Để chấm dứt nỗi ám ảnh “cử nhân thất nghiệp”
PGS Trần Ngọc Giao: “Để giảm số lượng cử nhân thất nghiệp, để sinh viên có thể tự tìm việc làm cho mình, yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo là khâu then chốt”.
Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng của một trường đại học chính là “sản phẩm đào tạo” của chính cơ sở giáo dục đó. Thế nhưng, câu chuyện hàng ngàn cử nhân tốt nghiệp rồi thất nghiệp vẫn tiếp diễn qua từng năm đã phần nào cho thấy chất lượng đào tạo ở nhiều trường đại học đang có vấn đề.
Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Giao – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục
PV: Thưa Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao, theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, mỗi năm, cả nước vẫn có hàng ngàn cử nhân thất nghiệp. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao: Câu chuyện sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp đã được dư luận nói đến nhiều nhưng theo tôi, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề rộng hơn một chút.
Thứ nhất, trong buổi đầu đổi mới đất nước (1987), tại Hội nghị Nha Trang, bàn về giáo dục đại học có nêu 4 nguyên tắc cơ bản, trong đó có nguyên tắc: Sinh viên tốt nghiệp không nhất thiết chờ phân phối công tác mà cần phải biết tự tìm việc làm, tạo việc làm cho mình và cho người khác. Trong cơ chế thị trường rất khó khớp đúng giữa số sinh viên được đào tạo và số sinh viên có ngay việc làm sau tốt nghiệp như trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung.
Thứ hai, để giảm bớt số lượng cử nhân thất nghiệp, để sinh viên có thể tìm, tự tạo việc làm cho chính mình và cho người khác thì yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo là khâu then chốt.
Chất lượng phải phù hợp với mục tiêu, mục tiêu cụ thể nhất ở đây là sinh viên tốt nghiệp có thể được tuyển dụng làm đúng ngành nghề đào tạo. Để thực hiện mục tiêu này, các cơ sở đào tạo phải thực tế và quyết liệt hơn trong việc gắn kết với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, từ khâu xác định chuẩn đầu ra, thiết kế nội dung, quy trình, phương pháp và huy động sự liên kết tham gia các công đoạn đào tạo của bên sử dụng lao động.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay thì việc hợp tác liên kết thực hiện các công đoạn đào tạo giữa nhà trường với các doanh nghiệp nước ngoài (có ngành nghề tương ứng phù hợp) là phương án khả thi đã được một số trường đại học và cao đẳng thực hiện.
Thứ ba, vấn đề xác định nguyện vọng và đăng ký lựa chọn nghề nghiệp vừa phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực xã hội, vừa phù hợp với sở trường năng lực cá nhân cũng là việc hết sức quan trọng. Vấn đề này có hai khía cạnh:
Ở giai đoạn cuối bậc phổ thông, cần thực hiện giáo dục định hướng nghề nghiệp một cách cẩn thận, chi ly để học sinh hiểu hơn sở trường, tiềm năng của mình và hiểu hơn về nhu cầu xã hội.
Về quản lý nhà nước cần thực hiện chặt chẽ công việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cần cho sự phát triển kinh tế xã hội trong thời hạn 5-10 năm. Để có cơ sở dự báo tương đối chính xác cần bảo đảm thực thi kỷ luật thống kê đúng pháp luật, xử lý nghiêm minh việc báo cáo số liệu một cách tùy tiện khi bị chi phối bởi mục đích, lợi ích riêng.
Việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực phải được công khai và nếu cần thì kịp thời điều chỉnh theo ngành nghề, nhóm ngành nghề, các khu vực và các địa phương để học sinh có cơ sở lựa chọn ngành nghề phù hợp với nhu cầu xã hội.
Thứ tư, cần có bộ tiêu chí, đánh giá phân hạng (độc lập) và công bố phân hạng, đối sánh chất lượng của các trường đại học, cao đẳng, theo ngành và nhóm ngành, vừa để tạo ra sự cạnh tranh vì chất lượng, vừa có thông tin cho người học lựa chọn, và làm căn cứ cho chính sách ưu tiên đầu tư cho chất lượng và cho mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội.
