Cụ bà đột quỵ chờ chết được cứu sau cú điện thoại định mệnh
Bất ngờ sau cuộc điện thoại của con gái bệnh nhân với một người thân, bệnh nhân đã được chuyển đến một bệnh viện khác để kịp thời cứu sống mà trước đó bệnh nhân này được chẩn đoán đột quỵ do nhồi máu não và khó có khả năng cứu sống vì đã qua “thời gian vàng”.
Cụ bà N.T.Đ. (79 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) sau khi được cứu sống đã được các bác sĩ tiến hành tập vật lý trị liệu – Ảnh: BVCC
Cụ bà N.T.Đ. (79 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) bị liệt nửa người và lơ mơ được người nhà chuyển đến 1 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não. Tuy nhiên, sau 3 ngày điều trị tình trạng sức khỏe của cụ Đ. ngày càng xấu đi, các bác sĩ vẫn chưa có hướng xử lý mà chỉ theo dõi. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân được các bác sĩ ở đây cho biết khó có khả năng cứu sống vì đã qua “thời gian vàng” đối với bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não.
Lúc ấy, con gái của Đ. đang bắt chuyến xe đò từ TP.HCM xuống Vĩnh Long để chăm sóc mẹ mình. Trên chuyến xe đi về Vĩnh Long, con gái bà Đ. đã điện thoại cho một người thân kể về tình trạng sức khỏe của mẹ mình và nói khó có khả năng cứu sống. Bất ngờ một người đi chung trên chuyến xe ấy nghe được câu chuyện về bệnh nhân Đ. liền mách bảo chuyển đến Bệnh viện Đột Quỵ Tim Mạch Cần Thơ khả năng cứu sống là rất cao. Nghe thế, con gái bà Đ. liền chuyển ngay bệnh nhân đến Bệnh viện Đột Quỵ Tim Mạch Cần Thơ để điều trị.
Ngày 2.12, TS.BS Trần Chí Cường – Giám đốc Bệnh viện Đột Quỵ Tim Mạch Cần Thơ cho biết các bác sĩ ở đây đã cứu sống thành công bệnh nhân Đ. dù bệnh nhân đã qua “thời gian vàng” của căn bệnh đột quỵ do nhồi máu não rất lâu. Hiện bệnh nhân cũng đã khỏe mạnh và được cho xuất viện.
Video đang HOT
Theo bác sĩ Cường, trước đó qua chụp MRI 3 Tesla mạch máu, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân Đ. bị nhiều ổ mảng nhồi máu não mới ở vị trí trán – thái dương – đỉnh – đầu nhân đuôi – cạnh não thất bên trái và bà bị tắc động mạch não giữa và các cận lâm sàng khác.
Ngay sau khi có kết quả cận lâm sàng, ê kíp phẫu thuật đã tiến hành hội chẩn và quyết định chuyển bệnh nhân lên phòng DSA (chụp mạch số hóa xóa nền) để can thiệp đặt stent tái thông động mạch não giữa cho bệnh nhân. Sau khi can thiệp đặt stent thành công, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tại phòng hồi sức tích cực (ICU).
“Chỉ sau 1 tuần điều trị, điều kỳ diệu đến với bệnh nhân là cụ bà đã có thể niệm Chú Đại Bi thuộc lòng. Điều mà đối với các bệnh nhân sau đột quỵ rất là khó khăn, đặc biệt là những bệnh nhân cao tuổi. Chúng tôi rất bất ngờ và nể phục tinh thần ý chí hồi phục sức khỏe của bệnh nhân, điều mà không phải ai cũng làm được, ngay cả những người trẻ cũng khó có thể thuộc được những câu kinh rất dài và khó nhớ ấy”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Cũng theo bác sĩ Cường, hiện bệnh nhân có được trạng thái hồi phục tốt, tinh thần khởi sắc và đã được cho xuất viện.
Hồ Quang
Theo motthegioi
Người đàn ông bất ngờ liệt nửa người, cảnh báo mùa tai biến
Người đàn ông 35 tuổi (Trung Quốc) đột nhiên mất cảm giác một nửa cơ thể. Bác sĩ chẩn đoán ông bị tắc mạch máu não.
