Chơi ‘ú òa’ cùng bánh canh Huế
Như trò chơi của trẻ con, tô bánh canh Huế “cút bắt” thực khách với vẻ ngoài của một tô súp với nước dùng sền sệt nhưng khi đảo nhẹ muỗng, một sự chuyển mình cực ấn tượng sẽ diễn ra.
Tọa lạc trên đường Nguyễn Thông (quận 3), bánh canh cua bà Dạng từ lâu quen thuộc với thực khách Sài Gòn và những người mê món Huế. Quán phục vụ hàng loạt các món đặc trưng của Huế, trong đó nổi bật là món bánh canh cua với tạo hình khiến không chỉ những người đầu tiên đến quán mà cả khách quen khi đối diện đều muốn phám khá và trải nghiệm.
Bạn sẽ không nhận biết chính xác “nội dung” món ăn…
Nếu không dùng muỗng đảo nhẹ để “kho báu” hiện ra.
Dùng tên một trò chơi thuở bé để mô tả món ăn này không sai, bởi ngay khi đối diện với tô bánh canh nóng hổi của quán, nhiều thực khách sẽ tự hỏi mình gọi bánh canh hay gọi súp, với một tô đựng toàn nước có màu trắng đục được điểm xuyết vài giọt màu điều đỏ đậm. Thế nhưng chỉ cần dùng muỗng đảo nhẹ, bạn sẽ biết mình hay quán đều không lầm. Bởi đó là khi “kho báu” gồm lát chả cua, miếng chả lụa, phần thịt cua trắng non, những sợi bánh canh, những cọng rau răm thái nhỏ ẩn sâu dưới lớp nước dùng “ngoi lên” như trong câu chuyện cổ tích khiến bạn thích thú.
Lý giải cho việc hầu hết các nguyên liệu đều ẩn dưới nước dùng chứ không bày biện để thực khách “no mắt” như các món bánh canh hay các món có nước khác, những người sành ăn cho biết thật ra, món ăn cũng được trang trí như bình thường nhưng có nhiều nguyên nhân khiến phần trang trí “lặn”xuống dưới. Nguyên nhân cơ bản do đây là loại bánh canh chỉ nấu khi được gọi món. Thứ hai là nước dùng của món bánh canh này khá sệt nên khi chan lên trên các nguyên phụ liệu, nó nằm hẳn bên trên và phải có sự tác động của thìa hoặc muỗng mới khiến tất cả hòa lẫn vào nhau.
Ngoài điểm khác biệt về tạo hình của món ăn, bánh canh cua của quán cũng hấp dẫn thực khách với tạo hình độc, lạ của sợi bánh. Khác với bánh canh được chế biến sẵn, đóng thành khối và được bày bán ở chợ, sợi bánh canh ở đây được người nấu cắt từ miếng bột nhồi sẵn, rồi trụng với nước sôi cho vào tô. Cắt bằng tay nên không sợi nào giống sợi nào về hình dáng và kích thước. Điểm thứ hai là không được làm từ bột gạo nên sợi bánh trong đến nỗi gần như hòa lẫn vào nước dùng.
Ngoài cảm giác trơn tuột, lạ lẫm của cọng bánh, độ sệt của nước dùng, những miếng thịt cua trăng trắng, cùng màu xanh của rau răm mang đến cảm giác đang thưởng thức súp cua hơn là nước dùng của món bánh canh.
Video đang HOT
Quán cũng có nhiều món bánh để bạn thưởng thức…
Nhưng sau món bánh canh, món thực khách “kết đậm” là bún bò Huế.
Một tô bánh canh khó nhỏ nhắn nên thực khách thường gọi thêm vài món bánh để đầy bụng. Nhưng theo đánh giá, các loại bánh phục vụ tại quán không thật sự nổi trội và thực khách đến quán ngoài món bánh canh, còn “kết đậm” món bún bò Huế đúng vị.
Địa chỉ: Bánh canh cua Bà Dạng, 59 Nguyễn Thông, Q.3, TP. HCM.
HUỲNH HẰNG
Theo Infonet
Bún riêu ốc đúng chất Hà Nội giữa Sài Gòn
Khi tôi xin lát chanh để cho vào tô bún riêu ốc đang bốc khói thơm lừng, cô chủ quán trợn mắt cho biết, ở quán không có chanh và nếu cho chanh vào thì món bún riêu ốc ấy đúng với câu "nhạt như nước ốc".
Tọa lạc trong con hẻm số 92 đường Phạm Ngọc Thạch, quán Tùng Lâm mới mở và giới thiệu đến thực khách Sài Gòn 3 món ăn đậm vị Bắc là xôi xéo, bún riêu ốc và bún chả. Tuy chỉ 3 món, chỉ bán vào buổi sáng và trưa, nhưng lượng khách đến quán, nhất là vào giờ mở cửa khá đông. Hầu hết khách đều là người Hà Nội, chỉ một số ít là người của các vùng miền khác đến để ăn cũng như cảm nhận phong vị của nền ẩm thực được cho là cầu kỳ và tinh tế.
