Cựu học sinh Asian School 23 tuổi đạt học bổng tiến sĩ
Trần Việt Nam, cựu học sinh trường Quốc tế Á châu đã giành học bổng toàn phần chương trình tiến sĩ của Đại học Quốc gia Singapore.
Học bổng toàn phần Research Scholarship, chương trình Tiến sĩ Khoa học máy tính của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) trị giá 100% học phí được trao cho Trần Việt Nam, cựu học sinh trường Quốc tế Á châu. Sinh viên 23 tuổi này cũng được cấp 2.000 đôla Singapore mỗi tháng trong suốt khóa học, mặc dù đến tháng 6/2021, Nam mới hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành Khoa học và Kỹ thuật máy tính tại Santa Clara University (SCU).
Trần Việt Nam (bên phải) là cựu học sinh trường Quốc tế Á châu.
Học bổng Research Scholarship được cấp với số lượng giới hạn và ít ứng viên có khả năng đạt học bổng này. NUS là một trong những trường đại học lâu đời, được đánh giá cao trên toàn thế giới. Trường này xếp thứ nhất tại châu Á theo Asian University Rankings 2021, hạng 11 thế giới theo QS World University Rankings 2021.
18 tuổi, Nam được University of San Francisco, Notre Dame de Namur University, Menlo College, Santa Clara University, UC Santa Cruz cấp học bổng khi chuyển tiếp bậc đại học, tổng trị giá đến 136.000 USD. Chàng cựu học sinh Asian School này đã theo học SCU nhờ được chấp thuận vào chương trình liên thông 5 năm cả hai bậc cử nhân và thạc sĩ.
Theo học tại SCU, Nam được vinh danh trong danh sách Dean (2017), theo học chương trình danh dự của trường. Chàng sinh viên này còn là thành viên của Hội danh dự Kỹ sư Tau Beta Pi, hiệp hội của ngành Kỹ thuật lớn và lâu đời bậc nhất của Mỹ. Nam là đồng tác giả của hai bài nghiên cứu khoa học, đăng trong Kỷ yếu Hội nghị thường niên, Hiệp hội xử lý thông tin và tín hiệu châu Á – Thái Bình Dương, Honolulu – Hawaii 2018, Kỷ yếu Hội nghị quốc tế ACM lần thứ 22, Miami – Florida 2019 khi mới là sinh viên năm 3.
Mùa hè năm 2019, Trần Việt Nam trúng tuyển vào vị trí thực tập sinh, chương trình nghiên cứu robot ứng dụng trong phẫu thuật, Đại học Johns Hopkins (xếp hạng 9 trường đại học quốc gia hàng đầu của Mỹ, theo U.S. News & World Report 2021). Chương trình nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF). Năm 2018, gần 350 sinh viên tại Mỹ nộp đơn, có 14 người được chọn vào chương trình này, tỉ lệ chấp nhận khoảng 4%.
Trần Việt Nam tại phòng nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins.
Năm 2020, Nam giành chiến thắng ở giải Best Senior Design in Computer Engineering Session Award, tốt nghiệp cử nhân với danh hiệu Magna Cum Laude, bằng danh dự xuất sắc theo hệ thống giáo dục Mỹ.
Bên cạnh thành tích vượt cấp, Trần Việt Nam còn đạt TOEFL iBT 105 điểm (tương đương 620 điểm PBT) khi đang học lớp 8, đạt giải thưởng học giả AP quốc gia Mỹ, là tác giả đứng đầu của bài nghiên cứu khoa học, nộp cho hội thảo ICRA 2020 nhờ chương trình nghiên cứu hè ở Đại học Johns Hopkins. Nam cũng đạt huy chương đồng giải nhu thuật 2018 TCAAT Shuai Jiao Competition cấp tiểu bang, Đai đen 1 vạch môn Shuai Jiao…
Khác với nhiều bạn trẻ có trình độ, năng lực chọn ở lại nước ngoài làm việc sau khi du học, Nam muốn trở về quê nhà sau khi hoàn tất việc học, thỏa mãn đam mê nghiên cứu của bản thân.
