Đau buồn có thể làm tăng 64% nguy cơ bệnh tim
Những sự kiện đau buồn trong cuộc đời như mất người thân, chẩn đoán ung thư, bị tấn công tình dục… có thể khiến bạn tăng nguy cơ bệnh tim.
Các nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa căng thẳng và bệnh tim chủ yếu tập trung vào các cựu chiến binh bị PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn).
Mới đây các nhà nghiên cứu tại Đại học Iceland và Viện Karolinska, Thụy Điển, muốn xác định mức độ căng thẳng của cuộc sống ảnh hưởng như thế nào đến con người. Họ phân tích 136.637 người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng từ năm 1987 đến 2013.
Căng thẳng, stress do đau buồn dễ dẫn đến bệnh tim.
Các tình nguyện viên được so sánh với anh chị em của họ và 10 người ngẫu nhiên cùng giới tính, năm sinh nhưng không có bất kỳ rối loạn nào liên quan đến căng thẳng hoặc bệnh tim.
Kết quả được công bố cho thấy những người bị căng thẳng có nhiều khả năng mắc các rối loạn tim mạch khi phải đối mặt với một sự kiện đau thương trong cuộc sống. Họ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn 64 % so với người khác.
Những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng khi còn trẻ sẽ có nguy cơ cao hơn .
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Huân Song cho biết các rối loạn liên quan đến căng thẳng và nguy cơ mắc bệnh tim có mối quan hệ chặt chẽ.
“Hầu hết mọi người tại một số thời điểm trong cuộc đời phải đối mặt với chấn thương tâm lý hoặc các sự kiện cuộc sống căng thẳng như cái chết của người thân. Những cảnh tượng đau lòng như vậy có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim”, tiến sĩ Song nói.
Video đang HOT
Cao Khẩm
Theo Fox News
Hội chứng "trái tim vỡ": Tổn thương tim do stress
Một vài phụ nữ lớn tuổi, sau mãn kinh có thể bị bệnh tim khi gặp một kích xúc tâm lý, stress nặng, như bị mất người thân, thất nghiệp, phá sản cơ nghiệp, sau cuộc đại phẫu, thậm chí sau những vui mừng, xúc động quá mức như trúng số độc đắc, được món quà quá lớn.
Đây là một bệnh tim "không thiếu máu" mà do stress thần kinh nặng thoáng qua. Vì thế, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, triệu chứng và bệnh thường tự ổn định dần dần.....
Định danh
Hội chứng tim vỡ, bệnh lý cơ tim do kích xúc (stress cardiomyopathy), phình dãn đỉnh tim thoáng qua (transient apical ballooning syndrome), hội chứng takotsubo, là một bệnh lý thoáng qua của tim, trong đó một vùng cơ tim bị suy yếu đi dù không bị thiếu máu (non-ischemic cardiomyopathy).
Vì vùng cơ tim bệnh lý bị dãn ra khiến chức năng bơm máu bị gián đoạn tạm thời, phần cơ tim còn lại phải hoạt động bù trừ bằng cách co bóp nhanh và mạnh hơn đưa đến suy tim. Các nhà sinh lý bệnh học lý giải, hội chứng tim vỡ là hậu quả của việc tim phải hoạt động quá mức dưới tác dụng của các hóc-môn "căng thẳng" của hệ thần kinh trực giao cảm, là hệ thần kinh "chiến đấu hay trốn chạy" (fight or flight mechanism) để sinh tồn. Các chuyên gia tim mạch đánh giá "trái tim vỡ" là nguyên nhân gây suy tim cấp, rối loạn nhịp thất và vỡ tâm thất và có thể gây tử vong.
Hội chứng tim vỡ thường gặp ở nữ giới, nhiều gấp mười lần ở nam. Phụ nữ lớn tuổi, sau mãn kinh có nguy cơ mắc bệnh gấp năm lần so với người trẻ. Đến 85% trường hợp, "tim vỡ" thường khởi phát sau một kích xúc tâm lý, stress nặng, như bị mất người thân, thất nghiệp, phá sản trong công việc, sau một đại phẫu thuật, và ngay cả những trường hợp vui mừng, xúc động quá mức như trúng số độc đắc, được món quà quá lớn.v.v...
"Trái tim vỡ" được bác sĩ Sato, người Nhật, mô tả lần đầu tiên vào năm 1990 và với tên là takotsubo (rọ bạch tuộc) vì trong hội chứng quả tim bị một vùng tổn thương cho hình ảnh như cái giỏ đựng cá ở ta hay rọ bạch tuộc ở đất nước "mặt trời mọc".
Dấu hiệu và triệu chứng
Dấu hiệu điển hình của hội chứng tim vỡ là cơn đau ngực liên quan đến thay đổi điện tâm đồ "bắt chước" bệnh nhồi máu vách trước cơ tim. Bệnh diễn tiến làm phình đỉnh tim và tăng co thắt tâm thất trái tạo hình dáng cái "rọ bạch tuột" như mô tả ban đầu của bác sĩ Sato.
