Cô gái 29 tuổi chưa chồng sốc khi phát hiện mắc ung thư vú
Thanh vô tình sờ thấy khối u trên ngực nên đến bệnh viện thăm khám và bàng hoàng khi nghe bác sĩ thông báo mình đã mắc ung thư vú.
Nguyễn Thị Thanh (29 tuổi, ở Văn Giang, Hưng Yên) ân hận khi không đi sàng lọc ung thư vú từ sớm để có cơ hội điều trị tốt hơn. Chị chưa bao giờ nghĩ ung thư vú có thể tìm đến mình.
Vì sao 29 tuổi đã mắc ung thư vú?
ThS.BS Vũ Anh Tuấn – khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết chị Thanh là một trong số bệnh nhân phát hiện ung thư vú (UTV) khi tuổi còn rất trẻ.
Theo lời kể của bệnh nhân, chị vô tình sờ thấy khối u ở vùng ngực, đến bệnh viện để thăm khám thì được chẩn đoán bị UTV giai đoạn 2. Lúc này, khối u ở vùng trung tâm, ngay sau núm vú nên không thể bảo tồn. Chị phải cắt toàn bộ tuyến vú.
Bác sĩ Tuấn nhận định sau khi phẫu thuật ổn định, bệnh nhân sẽ bắt đầu phác đồ điều trị hóa chất. Sau một năm, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng toàn thân, cân nhắc thực hiện phẫu thuật tái tạo hình thể vú.
Hình ảnh phim chụp khối u của bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Ảnh: MT.
Hiện tại, hai xu hướng tái tạo thường được áp dụng là sử dụng mô tự thân và sử dụng chất liệu thay thế. Phương pháp sử dụng mô tự thân là dùng các tổ chức của cơ thể như vạt cơ lưng rộng, cơ bụng để có thể tái tạo tuyến vú.
Ưu điểm của phương pháp này là thích nghi tốt với cơ thể, có thể thay đổi theo trọng lượng của cơ thể khi tăng hay giảm cân. Tuy nhiên, việc phẫu thuật kéo dài và thường để lại vết sẹo lớn.
Đây là phẫu thuật tương đối phức tạp, có thể phải sử dụng đến vi phẫu và nguy cơ hoại tử mô. Hiện nay, trên thế giới ở các nước phát triển như Mỹ, Đài Loan chỉ có khoảng 10% bệnh nhân lựa chọn phương pháp này.
Video đang HOT
Bác sĩ cũng có thể sử dụng các chất liệu thay thế như túi giãn mô thì đầu, sau khi đạt được thể tích nhất định, sẽ sử dụng Gel Implant vĩnh viễn, sau đó, bệnh nhân phải trải qua bước tái tạo núm vú và xăm quầng núm vú. Phẫu thuật thay thế đơn giản hơn và đang là xu hướng ở các nước trên thế giới. 90% bệnh nhân lựa chọn phương pháp này.
Đối với bệnh nhân UTV giai đoạn sớm và vị trí khối u ở vùng rìa tuyến vú hoặc khối u chưa có biểu hiện xâm lấn, các bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật bảo tồn, đặc biệt là với những bệnh nhân trẻ. Bảo tồn luôn đi đôi với xạ trị, dùng hóa chất đúng phác đồ, sau đó phải theo dõi và khám định kỳ tốt. Ưu điểm của phương pháp này là có thể giữ lại hình thể tuyến vú một cách tự nhiên cho bệnh nhân, đảm bảo tính thẩm mỹ, đặc biệt đối với những bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa lập gia đình.
Chụp X-quang tuyến vú là phương pháp cơ bản nhất trong sàng lọc UTV. Ảnh: MT.
Ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới, với trên một triệu trường hợp mới mắc hàng năm. Tại Việt Nam, tần suất mắc bệnh chuẩn hoá theo tuổi tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ gần đây, từ 13,8/100.000 (năm 2000) lên 29,9/100.000 phụ nữ (năm 2010). Tỷ lệ mắc mới hàng năm trên cả nước lên tới 12.533 ca, chiếm trên 20% tổng số ca ung thư ở nữ giới.