“Trước khi sang Mỹ học tập, em từng có thời gian theo học 8 năm tại Quốc tế Á Châu, một ngôi trường quốc tế hội nhập nhưng vẫn đề cao những giá trị giáo dục truyền thống. Những trải nghiệm học tập, sinh hoạt tại đây giúp em trưởng thành về mặt học thuật, hun đúc những giá trị văn hóa dân tộc”, Nam nói. “Nhờ vậy, khi ở xứ người, em cảm thấy tự tin khi học tập và so găng cùng bạn bè quốc tế. Em nhận thấy rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển, mong rằng sau khi hoàn tất chương trình tiến sĩ trong tương lai, em sẽ có cơ hội trở về quê hương, đóng góp ít nhiều cho nghiên cứu và giáo dục nước nhà”.
9X Việt giành học bổng tiến sĩ của viện ung thư lâu đời nhất thế giới
Rời nhà đi du học từ năm 16 tuổi, Trần Ngọc Thịnh nỗ lực giành loạt học bổng toàn phần bậc đại học, sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) tại Mỹ, Canada, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Ngọc Thịnh sinh năm 1994, tại TP. Hồ Chí Minh. Cô rời nhà đi du học năm 16 tuổi bằng học bổng bán phần từ trường nội trú Westtown, bang Pennsylvania, Mỹ.
Từ Westtown, Thịnh nhận được học bổng toàn phần để theo học Cử nhân tại trường đại học New York ở Abu Dhabi (NYUAD) - Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Ở NYUAD, cô gái Việt theo đuổi chuyên ngành Sinh học và Xã hội học, vì cô luôn ước mơ theo ngành Y học và mong rằng hai ngành học này sẽ không chỉ cho mình kiến thức khoa học mà còn cả những hiểu biết về cộng đồng để có thể trở thành một bác sĩ tốt trong tương lai.
Tốt nghiệp cử nhân xuất sắc Đại học New York - Abu Dhabi, Thịnh nhận học bổng Ontario Trillium từ Chính phủ bang Ontario, Canada cho chương trình cao học tại Đại học Toronto, Canada.
Hiện, Ngọc Thịnh là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành sĩ tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, Mỹ - nơi cấp cho cô học bổng 88.000 USD/năm.
Cô còn tham gia báo cáo tại những hội thảo khoa học quốc tế về sinh học đơn bào (single cell biology) và sở hữu nhiều bài nghiên cứu khoa học được đăng trên những tạp chí khoa học quốc tế, bao gồm PLOS Computational Biology và eLife.
PV Dân trí có cuộc trò chuyện tìm hiểu bí quyết giành học bổng danh giá các bậc học và gặt hái thành quả học tập cao ở xứ người của Ngọc Thịnh:
Bộ não bé xíu của con ruồi giấm và thôi thúc khám phá trong khoa học
PV: Chào Ngọc Thịnh, lý do nào khiến bạn chọn con đường nghiên cứu y sinh sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ?
Video đang HOT
Trần Ngọc Thịnh: Tốt nghiệp phổ thông tại Mỹ, mình nhận được học bổng toàn phần để theo học Cử nhân tại trường đại học New York ở Abu Dhabi (NYUAD).
Ở NYUAD, mình theo chuyên ngành Sinh học và Xã hội học, vì mình luôn ước mơ theo ngành Y học và mong rằng hai ngành học này sẽ không chỉ cho mình kiến thức khoa học mà còn cả những hiểu biết về cộng đồng để có thể trở thành một bác sĩ tốt trong tương lai.
Ngọc Thịnh và bố mẹ tại lễ tốt nghiệp cử nhân ở Đại học New York - Abu Dhabi.
Tuy nhiên, con đường của mình thay đổi hoàn toàn khi mình bắt đầu làm nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm về ung thư trong năm đầu tiên đại học.
Lúc đó, vì chỉ mới học được một học kỳ nên mình sợ là sẽ không đủ trình độ để làm nghiên cứu, nhưng khi thấy có một giáo sư mới về trường đăng tin tìm sinh viên phụ trong phòng thí nghiệm, mình thích quá nên cứ liều mạng nộp đơn.
Mình may mắn được nhận và trong hơn một năm làm việc, mình học được rất nhiều nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của các anh chị trong nhóm. Trải nghiệm đầu tiên này giúp mình nhận ra việc làm nghiên cứu rất giống như đang giải một bức tranh ghép hình phức tạp với nhiều mảnh ghép còn thiếu, và mặc dù có nhiều lúc thấy nản vì tìm mãi mà không ra câu trả lời, sự tò mò luôn thôi thúc mình phải đi tìm tiếp. Cái duyên của mình với con đường nghiên cứu bắt đầu từ đó.
