Cứu sống mẹ con sản phụ bị nhau bong non thể nặng hiếm gặp
Các bác sĩ Khoa Sản, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ vừa tiến hành phẫu thuật kịp thời cứu sống cả mẹ và con, đồng thời bảo tồn khả năng sinh sản cho một sản phụ bị nhau bong non thể nặng, xuất huyết tử cung nhau (còn gọi là hội chứng Couvelaire).
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Huệ – Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ thăm khám cho sản phụ sau phẫu thuật. Ảnh: TTXVN phát
Thai phụ P.T.D. (31 tuổi, ngụ tại thành phố Cần Thơ) nhập viện Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ ngày 15/8, trong tình trạng mang thai lần 2, thai 37 tuần 2 ngày; ra huyết đỏ sậm, bụng căng đau, tim thai khó nghe.
Xác định đây là trường hợp mang thai có biến chứng nhau bong non thể nặng, nguy cơ cao đến tính mạng cả hai mẹ con, ngay lập tức đội ngũ y, bác sĩ chuyên Khoa Sản nhanh chóng tiến hành hội chẩn khẩn liên khoa. Ê kíp quyết định phẫu thuật bắt con; em bé khi được đưa ra đã trong tình trạng ngạt trắng, cân nặng 2.600g. Các bác sĩ chuyên khoa hồi sức nhi đã tiến hành hô hấp nhân tạo, cùng các can thiệp kịp thời khác, giúp bé cất tiếng khóc chào đời an toàn.
Về phần sản phụ, các bác sĩ phát hiện tử cung bị nhồi máu tím bầm, nguy cơ bị rối loạn đông máu, cắt bỏ tử cung. Nhận thấy sản phụ còn quá trẻ, ê kíp các bác sĩ đã cố gắng tìm cách để bảo tồn tử cung, giúp thai phụ duy trì sức khỏe sinh sản và tâm sinh lý.
Sản phụ được chỉ định sử dụng thuốc tăng co bóp kết hợp mổ xử trí. Ca mổ kéo dài gần 60 phút và bảo tồn được tử cung. Sáu ngày sau can thiệp, sức khỏe mẹ và bé ổn định.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Huệ, Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho biết: Nhau bong non là một cấp cứu sản khoa, tỷ lệ mắc bệnh trong thai kỳ là 0,6 – 1 ca/100 thai phụ. Đây là bệnh lý nặng toàn thân, biến chuyển nhanh chóng dễ làm tử vong mẹ và con. Nguyên nhân do nhau bong trước khi thai được ra ngoài, do có sự hình thành khối huyết tụ sau nhau. Khối huyết tụ lớn làm bong dần bánh nhau, màng nhau khỏi thành tử cung, cắt đứt sự trao đổi oxy giữa mẹ và con do các mạch máu niêm mạc tử cung nơi nhau bám bị phá vỡ.
Các yếu tố nguy cơ khiến thai phụ có thể bị nhau bong non gồm: Tăng huyết áp thai kỳ (tiền sản giật); sự căng giãn đột ngột quá mức của tử cung; những thương tổn của mạch máu tại bánh nhau, tại vùng nhau bám; dây rốn ngắn; thai phụ lớn tuổi, thai phụ có tiền sử hút thuốc, sử dụng chất kích thích… Các bác sĩ khuyến cáo, để ngăn ngừa và phát hiện sớm tình trạng bệnh lý nhau bong non, thai phụ cần có chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, tuân thủ lịch khám thai định kỳ tại các cơ sở uy tín, có đủ máy móc, thiết bị, tay nghề bác sĩ cao, đảm bảo chẩn đoán sớm và phân loại đúng các thể lâm sàng nhau bong non. Từ đó có hướng xử trí nhanh chóng, phù hợp và tích cực ngay từ đầu.
Bật báo động đỏ cứu sống sản phụ vỡ tử cung nguy hiểm
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, đến ngày 6/8, tình trạng của chị N.T.P.H (29 tuổi, ngụ xã Phú Túc, huyện Định Quán, Đồng Nai) bị vỡ tử cung khi mang thai ở tuần 38 đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định, có thể xuất viện trong tuần tới.
Trước đó, ngày 2/8, chị N.T.P.H thấy đau bụng âm ỉ ở tử cung vùng hạ vị, sau đó, cơn gò tử cung xuất hiện khiến chị càng khó chịu hơn và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Người nhà sản phụ cho biết, trước đó, chị N.T.P.H đã hai lần sinh mổ vào năm 2014 và 2023. Do không kế hoạch ngừa thai nên đã mang thai lần thứ 3 khoảng 38 - 39 tuần. Trong suốt thai kỳ, chị chỉ đi siêu âm ở phòng khám tư nhân và không rõ ngày dự sinh.
Tiến hành kiểm tra, các bác sĩ ghi nhận bụng sản phụ đau một cách bất thường, tim thai không nghe được, siêu âm cấp cứu thấy em bé không cử động, tim thai co bóp yếu.
Ngay lập tức, bệnh viện bật báo động đỏ để tiến hành mổ cấp cứu khẩn cấp cho sản phụ. Mặc dù được các bác sĩ hồi sức tích cực, tuy nhiên em bé đã không qua khỏi.
Bác sĩ Trần Minh Tài, Phó trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, qua kiểm tra, ê kíp phẫu thuật nhận thấy vị trí tử cung bị vỡ rất phức tạp. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật cắt tử cung cho sản phụ để cầm máu, giữ tính mạng cho sản phụ. Trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ sản phụ tử vong rất cao.
Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ đã từng sinh mổ cần thực hiện kế hoạch ngừa thai hiệu quả. Vì sau khi sinh tử cung cần có thời gian để phục hồi, tránh trường hợp có thai lại quá sớm, khi đó vết mổ cũ chưa lành sẽ có nguy cơ vỡ tử cung rất cao, nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi. Đồng thời, trong quá trình mang thai, thai phụ cần thực hiện nghiêm chỉ định của bác sĩ, khám thai định kỳ nhằm sớm phát hiện những bất thường trong quá trình mang thai, tránh trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Cứu sống 2 người ngộ độc khí H2S khi xuống bể kín Chiều 6/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, sau một tuần điều trị tích cực, hai nạn nhân bị hôn mê sâu do ngộ độc khí H2S sức khỏe đã ổn định và tiếp tục được theo dõi, hồi sức tại bệnh viện. Nạn nhân ngộ độc khí H2S nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Ảnh: TTXVN phát Theo...