Tai biến mạch máu não (đột quỵ) là tình trạng nghiêm trọng và có nguy cơ tử vong cao ở nhóm bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch. Vừa qua tại Tây An, Trung Quốc, một người đàn ông đã thoát khỏi tay tử thần nhờ cấp cứu tách mạch kịp thời.
Theo Sohu, người đàn ông 35 tuổi được đưa đến Bệnh viện Đông y TP Tây An cấp cứu trong tình trạng mất cảm giác một bên cơ thể, phát âm không rõ ràng. Sau khi tiến hành chụp cắt lớp, bác sĩ Triệu Hải Thuận chẩn đoán bệnh nhân bị tắc mạch máu não và cần phải thực hiện điều trị tan huyết khối càng sớm càng tốt. Tính đến thời điểm đó, bệnh nhân đã tắc mạch 3,5 tiếng. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể mất mạng hoặc liệt vĩnh viễn.
Tuy nhiên, người nhà chỉ mang theo 1.000 tệ (3,3 triệu đồng) không đủ chi trả chi phí điều trị nên thời gian bị kéo dài. Đoán thấy tình trạng căng thẳng, bác sĩ Triệu đã đứng ra nhận trách nhiệm về mọi chi phí phẫu thuật giúp cứu sống bệnh nhân.
Bệnh nhân được bác sĩ cấp cứu. Ảnh: Sohu.
Bệnh nhân được chỉ định làm tan huyết khối dưới sự kết hợp giữa các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu và các bác sĩ khoa Nội thần kinh - Bệnh Viện Đông y Tây An. 30 phút sau phẫu thuật, bệnh nhân đã hồi tỉnh, có thể nói được rõ ràng và các chi mất cảm giác trước đó cũng hồi phục về cơ bản.
"Đối với bệnh nhân đột quỵ, thời gian chính là tính mạng. Thời gian vàng cho điều trị tan huyết khối tính từ thời điểm bắt đầu chỉ có 4-5 tiếng. Phát hiện càng sớm, điều trị càng sớm, tỷ lệ hồi phục càng cao. Càng để lâu, khi các tế bào não chết dần, dù có cứu được tính mạng cũng sẽ để lại di chứng về sau, khi đó không chỉ có người bệnh khổ mà người nhà cũng sẽ phải đối mặt với chuỗi ngày phục hồi chức năng gian khổ", bác sĩ Triệu nói.
Chuyên gia này cũng khuyến cáo mùa thu - đông là thời gian giao mùa, sự chênh lệch về nhiệt độ, thời tiết dễ làm cho những người có bệnh lý về tim mạch bị đột quỵ. Từ tháng 9 đến đầu tháng 10, bệnh viện này đã điều trị cho 23 trường hợp đột quỵ.
Vì thế, người dân cần ý thức được việc phòng ngừa đột quỵ trong mùa đông như tránh nóng lạnh đột ngột, giữ ấm cơ thể khi đi ra ngoài đường, đặc biệt là khi có những đợt rét đậm trong mùa đông. Đối với người già yếu, các mạch máu dễ co lại đột ngột khi gặp lạnh, độ đậm đặc trong máu cũng sẽ cao hơn mùa hè nên tăng cường uống nước ấm để đảm bảo việc tuần hoàn lưu thông, giảm sự hình thành của các cục máu.
Ngoài ra, chế độ ăn uống khoa học và thể thao hợp lý, ít đường, ít muối, hạn chế rượu bia tránh trường hợp xung huyết não, không hút thuốc lá sẽ giúp người dân hạn chế nguy cơ đột quỵ. Khi phát hiện bệnh nhân có các dấu hiệu liệt, mất cảm giác, méo mồm, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Theo Zing
Cứu sống bệnh nhân bị đột quỵ nguy cấp Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị đột quỵ nặng. Bệnh nhân là bà Đ.T.H. (61 tuổi, ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Khi đang rửa bát đũa thì bà H. đột ngột bị choáng, ngã ra đất. Người nhà đỡ bà H. dậy thì thấy bà bị méo miệng, không nói được, yếu liệt nửa...