- Vậy cơ duyên nào đưa Ngọc Thịnh sang Toronto, Canada học thạc sĩ?
Hè năm thứ hai đại học, mình nhận được một học bổng nghiên cứu để làm việc với Giáo sư Claude Desplan ở New York và quyết định nhờ thầy hướng dẫn làm luận án tốt nghiệp luôn.
Thầy làm nghiên cứu về bộ não bé xíu của con ruồi giấm (Drosophila melanogaster) và dành cả sự nghiệp để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi tưởng chừng đơn giản - làm cách nào để những tế bào gốc giống hệt nhau có thể biến thành rất nhiều loại tế bào thần kinh (neuron) đa dạng từ hình dáng đến chức năng?
Nhóm nghiên cứu của thầy Claude Desplan đã giúp mình định hình lại tương lai - dù mình vẫn yêu thích ngành Y, mình nghĩ con đường nghiên cứu sẽ giúp mình thỏa mãn sự tò mò và những kết quả nghiên cứu của mình có thể giúp được nhiều người hơn nữa.
Sau khi tốt nghiệp từ NYUAD, mình được nhận vào một số chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ ở Mỹ, Canada và châu Âu, nhưng quyết định chọn theo học tại Đại học Toronto vì số lượng và chất lượng giáo sư "khủng" ở đó.
- Trở lại Mỹ làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering hẳn là một quyết định can đảm vì chương trình tiến sĩ ở đây vốn khá cạnh tranh?
Năm đầu tiên ở Toronto, con đường của mình lại rẽ sang một nhánh mới khi mình đi làm thực tập với một nhóm nghiên cứu về Sinh - Tin học. Thay vì làm việc trong một phòng nghiên cứu truyền thống với ống nghiệm và chuột bạch, nhóm nghiên cứu này chỉ tập trung phân tích dữ liệu sinh học trên máy tính, cụ thể là dữ liệu về định lượng protein trong máu của những bệnh nhân tiểu đường trước và sau khi thay đổi một số thói quen ăn uống.
Những dữ liệu này được thu thập từ hàng ngàn bệnh nhân và nếu được phân tích đúng cách, có thể giúp chúng ta hiểu hơn về tác dụng của chế độ ăn lên bệnh tiểu đường.
Đây chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều cách mà thời đại của dữ liệu lớn (big data) đang thay đổi những nghiên cứu y-sinh học: càng ngày khối lượng dữ liệu mà các nhà nghiên cứu thu thập được càng nhiều và phức tạp, nhưng số lượng người được đào tạo để xử lý thông tin từ những dữ liệu này vẫn chưa bắt kịp được nhu cầu rất mới của ngành. Với một chút vốn liếng về Khoa học Máy tính từ đại học, mình quyết định dốc sức học thêm toán, thống kê và thuật toán để theo ngành Sinh-Tin học.
Sau hai năm Thạc sĩ, mình cảm thấy tự tin hơn rất nhiều về những kỹ năng cũng như định hướng tương lai của mình trong ngành Sinh-Tin học, nên mới quyết định nộp đơn vào một số chương trình tiến sĩ ở Mỹ mạnh về ngành này.
Mình được nhận vào một số chương trình tốt, bao gồm hai trường mình thích nhất là Trường Y Weill Cornell thuộc ĐH Cornell và Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK), nhưng chọn học tại MSK vì sĩ số lớp nhỏ và chương trình đào tạo có nhiều đổi mới hơn.
Ngọc Thịnh (ngoài cùng bên trái) cùng bạn bè và thầy cô trước Dome of the Rock, Jerusalem.
Hội đồng tuyển sinh bậc tiến sĩ tìm ứng viên có khả năng "sống sót" dài hơi
- Hành trình học tiến sĩ là một hành trình dài và tương đối khó khăn, theo Ngọc Thịnh, để apply thành công học bổng bậc tiến sĩ, ứng viên cần đáp ứng những yếu tố gì?
Trong 5-6 năm, bạn được trả lương để rèn luyện đầu óc và cố gắng mở rộng ranh giới kiến thức của một lĩnh vực vô cùng cụ thể nào đó. Mặc dù nghe vẻ vang, nhưng thực tế là bạn sẽ dành rất nhiều ngày làm đi làm lại một thí nghiệm cho đến khi có kết quả hoặc vắt óc suy nghĩ về một câu hỏi mà chưa ai trả lời được trong mấy chục năm qua.
