Dấu hiệu bệnh trĩ
Triệu chứng của bệnh trĩ là đi tiêu ra máu, đặc biệt máu đỏ tươi sau phân, lượng máu tùy theo mức độ của bệnh.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Nguyễn Thị Sơn, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết bệnh trĩ hay dân gian còn gọi là lòi dom, là một bệnh khá phổ biến mà tất cả mọi lứa tuổi từ trẻ nhỏ đến người lớn đều có nguy cơ mắc phải. Trĩ được hình thành do dãn nở quá mức các đám rối tĩnh mạch ở mô xung quanh hậu môn, gây viêm sưng hoặc xuất huyết. Nếu không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất làm việc và sinh hoạt hằng ngày.
Bệnh trĩ giai đoạn sớm thường không có biểu hiện khó chịu gì đối với người bệnh. Giai đoạn sau, bệnh nhân có triệu chứng đi tiêu ra máu, đặc biệt là máu đỏ tươi sau phân. Lượng máu theo phân tùy theo mức độ bệnh và ít khi gây ra mất máu ồ ạt.
Sau một thời gian, búi trĩ sẽ to lên, sa ra ngoài. Lúc đầu, hiện tượng này chỉ xảy ra khi đi đại tiện, nhưng về sau sẽ xảy ra liên tục. Giai đoạn trĩ lòi ra, người bệnh có cảm giác đau, vùng hậu môn bị sưng, phù nề, ngứa. Sau vài ngày sẽ bớt đau và sưng, trĩ trở vào trong hậu môn. Một số trường hợp búi trĩ bị lở loét hoặc hoại tử từng vùng, thậm chí tạo ra áp xe vùng hậu môn và vùng chậu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ như yếu tố di truyền, chế độ sinh hoạt không điều độ, thường xuyên phải ngồi một chỗ, ít vận động, đặc biệt là người làm việc văn phòng. Người bệnh chèn ép, gây áp lực lên hậu môn, mắc tiêu chảy kéo dài, xơ gan, táo bón lâu ngày không điều trị dứt điểm cũng là nguyên nhân gây ra bệnh. Cơ thắt hậu môn bị thoái hóa, nhão, đặc biệt là ở người già. Quá trình mang thai, sinh nở là nguyên nhân chính dẫn tới bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai và sau khi sinh.
Bệnh trĩ có thể kiểm soát bằng việc thay đổi lối sống và thuốc. Cách điều trị:
Theo y học hiện đại
Video đang HOT
Bác sĩ chủ yếu dùng các thuốc có tác dụng làm bền thành mạch, dẫn xuất từ flavonoid. Cơ chế tác động của các thuốc này là làm gia tăng trương lực tĩnh mạch, bảo vệ vi tuần hoàn, giảm phù nề nhờ tác động kháng viêm tại chỗ, chống nhiễm trùng và chống tắc mạch.
Theo y học cổ truyền
Theo Đông y, nguyên nhân gây ra bệnh là do khí huyết không lưu thông, những thói quen không tốt hoặc do những bệnh lý nội thương. Vì vậy, điều trị bệnh trĩ thường dùng phối hợp các thuốc có tính hoạt huyết, khử ứ, bổ huyết bổ khí. Một số loại thuốc được nghiên cứu có thành phần hoạt chất như các thuốc y học hiện đại giúp bền thành mạch gồm hoè hoa, kim ngân hoa.
Người bệnh cần loại trừ các yếu tố gây bệnh như táo bón, ngồi lâu, điều trị các bệnh lý đi kèm. Tập một số động tác tăng cường cơ vùng hậu môn, thay đổi chế độ ăn phù hợp. Uống thuốc hoặc thoa từ dược liệu góp phần cải thiện tình trạng ứ trệ tĩnh mạch vùng hậu môn.
Bác sĩ Sơn khuyên người bệnh nên đến khám tại các cơ sở uy tín để được chẩn đoán đúng, tìm ra nguyên nhân và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả.