PV: Như ông đã khẳng định, “yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo là khâu then chốt”, vậy vấn đề nằm ở chương trình đào tạo hay trình độ giảng viên, thưa ông?
Video đang HOT
Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao: Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng là câu chuyện muôn thuở đã được bàn đến rất nhiều, ngành giáo dục và đào tạo cũng đã nhận thức rõ và ban hành các giải pháp chỉ đạo quản lý đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn của xã hội, của bên sử dụng lao động và sự trăn trở day dứt của khá đông những người trực tiếp làm công tác đào tạo. Vẫn biết đây là vấn đề khó nhưng là trọng yếu, không thể né tránh và không thể chỉ thực hiện đối phó hình thức.
Khi đối diện với vấn đề nâng cao chất lượng thì có một số người thường nghĩ đến điều kiện, đầu tư,… kiểu “tiền nào của nấy”, nhưng dù hoàn cảnh thế nào, điều kiện được đầu tư gần như nhau thì vẫn có một số (dù còn ít) ngành, cơ sở đào tạo vẫn kiên trì tạo dựng môi trường học thuật, khuyến khích phát triển năng lực giảng viên, kiên trì nhen nhóm ý thức cầu thị và hiểu biết của sinh viên để có được chất lượng cho hôm nay và ngày mai.
Làm sao để có nguồn nhân lực chất lượng cao, theo tôi, trong số những vấn đề cơ bản của giáo dục đại học, cần quan tâm ngay đến hai vấn đề sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh đổi mới quản trị đại học theo hướng tự chủ và trách nhiệm giải trình một cách thực chất. Yêu cầu thực chất ở đây là định chế quản trị đó có tạo được chất lượng đào tạo cao hơn, có tạo được những nhân cách tốt đẹp hơn hay không. Đổi mới cơ chế là vấn đề quan trọng nhưng yêu cầu chất lượng đào tạo mới là thứ quan trọng nhất.
Thứ hai, mỗi ngành, mỗi cơ sở đào tạo, tùy theo vị trí và điều kiện, cần biết rõ những điều cơ bản mà sinh viên của mình đang cần để xác định sát mục tiêu và lựa chọn nội dung, phương thức, phương pháp đào tạo phù hợp. Sinh viên hiện nay họ cần gì, hay cụ thể hơn: Đâu là những phẩm chất cần phát triển? Loại tri thức nào là quan trọng nhất? Những kỹ năng nào là cơ bản nhất?.
Theo Frank H. T. Rhodes, một phương án (chung) chỉ ra những điều sinh viên cần là: Cởi mở, lắng nghe, nói, viết và phân tích; Tự tin, ham hiểu biết và những kỹ năng cơ bản để đạt được hai điều này; Có hiểu biết và có ý thức hài hòa về tự nhiên và xã hội; Yêu thích để chấp nhận sự đa dạng, sự phong phú của những trải nghiệm và sự thể hiện của con người; Tinh thông và đam mê lĩnh vực chuyên môn đã lựa chọn, biết cam kết đối với trách nhiệm công dân và biết định hướng những giá trị cá nhân.
Từ những điều sinh viên cần thì mục tiêu là phát triển cả năng lực nhận thức; năng lực xã hội; năng lực nghề nghiệp, đại học là nơi tôi luyện đời sống tinh thần.
Chương trình đào tạo cần có 2 phần: Giáo dục để phát triển năng lực nhận thức, năng lực xã hội (những kĩ năng có thể chuyển đổi được) và đào tạo nghề nghiệp. Trong đào tạo nghề nghiệp chú ý tập trung vào: Nguyên lý chung; Kiến thức nền tảng, Tự đọc tự học, tự nghiên cứu, vận dụng-ứng dụng- cải tiến-phát triển.
