Dạy tích hợp, ai đứng ra bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên và câu chuyện ‘quả bóng’ trách nhiệm
Năm học sắp đến nhưng giáo viên tích hợp vẫn chưa được bồi dưỡng chuyên sâu. Nhà trường sẽ phải bồi dưỡng kiến thức cho những giáo viên này thế nào?
Khá nhiều thầy cô giáo bậc trung học cơ sở đang rất băn khoăn, lo lắng về những môn học tích hợp. (Nguồn: Dân trí)
Năm học 2021 – 2022 chương trình mới sẽ được triển khai ở lớp 2 và lớp 6. Khá nhiều thầy cô giáo bậc trung học cơ sở đang rất băn khoăn, lo lắng về những môn học tích hợp.
Cụ thể, không còn đơn môn Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý mà thay vào đó là 2 môn học tích hợp Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý lần đầu tiên được đưa vào giảng dạy trong ngành giáo dục ở nước ta.
Môn Khoa học tự nhiên, được thiết kế thành 3 mạch chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học; Hai môn học độc lập Lịch sử, Địa lý trước đây sẽ được gộp thành môn Lịch sử & Địa lý. Nội dung của mỗi mạch chủ đề, phân môn, vừa có tính độc lập vừa liên kết và hỗ trợ cho nhau.
Không phải giáo viên nào cũng dạy được môn tích hợp
Vì sao một số giáo viên lại băn khoăn, lo lắng khi phải dạy môn tích hợp? Chúng tôi đã đem thắc mắc này hỏi một số đồng nghiệp của mình hiện đang giảng dạy các môn Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử và Địa lý trong chương trình hiện hành tại bậc trung học cơ sở. Vì là người trong nghề nên cũng dễ tiếp cận, các thầy cô giáo cũng rất thẳng thắn chia sẻ, có điều đề nghị người viết bài không nêu tên và trường học nơi các bạn ấy đang công tác.
Thầy giáo S. một giáo viên cốt cán môn Lý của huyện, một tổ trưởng chuyên môn với khá nhiều thành tích giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh khẳng định chắc chắn: “Bản thân em sẽ không thể dạy được môn Hóa, môn Sinh chứ nói gì đến nhiều thầy cô giáo khác”.
Nói rồi thầy S. cho biết, gần 30 năm trước trong trường sư phạm thầy cũng chỉ được đào tạo môn Lý. Gần 30 năm nay, đứng lớp cũng chỉ đầu tư giảng dạy mình môn Lý nên nay bảo dạy kiêm 2 môn Hóa và Sinh sẽ không dễ dạy chút nào”.
Cô giáo H. người có bằng thạc sĩ Sinh học cũng nói thẳng với chúng tôi rằng: “Tôi là giáo viên dạy Sinh gần 20 năm, giờ phải dạy Lý, Hoá tôi cũng chẳng biết dạy làm sao”.
Nói rồi cô khẳng định như đinh đóng cột: “Em không dạy được đâu, có tập huấn bao nhiêu đi nữa cũng khó mà dạy lắm”.
Cô giáo H. dạy Hóa nói tập huấn chỉ học thêm về phương pháp, nhưng để dạy Lý, dạy Sinh giáo viên phải cần có kiến thức. Nhưng học sư phạm thì học đơn môn, bao năm đi dạy cũng chỉ dạy đơn môn, nay bảo dạy thêm Lý, Sinh làm sao có thể dạy được?
Video đang HOT
Cô dạy Hóa kể rằng có một vài lần mình bận việc nên nhờ giáo viên dạy môn Sinh dạy hộ sau khi đã đưa giáo án có kèm những bài giải chi tiết một số bài tập trong sách giáo khoa. Vậy mà, cô dạy Hóa liên tục nhận được điện thoại “giải cứu” của cô giáo dạy Sinh.
