‘Chợ’ ăn vặt Sài Gòn & món ăn gây sốt
Bánh bông lan phô mai chảy, kẹo nougat (kẹo hạnh phúc), kem hình muối sầu riêng, bánh tráng trộn… những món ăn mới được cập nhật liên tục để thỏa mãn cơn thèm của những tín đồ mê ăn vặt.
Săn tìm kẹo hạnh phúc homemade
Loại kẹo này có tên gọi là nougat nhưng nhiều tín đồ hảo ngọt thích gọi là kẹo hạnh phúc. Kẹo có nguồn gốc từ châu Âu vào thế kỷ 16, đến nay thành phần đã được thay đổi ít nhiều phù hợp với sở thích cũng như nguyên liệu của từng nơi sản xuất.
Trước đây, kẹo nougat thường được làm từ hạt óc chó, sau thay thế bằng hạt hạnh nhân, hạt dẻ, kết hợp với đường, mật ong, cùng các loại trái cây… tạo nên hương vị ngọt ngào tự nhiên khiến người ăn vui thích, thỏa mãn cơn ghiền, do đó “chết tên” là kẹo hạnh phúc.
Kẹo nougat
Theo anh Ngô Hoàng Tuấn, chủ của 4Youcake thì: “Loại kẹo này thu hút giới trẻ trong thời gian gần đây. Kẹo có vẻ ngoài bắt mắt với màu trắng sữa tự nhiên, pha lẫn màu của các loại hạt hạnh nhân, nho khô, trang trí phía trên là những loại trái cây như cam, dâu được tẩm sấy khô tự nhiên… chính nguyên liệu tự nhiên đã làm nên vị ngon đặc sắc cho kẹo và thu hút nhiều người. Đặc biệt là những người mê uống trà, nhâm nhi một ly trà trái cây chua chua hay trà đắng, cắn một miếng kẹo giòn ngọt ngọt bùi bùi càng làm cho buổi thưởng trà thêm thi vị. Kẹo được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công, với các nguyên liệu tuyển chọn nên khi đặt lên mâm trà chiều, thêm vài miếng bánh ngọt là buổi thưởng trà sang hơn một bậc”.
Giá bán kẹo Nougat khoảng 150.000 đồng/thanh 180 gr. Vì quy trình làm kẹo khá phức tạp, phải qua nhiều công đoạn nên để không bị “đứt” cơn thèm kẹo, anh Tuấn khuyến cáo các khách hàng mê ngọt nên đặt trước ít nhất một ngày cho chủ tiệm có thời gian làm, đóng gói đẹp và chuyển hàng cho khách.
Sự kết hợp của các thành phần gây sốt là bánh mì, trứng muối và đặc biệt là xốt phô mai chảy kết hợp trong một chiếc bánh đã gây “bão” cộng đồng mê ăn trong thời gian rất ngắn. Không biết đâu là tiệm đầu tiên bán loại bánh này, nhưng sau khi xuất hiện, ngay lập tức bánh tràn ngập từ các cửa hàng ngoài phố cho đến bán qua mạng.
Video đang HOT
Bánh có vẻ ngoài như chiếc bánh mì vuông bình thường, có lớp chà bông bột trứng muối phía trên, khi bẻ đôi thì lớp phô mai chảy tràn bên ngoài nhìn rất hấp dẫn. Khi cắn một miếng, bánh có vị mặn mặn thơm thơm của trứng muối chà bông, quyện với vị béo ngậy của phô mai sữa làm nên một phong cách rất riêng, khiến mọi người cứ muốn ăn mãi. Đây là loại bánh “chống chỉ định” với người ăn kiêng vì nhiều chất béo, đường, bột… nhưng khó có ai có thể cưỡng được vị ngon, mùi thơm và hình dáng hấp dẫn gọi mời của những chiếc bánh phô mai chảy.
Chị Ngọc Ngân (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Không chỉ tôi mà các con tôi ở nhà lần đầu nhìn hình đã muốn mua bánh ăn thử. Ban đầu chỉ là tò mò muốn biết vị như thế nào, bây giờ thì cả nhà đều bị “nghiện” món bánh trứng muối phô mai chảy rồi. Các tiệm bánh bây giờ cứ phải đặt hàng trước mới mua được, mỗi nơi có cách làm đặc biệt riêng, có tiệm thì thêm nhiều phô mai chảy dành cho người thích phô mai, có tiệm thì làm thêm xốt trứng muối như bánh bông lan trứng muối, phía trên có thêm phô mai và trứng muối… nhìn chung là nhiều nhân, bánh mỏng nên hấp dẫn cả những người kén ăn nhất”. Giá bán từ 120.000 – 160.000 đồng/cái tùy trọng lượng.
