Có nên học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học?
Nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng, liệu rằng học một mạch từ đại học lên cao học tốt hơn hay chờ vài năm đi làm, có kinh nghiệm hoặc tích lũy được một số tiền rồi mới tiếp tục theo học.
Nhiều năm trở lại đây, việc học tiếp chương trình thạc sĩ trở nên phổ biến với nhiều sinh viên sau khi đã tốt nghiệp đại học.
Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng, liệu rằng học một mạch từ đại học lên cao học tốt hơn hay chờ vài năm đi làm, có kinh nghiệm hoặc tích lũy được một số tiền rồi mới tiếp tục theo học.
“Có nên học thạc sĩ ngay sau tốt nghiệp?” là băn khoăn của rất nhiều bạn trẻ. (Ảnh minh họa)
Trăn trở ước mơ học thạc sĩ
Dự kiến vào tháng 5/2022, sau khi hoàn thành đầy đủ một số chứng chỉ theo yêu cầu chuẩn đầu ra, Lê Thu Phương (sinh viên năm 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) sẽ tốt nghiệp. Không muốn dừng lại con đường học vấn, nữ sinh mong muốn được tiếp tục học lên cao để có trong tay tấm bằng thạc sĩ.
“Học thạc sĩ là giấc mơ tôi đã ấp ủ ngay từ những ngày còn là sinh viên năm nhất, bởi đây chính là cơ hội giúp tôi trau dồi thêm kiến thức chuyên môn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho xin việc sau này.
Nhưng điều khiến tôi trăn trở nhất là nên học thạc sĩ vào thời điểm nào. Nhiều người khuyên học ngay sau khi tốt nghiệp để thuận tiện cho việc tiếp thu kiến thức; số khác lại nói nên đi làm vài năm rồi hãy nghĩ đến, vì học cao học rất tốn kém. Lời khuyên nào cũng có lý, nên tôi thấy “rối như tơ vò”, chưa biết phải tính sao”.
Bạn trẻ Đỗ Hải Nam cũng rơi vào trường hợp tương tự. Tốt nghiệp đại học vào tháng 7/2021 – đúng thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, do đó, sau khi ra trường, Nam chưa thể tìm được việc làm.
Thời gian này, thấy bạn bè đăng ký học lên thạc sĩ, Đỗ Hải Nam cũng nhen nhóm ý định tương đương, bởi “đằng nào cũng chưa có việc làm, tranh thủ thời gian này học lên thạc sĩ, biết đâu mai sau dễ xin việc hơn”.
Song, dự định theo học thạc sĩ ngay sau tốt nghiệp của bạn trẻ này lại bị “ngáng đường” bởi điều kiện kinh tế. Mắc kẹt tại Hà Nội đã lâu do dịch bệnh, không việc làm thêm, bấy lâu nay, Nam xoay sở cuộc sống bằng tiền chu cấp của bố mẹ.
“Một nửa thì tôi muốn học thẳng lên, bởi bây giờ chưa có quá nhiều vướng bận; còn một nửa thì đang băn khoăn liệu hiện tại có phải thời điểm thích hợp hay không, vì mới ra trường, tôi chưa “bỏ túi” được một đồng tiết kiệm nào. Nhờ đến sự giúp đỡ của bố mẹ, thì tôi thấy ái ngại quá” – Nam tâm sự.
Video đang HOT
Lựa chọn nào cũng cần đánh đổi
Quyết định học lên Cao học Chính trị sau khi tốt nghiệp khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Nguyễn Bảo Minh cho hay, việc học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp bản thân có động lực để bổ sung kiến thức một cách liên tục, không bị ngắt quãng và không mất thời gian để làm quen với môi trường học thuật.
Theo Bảo Minh, việc học thạc sĩ ngay sau tốt nghiệp sẽ giúp người học có động lực để bổ sung kiến thức một cách liên tục, không bị ngắt quãng. (Ảnh: NVCC)
Tuy nhiên, theo Bảo Minh, khi lựa chọn học thạc sĩ ngay sau tốt nghiệp, vấn đề mà anh cũng như nhiều sinh viên gặp phải đó chính là khó khăn về kinh tế. Để trang trải học phí cũng như tiền sinh hoạt, Minh đã tìm cho mình một công việc làm thêm.
“Theo tôi, nếu đã quyết tâm theo đuổi con đường thạc sĩ ngay sau tốt nghiệp, các bạn nên tìm cho mình một công việc phù hợp để có thể kiếm chi phí, phục vụ việc học. Bởi hiện nay, học viên cao học được tạo điều kiện học ngoài giờ hành chính”.