Hóa ra, học sinh lớp ấy không giải bài tập bằng cái cách mà cô dạy Hóa ghi trong giáo án, em học sinh có cách giải hoàn toàn khác. Cô giáo dạy Sinh chẳng biết có đúng không nên gọi cô dạy Hóa xác nhận trước khi công bố với học trò.
Cũng đã có giáo viên dạy Lý khi dạy dùm môn Hóa không đồng ý với cách giải khác của trò và tranh cãi lại nổ ra cho đến khi giáo viên dạy môn ấy “phân xử”.
Thầy giáo M. giáo viên dạy Địa thì nói rằng, nếu phải dạy thêm môn Sử thì nhìn giáo án cũng dạy được, có điều để dạy sâu, dạy tốt thì không dám chắc.
Khó nằm ở kiến thức
Cái mà những giáo viên này thiếu, là yếu về kiến thức chứ không phải yếu kĩ năng. Trong giáo dục, giáo viên yếu kĩ năng sẽ được bù đắp bằng việc tập huấn, việc học hỏi đồng nghiệp, nhưng đã yếu về kiến thức “xem như bó tay”.
Sẽ có nhiều bài toán, bài lý, hóa trong sách giáo khoa dạy cho học sinh nhưng có thầy cô làm còn không ra nói gì đến việc dạy tích hợp chéo môn. Thực tế chất lượng thầy cô như vậy, đào tạo lại để đáp ứng việc dạy tích hợp cũng có khả quan hơn không?
Năm học sắp đến rồi nhưng giáo viên tích hợp vẫn chưa được bồi dưỡng chuyên sâu.
Cựu Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng từng thừa nhận, tích hợp không chỉ phương pháp mà còn cần kiến thức: “Các thầy cô dạy các môn tích hợp phải được bồi dưỡng nhịp nhàng, không phải chỉ cơ học về mặt phương pháp. Bộ sẽ có hướng dẫn chi tiết”.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ Trưởng vụ giáo dục trung học cho biết, việc tập huấn trước mắt đối với các giáo viên đang thực hiện chương trình hiện hành với các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
“Việc tập huấn này đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Song song với đó, chương trình đào tạo trong các trường sư phạm cũng sẽ được thiết kế theo hướng xây dựng mã ngành này để bắt đầu tuyển mới, đào tạo phần kiến thức của môn Khoa học tự nhiên chứ không phải kiến thức riêng của từng môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Dần dần chúng ta sẽ có lứa sinh viên mới ra trường thực hiện giảng dạy môn Khoa học tự nhiên”, ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Thế nhưng, cho đến thời điểm này, giáo viên các môn Lý, Hóa, Sinh, Sử và Địa vẫn chưa được tập huấn chuyên sâu về kiến thức như cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục từng nói. Ngược lại, Bộ GD&ĐT lại đá “quả bóng” trách nhiệm cho nhà trường trong việc bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên.
Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH mới đây có hướng dẫn: “Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học”…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Với đội ngũ giáo viên hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao quyền chủ động cho các nhà trường và sẽ có hướng dẫn để các trường tự tin trong việc bố trí phân phối chương trình và phân công giáo viên dạy họ”…
Nhà trường sẽ phải bồi dưỡng kiến thức cho những giáo viên này thế nào? Ai sẽ đứng ra bồi dưỡng quả là một nhiệm vụ bất khả thi.
Trong khi đó, trường sư phạm vẫn chưa đào tạo được lứa giáo sinh ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, ra trường. Vậy thì, giáo viên sẽ dạy tích hợp thế nào cho những tiết dạy thật sự có chất lượng khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là năm học mới được bắt đầu?
Chương trình mới đã triển khai, sách giáo khoa tích hợp cũng đã phát hành, dù muốn hay không thì giáo viên vẫn phải dạy học tích hợp 2 môn học (Lịch sử & Địa lý; Khoa học tự nhiên).
