Cao Bằng: “Hái” ra tiền từ bóc vỏ cây kỳ lạ này đem nấu thành thứ giấy vừa dai vừa bền
Những khi nông nhàn, các hộ dân ở Lủng Quang ( thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) lại chặt cây Năng Sla lấy vỏ đun, giã để làm ra những tấm giấy bản dai, chắc, bền, đẹp.
Cũng không biết từ khi nào, nghề làm giấy bản đã thành nghề “hái ra tiền” của những người nông dân ở Lủng Quang này.
12h trưa, trời nắng như đổ lửa, con đường nhựa mảnh tựa tấm khăn voan bốc hơi nghi ngút sau trận mưa rào. Chúng tôi có cảm giác như đang đi trên một cung đường lửa. Ấy vậy mà chớm chạm địa phận Lủng Quang (tổ dân phố 6, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, Cao Bằng), đã như thể trời xanh thắp gió, lùa sương. Nắng vẫn nắng mà mát đến lạ lùng.
Những cây Năng Sla chụm tán vào nhau dọc hai bên đường tới Lủng Quảng.
Cô bạn đi cùng tôi bảo, nhìn xem, những cây Năng Sla (Vỏ dưỡng) đang chụm đầu thì thầm hai bên lối đi kìa. Đúng vậy, cả một đoạn đường dễ chừng đến 2km, những cây Năng Sla xanh ngắt chụm tán vào nhau che bóng lối vào. Lủng Quang trở nên thơ mộng bắt đầu từ chính cung đường này.
Đang giữa trưa, các hộ xung quanh cửa nhà đã đóng, nhưng ông Hứa Ngọc Hội vẫn nhiệt tình đón khách đường xa. Những tờ giấy bản tinh khôi nằm trên vách lò như biết nói, gió từ đại ngàn tràn xuống lòng thung mang theo những thanh âm của núi, của những cây Năng Sla và lời cha ông người Nùng Lủng Quang dặn lại về việc giữ nghề.
Ông Hứa Ngọc Hội (tổ dân phố 6, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng) thoăn thoắt đưa tay tách những tờ giấy bản đem phơi.
Cầm trên tay tờ giấy bản, ông Hội cho biết, dân Lủng Quang này gần như nhà nào cũng theo nghề cổ truyền do cha ông truyền lại, đó là nghề làm giấy bản. Cây Năng Sla, nguyên liệu làm giấy bản ở đây nhiều lắm.
“Chúng tôi làm vì giữ nghề, vì sự hiếu kính, và làm vì… không biết làm nghề gì khác. Hiện nay nghề này cũng cho thu nhập khá mà lại làm được quanh năm, suốt tháng”, ông Hội cho hay.
Từ khu vực làm giấy của gia đình ông Hội phóng tầm mắt ra bốn xung quanh, đâu cũng chạm màu xanh ngắt của cây Năng Sla, đâu cũng chạm những con người thuần nông chăm chỉ, khéo cấy trồng, gặt hái và giỏi nghề làm giấy bản.
Công đoạn đun nấu vỏ cây Năng Sla để làm giấy bản.
Công đoạn vớt giấy cần có đôi bàn tay khéo léo để ra được những tờ giấy bản tinh khôi, dai, chắc.
Ông Hội bảo, trước kia, người dân làm giấy bản chủ yếu vào những lúc nông nhàn, còn bây giờ nghề làm giấy bản ở Lủng Quang đã thành nghề chính rồi.
Theo ông Hội, làm giấy bản có rất nhiều công đoạn, tuy nhiên cũng không phải quá khó. Thông thường, từ công đoạn chặt cây, bóc vỏ ngâm vôi, đun, giã, lọc vớt… đến khi ra thành phẩm sẽ mất tầm một phiên (bà con nơi đây tính theo phiên chợ, một phiên là 5 ngày – PV).
“Trung bình mỗi mẻ cho ra được khoảng 6.000 tấm giấy bản. Giấy bản được làm từ cây Năng Sla cho độ bền đẹp và đặc biệt rất dai. Nếu cầm xé không đúng chiều sẽ chẳng thể nào làm rách dù có khỏe tay đến mấy.
Hiện, giấy bản đổ mối có giá 600 đồng/tờ. Năm nay, do dịch Covid-19 nên giấy bán chậm, thương lái ít lên và thương lái nước bạn không sang nên cũng có chút khó khăn cho đầu ra”, ông Hội chia sẻ.