Đồng quan điểm, nhà giáo Phạm Thị Gấm (thạc sĩ Văn học Việt Nam) chia sẻ, việc học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học hay học sau vài năm đi làm đều có những ưu và nhược điểm nhất định.
Bằng những trải nghiệm thực tế, cô Gấm cho rằng, so với học thạc sĩ ngay sau tốt nghiệp, những học viên học cao học sau một vài năm đi làm có thể gặp khó khăn trong việc gò mình vào những bài giảng nặng lý thuyết. Bên cạnh đó, một số cá nhân sẽ phải đối diện với vấn đề thu xếp thời gian cũng như công việc để theo học.
Nhưng nếu nhìn theo hướng tích cực, lợi thế của học thạc sĩ sau khi đi làm là học viên sẽ biết được bản thân thực sự cần thu nạp những kiến thức ở mảng nào. Ngoài ra, việc từng đi làm sẽ giúp người học có được cách tư duy khác biệt khi viết bài luận hoặc làm kiểm tra; đồng thời có sự chủ động hơn trong việc chi trả học phí.
Chỉ học lên cao khi đã định hướng rõ ràng
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS. Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho hay, học thạc sĩ tức là học chuyên sâu, để nâng cao trình độ, phục vụ công việc chứ không phải vì bằng cấp. Nếu động cơ học thạc sĩ để làm đẹp hồ sơ thì việc học rất lãng phí và sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp.
Còn vấn đề thời điểm nào nên học thạc sĩ, thì tùy vào hoàn cảnh và điều kiện mỗi người, không ai có thể thay ai đưa ra quyền tự quyết.
Tuy nhiên, theo TS. Tùng Lâm, dù học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp hay sau vài năm đi làm, để đạt được kết quả học tập tốt, người học cần tuân theo một số nguyên tắc.
“Trước tiên, người học cần xác định rõ tư tưởng học thạc sĩ để nâng cao trình độ, phát triển năng lực bản thân, học những kiến thức liên quan đến lĩnh vực, chuyên ngành mà mình yêu thích để cống hiến, đóng góp cho bản thân và xã hội. Bởi chỉ có như vậy thì việc học mới có động lực và chuyên sâu.
Ngoài ra, trong quá trình học, việc học phải từ gốc, xuất phát từ cơ sở khoa học lý thuyết, đồng thời cũng phải gắn với thực tiễn, đưa ra giải pháp để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng. Tuyệt đối không được nhặt nhạnh, sao chép, biến những kiến thức nhan nhản trên mạng trở thành sản phẩm của mình. Những sản phẩm đó, xã hội không cần, và cũng không giúp ích gì cho sự thay đổi và phát triển.
Thí dụ, nếu trong những năm tháng đại học, kết quả học tập tốt, bản thân thực sự say mê một chuyên ngành nào đó; đồng thời, trong luận văn liên quan tới lĩnh vực này mà đã làm được một phần, và muốn nâng cao trình độ, thì khi đó các bạn trẻ hãy học. Còn học thạc sĩ theo kiểu cứ thất nghiệp thì đi học, tức là học hành không có định hướng, không gắn kết với thực tiễn, học chẳng biết để làm gì, thì theo tôi là không nên. Phải hướng tới việc học thật, làm thật thì mới cho ra nhân tài thật”.
Theo đó, TS. Tùng Lâm cho biết, bất cứ lúc nào, nếu có đủ điều kiện về kinh tế, thời gian và say mê tìm ra những vấn đề với giải pháp mang tính phục vụ xã hội, cuộc sống; thì việc học lên cao là hoàn toàn hợp lý, không khi nào là muộn.
Trước suy nghĩ “học lên cao là cơ hội làm việc rộng mở” của nhiều bạn trẻ, TS. Tùng Lâm cho rằng, quan điểm này chỉ đúng một phần. Trên thực tế, trong quá trình tuyển dụng, bên cạnh bằng cấp, trình độ; người tuyển dụng còn xem xét, đánh giá năng lực của thí sinh. Nếu đưa ra bằng thạc sĩ, nhưng năng lực thực tế lại không hơn người chỉ có trong tay tấm bằng đại học, thì bằng cấp cao cũng trở nên vô nghĩa.
