Cháo cá thu ngày ấy
Hồi đó, ở quê, trong bếp lúc nào má tôi cũng chuẩn bị vài ba lon củ nén, củ hành, củ tỏi, chút gừng tươi nhằm sẵn sàng “hỗ trợ” cho các thành viên trong nhà mỗi khi trái gió trở trời. Khi thời tiết thay mùa cũng là lúc nhiều người chịu không thấu, đổ đau, cảm lạnh… Mạnh thì một hai bữa lướt qua yếu thì người cứ lưởi ưởi, buồn bực, nhức đầu, sổ mũi, kéo dài cả tuần, bỏ ăn, năng suất làm việc xuống cấp thấy rõ.
Ngày đó, ở quê ít thuốc không như bây giờ, nên ai cảm nhẹ thì ra vườn hái vài nắm lá bạc hà, chanh, ổi, sả cho lên bếp, rồi giã thêm nén, tỏi, gừng cho vào nồi lá. Chỉ xông vài lần là khỏe như voi. Ai “nặng đô” hơn thì ngoài xông lá, còn được ăn thêm món cháo trắng với hành, tỏi và nén giã nhuyễn. Với cú “nội công ngoại kích” này thì bệnh tình thuyên giảm rất nhanh. Còn tôi, do suốt ngày lang thang bay nhảy, đầu đội trời, chân đạp đất quần thảo cùng nắng, mưa với chúng bạn ngoài đồng nên chẳng mấy khi đau mà đã đau rồi thì phải nằm dài ngày dưỡng thương mới khỏe được. Và trong những dịp hiếm hoi như vậy, món cháo cá thu má tôi nấu để ưu tiên bồi bổ cho thằng cu út bị cảm lạnh đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in, dù má tôi đã đi xa tròn ba mươi năm…
Thời ấy, tìm được lát cá thu không dễ, bởi đơn giản là ngư lưới cụ thiếu, thuyền đánh bắt xa bờ cũng hiếm, nên lâu lâu ngư dân mới trúng vài ba con cá thu dính câu ven bờ. Hơn nữa, cá thu thuộc hàng cá “độc” gồm: chim, thu, nụ, đé nên giá cả cũng cao chót vót so với túi tiền của người dân quê. Vì vậy, nói như dân Quảng là được ăn cháo cá thu đã sướng mê tơi, huống chi cá thu nấu với nhiều thứ gia vị hấp dẫn, nóng, thơm như nén, hành mà không nhanh giải cảm mới lạ.
Món cháo má tôi nấu cũng đơn giản. Cho gạo vào nồi nấu kỹ, khi nào hạt gạo đã mềm mới thêm hành, tỏi, nén giã nhỏ và ít gừng cắt chỉ vào nồi. Còn cá thu thì cắt lát, ướp mắm, muối để sẵn. Nồi cháo chín tới mới cho cá thu vào. Khi múc cháo ra tô, thêm vào chút hành lá và vài ba hạt tiêu xay. Món cháo cá vừa thổi vừa húp lại thêm chén mắm ớt đỏ bên cạnh dùng để chấm cá, thoạt nhìn đã thấy thèm. Giữa tiết trời giao mùa nắng hanh hao, trời se lạnh mà mồ hôi túa ra như tắm, loáng chút tô cháo vơi nhanh.
Hồi đó, tôi chỉ nghĩ có lẽ do hành, do tỏi, do nén, rồi cá thu ngon miệng nên giúp mình nhanh khỏi bệnh. Nhưng bây giờ, cũng chừng ấy thứ nấu với cá thu để ăn giải cảm mà sao tâm trí cứ để đâu đâu. Có lẽ còn thiếu một thứ gì đó vương vương, cay xè trên mắt: đó là sự lo toan, ân cần và tình thương của má gửi vào tô cháo cá thu ngày nào…
Theo thanh niên
Video đang HOT
[Chế biến] - Chả cá thu
Làm chả cá thu không khó như nhiều người vẫn tưởng.
Nguyên liệu:
- Cá thu phấn loại nhỏ: 1kg/con
- Giò sống: 200gr
- Hành, thì là, ớt
- Nước mắm ngon, tiêu hột
Cách làm:
Bước 1: Cá thu rửa sạch, lọc sát xương, lấy phần thịt phile, lọc bỏ da cá rồi đem thịt cá xay nhuyễn cùng vài lát ớt.
Bước 2: Trộn chung cá với giò sống, 1 thìa nước mắm, tiêu hột, hành, thì là thái nhỏ.
Bước 3: Dùng thìa trộn đến khi hỗn hợp đồng nhất, càng trộn kĩ thì chả cá càng có độ dai.
Bước 4: Múc từng viên chả cá thả vào chảo dầu sôi, dùng thìa ấn dẹt để miếng chả có hình dáng đẹp mắt.
Bước 5: Khi lớp vỏ ngoài chuyển màu vàng ươm tức là chả cá đã chín, vớt ra đĩa đã lót sẵn giấy thấm dầu.
Được làm từ cá thu tươi rói nên miếng chả không những giòn, dai mà còn rất ngọt khác hẳn những loại chả cá được bán ngoài thị trường, các bạn hãy thử xem sao nhé.
Chúc các bạn ngon miệng!
Theo Eva
[Chế biến] - Cháo vịt Nguyên liệu: - 1 con vịt xiêm. - 500g gạo tấm ngon. - Nước mắm, muối, đường. - Gừng, hành tím nướng thơm. Thực hiện: - Gạo vo sạch, để ráo nước. Rang gạo trên lửa nhỏ cho đến khi gạo thật ráo, hạt có màu trong là được. Nấu cháo vịt với gạo tấm rất ngon (Ảnh minh họa) - Vịt rửa...