Sau thời gian chờ đợi, loại kem hình múi sầu riêng “thần thánh” của Thái Lan đã có mặt trên bản đồ ăn vặt của người Sài Gòn. Phải nói rõ đây không phải là kem sầu riêng, mà là kem được tạo hình như múi sầu riêng, sắc nét và chân thật. Cái khéo của người Thái là kết hợp, lôi kéo được cả hai đối tượng mê sầu riêng, mê ăn kem ngọt đến với một cây kem có màu vàng mơ nhìn vô cùng hấp dẫn.
Dù giá khá “chát”: khoảng 120.000 đồng/cây nhưng cửa hàng kem lúc nào cũng tấp nập, không chỉ những người trẻ mê trào lưu mới mà cả người lớn tuổi cũng muốn thưởng thức cây kem ngon với dáng hình đẹp mắt, thỏa mãn cả vị giác và thị giác này. Nhìn bên ngoài nếu không chú ý kỹ que kem, nhiều người tưởng nhầm đây là múi sầu riêng thật.
Muôn kiểu bánh tráng trộn
Bánh tráng trộn chưa bao giờ ngừng hot tại các chợ ăn vặt, các phố ẩm thực. Công thức chung là dùng bánh tráng cắt mỏng nhưng nhân mỗi nơi trộn mỗi khác. Sau loại bánh tráng trộn xoài rau răm và khô đủ loại thì bây giờ, nhiều tiệm thêm loại bánh tráng trộn tỏi phi, bánh tráng trộn tôm khô…
Đặc biệt mới đây, loại bánh tráng trộn khô với phô mai bột, hành phi, rong biển sấy và chà bông có giá 30.000 đồng/gói được rất nhiều bạn trẻ, nhân viên văn phòng yêu thích. Hơn nữa, vào mùa mưa, mọi người thường bị “giữ” trong nhà, văn phòng nên có món ăn vặt dự trữ để nhâm nhi như bánh tráng trộn khô thì không gì bằng.
Theo Thanhnien
Bánh tráng trộn Vạn Kiếp có gì khiến người Sài Gòn mê mẩn
Nằm ở số 104 Vạn Kiếp (P. 3, Q. Bình Thạnh, TP HCM), quán bánh tráng Vạn Kiếp gồm bánh tráng trộn - cuốn - tỏi khiến không ít người dù ở xa vẫn tìm mua vì lỡ nghiện.
Một phần bánh tráng Vạn Kiếp chỉ giao động trong khoảng từ 10.000 đến 20.000 đồng
Đường Vạn Kiếp được biết đến là con đường ăn uống ở Sài Gòn, thực khách có thể thưởng thức rất nhiều món ăn khác nhau. Tuy nhiên, món bánh tráng thì chỉ có một. Chạy xe dọc theo đường Vạn Kiếp theo lời chỉ dẫn của bạn, tôi khá dễ dàng tìm thấy tấm biển "Bánh tráng trộn - cuốn - tỏi Vạn Kiếp".
Quán bánh tráng Vạn kiếp ở trước một tiệm trà sữa nhỏ. Gọi là quán nhưng thực chất chỉ gồm một xe bánh tráng nhỏ và vài cái ghế nhựa cùng cái bàn nhỏ để khách dùng nếu muốn ngồi lại ăn. Ấy vậy mà quán vẫn tấp nập khách ra, vào.
Bánh tráng dùng để trộn được chị chủ quán lấy từ Tây Ninh
Chị Nguyễn Trần Thị Thiên Thanh (39 tuổi) chủ quán bánh tráng chia sẻ: "Chị mở quán này được 5 năm. Học xong lớp 12, sau đó chị làm công nhân được một thời gian rồi cũng có chuyển một số nghề khác. Sau này có gia đình con cái rồi nên muốn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn nên nghỉ việc. Vì quê gốc Tây Ninh nên chị cũng muốn mang món gì đó ở quê nhà lên để buôn bán. Thấy trên đường này cũng chưa có quán bánh tráng nào nên quyết định mở quán này luôn."
Lý giải nguyên nhân quán thu hút được nhiều khách như vậy, chị Thanh cười: "Khách ăn lần đầu chủ yếu là ăn cho biết, nhưng buôn bán thì vốn nó vậy rồi. Bánh tráng của mình ăn hợp khẩu vị, vừa miệng của người ta thì người ta quay lại, dần thì thành quen mà quen rồi khó bỏ".