Hai triệu chứng chính của hội chứng là đau thắt ngực (angina pectoris) và khó thở (shortness of breath). Vì triệu chứng nghèo nàn, và tương tự như nhồi máu cơ tim cho nên khi có bất kỳ cơn đau ngực kéo dài hay dai dẳng nào cũng cần có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ tim mạch.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Các nhà nghiên cứu liệt kê một số nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của hội chứng trái tim vỡ là: (1) co thắt mạch vành thoáng qua làm giảm lưu lượng máu nuôi cơ tim, khiến chúng bị suy giảm chức năng, dãn ra, co bóp kém, (2) rối loạn chức năng vi mạch vì nhỏ nên không thể phát hiện trên chụp động mạch vành xóa nền DSA, nhưng cũng đủ làm giảm cung cấp oxy đủ cho cơ tim hoạt động, (3) tắc nghẽn trung tâm thất (mid-ventricular obstruction), (4) các catecholamines, hóc-môn của thần kinh trực giao cảm, như adrenaline, noradrenaline, trong các stress sẽ làm co mạch, tăng co bóp cơ tim sẽ gây ra các "sang chấn" cho tim.
Chẩn đoán
Hội chứng tim vỡ takotsubo chiếm 1,7 đến 2,2% tổng số bệnh mạch vành cấp. Chẩn đoán rất dễ nhầm lẫn với nhồi máu cơ tim cấp tính vì cũng có đau thắt ngực, khó thở, chuyển đạo ST chênh, sóng T đảo ngược, đoạn QT kéo dài trên điện tâm đồ. Hai khác biệt cơ bản là xét nghiệm các enzyme tim, như CK-MB, LDH, Troponin T, SGOT, HBDH, đều ở hạn mức bình thường và thông tim cho thấy không có tắt hẹp bệnh động mạch vành.
Dấu hiệu độc tôn, "vàng" để chẩn đoán hội chứng tim vỡ là chuyển động bất thường của thành cơ tim, trong đó tâm thất trái co thắt, đỉnh tim dãn ra (ballooning) và phần còn lại có rối loạn vận động. Kích thước tổng quát của tim thường dãn ra do rối loạn chức năng thất trái tại hình "cái giỏ cá".
Tóm lại, bác sĩ lâm sàng dễ dàng chẩn ra "trái tim vỡ" qua: (1) bệnh nhân bị một stress tâm thần kinh trước khi các triệu chứng thực thể; (2) vào viện vì cơn đau thắt ngực và khó thở; (3) các xét nghiệm cận lâm sàng như điện tâm đồ, men tim, DSA không đặc biệt, không có dấu hiệu tắc nghẽn mạch vành hoặc các nguyên nhân khác gây ra rối loạn tim.
Điều trị
Hội chứng tim vỡ thật sự là một bệnh, rối loạn cơ năng thoáng qua, nên việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ tự nhiên, và bệnh thường tự hồi phục. Chỉ những bệnh nhân có sẵn bệnh lý huyết áp, suy tim...phải cần điều trị tích cực hơn các bệnh kèm này. Nói chung, hội chứng tim vỡ sẽ hoàn toàn bình thường sau vài tuần và tối đa là gần hai tháng.
Điều trị hỗ trợ bao gồm: thay đổi lối sống, kiểm soát, giảm tối đa căng thẳng, stress, chữa ổn định các bệnh kèm...Một số chuyên gia tim mạch khuyên nên dùng thêm aspirin và một số thuốc tim mạch khác khi cần thiết.
Đôi điều bàn luận
Hội chứng tim vỡ rất hiếm, 1,2% đến 2,2% ở Nhật Bản, và 2% đến 3% ở các nước phương Tây số ca nhồi máu cơ tim. Vì 90% là bệnh nhân nữ, hầu hết là đã mãn kinh, khởi bệnh 58-75 tuổi, ít có bệnh nhân dưới 50 tuổi, nên nhiều nhà khoa học cho rằng thiếu estrogen gây ra sự phóng thích bất thường catecholamine và glucocorticoid khi có những căng thẳng tâm lý.
Dù "trái tim vỡ" thường tự lành, nhưng cũng vài trường hợp hiếm có biến chứng nặng như suy tim sung huyết, tụt huyết áp, cục máu đông máu ở mỏm tâm thất trái, loạn nhịp và rách vỡ cơ tim. Do đó, khi bệnh nhân đã qua giai đoạn cấp cũng cần theo dõi thêm cho đến khi chức năng quả tim hồi phục hoàn toàn, trên thực thể lâm sàng lẫn xét nghiệm kiểm tra.
TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Nội Nội tiết Việt Nam
Theo Dân trí
Trẻ em không chịu đánh răng có thể có nguy cơ mắc bệnh tim Trẻ không chịu đánh răng thường xuyên có thể gây ra các vấn đề về răng miệng thậm chí còn dẫn đến bệnh tim. Một nghiên cứu được nhóm nghiên cứu mà đứng đầu là Tiến sĩ Pirkko Pussinen (Đại học Helsinki, Phần Lan) về một liên hệ giữa bệnh nướu răng và bệnh tim. Theo đó ở người lớn bệnh nướu ảnh...