Đặc sản núi rừng Tây Bắc “thịt trâu gác bếp”
Thớ thịt trâu màu nâu hồng rất bắt mắt, khi ăn sẽ cảm thấy hơi hăng hắc vị của khói ám lâu ngày. Bạn có thể thấy khó ăn nhưng khi miếng thịt đã trôi xuống họng, vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi lại khiến thực khách mê mẩn.
Du lịch đến vùng núi cao Tây Bắc, trong bữa cơm rượu đãi khách của chủ nhà, bạn sẽ bị hấp dẫn bởi món thịt trâu gác bếp (còn gọi là thịt trâu xông khói) rất đặc biệt. Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của người Thái đen, xưa kia họ nghĩ ra cách ướp thịt trâu, bò treo lên gác bếp để có thể ăn được lâu, dùng trong những ngày lễ tết, cỗ bàn hay những dịp quan trọng.
Đặc biệt, món ăn phát huy tác dụng bổ sung dưỡng chất khi đi rừng dài ngày và mùa mưa lũ khó ra ngoài lấy thức ăn. Ngày nay, món ăn trở thành đặc sản phổ biến, có mặt nhiều trong bữa cơm của dân bản, được những thực khách miền xuôi rất ưa thích.
Cách chế biến thịt trâu gác bếp không khó, nhưng cũng khá mất công. Người làm thường cắt những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, bò hoặc lợn, lóc các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ lại thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén (một loại hạt tiêu rừng) và treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô để bảo quản.
Thịt trâu gác bếp có vị nồng nồng của khói, vị bùi của trâu, vị cay của mắc khén… chấm cùng chẳm chéo hoặc tương ớt cay rất hợp vị
Video đang HOT
Khoảng 8 tháng đến tháng 1 năm sau, họ sẽ hạ thịt trâu xuống, nướng, hầm hoặc nấu thành nhiều món khác nhau, ăn tới đâu lấy tới đó. Khói ám lâu ngày làm thịt trâu có mùi đặc biệt, mang đậm phong vị núi rừng với hình thức bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà.
Phổ biến nhất là món thịt trâu gác bếp xé nhỏ, chấm cùng chẳm chéo làm mồi nhậu. Người dân vùng cao vẫn thường trữ một ít thịt trâu gác bếp, dùng khi có khách quý đến chơi nhà sẽ đem ra mời.
Họ thường luộc qua với nước để thịt mềm và đảm bảo chín hết, sau đó xé từng thớ nhỏ bày đĩa. Đặc biệt, những gia vị như tiêu, ớt, gừng, mắc khén do hun khói lâu ngày nên vẫn còn bám chặt trên từng thớ thịt hồng, trông qua đã thấy ngon mắt.
Giá một kg thịt trâu gác bếp dao động 650.000 – 750.000 đồng
Thú vị hơn cả là cảm giác khi thưởng thức thịt trâu gác bếp trong một ngày se lạnh, uống ngụm rượu ngô cay lâng lâng và nhấm nháp một vài sợi dai dai để cảm nhận vị khói bếp đậm, ngọt, cay, thơm trên từng thớ thịt.
Những người miền xuôi lần đầu nếm thử hẳn sẽ phải lắc đầu, nhăn mặt với vị cay của gia vị và độ mặn, hắc của món ăn. Tuy nhiên, nếu đã phải lòng hương vị đậm chất núi rừng ấy, bạn sẽ muốn quay lại để thưởng thức thêm nhiều lần nữa.
Nếu có dịp đến các tỉnh Tây Bắc như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai… du khách đừng quên thưởng thức và mua một ít đặc sản miền sơn cước về làm quà.
Theo Vnexpress
Tìm hiểu ý nghĩa của xôi ngũ sắc Đặc sản núi rừng Tây Bắc
Xôi ngũ sắc là món ngon đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Bằng các thứ lá cây rừng và gạo nếp nương, người miền núi Tây Bắc đã sáng tạo ra một món ăn vô cùng đẹp mắt và độc đáo.
