Đột ngột đau đầu, thiếu nữ 18 rơi vào hôn mê do ‘kẻ giết người’ thứ 3 ở VN
Sau cơn đau đầu dữ dội, cô gái trẻ nôn nhiều rồi rơi vào hôn mê sâu , bác sĩ tiên lượng bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao.
ThS.BS Nguyễn Thị Cúc, Trung tâm Đột quỵ não, BV TƯ Quân đội 108 cho biết, nữ bệnh nhân Hoàng Ngọc Lan, 18 tuổi có tiền sử hay đau đầu nhưng chủ quan không đi khám.
Một buổi chiều, Lan đột ngột đau đầu dữ dội, nôn nhiều lần, ý thức chậm dần rồi mất hẳn, được chuyển đến khoa Cấp cứu, BV TƯ Quân đội 108. 5 tiếng sau đó Lan rơi vào tình trạng hôn mê sâu , điểm Glasgow chỉ còn 6/15 điểm, đồng tử mắt trái 3mm, mắt phải 2 mm, phản xạ đồng tử với ánh sáng âm tính, liệt tứ chi.
Ngay lập tức, bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính sọ não và mạch não, kết luận đột quỵ não, tổn thương xuất huyết toàn bộ hệ thống não thất, biến chứng giãn não thất . Nguyên nhân chảy máu do vỡ dị dạng thông động tĩnh mạch (AVM) cạnh não thất bên bên trái, Graeb 4 điểm.
Bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ tiêm thuốc theo liệu trình cho bệnh nhân
Sau khi hội chẩn, Trung tâm Đột quỵ não, BV 108 đã quyết định kết hợp nhiều phương pháp điều trị gồm: Can thiệp mạch qua da nút khối dị dạng mạch não bằng keo sinh học, sau đó phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất mở, bơm thuốc tiêu sợi huyết Alteplase theo liệu trình, hồi sức tích cực nội khoa.
Bệnh nhân sau tiêm thuốc tiêu huyết khối rtPA đến liều thứ 7 đạt hiệu quả, được rút dẫn lưu não thất sau 7 ngày, không có biến chứng nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân sau đó tiến triển khá hơn, gọi mở mắt, điểm Glasgow tăng lên 9 điểm, chưa thể làm theo y lệnh nhưng khi kích thích đau, chân đã có cảm giác, bệnh nhân tự thở qua lỗ mở khí quản.
Tuy nhiên sang ngày thứ 31, bệnh nhân tiến triển xấu hơn, điểm Glasgow tụt xuống còn 7-8 điểm, phải thở máy, đồng tử 2 bên đều 1,5 mm, phản xạ ánh sáng yếu.
Hình ảnh trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não phát hiện giãn toàn bộ các não thất, nguyên nhân do tổn thương các hạt màng nhện làm giảm khả năng hấp thu dịch não tủy. Bệnh nhân tiếp tục được chỉ định phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất ổ bụng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân có cải thiện rõ về lâm sàng, ý thức tốt dần lên, có thể làm theo y lệnh, các cơn gồng cứng toàn thân giảm, không còn xoắn vặn tay, chân.
Sau điều trị hơn 1 tháng, bệnh nhân được xuất viện dù tay, chân vẫn còn yếu
40 ngày sau khi khởi phát, bệnh nhân được rút ống shiley ở khí quản, được xuất viện sau đó trong tình trạng tỉnh, nói được, tuy nhiên tứ chi còn yếu.
Mới đây, Lan đến khám sau 2 tháng xuất viện cho thấy bệnh nhân hồi phục tốt hoàn toàn về trí nhớ, cơ tay 2 bên đã đạt 4/5, cơ chân đạt 3/5, đã có thể tự đi lại và làm các việc nhẹ, tự chăm sóc bản thân và sẽ tiếp tục tập hồi phục chức năng.
Theo BS Cúc, trường hợp bệnh nhân Lan bị đột quỵ não rất nặng, nhưng nhờ kết hợp nhiều phương pháp, bệnh nhân hồi phục rất tốt.
Mạch máu não phình to nhưng không biết
Đột quỵ là căn bệnh có nguy cơ tử vong cao thứ 3 sau tim mạch, ung thư và đứng hàng đầu về tỉ lệ tàn tật.
Báo cáo của Tổ chức Đột quỵ thế giới (WSO) năm 2016 cho thấy, mỗi năm thế giới có 17 triệu ca đột quỵ, trong đó 6 triệu trường hợp tử vong, 5 triệu người sống sót với các di chứng gây tàn tật trong thời gian dài, thậm chí vĩnh viễn.
Tại Việt Nam, số liệu tổng hợp từ các BV có khoa thần kinh trên cả nước trong 3 năm gần đây cho thấy, số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ ngày càng tăng, từ 1,7% lên 2,5%, trong đó tỉ lệ nam giới gấp 4 lần nữ, tương đương khoảng 200.000 ca mắc mới đột quỵ mỗi năm, trong đó khoảng 50% sẽ tử vong.
Theo các nghiên cứu, chảy máu não chiếm 10-15% các trường hợp đột quỵ não hàng năm trên thế giới , trong đó phổ biến nhất là chảy máu não thất (chiếm 40%). Trường hợp bị chảy máu não thất, tỉ lệ tử vong trong vòng 30 ngày lên tới 40-80%.
Hình ảnh động mạch não phình to sắp vỡ của một bệnh nhân
Nguyên nhân gây chảy máu não thường do dị dạng mạch máu, phình động mạch trong não thất, bệnh đông máu, lạm dụng thuốc cường giao cảm…
PGS.TS Lương Tuấn Khanh , Giám đốc TT Phục hồi chức năng, BV Bạch Mai cho biết, tình hình đột quỵ não tại Việt Nam hiện nay ngày càng có xu hướng trẻ hoá, rất nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi. Theo thống kê, số bệnh nhân trẻ bị đột quỵ mỗi năm tăng khoảng 2%, tỉ lệ mắc ở nam giới cao gấp 4 lần nữ.
Trong đó có rất nhiều trường hợp bị đột quỵ khi mới đang là học sinh, sinh viên, nguyên nhân do vỡ mạch máu não do dị dạng mạch.
Tỉ lệ bị dị dạng động tĩnh mạch não trong cộng đồng dưới 1%, là bệnh rất nguy hiểm nhưng các triệu chứng thường rất mơ hồ.
Hầu hết những trường hợp này chỉ đến khi vỡ mới biết do mạch máu phình bẩm sinh, to dần theo thời gian. Một số bệnh nhân có những dấu hiệu báo trước như đau đầu, nhưng thường bị bỏ qua vì nghĩ đến nguyên nhân khác.
Do đó, vỡi những bệnh nhân đau đầu dữ dội thời gian dài cần chụp CT não hoặc cộng hưởng từ để kiểm tra vì đau đầu có nhiều nguyên nhân.
Trường hợp phát hiện phình động mạch não, nếu kích thước nhỏ dưới 3 mm, không cần can thiệp. Những trường hợp phải can thiệp, tùy kích thước, bác sĩ sẽ đặt các vòng coil hoặc đặt stent chuyển dòng để giảm áp lực.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Cứu thành công bệnh nhân 18 tuổi đột quỵ não nặng, hôn mê sâu
Bệnh viện TƯ quân đội 108 cấp cứu thành công cho nữ bệnh nhân 18 tuổi, bị hôn mê sâu do vỡ dị dạng động tĩnh mạch não gây xuất huyết toàn bộ hệ thống não thất.
Bệnh nhân trong quá trình cấp cứu (Ảnh: BVCC)
ThS.BS. Nguyễn Thị Cúc - Trung tâm Đột quỵ não - Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, xuất huyết não thất gây biến chứng dãn não thất có tỷ lệ tử vong rất cao, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.
Bệnh nhân khởi phát bệnh với triệu chứng: đột ngột đau đầu, nôn nhiều lần, ý thức chậm dần. Sau 5 giờ khởi phát triệu chứng, bệnh nhân được chuyển tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện TWQĐ 108 trong tình trạng: hôn mê sâu, Glasgow 6 điểm, đồng tử mắt trái 3mm, mắt phải 2mm, phản xạ đồng tử với ánh sáng âm tính, liệt tứ chi, có những cơn duỗi cứng tứ chi.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não, mạch não cho thấy: tổn thương xuất huyết toàn bộ hệ thống não thất bên, não thất 3, 4 gây dãn hệ thống não thất, nguyên nhân xuất huyết là do vỡ dị dạng thông động tĩnh mạch (AVM) cạnh não thất bên bên trái, Graeb 4 điểm.
Sau khi hội chẩn, nhóm đột quỵ não Bệnh viện TWQĐ 108 đã quyết định kết hợp nhiều phương pháp điều trị: can thiệp mạch qua da nút khối dị dạng mạch não bằng keo sinh học, sau đó phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất mở, bơm thuốc tiêu sợi huyết Alteplase theo liệu trình, hồi sứu tích cực nội khoa.
Hình ảnh bệnh nhân tái khám sau 2 tháng phát bệnh (Ảnh: BVCC)
Sau thời gian theo dõi các tiến triển, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất ổ bụng.
Sau phẫu thuật: Ý thức bệnh nhân khá hơn, làm theo y lệnh được, các cơn gồng cứng toàn thân giảm, không còn xoắn vặn tay chân. Ngày thứ 40 sau khởi phát được rút shiley.
Bệnh nhân ra viện trong tình trạng: ý thức tỉnh, làm theo lệnh được; nói được từng từ, hiểu lời tốt, tứ chi hồi đang hồi phục vận động sức cơ 3/5. Bệnh nhân được chuyển cơ sở Phục hồi chức năng tiếp tục điều trị.
Tái khám sau 2 tháng khởi phát, bệnh nhân hồi phục tốt: phục hồi hoàn toàn về trí nhớ, sức cơ tay 2 bên 4/5, chân 2 bên 3/5, đã có khả năng tự chăm sóc bản thân.
Bảo Minh
Theo GDTĐ
Người đàn ông Hàn Quốc bị đột quỵ trong xưởng sản xuất Đang điều hành sản xuất, ông Kim bất ngờ đau đầu dữ dội rồi ngã quỵ ra sàn, khi vào viện đã liệt nửa người. Ông Kim Jung Soo 40 tuổi làm việc tại Hải Phòng từ năm 2017 đến nay. Ngày giáp Tết, ông bị đột quỵ tại công ty, được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp. Bác sĩ...