Xôi xéo hấp dẫn với màu vàng ươm của hành phi...
Vàng xanh của đậu, vàng nhẹ của nghệ tươi, và những miếng thịt gà luộc tươi ngon
Nếu ai chưa từng thưởng thức xôi xéo sẽ hơi bất ngờ với bát xôi có màu vàng ươm của mỡ hành, màu vàng xanh của những lát đậu xanh, màu vàng nhẹ của xôi, và màu vàng của gà mà chị chủ quán cho biết "cho thêm để khách no bụng chứ đúng chuẩn thì không có". Cái cầu kỳ ấy của món ăn sẽ khiến người chưa quen không biết thưởng thức thế nào để trọn vị. Để rồi sau cái cảm nhận riêng lẻ từng thành phần của món ăn, sẽ phát hiện, nếu mix tất cả trong cùng một muỗng sẽ cảm nhận hết cái mềm của những hạt xôi được đồ từ nếp cái hoa vàng, cái béo của mỡ gà, vị thơm của nghệ tươi, thơm của đậu xanh, giòn hành phi, ngọt của thịt gà như hòa quyện vào nhau tạo nên cái thanh, vị béo, ngọt khác hẳn các loại xôi khác.
Bún chả lại thu hút với những miếng chả băm béo mềm, đậm đà cùng những loại rau đúng chất và tinh tế.
Bún chả cũng vậy. Tuy thưởng thức bún chả ở nhiều quán, nhưng cái vị mằn mặn vương vấn của mắm, cái chua giòn của đồ chua, cái ngọt thanh các loại rau xanh đúng chất bún chả Hà Nội tại quán sẽ giúp bạn cảm nhận rõ hơn cái ngon và tinh túy của món bún này. Một điểm nhấn không thể bỏ qua của món ăn là phần chả băm có màu cháy xém đẹp mắt, khi thưởng thức có vị ngọt của thịt nạc băm, cái béo của những miếng mỡ nhỏ giúp miếng chả mềm, không khô cùng cái đậm đà của hơn 10 nguyên liệu. Cái mềm, béo ấy kết hợp cùng chả miếng (thịt ba rọi nướng) như giao hòa cùng các thành phần khác và càng khiến món ăn trở nên ngon khó cưỡng.
Bún riêu ốc đơn sơ
Nhưng đúng vị với cua và trứng chứ không pha thêm thịt, tôm khô.
Nước dùng trong veo.
Thế nhưng món bún riêu ốc mới tạo nên sự khác biệt. Nếu đã quen với tô bún ốc đầy ngộn tiết (huyết), chả, đậu hũ... bạn sẽ bất ngờ với tô bún đúng như tên gọi với những con ốc bươu béo mũm mĩm, miếng riêu cua thơm lừng nổi bật trong ánh đỏ của cà chua. Bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi quán không phục vụ chanh hay nước me ăn kèm, bởi "sẽ khiến vị và hương thơm của món ăn không còn như ban đầu, bởi khác với vị chua của bún riêu ốc miền Nam, bún riêu ốc miền Bắc thu hút người dùng cái chua, mùi thơm đặc trưng của món bún riêu ốc Hà Nội là giấm bỗng" như lời chị chủ quán.
Hãy nhấm nháp trước một ít để phát hiện nước dùng của món ăn có vị ngọt, vị thanh và cái mùi ngai ngái đặc trưng, được nấu hoàn toàn bằng nước lọc cua chứ không phải từ nước hầm xương. Cả vị chua trong món ăn cũng khác. Chua, thơm nhẹ và thanh của dấm bỗng như lời chủ quán chứ không phải của me hay chất tạo chua khác.
"Chấm mút" vậy đã ngon, thêm các ít mắm tôm, ớt hầm (giống ớt sa tế nhưng không có sả), giấm tỏi ớt, mùi thơm, đúng là càng dậy vị thơm ngon chứ không bị át hẳn như dùng chanh. Điều đó, khiến bạn cứ thích nhấm nháp từng cọng bún nhỏ xíu, cọng hành hoa xinh xinh rối nhấn nhá cùng miếng riêu cua béo mềm do được làm hoàn toàn bằng trứng và cua, càng thơm và lạ hơn so với các quán gia giảm thêm tôm và thịt bằm.
* Địa chỉ: quán Tùng Lâm, số 92 đường Phạm Ngọc Thạch, P.6, Q.3, TP.HCM.
HUỲNH HẰNG
Theo Infonet
Bất ngờ với vị mì Quảng Phan Thiết trước năm 1975 Không ít thực khách sẽ ngạc nhiên khi phát hiện màu đỏ trong tô mì hay vị ngọt đọng lại trên đầu lưỡi là kết quả của một quy trình xử lý nghiêm ngặt loại ớt sừng cay xé lưỡi. Vốn là một tín đồ của món Quảng, tôi mê tất cả các món ăn của vùng đất nắng gió này, từ những...