Cua đồng chữa ho, tức ngực
Cua đồng là món ăn quen thuộc của người dân thôn quê, cua là vị thuốc quý phòng trị bệnh rất hiệu quả. Đông y cho rằng, cua vị mặn, tính mát, tác dụng bổ xương tuỷ, thông huyết ứ, khử nhiệt tà, bớt buồn phiền, trừ mụn nhọt ghẻ lở…
Cua đồng là vị thuốc quý phòng trị bệnh hiệu quả.
Thành phần dinh dưỡng trong 100g thịt cua đồng chứa 12,3% protit; 3,3% lipit; 5.040mg% Ca; 430mg% P; 4,7mg% Fe; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6; 125mg% cholesterol; 0,25mg% melatonin… Dưới đây là một số món ăn bài thuốc từ cua đồng.
Chữa trẻ em còi, gân xương yếu: Thịt cua đồng khoảng 100g, bột bắp tươi 100g, lòng trắng trứng gà 1 quả, thịt gà, nước luộc gà, gia vị hành, mắm muối vừa đủ nấu súp ngô cua ăn tuần vài lần. Trong bài cua tác dụng bổ xương tủy… Bắp bổ tỳ vị, lợi ngũ tạng… Bài này ăn rất tốt cho trẻ em còi, chậm lớn, người già xương yếu, nhức mỏi, người suy nhược mới ốm dậy ăn kém…
Chữa hoa mắt chóng mặt: Thịt cua đồng 100g, đậu phụ 50g, cà chua 2 quả, hành hoa, mùi tàu, có thể thêm thịt bầm, gia vị vừa đủ nấu canh riêu cua ăn tuần vài lần. Trong bài cua tác dụng bổ xương tủy, thông huyết… Đậu phụ giúp tư âm, bổ huyết, thanh hỏa; cà chua giúp dưỡng âm, mát huyết, thanh nhiệt… Các vị hợp thành món canh ăn ngon bổ mát chữa đau đầu hoa mắt chóng mặt do âm huyết hỏa vượng, người gầy khó lên cân.
Video đang HOT
Chữa ho tức ngực nhiều mồ hôi: Thịt cua đồng 100g, hoa bí 150g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn tuần vài lần. Cua tác dụng bổ mát thông huyết ứ, khử nhiệt tà. Hoa bí giúp thanh nhiệt, mát phế, kiện tỳ, tiêu đàm, liễm mồ hôi… Đây là món canh cua bông bí bổ mát trị chứng nội nhiệt nhiều mồ hôi, ho khan tức ngực… nhiều người dùng còn cho biết canh cua bông bí giảm được chứng huyết áp tiểu đường, tim mạch.
Chữa chứng phiền nhiệt khó ngủ: Thịt cua đồng 100g, hoa lý 150g, gia vị vừa đủ nấu canh ăn thường xuyên. Cua tác dụng bổ thông huyết ứ, trừ phiền nhiệt. Hoa lý giúp dưỡng tâm, an thần dễ ngủ, tiêu viêm, nhẹ người. Đây là món canh vừa thơm ngon mát trị phiền nhiệt khó ngủ và trẻ em chậm lớn, người lớn ăn ngủ kém.
Chữa chứng nóng nhiệt mùa hè: Thịt cua đồng, rau đay, mướp hương gia vị vừa đủ nấu canh ăn thường xuyên. Rau đay bổ mát nhuận tràng, lợi tiểu, trợ tim. Mướp thanh nhiệt, tiêu viêm, sinh tân dịch. Đây là món canh bổ mát dùng rất tốt phòng trị bệnh mùa hè.
Chữa đau nhức sang thương huyết ứ: Thịt cua đồng 100g, rau rút 100g, rau đắng 100g gia vị vừa đủ nấu canh ăn thường xuyên. Về dược tính cua có tác dụng bổ xương tủy, thông huyết, mau liền xương. Rau rút lợi gân cốt, mát gan, giải nhiệt, an thần. Rau đắng bổ mát tâm huyết, lợi cơ khớp…
Theo Thanhnien
Bệnh hen suyễn: Bà bầu bỏ thuốc, thai dễ chết lưu
Hen suyễn là bệnh chiếm từ 3-8% ở phụ nữ mang thai, có không ít thai phụ lo sợ việc sử dụng thuốc hen suyễn sẽ ảnh hưởng đến thai nhi nên đã tự ý ngừng thuốc. Các bác sĩ (BS) khuyến cáo, thời tiết trong mùa mưa khiến bệnh hen suyễn dễ trở nặng. Đã có trường hợp thai phụ tử vong, sẩy thai, sinh non... vì bỏ thuốc điều trị.
Ảnh minh họa: internet
Nhiều nguy cơ
Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM vừa tiếp nhận thai phụ H.T.T. (mang thai ở tuần thứ tám) lên cơn hen suyễn đột ngột, khiến thai chết lưu. Trước đó chị T. không bị hen suyễn. Chị phát bệnh khi đang mang thai. Lo ngại việc uống thuốc trị hen suyễn sẽ khiến con sinh ra có thể bị dị dạng nên chị T. tự ý bỏ thuốc.