Bạn sẽ gặp nhiều thất bại hơn thành công, bị thử thách nhiều hơn được khen ngợi. Nếu bạn không biết trước rằng chặng đường sắp tới khó khăn như vậy, sẽ rất dễ dàng để bạn bỏ cuộc.
Chính vì vậy, điều quan trọng nhất mà hội đồng tuyển sinh của các chương trình Tiến sĩ tìm kiếm ở ứng cử viên là khả năng sống sót qua quá trình nghiên cứu dài hơi này.
Bằng chứng thuyết phục nhất đối với những giám khảo khó tính này là những kinh nghiệm làm nghiên cứu trước đây của bạn, mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu mà bạn trình bày, thư giới thiệu cũng như những bài báo khoa học mà bạn đã tham gia viết.
- Bí quyết để cá nhân giúp bạn chinh phục thành công suất nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York?
Hồ sơ tuyển sinh của mình vào các chương trình Tiến sĩ tập trung vào việc thể hiện những điều mà mình nghĩ là quan trọng với hội đồng tuyển sinh như mình đã giải thích.
Mình đã tham gia làm nghiên cứu từ năm đầu tiên Đại học và rất may mắn được làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành Sinh học, từ sinh học ung thư, sinh học phát triển đến sinh-tin học.
Mặc dù khi mình nộp đơn, chưa có đề tài nào được đăng trên các tạp chí khoa học, mình vẫn giải thích được mục tiêu và kết quả chính của những đề tài này trong bài luận, từ đó giải thích vì sao mình lại mong muốn theo đuổi chương trình tiến sĩ để tiếp tục nghiên cứu về những câu hỏi này.
Mình cũng xin được thư giới thiệu từ những thầy đã trực tiếp hướng dẫn đề tài nghiên cứu của mình, vì những nhận xét của họ sẽ giúp hội đồng tuyển sinh hiểu hơn về cách mình suy nghĩ và làm việc.
Thịnh là diễn giả tại một hội thảo du học.
Đặc trưng của bài luận tuyển sinh chương trình nghiên cứu
- Nội dung bài luận của của Thịnh hướng tới vấn đề nào?
Bài luận tuyển sinh vào những chương trình cao học, đặc biệt là những chương trình nghiên cứu, khác với những bài luận tuyển sinh đại học.
Hội đồng tuyển sinh tại các trường cao học muốn biết được bạn đã sẵn sàng để bắt đầu chương trình tiến sĩ chưa, thông qua những kinh nghiệm nghiên cứu bạn đã có và những dự định nghiên cứu trong tương lai của bạn.
Họ không quan tâm đến những câu chuyện cuộc đời hoặc những điều thú vị về bạn như khi tuyển sinh vào đại học. Những bài luận thành công mà mình được biết đều lấy khoa học hoặc chuyên môn làm tâm điểm.
Trong bài luận của mình, mình cố gắng vẽ ra một bức tranh hoàn chỉnh về con đường mình đã đi, và muốn đi, trong khoa học. Mình nói về những đề tài nghiên cứu mình đã làm và cách mà những đề tài này đã đưa mình đến với một câu hỏi chính trong khoa học mà mình muốn theo đuổi. Sau đó, mình chỉ ra một số hướng mình muốn nghiên cứu để trả lời câu hỏi này trong quá trình học tiến sĩ, cũng như những dự định tương lai của mình sau khi đã hoàn thành chương trình cao học.
Mình cũng nhắc đến một số giáo sư cụ thể ở từng trường đang làm nghiên cứu trong lĩnh vực mình quan tâm và có thể hướng dẫn đề tài của mình, nhằm thuyết phục hội đồng tuyển sinh của các trường rằng mình không chỉ muốn theo học tiến sĩ, mà mình muốn theo học tiến sĩ ở trường của họ.
Thịnh đi thăm Tòa án Công lý Liên minh Châu Âu tại Luxembourg.
- Thịnh có thể chia sẻ kinh nghiệm vượt qua vòng phỏng vấn?
Vòng phỏng vấn là phần mình thích nhất trong toàn bộ quá trình nộp đơn. Khi vào vòng phỏng vấn, mình được tài trợ đến thăm trường trong vòng 2-3 ngày để gặp gỡ với ban tuyển sinh, trò chuyện với học sinh và thăm quan cơ sở vật chất của trường.
