Để không còn ‘rào cản’ với dạy học online ở Việt Nam
Trong trường hợp hội tụ đủ các yếu tố: bố mẹ có điều kiện hỗ trợ, thầy cô đủ năng lực chuyển đổi hình thức học và học sinh đã được làm quen với sự tương tác thì hoàn toàn có thể học online.
Thạc sĩ tâm lý Phương Hoài Nga – Trường Phổ thông liên cấp Olympia cho rằng phụ huynh băn khoăn về chất lượng học online do không có niềm tin về hiệu quả của hình thức này.
“Tôi hiểu bố mẹ rất hoang mang khi con ngồi lâu trước màn hình máy tính, có thể ảnh hưởng về sức khoẻ và lo lắng về chất lượng học. Thế nhưng liệu có phải chỉ khi học online, chúng ta mới cần băn khoăn về chất lượng học?”, bà Nga đặt vấn đề.
Bà Nga cho rằng, việc trẻ không tập trung hoặc không bắt nhịp được có thể vẫn diễn ra ngay trên lớp. Hình thức học nào cũng thể không đạt hiệu quả nếu ba chủ thể là học sinh, phụ huynh và giáo viên không cùng hướng mục tiêu học tập.
Ảnh: Nguyễn Thảo.
Trong khi đó, học online là xu thế của thế giới, thậm chí trước khi có dịch bệnh Covid-19 thì thị trường học online đã vô cùng sôi động. Do đó cần bắt nhịp và thích nghi, thay vì loại bỏ.
“… bố mẹ có điều kiện trong việc hỗ trợ con, thầy cô có đầy đủ năng lực để chuyển đổi hình thức học, đặc biệt học sinh đã được làm quen với sự tương tác và chỉ là thay đổi giao thức, thì tại sao lại không học online?”, cô Nga nói.
Giáo viên cần được đào tạo
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, để học online có hiệu quả, học sinh phải có trách nhiệm hơn, tự chủ, tự học hơn. Trong khi đó, giáo viên phải được đào tạo “không chỉ để sử dụng công nghệ mà còn phải thay đổi cách thức tổ chức và cung cấp tài liệu”.
Bên cạnh đó, theo bà Thơ, các nghiên cứu khoa học đều khuyến nghị rằng các nội dung dạy học trực tuyến cần được thiết kế theo định hướng chương trình hóa, mà tốt nhất là chương trình phân nhánh, có sự phân hóa tốt đối với khả năng tiếp thu, phong cách học tập của người học, cùng với nền tảng công nghệ phù hợp để tích hợp đa phương tiện. Bên cạnh đó, nội dung trong một liều kiến thức cũng cần có dung lượng phù hợp.
Video đang HOT
“Không nên quá 15 phút tương tác trên máy đối với một liều và quá 90 phút cho một buổi học trực tuyến. Đối với nội dung dạy học trực tuyến, cần thiết có phần mềm chuyển hóa nội dung từ trực tiếp sang trực tuyến, để đảm bảo rằng không có tình trạng nội dung học trực tuyến giống nội dung học trực tiếp” – PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho hay.
Do đó, về chuyên môn, giáo viên cần được tập huấn về dạy học chương trình hóa, phân hóa trong thiết kế nội dung, đồng thời tương thích với phần mềm dạy học, cung cấp, khai thác, tích hợp với tài nguyên trên mạng internet hợp lí.
Về quản lí, cần có phần mềm quản lí hệ thống tích hợp với phần mềm môn học để có thể đánh giá quá trình học tập, quản lí giảng dạy. Giúp việc học có thể được triển khai theo nhiều cấp độ: học với máy, học có hướng dẫn của giáo viên, học trong xã hội học tập, …
Về kĩ thuật, cần đảm bảo rằng cơ sở vật chất, hạ tầng thiết bị và đường truyền internet, phần mềm học tập được trang bị, hỗ trợ đầy đủ, ổn định.
Chỉ khi có sự chuẩn bị tốt, nội dung dạy học đạt được những yêu cầu thì dạy học trực tuyến mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả học tập; đồng thời đó là điều kiện để xác thực, chính thức hóa việc học tập này.
Bộ GD-ĐT: Đã tính giải pháp lâu dài
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, dạy học trực tuyến áp dụng ở Việt Nam, xuất phát là giải pháp tình thế, song với những ưu điểm vượt trội đã được nghiên cứu, đánh giá, Bộ tính toán để biến nó thành giải pháp lâu dài, vừa bổ trợ dạy học trực tiếp, trong trường hợp cụ thể thì có thể thay thế trực tiếp.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến, Thứ trưởng Độ đề nghị các địa phương ưu tiên xây dựng tâm thế sẵn sàng, tạo động lực cho từng cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh.
“Phải làm thế nào để mỗi giáo viên, học sinh, phụ huynh hiểu rõ về dạy học trực tuyến, sẵn sàng áp dụng phương thức này và từ động lực trở thành nhu cầu tự thân, nhu cầu thường xuyên với việc học trực tuyến”, Thứ trưởng nói.
Bộ GD-ĐT đã tính toán để biến học online thành giải pháp lâu dài. Ảnh minh họa
Theo ông Độ, từng giáo viên, từng nhà trường, địa phương theo đó phải đặc biệt quan tâm kiểm soát chất lượng học tập của học sinh khi áp dụng phương thức này và có giải pháp hỗ trợ hợp lý, kịp thời tới các em gặp khó khăn. Cán bộ, giáo viên phải được tập huấn kỹ lưỡng về phương pháp, kỹ năng, kỹ thuật dạy học trực tuyến, xây dựng bài giảng trực tuyến. Học sinh, phụ huynh cũng cần được hướng dẫn kỹ năng và các quy định cần thực hiện để việc dạy học online đạt hiệu quả cao.
Ông Độ cho biết, Bộ GD-ĐT đang xây dựng, bổ sung hệ thống bài giảng điện tử cho các lớp học/cấp học, để hỗ trợ nhà trường, giáo viên, học sinh sử dụng lâu dài.
Riêng với lớp 1, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với VTV hoàn thiện 36 chủ đề về học âm, học vần, chữ cái, bao trọn nội dung kiến thức theo yêu cầu của chương trình Tiếng Việt lớp 1, áp dụng được cho tất cả các cuốn sách giáo khoa.
Dự kiến giữa tháng 3, các chủ đề này sẽ được phát sóng và cập nhật trên nhiều nền tảng số, để học sinh có ôn tập mọi lúc, mọi nơi, lâu dài, tránh “tái mù” kiến thức.
Bí quyết dạy và học qua Internet đạt hiệu quả tốt
Để có được những giờ học online chất lượng và thực sự hiệu quả, cần nỗ lực rất lớn của cả thầy và trò.
Học sinh hứng thú học trực tuyến. Ảnh minh họa
Phân công trách nhiệm đến từng giáo viên
Ngay ngày học đầu tiên sau Tết Tân Sửu, Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã thực hiện dạy học qua Internet 100% ở các khối lớp. Để việc dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua Internet bảo đảm chất lượng, hiệu quả, 100% giáo viên đã thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy học qua Internet.
Theo cô Nguyễn Thị Bình Minh- hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long, việc thực hiện kế hoạch dạy học qua Internet trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường là nhiệm vụ quan trọng, giúp các em được học tập chương trình giáo dục Tiểu học trong thời gian tạm dừng đến trường để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đồng thời, việc dạy học trực tuyến đã góp phần nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet của giáo viên toàn trường; rèn luyện và từng bước nâng cao năng lực tự học của học sinh qua việc học qua Internet; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh học tập, rèn luyện.
Để việc thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể; quản lý, chỉ đạo chung việc xây dựng thời khóa biểu, báo giảng, chương trình học qua Internet theo kế hoạch của nhà trường một cách linh hoạt và phù hợp thực tiễn; dự giờ, giám sát, đánh giá chuyên môn, góp ý, rút kinh nghiệm kịp thời để nâng cao chất lượng dạy học qua Internet.