Nhà giáo Phạm Thị Gấm cũng đồng tình với quan điểm này. “Thực tế, vào những năm 2013-2016, có những người có tới 3 bằng đại học, rồi bằng thạc sĩ; do học trường thứ nhất không xin được việc nên đã chuyển sang học văn bằng hai, văn bằng ba, rồi leo lên thạc sĩ… để mong muốn tìm được việc làm một cách thuận lợi. Nhưng tình trạng thất nghiệp vẫn tồn tại, bởi việc học tràn lan, người học không có mục tiêu rõ ràng”, cô Gấm chia sẻ.
Do đó, theo giáo viên này, thời điểm thích hợp nhất để học thạc sĩ chính là khi người học xác định được chuyên ngành và mục đích thực tế mà bản thân muốn theo đuổi.
“Ngày trước, tốt nghiệp đại học, tôi cũng ấp ủ ước mơ học thạc sĩ, nhưng đành gác lại, một phần vì điều kiện kinh tế không cho phép, phần vì tôi chưa rõ bản thân muốn gì. Sau nhiều năm đi làm, ở tuổi 32, tôi quay trở lại giảng đường để thực hiện giấc mơ năm nào. Bởi lúc ấy, tôi đã xác định rõ động cơ học thạc sĩ của mình, đó là học để nâng cao trình độ, phục vụ việc giảng dạy tại trường cấp 3. Đồng thời, tôi cũng có đủ khả năng để chi trả học phí.
Trở lại giảng đường sau một thời gian dài, tôi cũng bỡ ngỡ và khó khăn, đặc biệt trong vấn đề gia đình, con cái. Nhưng rồi cố gắng, chuyên tâm học tập, nghĩ về tương lai, mọi khó khăn đều vượt qua.
Do đó, theo tôi, nếu chưa thực sự sẵn sàng, thay vì học thạc sĩ ngay sau tốt nghiệp; các bạn trẻ hãy dành cho mình vài năm đi làm, va chạm, kiếm tiền và suy ngẫm… Ngẫm xem năng lực của mình thế nào, mục tiêu khi học thạc sĩ ra sao… Nếu đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện về vật chất cũng như tâm lý, hãy tiếp tục con đường học vấn của mình. Việc học sẽ chẳng bao giờ là muộn cho những ai kiên trì, phấn đấu”.
Cô giáo bán nhà đi học thạc sĩ
Đang là trưởng khoa một trường đại học ở TP.HCM, cuộc sống bình yên với chồng, 2 con, có nhà cửa, xe hơi, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Yến xin nghỉ việc, bán nhà và xe, sang Nhật Bản học thạc sĩ.
Cô Yến (thứ 2 từ trái qua) và các học trò - ẢNH: THIÊN LONG
"Nhiều người nói tôi hâm, nhưng tôi muốn mình bước ra khỏi vùng an toàn, tìm kiếm trải nghiệm mới", cô nói.
Lương tăng lên, cảm xúc tụt đi
Cô Nguyễn Thị Hồng Yến (42 tuổi, trú Q.11, TP.HCM) từng tới Nhật năm 2006 nhờ một học bổng của chính phủ Nhật Bản, khi đó cô đang giảng dạy tại Khoa Đông phương học, Trường ĐH Văn Hiến, TP.HCM. Chuyến đi tuy ngắn nhưng là khởi duyên cho những thay đổi về sau.
Những năm 2012 - 2013, khi đang là trưởng khoa, Yến chia sẻ cô cảm thấy mình cũ kỹ, kiến thức đi vào lối mòn và không có nhiều sự sáng tạo trong công việc. "Lương tăng lên nhưng cảm xúc trong công việc, cuộc sống mỗi ngày thì tụt đi. Tôi quyết định nghỉ việc, bỏ tất cả để đi học, thay đổi chính mình, dò tìm cơ hội", cô chia sẻ.
Tháng 4.2014, năm 34 tuổi, Yến có mặt tại TP.Nagoya, tỉnh Aichi, học cao học ngành văn hóa quốc tế Trường ĐH Aichibunkyo. Cô ở trọ trong gian phòng 12 m2 cùng một học trò cũ. Như những du học sinh khác, Yến phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống, từ dạy tiếng Việt cho người Nhật, phiên dịch, dọn dẹp khách sạn.
"Ngày đầu tiên tôi đến nhận việc, một nhân viên kỳ cựu bị người quản lý khiển trách vì đã gõ cửa nhầm phòng làm khách phàn nàn. Người quản lý liên tục nhắc: "Anh chị muốn tiếp tục làm việc chứ, muốn nhận lương phải không, vậy thì hãy làm việc, nó đang nuôi sống cả công ty, nuôi sống chúng ta". Câu nói luôn theo tôi đến tận bây giờ, dạy tôi yêu lấy công việc không phân biệt sang hèn, hễ bắt tay vào làm là phải cẩn trọng và trách nhiệm", Yến kể.