Để dạy học đạt kết quả như mong muốn thì các trường học buộc phải đánh giá năng lực giáo viên một cách thực chất để phân công giáo viên dạy các môn học sao cho thật hợp lý. Có thế, phần thiệt thòi học sinh mới không phải gánh chịu.
*Giáo viên ở Bình Thuận. Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn.
Bồi dưỡng theo mô hình mới: Đáp ứng chuẩn nghề nghiệp của cán bộ quản lý và giáo viên
Không phải đi lại vất vả; chủ động về thời gian; bồi dưỡng mọi lúc, mọi nơi; luôn có sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên, giáo viên cốt cán... là những điều giáo viên tâm đắc khi được bồi dưỡng theo mô hình mới.
Buổi tập huấn Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho cán bộ, giáo viên khu vực phía Bắc.
Tự tin triển khai chương trình mới sau bồi dưỡng
Trường THPT Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ có 4 cán bộ quản lý (CBQL) và 39 giáo viên tham gia bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông(GDPT) 2018; trong đó có 1 CBQL cốt cán. Hiện 100% cán bộ quản lý, giáo viên của trường đạt yêu cầu qua 3 mô-đun đã bồi dưỡng; nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đạt điểm cao.
Từ thực tế thực hiện bồi dưỡng 3 mô-đun đầu tiên, thầy Bùi Chương An, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Áng nhìn nhận nhiều ưu điểm của cách thức bồi dưỡng mới; trong đó ấn tượng với nội dung bồi dưỡng được biên soạn khá công phu, học liệu đầy đủ, hài hòa kênh hình, kênh chữ. Đặc biệt, có các video giới thiệu mô hình đã thí điểm thực hiện Chương trình GDPT 2018 để người học dễ hình dung những công việc sẽ triển khai tại cơ sở giáo dục.
Thầy An cũng nhận định hoạt động kiểm tra, đánh giá, các bài tập thực hành, bài tập cuối khóa được biên soạn phù hợp, cân đối giữa trắc nghiệm và tự luận. Chương trình bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu phát triển nghề nghiệp thường xuyên của cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng chuẩn nghề nghiệp cán bộ quản lý, giáo viên ở mức độ cao hơn. Đồng thời góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng cho giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học. Quá trình bồi dưỡng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trong tỉnh. Hình thức bồi dưỡng qua mạng Internet với đường truyền khá ổn định nên dễ dàng thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi....
Thuộc vùng sâu của thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, Trường Tiểu học Phan Văn Năm có 23/23 giáo viên được bồi dưỡng triển khai Chương trình GDPT 2018. Đến nay, 100% giáo viên của trường đã hoàn thành bồi dưỡng đến mô-đun 3.
Là giáo viên đại trà được bồi dưỡng, cô Kim Thị Ka Nha Cát Ca Đa tâm đắc nhất với việc được chủ động về thời gian tham gia bồi dưỡng. Giáo viên có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, có thể lưu trữ tài liệu dễ dàng, tiết kiệm nhiều chi phí đi lại.... Học online nhưng tính tương tác, phối hợp với đồng nghiệp vẫn được bảo đảm, vì luôn được giáo viên cốt cán nhiệt tình hỗ trợ và có file hướng dẫn của thầy cô trường ĐH sư phạm. "Sau khi tham gia bồi dưỡng, tôi thấy mình được hỗ trợ đủ để tự tin triển khai chương trình mới lớp 2 từ năm học tới" - cô Kim Thị Ka Nha Cát Ca Đa khẳng định.
Cán bộ quản lý giáo dục tham gia buổi tập huấn Chương trình GDPT mới. Ảnh: Sỹ Điền
Tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục
Thông tin từ ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, việc bồi dưỡng giáo viên, CBQL được thực hiện theo hình thức tự bồi dưỡng qua mạng kết hợp với bồi dưỡng trực tiếp và tổ chức sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong trường hoặc cụm trường.