Trước đây, hầu hết bệnh nhân phát hiện UTV ở giai đoạn muộn, hoặc ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng, khiến tiên lượng bệnh kém. Việc sàng lọc UTV phát hiện những u nhỏ, tổn thương chưa sờ thấy được bằng tay giúp tăng cơ hội điều trị bảo tồn cũng như giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú.
Các chuyên gia khẳng định UTV nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Chụp X-quang tuyến vú là phương pháp cơ bản nhất trong sàng lọc UTV, đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong do UTV gây ra qua những thử nghiệm lâm sàng có đối chứng.
Chụp X-quang vú được khuyến cáo áp dụng ở tất cả phụ nữ trên 40 tuổi và chụp định kỳ hàng năm. Bệnh nhân phát hiện sớm có thể sống trên 5 năm. Vì thế, các chuyên gia nhấn mạnh việc phụ nữ nên tầm soát UTV định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Nếu gia đình có người thân từng bị mắc UTV, chị em nên đi tầm soát sớm. Hàng tháng, sau khi sạch kinh, nữ giới nên tự khám ngực bằng cách sờ hai tuyến vú của mình, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Zing
Tuổi teen nên cảnh giác với ung thư "núi đôi"
Ung thư vú là bệnh khá phổ biến ở phụ nữ và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Câu hỏi đặt ra là: liệu các bạn gái tuổi teen có bị ung thư vú không? Bạn gái làm sao biết bị ung thư vú để đi khám và điều trị sớm?
Những loại u cục nào thường xuất hiện ở "núi đôi"
Con gái đến tuổi dậy thì, ngực phát triển là điều bình thường. Do sự tăng và giảm hormon sinh dục nữ (estrogen và progesterone), sẽ làm cho tuyến vú của thiếu nữ phát triển to lên và thậm chí có cả các loại u cục khác thường.
Những u cục này có phải ung thư không? Câu trả lời là: dù hiếm nhưng vẫn có thể là ung thư vú. Nhưng các bé gái dưới 14 tuổi hiếm khi bị ung thư vú. Nguy cơ ung thư vú sẽ tăng nhẹ khi các em gái bước qua tuổi thiếu niên với tỷ lệ ca mắc ung thư vú là 1/1 triệu người ở tuổi này.
May mắn là hầu hết các khối u ở vú trong độ tuổi vị thành niên đều là u xơ. Do sự phát triển quá mức của mô liên kết trong vú gây ra u xơ, chứ không phải ung thư.
Đặc điểm của khối u thường cứng và di động, có thể di chuyển nó bằng ngón tay. Loại u vú khác ít phổ biến hơn ở thanh thiếu niên là u nang. Đây là những túi nang chứa chất lỏng và không phải ung thư. Những chấn thương do va chạm hoặc tổn thương mô vú, do chơi thể thao, lao động cũng có thể gây ra u ở vú.
Vì sao tuổi teen bị ung thư vú?
Các bác sĩ cho rằng ung thư vú ở trẻ vị thành niên phát triển do những thay đổi trong tế bào và DNA xảy ra sớm, có thể xảy ra khi thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng: ung thư ở trẻ em không liên quan nhiều với các yếu tố môi trường và lối sống như hút thuốc lá hoặc ăn uống không lành mạnh.
Tuy nhiên nếu bạn trẻ sớm có lối sống không lành mạnh, có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú khi trưởng thành. Tuy các nghiên cứu về ung thư vú ở tuổi vị thành niên còn hạn chế, nhưng người ta cũng biết các yếu tố nguy cơ chính gây bệnh gồm: tiền sử gia đình, bạn trẻ có sự bất thường ở vú như bị xơ hóa. Những bạn trẻ tiếp xúc với tia xạ trong điều trị các bệnh như bệnh bạch cầu và u lympho không Hodgkin trong thời gian phát triển vú cũng bị tăng nguy cơ ung thư vú.
Cách gì phát hiện sớm ung thư vú ở bạn gái trẻ?
Các dấu hiệu cho thấy một khối u vú có thể là ung thư đó là: khối u có mật độ chắc; cố định vào thành ngực hoặc cơ xung quanh; có kích thước từ nhỏ như hạt đậu đến to như một đốt ngón tay; khối u này gây đau đớn. Khác với ung thư vú ở phụ nữ trưởng thành, sự tiết dịch ở núm vú và bị tụt núm vú không phải là triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư vú ở tuổi thiếu niên.
Việc chẩn đoán ung thư vú ở trẻ vị thành niên dựa vào các yếu tố: tiền sử bệnh tật gia đình, sự xuất hiện của khối u ở vú; có chảy dịch núm vú; bị đau ở khối u; siêu âm có thể xem khối u có dạng chắc đặc hay không - là một dấu hiệu của bệnh ung thư; kiểm tra mô bệnh học phát hiện ung thư. Nhưng không khuyến cáo chụp Xquang tuyến vú cho thanh thiếu niên vì mô vú có xu hướng đặc, gây khó khăn cho chụp Xquang để phát hiện u cục. Hơn nữa chụp Xquang tuyến vú gây phơi nhiễm với tia xạ, có thể dẫn đến tổn thương tế bào, đặc biệt là ở ngực trẻ đang phát triển.
Biện pháp điều trị
Bệnh ung thư vú phổ biến nhất ở vị thành niên là ung thư tuyến. Dạng ung thư này phát triển chậm, không xâm lấn. Tuy nguy cơ của loại ung thư này lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể là thấp, nhưng vẫn có các trường hợp bệnh lây lan sang các hạch bạch huyết khu vực. Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ ung thư và bảo tồn mô vú càng nhiều càng tốt.
Phương pháp hóa trị và xạ trị được chỉ định trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, bởi những rủi ro mà các phương pháp điều trị này gây ra cho cơ thể trẻ, có thể vượt quá những lợi ích. Tùy theo loại liệu pháp và thời gian điều trị kéo dài, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ và tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác. Sau phẫu thuật, bệnh nhân trưởng thành, lập gia đình vẫn có thể cho con bú nhưng ở một số phụ nữ có thể sản xuất ít sữa hơn bình thường.
Lời khuyên của thầy thuốc
Các bác sĩ khuyến cáo các bạn tuổi teen thực hiện các biện pháp phòng bệnh ung thư vú như sau: Nên ăn một chế độ ăn nhiều chất xơ với nhiều trái cây.
Luyện tập thể dục đều đặn. Giữ cân nặng một cách hợp lý, khỏe mạnh. Không hút thuốc và tránh hút thuốc lá thụ động. Biết cách tự khám vú để phát hiện sớm khối u lạ: bạn nên chú ý cảm nhận sự bình thường của ngực, để khi có cảm giác bất thường sẽ giúp bạn xác định sớm bất kỳ thay đổi nào.
Cách tự khám vú: Cởi áo; chống 2 cánh tay vào hông và nhìn vào ngực của bạn qua gương. Chú ý đến các dấu hiệu như lõm da, lở loét, tiết dịch núm vú hoặc thay đổi hình dạng và kích thước vú bạn chưa từng thấy trước đó. Quan sát ngực khi nhìn nghiêng mỗi bên. Khi ở trong phòng tắm, bạn giơ tay lên và làm ướt ngực của bạn. Sử dụng 3 ngón tay khám xung quanh vú để phát hiện khối u và mật độ mô vú. Di chuyển ngón tay của bạn lên và xuống với một chút áp lực. Nên kiểm tra nách và khu vực xung quanh vú ở ngực. Nằm xuống và đặt một chiếc gối dưới vai phải, tay phải để phía sau đầu. Di chuyển các ngón tay của tay trái xung quanh vú theo hình tròn, theo chiều kim đồng hồ. Di chuyển xung quanh toàn bộ vú và nách. Đặt cái gối dưới vai trái và lặp lại các động tác ở bên trái. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào, hoặc có điều gì khiến bạn lo lắng, hãy đi khám ở bệnh viện.
BS. Hà Phan
Theo Sức khỏe & Đời sống
Loại thuốc mới giúp tăng cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư vú Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy một loại thuốc mới trong điều trị bệnh ung thư vú dạng phổ biến nhất có thể giúp tăng cơ hội sống sót cho các bệnh nhân. Ảnh minh họa Các nhà nghiên cứu Mỹ đã đưa ra công bố trên ngày 1/6 tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng...