Đã ngừa viêm não Nhật Bản vẫn có thể viêm màng não
Viêm màng não và viêm não Nhật Bản là hai bệnh khác nhau, dù đã chích ngừa viêm não Nhật Bản thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não.
Nếu không cấp cứu kịp, bé có thể tử vong hoặc để lại di chứng như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân…
Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM hiện tiếp nhận điều trị 4 bệnh nhi viêm màng não là hai cặp anh em. Đây là lần đầu khoa tiếp nhận hai đôi anh em ở cùng nhà cùng bị viêm màng não. Trường hợp này khá hiếm vì viêm màng não không giống sởi, thủy đậu…, không thể lây cùng nhau trong một gia đình, vì thế phải có nguồn lây đặc biệt. Căn cứ vào dịch tễ và triệu chứng thì rất có thể các bé bị viêm não do virus. Các bác sĩ đang lấy mẫu xét nghiệm để xác định tác nhân gây bệnh.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng (TP HCM) cho biết, điều quan trọng phụ huynh cần biết là bệnh viêm màng não và bệnh viêm não Nhật Bản là hai bệnh khác nhau. Dù đã chích ngừa viêm não Nhật Bản thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não và dù đã chích ngừa HIB thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não vì viêm màng não có thể do nhiều loại vi trùng và siêu vi trùng gây ra.
Bệnh nhi nhập viện điều trị viêm não Nhật Bản tại BV Nhi đồng 1, TP HCM. Ảnh: Lê Phương.
Theo bác sĩ Khanh, viêm màng não là bệnh viêm nhiễm của màng não, nguyên nhân gây bệnh có thể là vi trùng hay siêu vi trùng. Các vi trùng hay siêu vi trùng gây bệnh này thường từ vùng tai mũi họng bị viêm nhiễm đi vào màng não và gây viêm. Bệnh thường gặp ở trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, nhưng trẻ lớn và người lớn cũng có thể mắc.
Bệnh có thể gặp quanh năm, hay gặp nhiều sau những đợt dịch cảm cúm. Viêm màng não là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không điều trị hay điều trị trễ bệnh có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như điếc, mù lòa, động kinh, yếu liệt tay chân hay nặng hơn trẻ không còn nhận biết được người thân dù đã điều trị khỏi bệnh, nhưng nếu điều trị kịp thời trẻ sẽ khỏi bệnh và hoàn toàn bình thường.
Dấu hiệu của bệnh viêm màng não có thể xuất hiện rất nhanh ngay trong ngày đầu tiên của bệnh hay xuất hiện sau một vài ngày sốt, ho, sổ mũi bằng các triệu chứng như sau:
- Trẻ lớn: sốt cao, than đau đầu, đau gáy, ăn kém, nôn ói, cổ cứng.
Video đang HOT
- Trẻ nhỏ: sốt cao, bỏ bú, biếng chơi, ngủ nhiều, nôn ói, cổ cứng, trẻ còn thóp có thể thấy thóp phồng căng.
- Riêng trẻ dưới 3 tháng tuổi có thể không sốt mà chỉ có biểu hiện bỏ bú, khóc thét hay ngủ nhiều.
- Khi nặng hơn trẻ sẽ bị động kinh, co giật, li bì, hôn mê.
Các triệu chứng trên sẽ xuất hiện ngày càng nặng hơn nếu không được điều trị.
Diễn tiến của bệnh tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu nguyên nhân là vi trùng bệnh sẽ gây tử vong hay để lại di chứng nặng khi trẻ không được điều trị kịp thời, còn nếu nguyên nhân là siêu vi trùng thì đa số trẻ sẽ tự khỏi cũng như các trường hợp nhiễm siêu vi trùng khác (như nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp gây ra cảm cúm, ho, sổ mũi; nhiễm siêu vi trùng đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy, ói).