Theo quan niệm của một số đồng bào các dân tộc thiểu số như: Cao Lan, Tày, Nùng, Thái,... ở khu vực miền núi phía Bắc thì mỗi màu sắc thể hiện những ý nghĩa triết lý vũ trụ, nhân sinh trong "ngũ hành".
Những ai đã được tận mắt nhìn thấy vẻ đẹp của mâm xôi ngũ sắc, ngửi thấy mùi thơm ngào ngạt và được nếm miếng xôi dẻo quánh, béo ngậy chắc hẳn sẽ không thể quên được món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng này.
Gọi là xôi ngũ sắc vì khác với các loại xôi thông thường, xôi ngũ sắc được tạo nên bởi năm loại xôi với năm màu khác nhau. Đó là màu đỏ, màu vàng, màu xanh, màu tím và màu trắng Cách chế biến xôi ngũ sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc cơ bản giống nhau. Tuy nhiên, tùy điều kiện từng vùng, họ có thể pha trộn hoặc dùng các màu khác nhau ngoài những màu cơ bản trên để tạo nên xôi ngũ sắc.
Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: Gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây rừng để nhuộm màu. Màu đỏ dùng quả gấc, lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen, hoặc lá cây sau... Trước khi nhuộm màu xôi, gạo nếp vo sạch đem ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ để hạt gạo có độ nở vừa phải. Chia gạo ra thành 5 phần, mỗi phần tương ứng với một màu.
Sau khi nhuộm màu, đến công đoạn cuối cùng là đồ xôi. Khâu này đòi hỏi phải thật khéo léo mới có được món xôi như ý. Gạo ngâm màu nào dễ phai nhất được cho vào chõ đầu tiên, kế đến là các màu còn lại, màu trắng trên cùng. Phải đồ mỗi màu một chõ riêng. Có nơi bày thành bông hoa 5 cánh, mỗi cánh một màu, có nơi bày theo hình ruộng bậc thang, mỗi bậc một màu, có nơi dùng khuôn gỗ đóng thành tháp, nhiều tầng...
Với màu sắc hấp dẫn, hương vị đặc trưng của gạo nếp nương, thêm những mùi vị rất riêng của các loại lá rừng tạo cho xôi ngũ sắc có những dư vị thật độc đáo và khác lạ. Điều đặc biệt hơn, đây không chỉ đơn thuần là món ăn, mà còn là tinh hoa văn hóa ngàn đời. Mỗi màu sắc trong xôi đều mang ý nghĩa triết lý riêng. Theo quan niệm của người Cao Lan, năm màu tương ứng với "ngũ hành" có sự tương sinh, tương khắc. Màu đỏ tượng trưng cho hỏa, đen là màu của thủy, trắng là màu của kim, vàng là màu của thổ, xanh hay tím tượng trưng cho mộc. Đặc biệt, vào dịp Tết, người Cao Lan còn làm xôi với đề tài chúc tụng, mừng Xuân, cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình, bản thân như xôi có chữ "Phúc - Lộc - Thọ"...
Với người Tày, xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống vào các dịp cúng giỗ, cưới hỏi, vào nhà mới và các ngày Tết mồng 5 tháng 5, ngày rằm tháng Bảy hằng năm... Đồng bào Tày quan niệm, nếu xôi nhà ai pha chế màu chuẩn, đẹp thì được xem là người khéo tay, làm ăn phát đạt.
Theo Comvietnam
Những món ngon đặc sản Mộc Châu mê hoặc du khách Mộc Châu cách Hà Nội khoảng 200 km về phía tây, nơi đây vốn nổi tiếng là thiên đường nghỉ dưỡng của miền Bắc với bầu không khí quanh năm se lạnh cùng khung cảnh nên thơ và nền ẩm thực đặc sắc. Đến với Mộc Châu những ngày, bạn đừng quên thưởng thức những món ăn đậm chất núi rừng mang hương...