Đánh giá bằng nhận xét sao cho hiệu quả?
Không đơn giản là con số đơn thuần, đánh giá bằng nhận xét đòi hỏi GV phải hiểu HS từ hoàn cảnh gia đình, tính cách đến năng lực, sở trường.
HS Trường Tiểu học Võ Thị Sáu ( quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) học giờ Tự nhiên – Xã hội theo phương pháp Bàn tay nặn bột. Ảnh: TG
Đây cũng là những lưu ý để GV và HS tìm hướng khắc phục nhằm có kết quả học tập, rèn luyện tốt hơn.
Theo dõi, đánh giá quá trình
Kết thúc học kỳ I, thầy Đặng Ngọc Lam – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) có những lưu ý đối với hai HS N.T và Đ.A.T.T – lớp 6/1 về điểm số môn Sinh học. “Từ học kỳ II, hai em này được ưu tiên gọi phát biểu xây dựng bài trong giờ học với những câu hỏi ở mức độ kiến thức đơn giản để tạo được sự hứng thú học tập. Tùy theo sự tiến bộ và khả năng đáp ứng của HS, mức độ khó của các câu hỏi có thể tăng lên”. Từ những lưu ý này, thầy Lam ghi nhận xét ngắn gọn vào bảng nhận xét HS “cần cố gắng trong học kỳ II”.
Theo thầy Lam, thay vì viết vào sổ ghi chép cá nhân, GV sẽ nhận xét ngắn gọn những tiến bộ của HS hoặc những đặc điểm cần lưu ý cả về kiến thức, thái độ và kỹ năng trên phần mềm. Dựa trên những lưu ý này, GV sẽ có những giải pháp giúp đỡ HS có kế hoạch học tập phù hợp với bộ môn.
Ví dụ, với môn Toán, 3 HS lớp 6/1 có mốc điểm tổng kết từ 8,4 – 8,7 nhưng với mỗi HS, GV đều có nhận xét khác nhau dựa trên quá trình học tập: “Chưa cẩn thận”, “chưa ổn định” và “tốt”. Dù ngắn gọn nhưng đây là những lưu ý của GV để có những điều chỉnh trong quá trình lên lớp như dành thời gian hướng dẫn HS trong cách trình bày bài, gọi HS tham gia phát biểu xây dựng bài…
Dưới góc độ quản lý, thầy Đặng Ngọc Lam cho rằng: Đánh giá HS theo Thông tư 26 không làm tăng thêm khối lượng công việc của GV, hỗ trợ tích cực cho quá trình dạy học chứ không mang tính hình thức. “Không thể nói, với GV bộ môn, số tiết ít, lượng HS lớn không nhớ được mặt HS chứ đừng nói nhớ đến sự tiến bộ của từng em.
Video đang HOT
Hiện nay, các trường học, tùy theo điều kiện thực tế, đã triển khai nhiều phương pháp dạy học tiệm cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như tổ chức làm việc theo nhóm, dạy học theo dự án, giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm sáng tạo… GV bộ môn cũng phải ghi nhớ quá trình làm việc của HS dựa trên từng nhiệm vụ phân công cụ thể chứ không chỉ vào lớp truyền thụ một chiều cho xong 45 phút như trước kia”, thầy Lam nhận định.
Học sinh tự tin, tiến bộ
Cô Nguyễn Thị Hồng Yến – GV lớp Một, Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận xét: Để có thể hỗ trợ HS học tập tốt, GV buộc phải hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, tâm tính của từng em. Với những HS có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, như bố mẹ ly hôn, mồ côi cha hoặc mẹ… cần được GV động viên, gần gũi nhiều hơn. Với HS rụt rè, GV thường biểu dương, động viên khi các em chủ động xây dựng bài. GV sẽ phải chủ động gọi HS phát biểu, đọc bài trước lớp nhiều hơn các bạn khác để em mạnh dạn.
Với những trường hợp đọc còn chậm, trong giờ dạy, ở phần đọc âm, từ, GV ưu tiên gọi các em đọc để không tự ti trước bạn bè. Giờ ra chơi, cô giáo sẽ kèm riêng cho em đọc những câu dài, khó… Lựa theo từng tính cách, mức độ tiếp nhận của HS, GV có những lời nhận xét, khen thưởng phù hợp như stick, bông hoa, gắn cờ thi đua… tạo sự háo hức trong học tập và rèn luyện. Những nhận xét trực tiếp của GV trong giờ học cũng giúp cho sự tương tác giữa HS và GV, giữa HS và HS tốt hơn.
Nhiều năm tiếp nhận HS “đặc biệt” học hòa nhập, cô Hồng Yến cho rằng: Những động viên, khuyến khích trong đánh giá, nhận xét bằng lời sẽ tạo cho các em sự tin cậy, giữ được cảm xúc ôn hòa, giúp các em có sự ổn định trong quá trình tương tác với thầy cô, bạn bè.
Nhận xét về những đánh giá bằng nhận xét của GV chủ nhiệm cũng như GV bộ môn, chị Trần Thị Thu Hương (trú tại đường Nguyễn Thị Minh Khai – quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: Từ những trao đổi trực tiếp của cô giáo kết hợp với nhận xét bằng chữ trong vở, phụ huynh biết chi tiết quá trình học tập của con ở lớp học.
Đặc biệt, những đánh giá nhận xét cuối học kỳ của GV rất quan trọng, giúp phụ huynh định hướng được những gì cần hỗ trợ con em mình trong học tập để học kỳ II có kết quả tốt hơn. Ví dụ như môn Tiếng Việt, mức đạt giữa kỳ và cuối kỳ của con tôi đều Tốt, điểm kiểm tra định kỳ đạt điểm 10, nhưng nhờ lời nhận xét của cô giáo “đọc thành thạo nhưng đọc còn nhỏ, cần khắc phục”, chúng tôi biết được những hạn chế của con để có hướng dẫn học tập tốt hơn.
Thầy Thái Quốc Khánh – Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thế Hiếu (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) nhận xét: Có tình trạng giáo viên nhìn điểm số HS để nhận xét, đánh giá. Ví dụ, điểm ở mức trung bình, yếu sẽ có chung mẫu “cần cố gắng hơn nữa”, “cần cố gắng nhiều hơn”, “học trung bình cần cố gắng”… Trong khi đó, quá trình học, mỗi HS có mức độ tập trung, sự chuyên cần, khả năng tiếp thu bài khác nhau, chưa kể là tính cách, sở trường… của các em cũng khác.
Trong các tiết trả bài kiểm tra, giáo viên đều có nhận xét bài làm, so sánh sự tiến bộ hoặc một số lưu ý cho HS về những kiến thức, kỹ năng cần đạt được. Nhưng không phải 100% HS được GV nhận xét bằng lời. Vì vậy, việc GV nhận xét vào cuối học kỳ sẽ giúp HS nhìn lại quá trình học của mình được những gì, cần điều chỉnh gì. Sẽ tốt hơn nữa nếu GV có những nhận xét đi cùng cột điểm kiểm tra định kỳ.
Nếu GV theo sát quá trình học tập của HS, nắm được tính cách của từng em, việc nhận xét sẽ không mang tính hình thức và cũng không áp lực, nặng nề. Mục đích cuối cùng của việc đánh giá bằng nhận xét là GV khích lệ hoặc hỗ trợ cho HS khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ học tập. Và nhận xét trực tiếp hay bằng chữ cũng đều hỗ trợ cho quá trình này. Lâu nay, GV đã thực hiện nên không có gì quá mới mẻ, bỡ ngỡ. – Cô Lê Thị Em (Hiệu trưởng Trường TH Hai Bà Trưng quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)
Đổi mới kiểm tra đánh giá: Thầy cô chủ động, linh hoạt
Song song với đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá HS cũng được nhiều GV tại TPHCM triển khai trong thời gian qua.
Học sinh Trường THCS Minh Đức, Quận 1 trải nghiệm xe buýt mui trần 2 tầng để học tập liên môn. Ảnh: NTCC
Đặc biệt, khi Thông tư 26 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực với nhiều điểm mới, thầy cô đã chủ động, linh hoạt trong đánh giá HS bằng hình thức khác nhau.
"Nào mình cùng lên xe buýt"
Vừa qua, Trường THCS Minh Đức, Quận 1 triển khai cho khối 8, 9 của trường chuyên đề trải nghiệm bằng xe buýt 2 tầng mui trần học tập liên môn Văn, Sử, Địa, Tiếng Anh. Theo đó, HS được chia theo từng lớp, tìm hiểu hình thức du lịch bằng xe buýt hai tầng mui trần khám phá kiến trúc xây dựng xưa và nay của TPHCM và quan sát thực trạng giao thông hiện nay tại trung tâm TP. Điều thú vị là các em sẽ làm bài kiểm tra theo nhóm.
HS được chia thành nhiều nhóm để hoàn thành các sản phẩm của môn học như tờ rơi giới thiệu về các điểm tham quan trung tâm TP qua xe buýt hay sản phẩm mô tả giao thông TP... Những sản phẩm đều giới thiệu bằng tiếng Anh, có tiếng Việt phụ đề và được HS thuyết trình theo nhóm tại lớp. GV sẽ chấm điểm các sản phẩm của nhóm và cho vào cột điểm thường xuyên thay cho bài kiểm tra giấy.
Cô Đào Thị Bích Thủy, GV môn Địa lý, Trường THCS Minh Đức chia sẻ: Qua học tập trải nghiệm, thầy cô bất ngờ với năng lực, sở trường của học trò. Các em nắm được kiến thức môn học và thỏa sức sáng tạo với các sản phẩm của mình qua cách trình bày, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), năng lực ngoại ngữ, thuyết trình, làm việc nhóm... Điều này giúp GV đánh giá toàn diện đầy đủ, chính xác từng HS. Tùy vào bộ môn cụ thể, GV có thể sẽ cho điểm cộng, ưu tiên hoặc cho điểm HS vào cột điểm thường xuyên. Nó rất khác với những bài kiểm tra giấy trước đây mà các em đã làm ở lớp.
