Cô giáo Quảng Trị 8 năm dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh
Hơn 8 năm qua, một tuần hai buổi, chị Nguyễn Thị Lệ Sương (SN 1979), trú Phường 1, TP Đông Hà lại lên với trung tâm nuôi dạy trẻ em đường phố dạy tiếng Anh cho các em ở đây.
Gắn bó hơn 8 năm, giờ đây học sinh ai cũng yêu mến và xem chị như người thân trong nhà, thoải mái bộc bạch từ chuyện học hành cho đến vô số câu chuyện không đầu không đuôi khác.
Hơn 8 năm dạy miễn phí
Đều đặn mỗi tuần 2 buổi, vào chiều thứ 4 và chủ nhật, từ 16h 30′ đến 18h 30′, chị Nguyễn Thị Lệ Sương (hiện công tác tại trung tâm Giáo dục thường xuyên ngoại ngữ tin học, ở đường Trần Đại Nghĩa, TP Đông Hà) lại đến với lớp trung tâm Mái ấm tình hồng, mang theo vốn liếng tiếng Anh của mình truyền dạy cho các em.
Các em chăm chú nghe cô Sương giảng bài
Dịu dàng và nhỏ nhẹ, đó là cách mà chị Sương vẫn thường dùng để truyền đạt con chữ cho các em học sinh ở đây.
Chị Sương cho hay, chị dạy cho các em từ năm 2011, bằng cách một người chị thủ thỉ, hướng dẫn như các em đang học ở nhà.
Đó là năm 2011, chị lần đầu mạnh dạn lên Mái ấm tình hồng với suy nghĩ là đi dạy cho vui, cho quen với công việc.
Về sau, nhận thấy các em ở đây dễ thương và hồn nhiên quá nên không dứt được, cứ năm này đến năm khác chị đều lên đây dạy mà chị không ngờ rằng đã bén duyên với các lớp học ở đây ngót nghét gần 10 năm.
Gắn bó đã lâu, học sinh ở đây ai cũng kính mến chị, xem là người thân trong nhà, thoải mái bộc bạch với chị vô số chuyện, từ việc học hành cho đến những câu chuyện không đầu không đuôi khác.
Dạy đến khi các em không muốn học nữa
Chị cho hay, trước đây chị dạy 3 buổi (2 buổi chiều và 1 buổi tối), bữa nay do nhiều việc nên chị chỉ dạy 2 buổi chiều.
Video đang HOT
Lớp học dù thưa nhưng luôn rộn ràng tiếng cười đùa
Lớp học của chị không đông nhưng khá lộn xộn, chị cười tâm sự rằng: “Lớp chỉ có 7 học sinh mà thuộc 2 cấp trung học cơ sở và THPT. Trong đó, 2 học sinh cấp THPT (lớp 10 và lớp 11) và có 5 em thuộc trường trung học cơ sở (1 học sinh lớp 9, 1 học sinh lớp 7 và 3 học sinh lớp 6).
Khác biệt ở các khối học có cái dạy không đồng bộ, hơi mệt và phải tập trung để giảng và chỉ bài cho từng bạn một nhưng được cái là vui, các em cứ đua nhau hỏi bài liên tục”.
Em Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 2003) cho hay, mẹ em mất sớm, ba em bỏ đi lúc em còn nhỏ. Năm 2009, em lên trung tâm Mái ấm tình hồng. Thủy cho biết thêm, đa số các bạn ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn như Thủy.
Em Nguyễn Văn Thành (SN 2004) cho biết, nhà em ở phường Đông Lương, TP Đông Hà. 9 năm liên tục em là học sinh giỏi, vừa rồi em rất vinh dự được tham gia cuộc thi HSG cấp thành phố môn GDCD.
Ngoài ra, năm nào Thành cũng tham gia hội thi Mỹ thuật thường niên ở các trường và mang về nhiều giải cho bản thân.
Năm nay, em dự định sẽ thi chuyển khối vào trường chuyên Lê Qúy Đôn.
Ở trung tâm có bạn Nguyễn Thị Lài, từng gắn bó với lớp học Tiếng Anh của cô Sương thời gian khá dài.
Nhiều năm liền, Lài là học sinh giỏi của trường THPT Đông Hà. Với nền tảng kiến thức tốt, kì thi THPT vừa rồi Lài đậu vào trường đại học ở TP Đà Nẵng. Lài là niềm tự hào của cô Sương, còn các em khóa sau nhỏ tuổi hơn ở trung tâm thì xem Lài là động lực để cố gắng học tập.
Chị Sương chia sẻ thêm, các em ở đây sống rất tình cảm, niềm vui đối với các em rất đỗi giản dị, chân chất. Các em thỉnh thoảng tổ chức sinh nhật hay tất niên, trung thu đều muốn cô cùng tham dự.
Có năm, các em bí mật tổ chức lễ 20/11 cho cô, khiến cô bất ngờ. Tất nhiên, các em không có nhiều tiền để tổ chức nhưng những suy nghĩ đã lớn dần của các em làm cho cô Sương rất hài lòng. Cô thấy vui và tin rằng các em đã trưởng thành hơn rất nhiều, trong đó có chút công lao từ phía người cô đã hơn 8 năm âm thầm, lặng lẽ chỉ bảo cho các em.
Chia tay với lớp học miễn phí, chúng tôi ấn tượng mãi với câu nói nửa thật nửa đừa của chị Sương rằng, chị sẽ dạy ở đây cho đến khi các em không có nhu cầu học nữa mới thôi.
Hương Lài
Theo vietnamnet
Hàng trăm trường học ở Nghệ An chưa được học chương trình Tiếng Anh 10 năm
So với các môn học khác, Tiếng Anh là bộ môn được quan tâm và đầu tư khá nhiều. Nhưng, trên thực tế, chất lượng môn Tiếng Anh so với các môn học khác vẫn còn thấp.
Sáng 28/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông tỉnh Nghệ An.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà
Chất lượng dạy Tiếng Anh chưa đáp ứng nhu cầu
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, sau gần 10 năm thực hiện Kế hoạch "Dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2020" hiện toàn tỉnh đã có 394 trường/558 trường có học sinh tiểu học tổ chức dạy ngoại ngữ theo chương trình ngoại ngữ 10 năm từ lớp 3, chiếm tỷ lệ 70,6%.
Ở bậc THCS có 329/405 trường và ở bậc THPT có 4 trường triển khai chương trình 10 năm. Số còn lại, đều đang học chương trình ngoại ngữ 7 năm.
Thực tế cũng cho thấy, mặc dù việc dạy và học Tiếng Anh trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực nhưng so với nhiều địa phương khác kết quả đạt được vẫn còn thấp. Như ở bậc tiểu học, hiện các tỉnh khác trong khu vực Bắc Trung Bộ tỷ lệ học sinh học chương trình Tiếng Anh 10 năm đã đạt trên 90% nhưng ở Nghệ An chỉ mới hơn 70%. Toàn tỉnh đang có 7 địa phương chưa dạy Tiếng Anh cho học sinh lớp 1,2. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Tiếng Anh là môn học có kết quả thi thấp nhất với điểm trung bình mới đạt 3,75 điểm/em.
Giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Huồi Tụ 2 - Kỳ Sơn. Ảnh: Mỹ Hà
Như tại huyện Kỳ Sơn, hiện ở bậc tiểu học chỉ mới có 8/33 trường tiểu học dạy Tiếng Anh và chủ yếu là ở điểm trường chính, bậc THCS mới có 5/19 trường dạy chương trình 10 năm. Toàn huyện đang thiếu gần 60 giáo viên Tiếng Anh.
Ở các địa phương thuận lợi, việc dạy Tiếng Anh cũng đang có những bất cập.
Như tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, hiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Trường đã thí điểm liên kết dạy Tiếng Anh với các trung tâm nhưng theo lãnh đạo nhà trường: Sau một năm liên kết với một trung tâm Anh ngữ trên địa bàn TP.Vinh để dạy ngoại ngữ cho học sinh nhà trường, gần 100% học sinh tham gia đã viết đơn xin không học với các lý do như: Chương trình dễ, không phù hợp với đối tượng. Việc thay đổi chương trình học chưa hiệu quả. Ngoài ra mức thu 80.000 đồng/buổi/học sinh (khoảng 2 triệu đồng/buổi học) không thích hợp với mọi đối tượng, đặc biệt là học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà.
Cần sớm tháo gỡ những bất cập
Với những bất cập trên, tại hội nghị nhiều vấn đề cũng đã được đưa ra, đó là công tác phát triển đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai. Trong đó, riêng bậc THPT mới có 31% giáo viên đạt chuẩn. Nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa đầu tư cho thực hiện kế hoạch chưa đáp ứng theo tiến độ thực hiện Kế hoạch, mới đạt gần 55%.
Nhận thức về tầm quan trọng của môn ngoại ngữ ở một số bộ phận cán bộ quản lý ở các đơn vị giáo dục và phụ huynh học sinh chưa cao. Một số bộ phận giáo viên ngoại ngữ và học sinh còn thiếu ý thức trau dồi chuyên môn, học tập nâng cao trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành khẳng định: Để thúc đẩy giáo dục toàn diện thì cần phải đẩy mạnh việc dạy stem, Tin học và ngoại ngữ ở các nhà trường.
Riêng tại Nghệ An, trước bối cảnh chất lượng dạy và học ngoại ngữ đang còn thấp đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cố gắng. Muốn vậy, nhiệm vụ trước mắt là cần phải có mô hình dạy ngoại ngữ mới. Trong đó, thầy cô phải là những người đứng đầu để xây dựng môi trường học ngoại ngữ tốt, tạo ra môi trường giao tiếp từ trong nhà trường đến gia đình và toàn xã hội.
Một giờ học ngoại ngữ của học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà.
Hiện, ngành giáo dục Nghệ An cũng đang đẩy mạnh việc mở rộng, liên kết với các tổ chức để đẩy mạnh việc dạy và học ngoại ngữ tăng cường trong các nhà trường theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả thì cần phải lựa chọn chương trình phù hợp, có kế hoạch tổ chức quản lý phù hợp và phải có cam kết về đầu ra.
Từ nay đến năm 2025, Nghệ An cũng sẽ tiếp tục triển khai mở rộng chương trình ngoại ngữ 10 năm ở các trường tiểu học, THCS và THPT, đảm bảo 100% học sinh đã học chương trình mới ở lớp dưới đủ năng lực được tiếp tục học ở lớp trên.
Mỹ Hà
Theo baonghean
Tạo động lực để học sinh học tiếng Anh Chất lượng dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông còn nhiều bất cập, minh chứng rõ nhất là kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, tiếng Anh là một trong hai môn "đội sổ" với gần 70% thí sinh có điểm dưới trung bình; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,2 điểm và có trên 700 bài...