Nhiều thực khách ăn bánh tráng lần đầu xong phải quay lại vì trót nghiện
Anh Hoàng Tô (24 tuổi, ngụ Bình Thạnh) một khách quen của quán chia sẻ trong lúc chờ chủ quán cuốn bánh: "Mình ăn ở đây cũng được 3 năm rồi, biết được quán này cũng là do có người quen chỉ cho. Nhà mình ở đầu đường nên buổi tối thường hay đi bộ lại đây mua bánh, bánh tráng ngon mà giá cả thì bình dân. Mình ít ăn bánh tráng ở quán khác nên không biết so sánh ra sao. Ăn bánh tráng ở đây quen rồi nên cũng không có ý định ăn ở chỗ khác".
Bán hơn 100 phần trong 4 tiếng rưỡi
Bánh tráng Vạn Kiếp mở cửa từ 18 giờ đến 22 giờ 30, giờ đông khách nhất là khoảng 20 giờ. Vì là món ăn vặt nên giờ cao điểm của quán muộn hơn so với những quán ăn khác. Tuy nhiên, đó cũng là một điểm lợi thế, bánh tráng thường nhẹ bụng nên được nhiều người lựa chọn để ăn sau bữa tối.
Thực đơn của quán gồm có bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn và bánh tráng tỏi
Thực đơn của quán bao gồm có bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn và bánh tráng tỏi. Bánh tráng trộn và bánh tráng cuốn thì không còn xa lạ. Bánh tráng tỏi là món lạ miệng nhất và cũng thu hút nhiều thực khách nhất.
Tỏi sau khi mua về sẽ bóc vỏ rồi băm nhỏ. Bắc chảo lên bếp chờ chảo nóng mới cho tỏi và dầu vào phi đến khi nào có màu vàng vừa mắt. Bánh tráng sẽ được xé nhỏ và bỏ đi những phần bánh cứng. Trước khi trộn gia vị thì bánh tráng sẽ được xịt một ít nước để mềm vừa phải. Sau đó cho tỏi và muối để làm bánh tráng tỏi.
Bánh tráng tỏi rất thơm, vị đậm đà mà không bị mặn. Bánh tráng có màu vàng nhạt dịu mắt chứ không đậm, bánh tráng rất dai và tương đối mềm vì đã được xịt qua một ít nước. Bánh tráng tỏi được làm sẵn, đóng bịch và treo sẵn trên xe hàng, khách đến chỉ cần gói đem về là được.
Khác với bánh tráng tỏi, bánh tráng trộn và bánh tráng cuộn lại được cuốn và trộn ngay tại chỗ. Có khách đến thì chị Thanh mới đeo bao tay, cuộn và trộn bánh.
Bánh tráng cuốn gồm có bò khô, ruốc, đậu phộng rang, hành phi, tỏi phi, sa tế, muối tôm và trứng cút. Bánh tráng trộn cũng tương tự nhưng có thêm mực khô, tắc và rau răm. Một vị khách ghé vào mua bánh tráng không ngại ngần khen: "Bánh tráng ở đây hả? Ngon mà sạch".
Chị Thanh cho hay: "Bánh tráng được lấy từ Tây Ninh. Tắc và rau răm cũng được lựa chọn kỹ càng và rửa bằng nước muối trước. Hành, tỏi do chị tự phi luôn nên khách thích lắm. Có nhiều người ăn một lần thấy ngon rồi đặt mấy chục phần. Những lúc như vậy một mình chị xoay không kịp mà phải nhờ thêm cậu em họ giúp một tay".
Một phần bánh tráng Vạn Kiếp chỉ dao động trong từ 10.000 đến 20.000 đồng. Ngon, sạch và rẻ nên bánh tráng Vạn Kiếp dần trở thành một hàng quán quen của nhiều thực khách trong lúc vi vu dạo quanh Sài Gòn.
Theo Thanhnien
5 địa chỉ ăn vặt ưa thích của giới trẻ Sài Thành Gòn có nhiều địa điểm tập trung ăn uống, dưới đây là một số nơi bạn có thể ghé đến vào buổi chiều trời mát cùng bạn bè. Bánh tráng trộn Nguyễn Thượng Hiền Hiện nay, bánh tráng trộn là một trong những món ăn vặt ưa thích của nhiều người, nổi bật là giới trẻ Sài thành. Các loại nguyên liệu chính...