Mục tiêu của vòng này không phải chỉ là để trường đánh giá bạn mà còn để bạn đánh giá xem trường này có thật sự phù hợp để theo học tiến sĩ trong vòng 5-6 năm tới hay không - nói cách khác, đây là cơ hội để hai bên làm hết sức để "tán tỉnh" nhau.
Ở mỗi trường, mình có dịp gặp và nói chuyện trực tiếp với những giáo sư ở trường mà mình nghĩ có thể trở thành cố vấn tương lai cho đề án tiến sĩ của mình.
Một số giáo sư xem buổi phỏng vấn như là một cuộc trò chuyện chứ không phải một buổi tra khảo - họ thường bắt đầu bằng việc nói với mình những câu hỏi khoa học họ đang theo đuổi, mình sẽ lắng nghe, hỏi câu hỏi và chia sẻ những cách mình có thể tiếp cận câu hỏi của họ.
Một số giáo sư khác thì nghiêm nghị hơn và thích 'hỏi xoáy đáp xoay' về những gì mình đã viết trong hồ sơ của mình để xem mình thực sự hiểu những gì mình làm đến bao nhiêu và có thể suy luận hay không.
Khi mình phỏng vấn với một giáo sư trẻ tại ĐH New York và nói về kết quả của một nghiên cứu mình đang làm, thầy lập tức chỉ ra một vài lỗ hổng trong thí nghiệm mình mô tả và yêu cầu mình giải thích xem những lỗ hổng này có thể thay đổi cách mình hiểu kết quả như thế nào. Mình toát mồ hôi nhưng rất may mắn là vẫn bình tĩnh lại để trả lời được.
Nhìn lại, mình nghĩ bí quyết thành công trong những vòng phỏng vấn này là phải chuẩn bị rất kỹ từ trước để đảm bảo rằng bạn nắm chắc những nghiên cứu mình đã làm, biết rõ những người sẽ phỏng vấn mình và nghiên cứu mà họ làm, cũng như hiểu được vì sao mình muốn đi học Tiến sĩ tại trường này.
Nghiên cứu tại trung tâm ung thư hàng đầu và đặt chân tới hơn 30 quốc gia
- Được biết Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK) là bệnh viện ung thư tư nhân lâu đời nhất thế giới. Trải nghiệm của bạn ở môi trường tầm cỡ này là gì?
Bên cạnh bộ phận khám chữa bệnh, MSK còn có một trung tâm nghiên cứu lớn tập trung về cơ chế của bệnh ung thư và tìm ra các phương pháp chữa trị tiềm năng mới.
Rất nhiều dữ liệu của bệnh nhân được sử dụng vào công việc nghiên cứu, và nhiều thuốc mới được tìm ra từ các nghiên cứu đã được đưa vào thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện.
Mình rất may mắn được làm nghiên cứu ở một môi trường liên ngành như thế này. Dù chuyên ngành của mình là Sinh-Tin học, nghĩa là công việc của mình chỉ tập trung vào phân tích dữ liệu trên máy tính, mình vẫn thường xuyên cộng tác với những đồng nghiệp đang làm việc trong phòng thí nghiệm cũng như những bác sĩ đang trực tiếp tham gia khám chữa bệnh.
Mình học hỏi được rất nhiều từ những người với chuyên môn khác nhau, vì những góc nhìn và kiến thức của họ giúp mình hiểu hơn về khía cạnh sinh học của những con số mà mình đang phân tích cũng như thôi thúc mình nghĩ ra những câu hỏi tốt hơn.
Ngọc Thịnh (hàng đầu, thứ ba từ trái qua) cùng bạn bè khi đi thực tập tại bệnh viện MSK.
Vì trường cao học của mình là một phần của bệnh viện Memorial Sloan Kettering, mình cũng có dịp được đi quan sát các phòng khám và trong bệnh viện để hiểu hơn về việc khám chữa bệnh ung thư. Nói chuyện trực tiếp với các bệnh nhân và bác sĩ giúp mình nhận ra rằng việc chữa bệnh ung thư còn rất xa trước khi có thể thành công hoàn toàn, và cho mình nhiều động lực để cố gắng trong công việc.
Phía sau khối lượng dữ liệu khổng lồ mà mình đang phân tích là những con người thật hằng ngày phải chống chọi với ung thư, và tất cả những gì mình có thể làm là nỗ lực hết sức để góp phần cải tiến cách chữa bệnh.