Đặc biệt lưu ý rằng, ở bất kỳ ngành nghề nào thì đào tạo ở trường đại học chỉ có thể chuẩn bị và tạo cho sinh viên nền tảng nghề nghiệp, rèn luyện cho sinh viên biết cách tự đọc, tự học, tự nghiên cứu, tập dần cho sinh viên biết vận dụng- ứng dụng, cải tiến, phát triển để vượt qua đòi hỏi của thực tiễn đang thay đổi và sự phát triển của khoa học công nghệ.
Ở nhiều nước, sinh viên lên lớp nghe giảng có thể không nhiều, nhưng họ phải tự học tập, nghiên cứu rất nhiều để trả bài, để thực hiện yêu cầu xoay quanh một bài giảng, một chủ đề chuyên môn mà giảng viên đặt ra đối với họ.
Cập nhật là cần thiết nhưng không thể đủ sức chạy theo sự gia tăng chóng mặt của tri thức mà phải theo phương châm: Nền tảng hôm nay, trình độ năng lực ngày mai. Bởi thực tế cho thấy, một người nếu thiếu nền tảng chắc chắn thì dù có bằng cấp cao cũng không thể có được tính chuyên nghiệp trong nghề nghiệp và trong cuộc sống.
PV: Có ý kiến cho rằng, ở các trường đại học, cần có giải pháp để sinh viên chủ động, trung thực và phát huy tinh thần tự học. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao: Tính trung thực là xương sống của nhân cách, để học sinh, sinh viên hay nói chung thế hệ sau có được điều cốt lõi này, trong xã hội, ở cơ quan lãnh đạo, cán bộ, những người đang muốn có và có ảnh hưởng phải gương mẫu.
Các yêu cầu cốt lõi của đào tạo nguồn nhân lực là hiểu biết, kỹ năng, sự tự tin chủ động, đạo đức làm việc, và sự hợp tác. Những phẩm chất này bị ảnh hưởng từ ba môi trường chủ yếu là gia đình, nhà trường và xã hội.
Về phương diện của ngành giáo dục, ở bậc giáo dục phổ thông hiện nay đã đổi mới và bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo tiếp cận năng lực, có nghĩa mục tiêu hướng vào việc tạo cho học sinh những năng lực nền tảng cốt lõi, và để có những năng lực cốt lõi đó cần lựa chọn nội dung, phương pháp thích hợp. Theo chương trình giáo dục tổng thể giáo dục phổ thông, có năng lực cốt lõi sẽ là nền tảng đáng tin cậy cho sự tự tin và chủ động. Vấn đề hiện nay là nhà trường gia đình xã hội cần đồng thuận, kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới đó.
Về đào tạo ở trường đại học cũng cần chuyển từ tiếp cận kiến thức là chủ yếu sang tiếp cận phát triển năng lực. Mỗi ngành, mỗi nhà trường, từ yêu cầu cuộc sống, từ yêu cầu phát triển nghề nghiệp hiện nay, cần xác định những năng lực cốt lõi mà sinh viên của mình cần có. Những yêu cầu cốt lõi của việc đào tạo nguồn nhân lực, đó là: hiểu biết, kỹ năng, sự chủ động tự tin, đạo đức làm việc và sự hợp tác. Đó cũng là cơ sở để sinh viên chủ động tự tin để sống và hoạt động nghề nghiệp trong tương lai.
Cũng cần lưu ý thêm, các trường đại học dù đã được phân hạng hay chưa thì năng lực, điều kiện ở các mức độ thực tế khác nhau, bởi vậy cần thực tiễn hơn để đặt mục tiêu cụ thể cho phù hợp.
Ở khía cạnh xã hội, có lẽ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, chủ yếu chỉ đạo từ trên xuống, đã làm cho nhà trường, giảng viên sinh viên và lực lượng lao động nói chung còn có tâm lý quen với việc chờ đợi sự chỉ đạo. Hiện nay xã hội đang thay đổi cơ chế vận hành, nhà trường đã được giao cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình, cơ chế quản lý mới sẽ tạo sự chủ động cho cấp dưới cho mỗi nhà trường và mỗi cá nhân.