Cẩm Anh
Theo VNE
Những vấn đề khó nói khiến bạn ngại ngùng chịu đựng nhưng lại tiềm ẩn nhiều điều tai hại
Có những điều mà bạn thường xuyên gặp phải trong cuộc sống hàng ngày nhưng ngại nói ra vì nó xuất hiện ở các vị trí rất nhạy cảm. Tuy nhiên, nếu không tìm cách khắc phục thì bạn sẽ rất dễ gặp phải những hậu quả xấu.
Cứ mỗi khi cơ thể xuất hiện triệu chứng bất thường, chúng ta thường nghĩ chắc chỉ một lúc là hết. Thế nhưng, nếu nó diễn ra quá thường xuyên ở những khu vực nhạy cảm sau đây thì hãy cẩn thận và chủ động đi khám ngay.
Vùng kín có mùi bất thường
Có thể là do bạn chưa vệ sinh vùng kín đúng cách hoặc đang mắc một căn bệnh gây mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo. Một vài bệnh như viêm âm đạo, bệnh lây truyền qua đường tình dục, hay nhiễm trùng đường tiểu... đều có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Do đó, bạn nên chủ động đi khám ngay để phòng ngừa những vấn đề tai hại.
Đau rát khi đi đại tiện
Khi ngồi đại tiện, nếu gặp phải tình trạng đau âm ỉ, khó chịu ở vùng hậu môn thì nhiều khả năng là bạn đang bị táo bón. Ngoài ra, đây cũng là dấu hiệu cảnh báo hội chứng ruột kích thích, nứt hậu môn, bệnh trĩ hoặc ung thư trực tràng. Vì vậy, nếu cảm thấy đau rát khi đi đại tiện thì nên nhanh chóng đi khám càng sớm càng tốt.
Đổ mồ hôi nhiều
Kể cả khi trời nóng hay trời lạnh, nếu bạn ra quá nhiều mồ hôi thì đừng chủ quan coi thường. Nhiều khả năng, nguyên nhân là do bạn hoạt động quá sức hoặc gặp vấn đề ở tuyến mồ hôi. Tốt nhất, hãy chủ động đi khám để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra và đưa ra các phương pháp khắc phục hiệu quả.
Ngứa rát vùng ngực
Khi thấy xung quanh vùng ngực của mình có hiện tượng ngứa rát, tiết dịch bất thường hoặc đầu núm vú bị thụt vào thì không nên chủ quan bỏ qua. Rất có thể, đây là triệu chứng ban đầu cảnh báo bệnh ung thư vú nên hãy tìm cách đi kiểm tra ngay.
Cơ thể mọc nhiều lông
Nếu bạn là nữ giới mà gặp phải tình trạng lông mọc nhiều trên cơ thể thì đó có thể là do hội chứng buồng trứng đa nang gây ra. Bệnh này thường đi kèm với triệu chứng rụng tóc, nặng hơn còn có thể gây vô sinh về sau. Do đó, hãy đi khám sớm để được bác sĩ đưa ra phương pháp khắc phục hiệu quả.
Xuất huyết vùng kín bất thường
Nếu không phải trong kỳ kinh nguyệt mà vẫn thấy có máu chảy ra ở vùng kín thì hãy cẩn thận vì có thể là do một số căn bệnh như hội chứng buồng trứng đa nang, bệnh lây truyền qua đường tình dục, ung thư buồng trứng... Tình trạng này khiến bạn luôn cảm thấy bất an, lo âu nhưng hãy tìm cách khắc phục để yên tâm hơn khi ra đường.
Source (Nguồn): Little Things
Ung thư vòm họng là gì? Dấu hiệu ung thư vòm họng thường dễ nhầm lẫn với bệnh khác như xuất hiện khối u ở mũi hoặc cổ, đau họng, khó nói, mất thính lực... Ảnh minh họa Bác sĩ Nguyễn Văn Thành, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết ung thư vòm họng là loại hiếm gặp trong các ung thư...