Chết nhanh hơn nếu ‘bỏ đói tế bào ung thư’
Nhiều bệnh nhân ung thư ăn thực dưỡng để “bỏ đói tế bào ung thư”, hoặc ăn “không thịt đỏ” ngăn tái phát, ít lâu sau cơ thể suy kiệt.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ,Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP HCM, nhấn mạnh ăn uống theo chế độ thực dưỡng hoặc “bỏ đói” khối u, thực tế không chữa được ung thư. Không ít câu chuyện lan truyền người này người kia nhờ ăn gạo lứt, tỏi, dâu tây, chanh…, khối u di căn biến mất. Nhiều người bệnh do đó hoang mang, nghi ngờ y học hiện đại và các phương pháp can thiệp khoa học; hoặc bỏ điều trị để ăn uống theo cách được đồn thổi dẫn đến cái chết nhanh hơn.
Theo bác sĩ Vũ, cơ thể hàng ngày liên tục phân chia tế bào, tế bào cũ chết đi, tế bào mới ra đời. Tuy nhiên thay vì phân tách lành mạnh, có những tế bào phát triển dị biệt. Tế bào ấy phát triển, tăng sinh một cách không kiểm soát, có thể xâm lấn các cấu trúc xung quanh quá mức và “khối u” ra đời.
Có những khối u dễ dàng cắt bỏ gọi là u lành, không xâm lấn vào các cơ quan lân cận hoặc chạy qua vị trí khác. Có những khối u ác tính phá hoại và di căn, gọi là ung thư. Tế bào ung thư lây lan khắp các bộ phận trong cơ thể, bám vào gan, phổi, thận, xương… để hút dưỡng chất và phá hoại, khiến cơ thể suy kiệt.
Ung thư được xem là bệnh lý mạn tính, cách điều trị tùy vào từng bệnh nhân, từng khối u. Khi ấy, bác sĩ căn cứ vào bệnh lý của mỗi bệnh nhân để áp dụng những phác đồ điều trị khác nhau như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, điều trị nội tiết, điều trị miễn dịch hoặc kết hợp nhiều phương pháp nhằm kéo dài sự sống.
Phương pháp thực dưỡng vốn xuất phát từ châu Âu, sau đó du nhập vào Nhật Bản từ những năm 30 của thế kỷ trước, được cho không chỉ là cách ăn uống mà còn là triết lý sống, dựa trên cân bằng âm dương, vận động ngũ hành, kết nối với vũ trụ…
“Tuy nhiên đó chỉ là những suy đoán, tự tưởng tượng của những người theo trường phái này mà chưa có bằng chứng khoa học”, bác sĩ Vũ nói.
Thực dưỡng đơn giản là cách ăn uống kết hợp với thể dục dưỡng sinh. Thực dưỡng đề cao chế độ ăn dựa trên ngũ cốc nguyên cám, đậu, gạo lứt, rau củ quả trồng tại chỗ, rong biển, trái cây. Hạn chế thịt, nhất là thịt đỏ, mỡ, trứng, các loại thực phẩm đóng hộp, đường tinh luyện, hoặc thực phẩm có dùng các loại phân bón, thuốc trừ sâu… Cùng với chế độ ăn là phương pháp dưỡng sinh, vận động thích hợp.
Video đang HOT
“Người Việt chủ yếu ăn thịt trắng như heo, gà, bữa ăn lúc nào cũng có chén canh rau, nên lời khuyên hạn chế thịt đỏ là không cần thiết”, bác sĩ Vũ chia sẻ.
Ăn uống theo thực dưỡng hoặc “bỏ đói” khối u không chữa được ung thư. Ảnh: savvytokyo
Cũng không nên xa lánh thịt, dầu mỡ. Protein và chất béo là thành phần phải có trong cấu tạo cơ thể. Các cơ quan quan trọng như tim, gan, phổi… đều được tạo thành từ protein và chất béo, do đó không nên quá sợ và hạn chế quá mức các chất này. Các loại acid béo thiết yếu omega 3, omega 6 rất tốt cho tim, mắt, não… chỉ có được qua vài loại thực phẩm như cá, dầu ô liu, đầu đậu nành… Quá hạn chế thịt, dầu mỡ sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch, dễ nhiễm bệnh hơn.
Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh thực dưỡng có hiệu quả phòng ngừa hoặc điều trị bệnh, nhất là bệnh ung thư. Ngược lại đã có nhiều người bị suy dinh dưỡng khi ăn theo phương pháp này. Các tổ chức cộng đồng về phòng chống ung thư hiện nay không khuyến khích người bệnh tuân theo phương pháp thực dưỡng.
Nhiều bệnh nhân “bỏ đói” tế bào ung thư bằng chế độ ăn khắc nghiệt chỉ gồm gạo lứt, rau cải, hạn chế tuyệt đối chất đạm, đường, béo… Người bệnh nghĩ rằng làm vậy sẽ cắt nguồn dinh dưỡng nuôi khối u và làm khối u nhỏ đi.