Tương tự, học kỳ I vừa qua, Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) triển khai dự án học tập trải nghiệm môn Lịch sử Sài Gòn by bus với nội dung phần lịch sử địa phương. Dự án nhận được sự hưởng ứng và tham gia của HS đến từ 6 trường THPT khác của Quận 1, Quận 3. HS tham gia dự án được chia theo nhóm khoảng 6 - 8 em. Các em trải nghiệm bằng phương tiện công cộng như xe buýt, buýt sông, xe buýt mui trần 2 tầng... để khám phá cảnh đẹp, tìm hiểu lịch sử, văn hóa qua trang phục, ẩm thực... của Sài Gòn.
Sau khi học tập trải nghiệm, HS cùng làm một bài kiểm tra "độc lạ", đó là "review" và ghi lại bằng những video, tập san, mô hình. Theo đó trang Sài Gòn by bus đã thu được 101 video clip, 12 bản đồ, 32 brochure, 14 poster. Những sản phẩm của HS được đầu tư công phu, đầy sáng tạo, Sài Gòn hiện lên qua lăng kính của các em rất sinh động.
Nổi bật trong đó là sản phẩm của nhóm 11A1, Trường THPT Lê Quý Đôn với các thành viên Quốc Hưng, Quốc Việt, Trung Nguyên, Tường Vân, Xuân Nghi, Phương Du. Các em thực hiện một bài báo cáo dự án độc đáo qua Rap. Quốc Việt - Quốc Hưng, hai thành viên của nhóm đã viết lời cho bản Rap giới thiệu cảnh đẹp Sài Gòn qua video mà nhóm thực hiện. Quốc Hưng cho hay: Thể loại Rap đang được nhiều bạn trẻ yêu thích và bản thân nhóm em cũng yêu Rap nên quyết định "phá cách" để giới thiệu về những cảnh đẹp Sài Gòn qua clip. Đây là dự án rất thú vị, ý nghĩa, tạo không gian học tập mở, đầy niềm vui, hiệu quả và cũng là bài... kiểm tra đặc biệt nhất đối với các thành viên trong nhóm.
Một trong những sản phẩm đầy sáng tạo của học sinh trưng bày tại buổi tổng kết dự án lịch sử Sài Gòn by bus. Ảnh: Phan Nga
Linh hoạt trong kiểm tra, đánh giá
Thầy Nguyễn Minh Trung, GV Sinh học Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) vừa triển khai cho HS khối 11 thực hiện dự án có tên các hệ cơ quan ở động vật. HS sẽ được tìm hiểu hệ tiêu hóa, hô hấp, tuần hoàn, bài tiết và cân bằng nội môi với cách học và làm bài kiểm tra rất thú vị. Theo đó, thay vì học tập trên lớp, các em sẽ có những hoạt động trải nghiệm không gian ngoài lớp học, sử dụng phương pháp trực quan sinh động thông qua hình ảnh, biểu đồ, video, mẫu vật thật, làm việc nhóm, thuyết trình... thông qua dạy học theo trạm và kỹ thuật "lắng nghe - suy nghĩ và chia sẻ".
Mỗi nhóm với 4 - 6 thành viên tiến hành chọn 1 chủ đề của dự án để thực hiện. Sản phẩm của các em sẽ được cho vào cột điểm thường xuyên. Yêu cầu của từng nhóm là các sản phẩm (các tờ rơi tuyên truyền, poster, infographic, sơ đồ tiến hóa, hay thực hành mổ ếch, đo huyết áp...) mà các em làm ra giống như một đề bài kiểm tra, nhưng khác nhau về cách thức, hình thức cũng như nội dung. Thầy cô sẽ đánh giá một cách toàn diện và chấm điểm dựa vào sự tương tác trong quá trình làm việc nhóm, sản phẩm, thuyết trình...
Nói về việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn cho rằng, làm một bài kiểm tra đơn thuần trên lớp chủ yếu là kiểm tra sự ghi nhớ kiến thức của HS. Thực tế, nhiều em khả năng ghi nhớ chưa tốt, bài làm sẽ kém hơn các bạn nhưng lại có nhiều kỹ năng khác tốt hơn. Vì vậy, để đánh giá một cách toàn diện HS, việc đổi mới hình thức đánh giá là yêu cầu tất yếu, đòi hỏi GV phải chủ động thay đổi đánh giá bằng năng lực chứ không phải bằng kiến thức máy móc.
Học tập ngoài không gian lớp học rất thoải mái, không bị gò bó như ở trong lớp. Không chỉ tiếp thu bài tốt, em và các bạn còn rèn cho mình kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, phát huy được sở trường của từng bạn. Mỗi nhóm có sản phẩm khác nhau, điều đó khá thú vị. Ai cũng muốn hoàn thành sản phẩm của mình thật tốt, gây ấn tượng... - Lý Vĩnh Hòa (HS lớp 11TH1, Trường THPT Gia Định)
Những người "đánh thức" môn học Để tiệm cận với việc dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình mới, thời gian qua nhiều giáo viên tại TPHCM đã chủ động, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh. Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn trong tiết giảng. Nổi bật trong đó là cô Cao Phan Hà Vy (giáo...