Đề án nghiên cứu của mình tập trung vào việc giúp các bác sĩ dự đoán loại thuốc hoặc liệu trình điều trị tốt nhất cho mỗi bệnh nhân dựa vào thông tin từ những bệnh nhân tương tự.
Một trong những trở ngại lớn nhất trong việc điều trị ung thư là sự đa dạng và khả năng biến hóa của căn bệnh này, nên chỉ sử dụng một liệu trình điều trị cho tất cả các bệnh nhân không phải là cách tốt nhất, nhưng để cá nhân hóa được phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân dựa trên vô vàn thông tin về lâm sàng và bộ gen thì hiện giờ gần như là không thể.
Mình mong những kết quả nghiên cứu của mình sẽ là một bước đệm để giúp y học cá nhân hóa (personalized medicine) cho bệnh nhân ung thư khả thi hơn phần nào.
- Ngoài việc làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, bạn có tham gia hoạt động nào hướng về cộng đồng? Bạn cân bằng thời gian thế nào? Sở thích thư giãn của bạn là gì?
Vì mình chủ yếu làm việc trên máy tính và có thể dễ dàng đem việc về nhà, nên cân bằng thời gian giữa làm và chơi lúc nào cũng là một thử thách lớn với mình. Mình cố gắng đặt cho bản thân những giờ giấc làm việc cụ thể và làm theo thời gian đã đặt ra.
Khi không làm việc, mình thích nấu ăn, tìm hiểu về ẩm thực và đi bộ loanh quanh để khám phá thành phố New York. Mình cũng rất thích đi du lịch và đã đến được hơn 30 quốc gia. Dù không được đi đâu suốt năm 2020 vì dịch Covid-19, mình mong sẽ sớm có dịp được lên kế hoạch cho những cuộc hành trình mới vào năm 2021.
Mình rất may mắn có được nhiều cơ hội để thử nghiệm những con đường khác nhau và khám phá sở thích của mình từ khi còn nhỏ, nên mình rất mong được chuyền ngọn đuốc khám phá này cho các bạn trẻ Việt Nam.
Hơn một năm qua, mình đã cùng với các bạn sinh viên và nghiên cứu sinh cùng chí hướng gầy dựng lên Headway, một tổ chức xã hội có mục tiêu giúp học sinh Việt Nam tìm ra niềm đam mê và thay đổi xã hội bằng cách riêng của mình.
Ở Headway, bọn mình tổ chức những lớp học về nhiều chủ đề khác nhau, từ khoa học đến nghệ thuật và kinh tế, cũng như các khóa hướng dẫn các bạn làm nghiên cứu hoặc chạy dự án xã hội một cách bài bản.
Mình mong muốn những lớp học này giúp các bạn học sinh tìm ra một con đường mới, phát hiện ra những góc nhìn mới và rời khỏi vùng an toàn để làm được những điều phi thường cho bản thân cũng như cho cộng đồng.
Cô gái Việt đi leo núi ở Slovania.
- Với một hành trình chinh phục loạt học bổng quốc tế từ bậc trung học đến tiến sĩ, bạn nhắn nhủ gì với các bạn trẻ đi sau?
Mình sẽ khuyên các bạn đừng ngại thử tất cả mọi thứ và đừng quá bận tâm về việc định nghĩa bản thân từ sớm.
Nếu bạn nghĩ bạn có thể muốn làm nghiên cứu, hãy cố gắng tìm mọi cơ hội để tham gia vào những đề tài nghiên cứu khác nhau để xem con đường này có phù hợp với mình hay không.
Đừng ngần ngại làm sai, đừng giấu dốt, và đừng bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đã làm được.
Cảm ơn Ngọc Thịnh vì cuộc trò chuyện!
Bài luận 'lạ' giúp nữ sinh giành học bổng toàn phần đến ĐH Ivy League Dù điểm học thuật không quá cao nhưng với bộ hồ sơ "đặc biệt" Hoàng Mai Uyên chinh phục thành công học bổng toàn phần lên tới 336.152 USD cho 4 năm học tại Cornell University, 1 trong 8 trường thuộc khối tinh hoa Ivy League. Mai Uyên cho biết ước mơ du học được nuôi dưỡng từ năm lớp 7, khi đọc...