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 1 năm học 2020 - 2021, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã ưu tiên bố trí kinh phí và phối hợp với các giảng viên sư phạm chủ chốt của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng tổ chức bồi dưỡng trực tiếp mô-đun 1 cho 3.552 giáo viên chuẩn bị dạy lớp 1 năm học 2020 - 2021 và 857 CBQL trường tiểu học.
Ngoài ra, từ kinh phí bồi dưỡng thường xuyên năm 2020, sở GD&ĐT đã mời giảng viên sư phạm chủ chốt của Học viện Quản lý Giáo dục và Trường ĐHSP Hồ Chí Minh bồi dưỡng trực tiếp mô-đun 1 cho 1.350 giáo viên và 650 CBQL trường THCS, THPT cốt cán của tỉnh. Mục đích nhằm hỗ trợ thêm cho đội ngũ giáo viên, CBQL cốt cán đã được tập huấn của Bộ GD&ĐT trong công tác sinh hoạt chuyên môn theo trường/cụm trường.
Trong quá trình triển khai, sở GD&ĐT thường xuyên nắm bắt tình hình tự học của giáo viên, CBQL đại trà, cũng như việc hỗ trợ đồng nghiệp và đánh giá của giáo viên, CBQL cốt cán trên hệ thống LMS. Kịp thời thông báo danh sách cụ thể giáo viên, CBQL chưa hoàn thành đúng tiến độ; nhắc nhở, đôn đốc và sẵn sàng hỗ trợ giáo viên, CBQL hoàn thành nội dung bồi dưỡng trên hệ thống.
"Kết quả, các cơ sở giáo dục phổ thông đã cung cấp đủ tài khoản cho giáo viên, CBQL để học tập, tự bồi dưỡng trên hệ thống LMS. Năm 2020, sở GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng đại trà cho toàn thể 18.125 giáo viên, 1.513 CBQL cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, giáo viên nhận thức sâu sắc ý nghĩa, mục đích của công tác bồi dưỡng các mô-đun để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Với sự trợ giúp của hệ thống LMS, giáo viên, CBQL biến quá trình bồi dưỡng theo đợt trở thành quá trình tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục.
Tỉ lệ giáo viên, CBQL tham gia bồi dưỡng đạt 100%; trong đó, tỉ lệ được đánh giá đạt trên 99%. Thông qua các đợt sinh hoạt chuyên môn theo trường/cụm trường, sự kết nối giữa đội ngũ giáo viên và CBQL trong đơn vị, giữa đơn vị trường học được gắn kết, hiệu quả hơn. Kĩ năng tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học được vận dụng, phát huy hiệu quả" - ông Đỗ Tường Hiệp nhận định.
Các giáo viên đã được tham gia bồi dưỡng cũng cho biết, hệ thống LMS giúp bản thân có thể biến quá trình bồi dưỡng theo đợt trở thành quá trình tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục.
Là giáo viên lâu năm, trải qua nhiều đợt bồi dưỡng, cô Từ Thị Tân, Trường Tiểu học Bình Sơn, Lục Nam, Bắc Giang khẳng định nhiều ưu điểm của cách thức bồi dưỡng mới. Mong được các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa để mỗi tổ chuyên môn có được một máy tính, giúp giáo viên học tập, nghiên cứu thuận lợi hơn. Cô Kim Thị Ka Nha Cát Ca Đa kiến nghị, thời gian tập huấn nên được tổ chức trong hè với số ngày dài hơn, cũng như hoàn thành bài tập huấn để giáo viên có thể tìm hiểu sâu hơn, rõ hơn về nội dung tập huấn. Từ đó, chất lượng tập huấn được nâng cao hơn nữa...
Năm học đầu tiên thực hiện chương trình mới với lớp 6 được chuẩn bị ra sao? Trong 2 ngày 12 và 13/8, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2020-2021, cả nước có 522.320 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; trong đó, cấp THCS là 358.501, cấp THPT là 163.819....