Giờ giải lao, cô phải ngồi khuất trong hầm cầu thang không được để khách thấy rồi ăn vội miếng cơm nắm đem theo. Đang dọn dẹp mà khách đi ngang phải vội vàng đứng nép sát tường, gập người cúi chào cho đến khi khách đi xa.
4 tháng đầu, Yến giảm 6 kg. Khi lau dọn, bất giác nhìn vào tấm gương, Yến cám cảnh thương mình từ một giảng viên ĐH, bây giờ làm công việc tay chân trong cái lạnh cắt da. Nước mắt tủi thân cứ ứa ra. Trên giảng đường, thầy cô nhìn Yến đầy hoài nghi không biết cô sinh viên Việt Nam này có theo kịp bạn bè không. Tất cả khó khăn là động lực thúc đẩy Yến mạnh mẽ hơn, người ta cố gắng 1, Yến cố gắng gấp 3 lần. Sau 2 năm, Yến nhận tấm bằng thạc sĩ xuất sắc nhất khóa.
Xứ người đã dạy tôi
Tốt nghiệp thạc sĩ, Yến làm phiên dịch trong một nghiệp đoàn quản lý thực tập sinh các nước tới Nhật làm việc. Tiếp xúc với các bạn trẻ từ Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Philippines sang, Yến hướng dẫn họ học tiếng Nhật, hỗ trợ họ về ngôn ngữ, văn hóa, cuộc sống. "Chính vì đã trải qua nhiều khó khăn nên tôi hiểu họ cần gì, muốn gì. Vì yêu nước Nhật nên tôi truyền đi tình yêu, để mọi người có thể hiểu Nhật và làm đúng, sống nhẹ nhàng hơn, hiểu nhau hơn", cô nói.
Cuối năm 2020, Yến quay trở lại Trường ĐH Văn Hiến làm việc và là Phó trưởng khoa Đông phương học. Nhiều người lại bàn tán "chức vụ thấp hơn trước có chịu được không". Cô giáo thành thật: "Những giá trị tôi nhận được suốt những năm tháng ở nước ngoài là sự thay đổi, tư duy mở, tích cực. Những ngày khó khăn giúp tôi bỏ được cái cũ kỹ, lạc hậu của chính mình. Ở cương vị nào tôi cũng sẽ nỗ lực làm tốt nhất có thể, như bài học yêu lấy công việc mà người quản lý tại khách sạn đã dạy".
So với những ngày cảm xúc xuống thấp, thiếu hứng khởi làm việc như trước chuyến đi, giờ đây Yến đã mạnh mẽ, giàu năng lượng tích cực hơn. Mỗi bài giảng không chỉ là chữ viết và tiếng nói của người Nhật, mà còn lồng ghép những bài học về kỹ năng làm việc, cách ứng xử. Cô giáo chia sẻ, mong người trẻ biết cách đối diện khó khăn, cống hiến mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng.
Niềm hạnh phúc của cô, bên cạnh tổ ấm nhỏ, đó là được học trò cảm ơn vì được truyền thêm cảm hứng cho những giấc mơ nhất định phải thực hiện trong tương lai. Cô chia sẻ, một điều băn khoăn là bây giờ nhiều người trẻ, chọn ngành học theo trào lưu, đi làm thì làng nhàng. Cũng có nhiều bạn "mắc kẹt" vào các nỗi sợ thất bại, sợ thị phi, sợ cô đơn... và chùn bước.
"Tôi luôn nói với học trò, hãy dũng cảm chấp nhận thử thách. Dám thay đổi, dám thoát ra khỏi vùng an toàn một lần để có thể chạm đến ước mơ. Đi và học hỏi. Sống và trải nghiệm, bạn sẽ có kiến thức phục vụ cho mình và cho đời", cô giáo bộc bạch.
Bộ GD&ĐT tuyển sinh 13 suất học bổng du học Cu-ba, Ma-rốc Bộ GD&ĐT vừa thông báo tuyển sinh 3 suất học bổng toàn phần trình độ đại học tại Cu-ba và 10 học bổng đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Ma-rốc năm 2021. Ảnh minh hoạ. Trong đó, Bộ GD&ĐT tuyển sinh học bổng trình độ đại học tại Cu-ba các ngành phía Cu-ba đào tạo trong năm học...