán ăn, ăn khó tiêu, đau bụng vùng trên rốn. Nếu có triệu chứng đó, nên đi khám chuyên khoa, soi dạ dày, nhất là những người có hút thuốc lá, uống rượu bia, người có tiền căn gia đình có người thân cùng huyết thống đã bị ung thư dạ dày.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM từ tháng 2.2020 đã đưa vào sử dụng hệ thống máy chụp PET/CT giúp chẩn đoán và điều trị nhiều loại ung thư giai đoạn sớm. Ảnh Nguyễn Thạnh
Ung thư đại trực tràng: với người không có tiền căn gia đình mắc ung thư đại trực tràng thì xét nghiệm nên làm là tìm máu ẩn trong phân. Nên xét nghiệm mỗi năm một lần sau 50 tuổi. Nếu có máu ẩn, thì phải soi đại trực tràng với ống soi mềm hoặc soi đại tràng ảo (bằng máy chụp CT scanner). Với những người có tiền căn gia đình (cha, mẹ, anh, chị, em ruột...) từng bị ung thư hoặc có polyp đại trực tràng thì cần soi đại trực tràng thường xuyên hơn.
Ung thư cổ tử cung: phương tiện tốt nhất để tầm soát, phát hiện sớm là phết tế bào âm đạo - cổ tử cung (xét nghiệm PAP). Phụ nữ 21 tuổi trở lên, đã lập gia đình, thì nên làm PAP. Thời gian làm PAP khác nhau tùy mỗi người. Người có điều kiện vệ sinh cá nhân tốt, sinh ít con, không bị viêm nhiễm cổ tử cung thường xuyên, có thể 2 năm/lần, dưới 30 tuổi là 3 năm/lần. Nếu thường bị viêm nhiễm cổ tử cung thì nên làm PAP mỗi năm một lần.
Ở người dưới 30 tuổi, chỉ thử xét nghiệm HPV nếu có kết quả xét nghiệm PAP bất thường. Từ 30-65 tuổi thì tùy mỗi người, nên thử PAP kèm HPV từ 1 đến 5 năm/lần. Cần lưu ý, kể cả những người đã tiêm phòng HPV thì vẫn cần xét nghiệm PAP, vì cho dù đã tiêm phòng cũng không thể ngừa được 100%, vẫn còn lọt lưới 30% có thể bị ung thư cổ tử cung.
Ung thư nội mạc tử cung: nếu tự nhiên bị xuất huyết âm đạo bất thường, hoặc có huyết trắng hôi trị hoài không hết, thì phải đến bác sĩ sản phụ khoa để nạo sinh thiết nội mạc tử cung. Ngoài ra, những phụ nữ đã được điều trị ung thư vú có uống thuốc Tamoxifen lâu ngày, cần lưu ý thuốc có thể gây ra ung thư nội mạc tử cung. Do vậy, nếu đang uống Tamoxifen mà có xuất huyết âm đạo bất thường thì nên ngưng thuốc và báo ngay cho bác sĩ điều trị để khảo sát nội mạc tử cung bằng siêu âm, chụp CT Scan, nếu cần thì sinh thiết nội mạc tử cung.
Ung thư buồng trứng: tầm soát bằng siêu âm hoặc chụp CT bụng. Khi khám sức khỏe định kỳ, nên làm siêu âm bụng tổng quát hoặc siêu âm phụ khoa để phát hiện sớm khối bướu buồng trứng. Nếu có khối bướu thì nên xét nghiệm định lượng dấu ấn CA 125 trong máu. Hầu hết ung thư buồng trứng ở giai đoạn sớm đều không có triệu chứng, không gây rối loạn kinh nguyệt. Khi thấy bụng to lên, hoặc có rối loạn kinh nguyệt, thì thường đã trễ.
Ung thư tuyến tiền liệt: người trên 50 tuổi nên xét nghiệm PSA trong máu kết hợp khám hoặc siêu âm qua ngã hậu môn. Nếu kết quả PSA bình thường thì tùy mỗi người, nên đi khám 1-2 năm/lần. Nếu kết quả PSA bất thường, thì tùy kết quả siêu âm, có thể sinh thiết tuyến tiền liệt. Ngoài ra (dù ở bất cứ độ tuổi nào) nếu tự nhiên đi tiểu lắt nhắt (nhiều lần, ít nước tiểu) cũng nên thử PSA và khám như trên.