Trong bối cảnh hiện nay, sinh viên tiếp nhận và xử lý một khối lượng thông tin không nhỏ, đó là cơ hội và cũng là thách thức. Cũng cần nói thêm, một bộ phận không ít các sinh viên hiện nay đã tận dụng cơ hội, tự tin năng động để phát triển. Tuy nhiên cũng còn khá đông đảo sinh viên thiếu chủ động tự tin và nếu vậy, sẽ rất khó vượt qua thách thức.
PV: Từ thực tế hiện nay, theo ông, cần phải làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục đại học?
Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao: Cần phải sàng lọc kỹ trong quá trình đào tạo, siết chặt để đảm bảo chất lượng theo chuẩn đầu ra.
Quan điểm này rất dễ thống nhất vì thực tế đầu vào hiện nay đã được nới lỏng rất nhiều, nhưng làm điều này không dễ, cần ở các giảng viên và các nhà trường dũng cảm vượt qua các sức ép khác nhau và vượt qua chính mình, cùng với cơ chế và các quy trình kiểm soát, giám sát chất lượng từ các cơ quan quản lý và được cụ thể hóa ở các khoa, các ngành và các cơ sở đào tạo. Về lâu dài hơn đây chính là văn hóa.
Việc cập nhật chương trình đào tạo theo sự phát triển và sát với nhu cầu của xã hội, nhu cầu của thị trường và bên cạnh đó phải chủ động nâng cao năng lực của giảng viên là yêu cầu thường xuyên.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng việc cập nhật là rất cần thiết nhưng chương trình đào tạo nghề nghiệp phải chú trọng: các nguyên lý chung; kiến thức nền tảng; yêu cầu tự học, tự nghiên cứu, vận dụng-ứng dụng- cải tiến -phát triển. Nền tảng có chắc chắn mới có thể thích ứng và phát triển được.
Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Trần Ngọc Giao!
Đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục đại học khối trường sư phạm kỹ thuật
Xã hội ngày càng đòi hỏi cao hơn về cung ứng nhân lực, vì thế đảm bảo, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo, cấp bằng cử nhân, kỹ sư vô cùng quan trọng.
Ngày 28/10, Tọa đàm "Chất lượng và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học - Đào tạo và cấp bằng cử nhân, bằng kỹ sư" của khối trường sư phạm kỹ thuật được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chủ trì.
Tọa đàm kết nối tới các điểm cầu khối trường sư phạm kỹ thuật với mục đích trao đổi, thảo luận các giải pháp, đề xuất để nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng cho xã hội đội ngũ giáo viên dạy nghề và cán bộ kỹ thuật có trình độ, nắm vững lý thuyết, kỹ năng nghề nghiệp, có tư duy khoa học, năng động, sáng tạo và trách nhiệm.
Tọa đàm "Chất lượng và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Đào tạo và cấp bằng cử nhân, bằng kỹ sư" được tổ chức bằng hình thức trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)
Tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian qua, các trường sư phạm kỹ thuật đều đã hoàn thành mục tiêu, sứ mệnh của mình, đảm bảo việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, xã hội ngày càng đòi hỏi cao hơn ở chất lượng đào tạo tại các trường, vì thế nâng cao chất lượng và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học cũng như việc đào tạo, cấp bằng cử nhân, kỹ sư tại các trường hiện nay là những vấn đề quan trọng, cần được trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các trường trong khối trường sư phạm kỹ thuật.
Với triết lý giáo dục "Nhân bản - Sáng tạo - Hội nhập", Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao chất lượng dạy, học, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng nhằm mang đến cho người học những điều kiện tốt nhất để phát triển toàn diện các năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Mô hình đảm bảo chất lượng bên trong tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình)
Thạc sỹ Phan Thị Thu Thủy, Phó Trưởng phòng Đảm bảo Chất lượng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, để đạt được mục tiêu đó, từ năm 2008, nhà trường đã thành lập Phòng Đảm bảo Chất lượng với các chức năng như:
Tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến việc quản lý nhà trường theo tiêu chuẩn ISO 9001; Thực hiện công tác khảo sát, đánh giá chất lượng giáo dục trong nội bộ trường; Điều phối công tác đánh giá, kiểm định chất lượng cấp cơ sở giáo dục và cấp chương trình đào tạo theo các tiêu chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế; Đề xuất các mục tiêu, giải pháp chiến lược; Triển khai, giám sát việc thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường.