“Cần hiểu rằng ung thư như cây tầm gửi hoặc loài chí rận sẽ hút cạn chất dinh dưỡng của cơ thể bệnh nhân dù họ có nhịn đói”, bác sĩ Vũ khuyến cáo. Người bệnh phải duy trì bữa ăn đầy đủ đạm, đường, chất béo… thì cơ thể mới khỏe mạnh. Hệ miễn dịch hoạt động tốt thì mới có cơ hội đánh bại tế bào ác tính. Việc bỏ đói ung thư thật ra sẽ làm cơ thể suy kiệt trước, các cơ quan, hệ miễn dịch bị tổn thương thì không chỉ bệnh ung thư mà cả các bệnh truyền nhiễm cũng dễ dàng tấn công.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo, quá trình điều trị ung thư cần ăn uống lành mạnh, đủ chất, giúp tăng cường đề kháng, phục hồi các cơ quan thương tổn. Dinh dưỡng tuy không trực tiếp trị hết bệnh ung thư nhưng là nền tảng cho mọi hoạt động cơ thể. Mọi người cũng nên chú ý các thay đổi của cơ thể và đi khám bệnh khi cần thiết.
Chuyên gia nói về phương pháp bỏ đói tế bào ung thư
Không ít bệnh nhân ung thư bỏ điều trị, áp dụng chế độ ăn bỏ đói tế bào ung thư với hy vọng chúng tự chết.
Vài năm trở lại đây, rất nhiều bệnh nhân ung thư áp dụng chế độ ăn thực dưỡng bỏ đói tế bào ung thư bằng cách không nạp thịt hay bất cứ sản phẩm chế biến từ sữa động vật.
Dù đã có không ít trường hợp tử vong khi áp dụng phương pháp này, mới nhất là câu chuyện đau lòng với bé gái 3 tuổi ở Thái Nguyên, song nhiều người vẫn tin theo.
GS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K cảnh báo, việc người bệnh bỏ điều trị giữa chừng, tự chữa bệnh theo các phương pháp lan truyền trên mạng như thực dưỡng, gạo lứt muối vừng, ăn rau trừ bữa... vô cùng nguy hiểm.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu không bổ sung đạm, protein, cơ thể sẽ suy kiệt, không còn khả năng chống đỡ ung thư
GS Hương cho biết, trong cơ thể của bệnh nhân ung thư luôn tồn tại song hành cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh. Cả 2 loại tế bào này đều tồn tại và phát triển bằng cách hấp thụ dinh dưỡng từ nguồn thực phẩm cơ thể nạp vào hàng ngày.
"Hiểu một cách đơn giản, bất kì loại dưỡng chất, nguồn năng lượng nào nuôi sống chúng ta thì cũng nuôi sống tế bào ung thư. Việc kiêng khem các loại thực phẩm giàu đạm, protein... chỉ ăn gạo lứt, muối vừng hoặc ăn chay trường rồi nghĩ rằng nó có thể tiêu diệt tế bào ung thư và khỏi bệnh là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm và phản khoa học", GS Hương nhấn mạnh.
Khi không nạp năng lượng cho cơ thể, đồng nghĩa tế bào ung thư sẽ lấy dinh dưỡng từ chính người bệnh khiến cơ thể thiếu năng lượng để hoạt động, sức khoẻ dần suy kiệt.
Khi đó, bản thân không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được với các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị...
GS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện K cũng cho biết, chế độ ăn chỉ được xem là phương pháp bổ trợ, phối hợp cùng với thuốc và các phương pháp điều trị ung thư khác.
"Chế độ ăn chưa bao giờ được thiết kế nghiên cứu như một phương pháp điều trị đặc hiệu ung thư. Do vậy lựa chọn chế độ ăn nào đó và coi đó là phương pháp điều trị ung thư, là một sai lầm và dĩ nhiên sẽ không mang lại hiệu quả", lời ông Thuấn.
Trong giai đoạn hoá trị, xạ trị, bệnh nhân ung thư thường bị giảm cân, ăn ít hơn, khi đó dinh dưỡng có vai trò quan trọng giúp bệnh nhân có thêm năng lượng, sửa chữa, phục hồi và điều trị bệnh.
Với các bệnh nhân ung thư, nếu điều trị càng sớm, hiệu quả điều trị và tỉ lệ khỏi bệnh càng cao. Từ thực tế điều trị, GS Thuấn cho biết, có những bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư mới ở giai đoạn 1-2, tiên lượng rất khả quan nhưng sau đó bỏ ngang phác đồ điều trị để về ăn theo chế độ thực dưỡng và tập luyện theo một số môn phái.
Hậu quả sau vài tháng, bệnh tiếp tục nặng lên, khi quay lại bệnh viện, ung thư đã tiến triển sang giai đoạn 3-4, thậm chí có trường hợp không thể qua khỏi vì quá suy kiệt. Đó là điều hết sức đáng tiếc.
Hiệp hội Ung thư Mỹ và Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh đều khuyên không nên áp dụng chế độ ăn thực dưỡng cho người bệnh nan y, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
Phát hiện mới: Một loại thuốc thông thường có khả năng ức chế tế bào ung thư Một nghiên cứu của Đại học KU Leuven (Bỉ), đã phát hiện ra một loại thuốc chống trầm cảm thông thường, có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, theo Science Daily . Sertraline ức chế sản xuất serine và glycine, từ đó làm giảm sự phát triển của tế bào ung thư - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK...