Chữ bác sĩ
Tôi còn giữ cuốn sổ từ thời đi học ở Trường Y, nhưng nhiều trang chỉ có tôi hồi đó mới hiểu vì quá nhiều ký tự và viết tắt.
Ảnh minh họa
Thời đi học lâm sàng, chúng tôi ai cũng có một cuốn sổ nhỏ đút vừa túi áo blouse để ghi chép kinh nghiệm của các thầy, các anh khoá trước trên từng bệnh nhân cụ thể, và đương nhiên ít có trong sách vở. Học lâm sàng tức học tại giường bệnh, là quá trình học suốt đời của người thầy thuốc.
Nó thể hiện rõ nhất truyền thống cao quý của ngành y, thế hệ trước đào tạo, dìu dắt thế hệ sau, cùng học hỏi lẫn nhau để cứu chữa người bệnh. Chính vì lý tưởng chung này mà sự tin cậy, thân mật, gần gũi giữa thầy và trò phát triển, có thể nói là tình bạn, tình anh em. Bản thân mỗi thầy thuốc cũng không ngừng tự học, tự đào tạo mình, tự là thầy của chính mình.
Không hiểu từ bao giờ, quan niệm “chữ bác sĩ” xấu và khó đọc được coi như một sự thật hiển nhiên, dù chắc chắn không phải bác sĩ nào cũng viết chữ khó đọc. Nếu tôi phải đưa ra một lý do để giải thích cho điều này, hữu lý nhất là do yêu cầu phải ghi chép nhanh và nhiều trong thời gian giới hạn từ khi học ở Trường Y cho đến sau này, cường độ công việc luôn đòi hỏi sự khẩn trương ở bệnh viện.
Tôi nhớ, rất nhiều kỳ thi chúng tôi phải viết 4 đến 8 trang giấy trong thời gian chỉ 1 giờ rưỡi. Hay khi hành nghề, mỗi buổi, 1 bác sĩ phải khám cho cả trăm bệnh nhân nên viết và làm gì cũng phải nhanh nhanh vội vội.
Là đồng nghiệp trong lĩnh vực hẹp, dù ai viết xấu cỡ nào chúng tôi đều có thể suy luận được vì chung kiến thức và tư duy, trừ một tỷ lệ nhỏ vẫn không thể đọc và hiểu nổi. Song chữ viết không chỉ là phương thức liên lạc giữa các bác sĩ mà còn với điều dưỡng, dược sĩ, các nhân viên y tế và bác sĩ chuyên khoa khác, đặc biệt với bệnh nhân và người nhà.
Do vậy, sự cẩu thả thực ra có thể dẫn đến sai sót y khoa. Chẳng hạn như thuốc pertuzumab dùng điều trị ung thư vú có tên na ná với thuốc pembrolizumab là thuốc miễn dịch, điều trị nhiều ung thư khác nhau. Có dược sĩ từng nhầm 2 thuốc này khi đọc đơn viết ngoáy, nhưng nhờ chúng có hàm lượng khác nhau (420mg và 100mg) nên đã kịp thời gọi điện kiểm tra lại với bác sĩ.
Chính vì vậy, hồi còn làm chuyên môn, tôi không chấp nhận các bác sĩ thuộc đơn vị mình viết ẩu hay sơ sài khi kê đơn, ghi nhận hồ sơ bệnh án. Tôi luôn nói rằng viết khó đọc hay dễ đọc là sự lựa chọn của các bạn, không phải do hoàn cảnh. Có thể anh viết xấu nhưng phải rõ ràng, tỉ mỉ, chính xác và trung thực, đây là vấn đề trách nhiệm với sự an toàn của người bệnh.
Chỉ cần sai một vài mẫu tự có thể dẫn đến nhầm lẫn về tên thuốc, liều lượng, đường dùng, gây hệ quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng bệnh nhân. Nhiều năm sau, chúng tôi gặp lại nhau, các bạn bác sĩ trẻ năm xưa vẫn nhắc, “chúng em ghi nhớ hàng ngày và chưa bao giờ phải “hối hận” vì chữ viết”.
Tôi hy vọng hệ thống công nghệ thông tin của ngành y ngày một hoàn thiện sẽ khiến “truyền thuyết” mang tên “viết xấu như chữ bác sĩ” chỉ còn là quá khứ. Ngày nay, hầu hết kiến thức y khoa đã được số hoá. Người học tra cứu thông tin nhanh, thuận tiện và đỡ mất thời gian, cũng không phải ghi chép nhiều như trước.
Công nghệ thông tin ngày càng ứng dụng sâu rộng trong các bệnh viện giúp đảm bảo sự chính xác và an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, ngay cả ở các quốc gia phát triển, bệnh án điện tử chưa thể hoàn toàn thay thế bệnh án giấy.
Chữ viết bác sĩ vì thế vẫn là một trong những vấn đề liên quan đến sai sót y khoa mà các nhà quản lý y tế không thể không quan tâm, đặc biệt ở công tác hậu kiểm, bình duyệt bệnh án, đơn thuốc. Ghi nhận đầy đủ, rõ ràng diễn biến bệnh tật và xử trí trong hồ sơ bệnh án cũng là một trong những tiêu chí quan trọng bậc nhất của Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam do Bộ Y tế ban hành.
Nam sinh 10 năm cõng bạn với niềm vui về sự tự tế được lan tỏa
Chúng tôi gặp lại Ngô Minh Hiếu - nam sinh được biết đến với câu chuyện 10 năm cõng bạn đi học - sau hơn 1 tháng trở thành sinh viên của Trường ĐH Y Dược Thái Bình.
Ngô Minh Hiếu là 1 trong 14 gương mặt được báo VietNamNet đề cử là Nhân vật truyền cảm hứng năm 2020. Độc giả bình chọn cho Hiếu tại Bình chọn nhân vật truyền cảm hứng năm 2020 - VietNamNet (thời gian bình chọn đến 24h ngày 15/12/2020).
Chúng tôi gặp lại Ngô Minh Hiếu - nam sinh được biết đến với câu chuyện 10 năm cõng bạn đi học - sau hơn 1 tháng trở thành sinh viên của Trường ĐH Y Dược Thái Bình.
Nam sinh đến từ miền quê Thanh Hóa cho thấy sự lạc quan và bắt nhịp nhanh với môi trường mới.
"Giờ đây, khi đi học trên trường hay ở ngoài, cũng nhiều thầy cô và bạn bè biết và quan tâm, hỏi thăm em. Vui nhưng cũng hơi ngại", Hiếu cho hay đó cũng là hạnh phúc với bản thân mình.
Khởi nguồn của ước mơ làm bác sĩ
Song, niềm vui hơn cả với Hiếu là được thỏa ước nguyện theo học ngành y - ngành học có thể giúp đỡ được nhiều người như ước mơ của em từ thuở bé.
"Lúc 5 tuổi, trong một lần cùng bố mẹ đi vào bệnh viện để thăm người thân, em có đọc được một dòng chữ trên cửa kính của bệnh viện là Cấm hút thuốc. Lúc đó, em còn nhớ một bác sĩ đã ra bế em lên và khen động viên mới bé tí đã biết đọc chữ. Vị bác sĩ hỏi em rằng: lớn lên cháu muốn làm gì, lúc đó tự nhiên em buột miệng nói muốn trở thành bác sĩ. Sau này, khi đồng hành với Minh (người bạn mà Hiếu cõng đi học suốt 10 năm liền), em càng muốn mình sẽ làm một nghề gì đó để có thể giúp đỡ, hoặc ít nhất là gần gũi, chia sẻ được với họ. Em nghĩ nghề bác sĩ là một nghề rất tốt để hiện thực hóa ước mơ", Hiếu kể.
Giờ đây, Hiếu còn được thầy cô và bạn bè tin tưởng trao cho vai trò lớp phó học tập của lớp Y1B khóa 50 ngành Y khoa của Trường ĐH Y Dược Thái Bình.
Thầy Trương Hoàng Anh, chủ nhiệm khối Y1 khóa 50 đánh giá: Hiếu là một sinh viên vui vẻ, nhanh nhẹn, nhiệt tình và hòa đồng với các bạn. Em đặc biệt thể hiện rõ quyết tâm trong việc học tập từ khi vào trường và được thầy cô đánh giá rất cao.
Sau khi câu chuyện về tình bạn đẹp của Ngô Minh Hiếu được lan tỏa trên truyền thông, nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất đặc cách em vào Trường ĐH Y Hà Nội.
Thừa nhận đó là thời khắc khó khăn về tâm lý, Hiếu dặn lòng phải có chính kiến riêng.
"Lúc đó em nghĩ rằng đã tham gia thi đại học thì phải chấp nhận đó là một cuộc chơi công bằng và phải vào bằng chính năng lực của mình, chứ không được dựa vào tình bạn của mình với bạn để trông chờ đặc cách vào đại học. Em muốn vào trường đại học bằng chính khả năng thực sự của mình".
Hiếu tâm sự, em giúp đỡ Minh vì thương người bạn chơi thân tử thuở bé, chứ không hề có suy nghĩ vụ lợi hay bất cứ điều gì khác.
"Những việc em làm xuất phát chính từ sự mến phục tinh thần học tập của bạn. Hoàn cảnh của bạn Minh khó khăn, bố mẹ lại đi làm xa nên không có ai đưa đến trường, nhưng rất ham học. Hai đứa chơi với nhau từ nhỏ nên em muốn bạn được đi học với mình", Hiếu nói.
Mặc dù vậy, theo Hiếu cũng có những lúc em khó xử, thậm chí phải đấu tranh nội tâm với chính mình về chuyện này.
"Minh không thể tự đi lại nên trong những giờ ra chơi hay thể dục, bạn sẽ ngồi một chỗ. Khi đó em nhìn các bạn khác của mình đá bóng,... cũng rất muốn hòa vào tham gia nhưng nghĩ nếu mình ra chơi thì Minh phải ngồi đó một mình".
Vượt qua tất cả, bằng tình bạn chân thành, Hiếu, Minh vẫn đều đặn đến trường và cả 2 cùng trúng tuyển vào đại học.
Niềm vui khi sự tử tế được lan tỏa
Cuộc sống khi vào đại học của Hiếu cũng có nhiều thay đổi. Môi trường mới xa lạ, không có bố mẹ bên cạnh, Hiếu phải học cách sống tự lập hơn.
"Trước kia, ở nhà, bố mẹ nhắc đến giờ học, hay phải dậy sớm để đi học, đến bữa được bố mẹ nấu cho ăn... nhưng giờ đây em phải học cách tự lập trong tất cả mọi việc. Là một sinh viên, ngoài lo học tập, em phải làm quen với việc đi chợ, nấu cơm,... rồi phải học cách cân đối chi tiêu".
May mắn đến với Hiếu khi trong ngày 2 bố con đi nhập học đã được một người dân đến tận trường đón và ngỏ ý hỗ trợ cho em ở trọ miễn phí cho đến khi tốt nghiệp. Chỗ trọ này cách trường chỉ khoảng 400m.
"Hôm đó bác Cường đã đón bố con em về nhà để thăm phòng trọ với lý do đơn giản là biết chuyện của em trên báo chí, nên muốn cho em ở đây để thuận tiện hơn cho việc học. Bố con em rất biết ơn và trân trọng tình cảm của bác dành cho mình", Hiếu kể và cho hay, em xin phép được tự đóng tiền điện, nước sinh hoạt để đỡ gánh nặng cho gia đình bác.
Không chỉ vậy, Hiếu còn được nhận được sự quan tâm, những tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ từ nhiều người xa lạ ở mọi miền của đất nước.