Để đảm bảo chất lượng giáo dục, nhà trường đã sử dụng các công cụ giám sát, công cụ đánh giá, các quy trình, công cụ đảm bảo chất lượng đặc biệt.
Với công cụ giám sát, nhà trường sẽ quản lý được tiến bộ của sinh viên; tỷ lệ sinh viên bỏ học, đậu tốt nghiệp; phản hồi của nhà tuyển dụng và cựu sinh viên cũng như hiệu suất nghiên cứu.
Với công cụ đánh giá, nhà trường sẽ có các thông tin về sinh viên đánh giá; đánh giá khoa học và chương trình học; đánh giá nghiên cứu và dịch vụ.
Thông qua các quy trình đảm bảo chất lượng đặc biệt nhà trường sẽ nắm bắt được thông tin và đảm bảo chất lượng trong việc kiểm tra, thi cử của sinh viên; đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên; đảm bảo chất lượng trang thiết bị cũng như đảm bảo được việc hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập.
Ngoài ra, việc đảm bảo chất lượng giảng dạy còn được thực hiện bởi các công cụ đảm bảo chất lượng đặc biệt. Trong đó có cuốn "Sổ tay đảm bảo chất lượng" để hướng dẫn chi tiết việc thực hiện đảm bảo chất lượng bên trong nhà trường.
Mặc dù có những kế hoạch trung hạn xây dựng, mục tiêu đặt ra hàng năm, kết quả thông qua điều tra, giám sát để đảm bảo cao nhất chất lượng giáo dục. Thế nhưng trong quá trình thực hiện, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn như việc lưu trữ văn bản, thu thập dữ liệu, minh chứng tốn nhiều thời gian do còn đang lưu trữ rời rạc tại từng đơn vị.
Nhận thức về lợi ích của hoạt động đảm bảo chất lượng chưa đồng đều trong đội ngũ, còn có những giáo viên chỉ lo triển khai hoạt động chuyên môn, chưa quan tâm đến hoạt động đảm bảo chất lượng và cải tiến liên tục. Các nhóm soạn thảo báo cáo tự đánh giá còn chủ quan, trễ tiến độ, vai trò của trưởng nhóm mờ nhạt trong việc kiểm soát nội dung, tiến độ hoàn thành báo cáo tự đánh giá.
Là đơn vị đào tạo 22 chuyên ngành với các chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân và kỹ sư, những năm qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cũng đã có những chú trọng, thay đổi nhất định nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong đó có đào tạo cử nhân và kỹ sư.
Theo đó, chương trình đào tạo cử nhân là kiến thức nền tảng cơ bản, kiến thức cơ sở vững chắc, chú trọng đến kỹ năng thực hành nghề nghiệp. Đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Chương trình đào tạo kỹ sư là kiến thức chuyên môn sâu, rộng, kỹ năng nghiên cứu phát triển, đổi mới ứng dụng trong ngành học. Đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
Nhà trường đang xây dựng và sẽ áp dụng từ năm 2022 hai mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư là mô hình tích hợp và mô hình song song để đáp ứng nhu cầu người học và xã hội.
Hai mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư được xây dựng tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên. (Ảnh chụp màn hình)
Tại tọa đàm, các đơn vị khác như Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long đã đưa ra những báo cáo để trao đổi, đúc rút kinh nghiệm cùng các đơn vị khác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục đại học cũng như đào tạo và cấp bằng cử nhân, bằng kỹ sư, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học cũng như cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Học viện Quản lý giáo dục khai giảng trực tuyến kết hợp trực tiếp Sáng 27/10, Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức khai giảng năm học 2021 - 2022 theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức khai giảng năm học 2021 - 2022 theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học...