Cụ thể, Ban giám hiệu đã giao nhiệm vụ cho khối trưởng chuyên môn, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trường tới 100% giáo viên trong khối; giám sát và hỗ trợ thành viên của khối trong quá trình thực hiện dạy học; báo cáo Ban giám hiệu về Kế hoạch thực hiện của khối, cập nhật tình hình hàng ngày và báo cáo kịp thời.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, cần thực hiện giảng dạy qua Internet nghiêm túc theo đúng Kế hoạch của trường của khối, xây dựng thời khóa biểu, báo giảng đầy đủ, đúng hạn. Chuẩn bị đầy đủ tư liệu, nội dung, các phiếu bài tập, kho học liệu... Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn và tích cực tự học hỏi về tính năng và cách sử dụng các phần mềm dạy học. Thực hiện tiết dạy các môn khác, lựa chọn, sắp xếp các nội dung cho hợp lý.
Giáo viên chuyên biệt chịu trách nhiệm các băng hình, tư liệu, học liệu... môn mình phụ trách, thực hiện các tiết dạy theo thời khóa biểu, trao đổi, giải đáp. Toàn thể Hội đồng quyết tâm thực hiện tốt công tác dạy và học qua Internet trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường.
Sau 1 tuần thực hiện kế hoạch, Trường Tiểu học Thăng Long bước đầu đã nhận được sẽ phản hồi tích cực từ CMHS; 100% học sinh đã được theo học đầy đủ các môn học qua Internet; 100% học sinh tự giác, tích cực xây dựng bài và hoàn thành mục tiêu học tập.
Bài giảng điện tử sinh động, tạo hứng thú cho học sinh.
Giáo viên nhiệt tình hỗ trợ học sinh, cha mẹ học sinh
Còn tại Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai - Hà Nội), sau một tuần triển khai, những giờ học trực tuyến đã được phụ huynh và học sinh hưởng ứng nhiệt tình. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, học sinh không chỉ được nghe giáo viên giảng bài mà còn có thể tương tác đặt câu hỏi, xem video, powerpoint hoặc phát biểu xây dựng bài như học trực tiếp trên lớp.
Cô Đỗ Lan Hương - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A7 cho biết: Để các con hứng thú với việc học tập, tôi đã chuẩn bị tinh thần, giáo án, bài giảng điện tử để các tiết học sẽ thật phong phú, đa dạng, giúp các con tiếp thu bài hiệu quả. Tuy nhiên, việc dạt trực tuyến còn gặp một số khó khăn như một số phụ huynh còn bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm, nhiều người vẫn phải đi làm, không thể hỗ trợ con. Hơn nữa, các con học sinh lớp 1 còn quá bé, khả năng sử dụng CNTT, tự học còn chưa cao.
Hiểu được những khó khăn đó từ phía giáo viên, học sinh và CMHS, ban giám hiệu nhà trường đã lên kế hoạch phân chia thời gian học các môn, 1 số môn học. Giáo viên có thể gửi video hướng dẫn như các môn thể dục, mỹ thuật. Các thầy cô đã tìm tòi những kho dữ liệu dạy học, sáng tạo các bài giảng để các con hứng thú và bắt nhịp với việc học trực tuyến.
Cô Hương chia sẻ thêm: "Nếu học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, phụ huynh có thể gọi video zalo để cô hỗ trợ thêm. Với lớp của mình, tôi cũng động viên, khuyến khích phụ huynh quay lại phần thực hành hay chụp bài tập của con, gửi cho cô để cô chữa và nhận xét. Từ đó, tăng cường mối liên hệ giữa thầy cô và phụ huynh, cùng giúp học sinh nắm được nội dung bài".
Qua những giờ học trực tuyến đã giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng chống Covid-19; phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet của giáo viên; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức, hỗ trợ học sinh trong học tập.
Nghỉ học phòng dịch quá lâu, học sinh TP.HCM lo lắng trước kỳ thi vào lớp 10 Mặc dù chưa phải bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022, song nhiều học sinh TP.HCM tỏ ra khá lo lắng do nghỉ học nhiều vì COVID-19. Học sinh lo lắng Em Đ.T.Q., học lớp 9, Trường THCS Huỳnh Tấn Phát (Quận 7, TP.HCM) cho biết, năm học này, em chuẩn bị thi vào lớp 10 nên khá lo...