"Có các bác, cô chú trao tặng học bổng, sách vở, có những anh chị thì mặc dù không hề quen biết cũng gọi điện, hỏi thăm động viên, thậm chí có nhiều người viết thư gửi về thăm hỏi. Em thấy rất vui bởi hành động nhỏ nhưng lan tỏa những thông điệp tích cực".
"Việc em giúp Minh là suy nghĩ và hành động rất tự nhiên. Nhưng đôi khi ngồi nghĩ lại, em nghĩ có lẽ biết đâu mình giúp bạn nên giờ đây lại nhận được sự giúp đỡ. Em tin rằng khi mình làm việc tốt, trao đi thì sẽ được nhận lại và lan tỏa những điều tốt đẹp ra toàn xã hội. Điều đó giúp cho cuộc sống nhiều tình yêu thương hơn chứ không chỉ là những bon chen, vật chất".
Hiếu cũng cho rằng, những việc mình làm mới chỉ giúp đỡ được một người bạn của mình, nhưng trong xã hội, còn rất nhiều người có những hành động đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi có thể giúp đỡ được hàng trăm, hàng nghìn người khác...
Vũ Hưng Nguyên, Lớp trưởng lớp Y1B K50 chia sẻ: "Chúng em rất vui, cảm thấy tự hào khi trong lớp có một tấm gương sống đẹp như Hiếu. Câu chuyện của Hiếu thật sự truyền cảm hứng và tạo động lực cho chúng em trong việc giúp đỡ những trường hợp khó khăn mà còn trở thành những bác sĩ tốt, sống trách nhiệm hơn với xã hội".
Còn người bạn học Lương Thúy Hiền thì cho rằng, câu chuyện và hành động của Hiếu giúp em tin hơn rằng trong cuộc sống hay xung quanh chúng ta còn rất nhiều những người tốt.
Lên Hà Nội chỉ để ăn với bạn bữa cơm
Hiếu kể, đợi ổn định việc học tập ở trường một thời gian, em sẽ tính việc làm thêm để có thêm tiền trang trải việc học và sinh hoạt, phụ bố mẹ.
"Cũng có một bác đã liên hệ ngỏ ý tạo điều kiện cho em làm thêm công việc cắt kính mắt ngoài giờ học để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt" - Hiếu chia sẻ và cho biết, nếu công việc phù hợp và không ảnh hưởng đến việc học, em sẽ thử bởi công việc này mỗi ngày sẽ chỉ 2 tiếng, trong khoảng từ 17-19h.
Hiếu vẫn thường xuyên liên lạc với Minh. Cứ khoảng 2 ngày, các em lại gọi điện cho nhau để chia sẻ về học tập và cuộc sống.
Thi thoảng, Hiếu bắt xe lên Hà Nội thăm Minh cho đỡ nhớ. Từ ngày nhập học, Hiếu đã lên thăm cậu bạn thân 3 lần.
"Tuần nào được nghỉ 2 ngày cuối tuần thì em lại lên thăm bạn, bởi từ Thái Bình lên Hà Nội cũng không quá xa. Lên đó có thể đi chơi với nhau hoặc đơn giản chỉ là ăn cơm với Minh và bố bạn ấy. Bố của Minh cũng được Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tạo điều kiện bố trí cho công việc để tiện ở cùng".
Dẫu không ở gần nhau, nhưng Hiếu cho rằng việc 2 đứa học cách xa nhau cũng mang lại nhiều điều tích cực.
"Giờ đây, Minh cũng có thể tự đi học, tự qua đường, được nhiều bạn khác cùng giúp đỡ. Điều này chắc chắn sẽ tốt hơn cho Minh" - Hiếu xúc động.
Video: Thùy Chi
2 người phụ nữ quyền lực giao lưu với thầy và trò Trường Đại học Y Hà Nội Hai người phụ nữ thành đạt là nữ doanh nhân Thái Hương và nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tham gia cuộc giao lưu mang tên "Đường tới thành công" do Trường Đại học Y Hà Nội lần đầu tiên tổ chức. GS.TS. Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học...