Bệnh viêm màng não dù do nguyên nhân vi trùng hay siêu vi trùng đều cần phải điều trị và theo dõi tại bệnh viện để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng của bệnh. Ngoài ra để có thể biết được viêm màng não là do vi trùng hay do siêu vi trùng thì cần phải làm những xét nghiệm, đặc biệt là xét nghiệm nước màng não (nước não tủy) và theo dõi cẩn thận tại bệnh viện. Một số phụ huynh không đồng ý cho bác sĩ lấy nước màng não xét nghiệm có thể gây chậm trễ cho việc chẩn đoán bệnh.
Để điều trị khỏi và không có di chứng một trẻ mắc bệnh viêm màng não do vi trùng (còn gọi là viêm màng não mủ) thì cần phải cho trẻ nhập viện sớm, sử dụng kháng sinh mạnh và phải nằm viện nhiều ngày, trong khi viêm màng não do siêu vi trùng thì không cần thiết phải điều trị kháng sinh và thời gian theo dõi điều trị tại bệnh viện cũng chỉ kéo dài từ 3 đến 5 ngày.
Để phát hiện kịp thời bệnh viêm màng não mủ phụ huynh nên mang trẻ đến bác sĩ khám khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao, nôn ói, đau đầu, bỏ ăn, bỏ bú, biếng chơi, thóp phồng và cần mang trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như co giật, li bì, hôn mê.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, đối với trẻ có triệu chứng nghi ngờ viêm màng não mà chưa thể đến bác sĩ khám được thì việc điều trị tại nhà chủ yếu là hạ sốt bằng Paracetamol và quan trọng nhất là theo dõi tình trạng bệnh của trẻ, nếu trẻ bị viêm màng não thì các triệu chứng sốt, nôn ói, đau đầu, biếng ăn, biếng chơi sẽ diễn biến ngày càng nặng hơn, do đó khi thấy các triệu chứng trên không giảm sau một ngày hay mỗi lúc mỗi nặng hơn thì nên mang trẻ đến bệnh viện ngay.
Vì bệnh viêm màng não là bệnh rất nguy hiểm và điều trị rất tốn kém nên việc phòng bệnh là rất quan trọng. Để phòng ngừa bệnh viêm màng não nên giữ ấm cho trẻ, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và nhất là lúc có dịch cảm cúm xảy ra. Cần điều trị kịp thời, tránh để trẻ bị viêm mũi họng kéo dài cũng như cần điều trị ngay khi trẻ bị chảy mủ tai.
Khi có điều kiện nên cho trẻ chích ngừa vắcxin phòng viêm màng não do HIB (Hémophillus influenza type B). Đây là loại vi trùng gây trên 70% các trường hợp viêm màng não ở trẻ em. Có thể bắt đầu chích ngừa cho trẻ lúc 2-3 tháng tuổi hay bất kỳ thời điểm nào ở trẻ dưới 5 tuổi theo lịch sau:
- Trẻ từ 2 tháng đến 6 tháng: Chích 3 liều mỗi liều cách nhau một tháng, có thể chích nhắc lại lúc 18 tháng.
- Trẻ từ 7 tháng đến 11 tháng: Chích 2 liều cách nhau một tháng, có thể chích nhắc lại lúc 18 tháng.
- Trẻ từ 12 tháng đến 14 tháng: Chích một liều và chích nhắc lại một liều lúc 18 tháng.
- Trẻ 15 đến 59 tháng: Chích một liều duy nhất.
Trẻ trên 5 tuổi không cần thiết phải chích ngừa loại vắcxin này vì vi trùng này rất khi ít gây viêm màng não mủ ở trẻ trên 5 tuổi.
Lê Phương
Theo VNE
Nguy cơ bệnh chồng bệnh tại TP HCM
Trong khi sởi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì bệnh tay chân miệng lại đang có xu hướng tăng dần tại TP HCM.
Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện có 50 bệnh nhân sởi, 51 ca tay chân miệng đang điều trị nội trú. Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng ghi nhận 68 ca sởi nội trú và mỗi ngày có khoảng 30-40 bệnh nhi tay chân miệng nhập viện theo dõi. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 2.000 trường hợp mắc tay chân miệng trên địa bàn TP HCM. Những ngày gần đây, xu hướng sởi nội trú giảm dần nhưng ngoại trú vẫn chưa hạ nhiệt. Một số ca bệnh thủy đậu cũng xuất hiện rải rác.
Bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Phó Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh tay chân miệng chưa ở mức cao điểm nhưng nhiều dịch bệnh xuất hiện cùng lúc nên đã gây nên áp lực trong việc điều trị.
Bệnh tay chân miệng đang có xu hướng tăng dần tại TP HCM. Ảnh: Lê Phương.
Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng nhận định, chu kỳ hằng năm thì mùa này là mùa bệnh tay chân miệng diễn tiến và bệnh đang có xu hướng tăng dần. So với các năm trước thì số lượng giảm hơn rất nhiều, không có sự đột biến do ngành y đã tiên lượng trước tình hình cũng như có kinh nghiệm xử lý hơn.
"Năm nay do bệnh sởi diễn biến phức tạp nên các dịch bệnh có nguy cơ chồng chéo nhau. Tại bệnh viện, mỗi loại bệnh có một khu cách ly riêng, người nhà cũng cần hạn chế vào ra để tránh lây truyền mầm bệnh", bác sĩ Nam chia sẻ.
Theo bác sĩ Thoa, 3 bệnh sởi, thủy đậu, tay chân miệng đều có triệu chứng chung là sốt cao, nổi hồng ban nhưng mỗi bệnh có biểu hiện cụ thể khác nhau.
Thủy đậu có diễn tiến ban đầu là các hồng ban, sau đó các bóng nước thường nổi ở thân nhiều hơn ở tay chân. Các hồng ban này sẽ nổi theo từng giai đoạn, từng đợt riêng. Trong khi đó, bệnh tay chân miệng thì các nốt ban xuất hiện ở tay chân, đặc biệt trong lòng bàn tay, bàn chân nhiều hơn trên thân. Ở sởi, bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt, chảy nước mắt, sau đó phát ban theo thứ tự từ đầu đến chân và khi ban bay đi cũng sẽ theo thứ tự như thế.
Bệnh sởi do đã có văcxin nên có thể chủ động phòng ngừa. Riêng tay chân miệng hiện chưa có văcxin phòng ngừa, bệnh có thể tái đi tái lại, gây biến chứng viêm màng não, viêm não, tổn thương tim... nên cần tăng cường ý thức phòng bệnh. Trẻ có biểu hiện bệnh cần được đi khám và thực hiện cách ly. Trẻ cần được nghỉ học, không đến những nơi đông người để tránh lây lan bệnh, biết cách tự giữ vệ sinh như thường xuyên rửa tay, không móc mũi, biết che miệng khi ho... Người chăm sóc trẻ cũng cần giữ vệ sinh sạch sẽ, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng.
Các bác sĩ khuyến cáo người bị sởi, tay chân miệng hay thủy đậu đều cần phải cách ly tốt và thực hiện chăm sóc tại nhà. Bệnh ở giai đoạn nhẹ nếu nhập viện sẽ dẫn đến quá tải, nguy cơ lây nhiễm chéo nhiều loại bệnh. Phụ huynh cần lưu ý không dùng các biện pháp dân gian như đeo vòng tay, tắm các loại lá, uống tiêu ban lộ, ăn cháo muối khiến trẻ không đủ dinh dưỡng phòng bệnh, kiêng gió kiêng nước gây nóng bức, mất vệ sinh ở trẻ.
"Việc áp dụng các biện pháp chưa có nghiên cứu khoa học một mặt sẽ gây tác dụng phụ ở trẻ, mặt khác có thể khiến người nhà nghĩ là đã có biện pháp điều trị bệnh nên chủ quan, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho trẻ", bác sĩ Nam phân tích.
Lê Phương
Theo VNE
Viêm não Nhật Bản vào đỉnh dịch Tháng 7 là thời điểm đỉnh của dịch viêm não Nhật Bản. Từ đầu mùa đến nay, Bệnh viện Nhi trung ương ghi nhận 46 ca bệnh, trong đó Hà Nội nhiều nhất với 15 ca, một người tử vong. Cả nước hiện ghi nhận 325 trường hợp mắc viêm não virus tại 31 tỉnh, thành phố, có 5 ca tử vong. Ước...