Theo BS Huỳnh Văn Sang, Trưởng khoa Hô hấp, BV An Bình TP.HCM, thai phụ bị hen suyễn do hai nguyên nhân: phần lớn là do người mẹ đã mắc bệnh hen từ trước, hoặc cũng có thể lúc mang thai, cơ thể thay đổi nội tiết tố khiến thai phụ mắc bệnh. Nhiều thai phụ tự ý bỏ thuốc điều trị hen suyễn nên đã xảy ra tình trạng sinh non vào tháng thứ bảy-tám, hoặc sẩy thai.
PGS-TS-BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM cho biết, hen suyễn là bệnh lý hô hấp thường xảy ra nhất trong thai kỳ, với tỷ lệ 3-8% thai phụ mắc bệnh. Một nghiên cứu gần đây trên 330 sản phụ hen suyễn cho thấy 35% trường hợp có triệu chứng hen suyễn nặng hơn so với thời điểm trước khi mang thai; trong đó có 20-30% sản phụ lên cơn kịch phát. Khi thai phụ lên cơn hen, lượng máu tới tử cung bị giảm (do co mạch, giảm nước, hạ huyết áp...). Thai phụ lên cơn kịch phát sẽ nặng hơn người bình thường rất nhiều do khó thở, suy hô hấp và gây ra các biến chứng như: tăng nguy cơ xuất huyết âm đạo, sản giật, biến chứng khi sinh, ói nhiều, sinh non, chuyển dạ kéo dài. Đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thai nhi như: nhẹ cân, tăng tỷ lệ tử vong chu sinh.
Trường hợp nhẹ có thể không dùng thuốc
TS-BS Lê Thị Thu Hà, Phó khoa Sản C, BV Từ Dũ TP.HCM - cho biết, một số thai phụ lo sợ con bị dị tật khi uống thuốc trong quá trình mang thai là điều dễ hiểu. Uống thuốc hen suyễn cũng có thể gặp một số nguy cơ như: sẩy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh, thai chậm phát triển, giảm lưu lượng máu đến tử cung - nhau, tăng nguy cơ sinh non. Tuy nhiên, tỷ lệ này không nhiều. Thai phụ tự ý bỏ thuốc điều trị sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, thai phụ bắt buộc phải đến BS khám để được kê toa thuốc phù hợp và ít tác dụng phụ nhất, tương đối an toàn cho thai nhi. BS sẽ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng thuốc trên thai phụ. Những loại thuốc dạng xịt thường được sử dụng cho thai phụ hơn so với dạng uống vì nguy cơ thấp hơn.
BS Huỳnh Văn Sang khuyến cáo, phụ nữ khi có thai không nên tự ý bỏ thuốc điều trị hen suyễn. Bệnh hen suyễn là bệnh mạn tính, dù không chữa hết nhưng hoàn toàn kiểm soát được. Bên cạnh việc khám thai định kỳ, thai phụ cần phải thường xuyên đi khám bệnh hen suyễn ở các BS hô hấp. Khi mang thai, BS sẽ hạn chế cho bệnh nhân dùng thuốc trị hen suyễn trong ba tháng đầu và ba tháng cuối thai kỳ, vì ba tháng đầu là giai đoạn đang tạo hình thai nhi và ba tháng cuối sẽ hoàn thiện hình dáng thai nhi. Tóm lại, dựa vào từng trường hợp cụ thể, BS sẽ có chỉ định thích hợp. Nếu hen suyễn chỉ ở mức độ nhẹ, mỗi tháng lên cơn một - hai lần thì thai phụ có thể không cần uống thuốc mà chỉ dùng thuốc xịt họng, không ảnh hưởng đến thai nhi. Tùy mức độ hen suyễn mà số lần xịt thuốc hen suyễn cũng khác nhau. Nếu hen suyễn ở mức trung bình thì xịt hai ngày/lần; còn trường hợp bệnh nặng bắt buộc phải dùng thuốc xịt kết hợp thuốc uống.
Để hạn chế lên cơn hen, thai phụ cần tránh các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú, bụi, những thực phẩm gây dị ứng... Những yếu tố này sẽ thúc đẩy đường hô hấp bị viêm, tăng tiết đàm nhớt, khí phế quản bị co thắt và hẹp lại gây khó thở. Khi có dấu hiệu khó thở, khò khè, tức ngực, thai phụ phải sử dụng ngay loại thuốc xịt để cắt cơn.
Thanh Toàn
Theo PNO
Giúp cơ thể hấp thu sắt Theo giới chuyên môn, thiếu hụt sắt là một rối loạn dinh dưỡng khá phổ biến trên thế giới. Những người bị thiếu chất sắt có thể mắc phải các triệu chứng như mệt mỏi hoặc kiệt sức. Đặc biệt, tình trạng thiếu chất sắt còn có thể dẫn đến chứng thiếu máu, vốn là tác nhân gây lo lắng, trầm cảm, tức...