Chọn lựa, chỉ định xét nghiệm nào phải tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tiền sử bệnh, bệnh sử của những người cùng huyết thống, tình trạng sức khỏe hiện tại của mỗi người.
Ung thư tinh hoàn: chỉ biểu hiện dưới dạng khối bướu trong bìu tinh hoàn. Cách tốt nhất là nên tự khám mình (vài tháng/lần) xem tinh hoàn có cục hay sưng không. Nếu có thì đến bác sĩ chuyên khoa khám sớm.
Ung thư máu (bệnh bạch cầu): các loại ung thư khác thường xảy ra ở người lớn, rất ít có ở trẻ em, nhưng ung thư máu lại có nhiều ở trẻ em. Dấu hiệu báo động là thiếu máu, dễ chảy máu (ở răng, mũi, dưới da,...). Khi đó nên sớm đi khám.
Ung thư hắc tố ở da: cũng được gọi là nốt ruồi ác tính. Loại bệnh này có thể phát triển từ một nốt ruồi lành tính có sẵn từ lâu hoặc mới có. Thường ở người lớn tuổi, ở vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, hoặc ở vùng da thường xuyên bị cọ xát. Khi có nốt ruồi tự nhiên bị loét không lành, hoặc đổi màu, thường là màu đậm hơn (hoặc có nhiều màu), thì cần sớm đi khám. Bác sĩ chuyên khoa sẽ sinh thiết một phần (nếu kích thước to) hoặc sinh thiết trọn (nếu nốt nhỏ, dễ sinh thiết trọn đủ rộng) để làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Ung thư xương, khớp: xương khớp có nhiều loại ung thư, xuất hiện dưới dạng khối bướu cứng, dính chặt với vùng xương mắc bệnh, thường ở chân hoặc tay, gây đau. Khi có một khối bướu cứng, dù nhỏ, thì cũng nên sớm đi khám. Bác sĩ dựa vào hình ảnh chụp X quang để có chẩn đoán và xử trí thích hợp.
Phải tỉnh táo khi nhận định kết quả xét nghiệm
Mọi người cần biết rằng, có những loại ung thư có thể được tầm soát, phát hiện sớm, nhưng có loại rất khó phát hiện. Tùy theo mỗi bệnh nhân (giới tính, độ tuổi, thể trạng, tiền sử bệnh...) mà bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm ứng hợp. Để tầm soát bệnh nói chung, nhất là tầm soát các bệnh mạn tính như ung thư, mỗi cá nhân cần được bác sĩ thăm khám cụ thể, hỏi kỹ tiền căn, bệnh sử gia đình, để có tư vấn, chỉ định nên làm những xét nghiệm nào để tránh lãng phí cho người bệnh và cả xã hội.
Mỗi cá nhân có thể tự đi khám, tầm soát một số loại ung thư và khi có vấn đề sức khỏe, thì nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa. Điều cần lưu ý là phải tỉnh táo khi nhận định kết quả xét nghiệm. Bất kỳ một xét nghiệm nào cũng có thể có kết quả dương tính giả, hoặc âm tính giả bởi kết quả đó lệ thuộc vào chất lượng máy móc, thiết bị, hóa chất, trình độ người làm xét nghiệm...
Những năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế, mọi người đã quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Việc các cơ quan cho nhân viên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh là rất tốt, nhưng để việc này đạt hiệu quả cao thì không nên làm hàng loạt xét nghiệm chung cho tất cả nhân viên. Chọn lựa, chỉ định xét nghiệm nào phải tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tiền sử bệnh, bệnh sử của những người cùng huyết thống, tình trạng sức khỏe hiện tại của mỗi người.
Mỗi người cần được bác sĩ hỏi rất kỹ về những thông tin trên. Sau đó, tùy trường hợp, có thể bác sĩ phải dành 10 - 15 phút, thậm chí 30 phút hoặc hơn, để tư vấn thấu đáo và có chỉ định đúng, đủ, tránh lạm dụng các xét nghiệm không cần thiết, vừa tốn tiền, vừa tốn máu và lại thêm nỗi lo không đáng có.
Ung thư vú: Làm thế nào để phát hiện sớm Bệnh ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa thành công rất cao. Ung thư vú đang là mối quan tâm, lo ngại hàng đầu của chị em phụ nữ, bởi số lượng người mắc ngày càng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Tầm soát để phát hiện sớm ung...