Sau khi vớt lên, giấy bản được ép nước, đem phơi khô và bán ra thị trường.
Anh Mạnh Hùng – Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Hà Quảng cho biết, nghề làm giấy bản là nghề đã có từ xa xưa, ở Lủng Quang gần như 100% người dân thực hành nghề làm giấy. Cây Năng Sla – nguyên liệu làm giấy bản rất sẵn dù chưa được quy hoạch thành vùng. Tuy nhiên hiện nay, người làm giấy bản ở Lủng Quang cũng đang gặp một số khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bà Nông Thị Tuyết Mai – Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thông Nông cho biết, hiện nay, bà con làm tự phát là chủ yếu, chúng tôi đang có kế hoạch vận động bà con xây dựng tổ hợp tác, tạo nhãn hiệu để quảng bá sản phẩm.
“Đây là nghề cổ truyền rất cần được gìn giữ và phát huy. Về cơ bản, giấy do bà con làm ra vẫn đang có thị trường tốt. Nếu đăng ký nhãn hiệu sản phẩm để quảng bá ra thị trường, chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi cho bà con làm giấy ở Lủng Quang này”, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Thông Nông khẳng định.
“Nghề làm giấy bản ở thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng giúp người nông dân có thu nhập ổn định. Hiện nay sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên làm giấy bản tại Lủng Quang, về phương thức sản xuất còn lạc hậu. Chúng tôi cũng đã đề xuất đầu tư thiết bị máy móc để thay đổi phương thức sản xuất và hướng tới thành lập các tổ hợp tác”.
(Ông Triệu Lưu Cương – Phó Chủ tịch phụ trách Kinh tế – xã hội, Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng)
Yên Bái: "Thủ phủ" măng tre Bát Độ, bóc vỏ đem bán mà thu gần 100 tỷ đồng/năm
Thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Yên Bái, thời gian qua, huyện Trấn Yên đã đẩy mạnh trồng cây măng tre Bát Độ theo hướng hàng hoá, thúc đẩy hình thành các mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Chỉ nhờ trồng tre lấy măng, nông dân huyện Trấn Yên thu về gần 100 tỷ đồng/năm.
Do đặc biệt phù hợp với điều kiện đất đồi dốc địa phương, đến giờ cây măng tre Bát Độ đã phủ xanh khắp nơi, giúp bà con các dân tộc ở Trấn Yên thoát nghèo, vươn lên khấm khá.
Cây xóa nghèo của người dân miền núi Yên Bái
Theo Trung tâm Khuyến nông Yên Bái, cây tre măng Bát Độ phát triển tốt trên địa hình đất đồi dốc, không đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc quá phức tạp, rất phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân vùng cao Yên Bái.
Là một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh chủ động nghiên cứu, triển khai hiệu quả chương trình tre măng Bát Độ, đến nay diện tích và sản lượng măng của huyện Trấn Yên ngày một tăng, không chỉ giúp nhiều hộ xoá đói giảm nghèo mà còn có thu nhập cao, ổn định.
Gia đình ông Dương Kim Hùng (ở thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành, Trấn Yên) bắt đầu trồng tre lấy măng từ khá sớm. Hiện ông đang có khoảng 7ha trồng măng tre, trong đó 4ha đã cho thu hoạch với sản lượng 30 tấn. Trung bình hàng năm, chỉ cắt măng đem bán, gia đình ông bỏ túi hơn 100 triệu đồng.
Người dân huyện Trấn Yên đang bước vào giai đoạn cao điểm thu hoạch măng tre Bát Độ chính vụ
Theo ông Hùng, trồng măng tre Bát Độ không mất nhiều công chăm sóc, mỗi năm chỉ cần phát cỏ và bón phân NPK 1 lần. Đây là loại cây đem lại thu nhập ổn định và nhanh hơn so với những cây trồng truyền thống khác.
Còn nhớ, quãng năm 2003, khi tỉnh Yên Bái chính thức nhập khẩu giống tre măng Bát Độ từ Trung Quốc về trồng ở hai huyện Trấn Yên và Yên Bình, do quá trình vận chuyển xa xôi, lại gặp nắng nóng nên diện tích tre măng Bát Độ mới trồng chết quá nửa, nhiều hộ dân ngao ngán. Không chỉ thế, những năm đầu, măng làm ra không biết bán cho ai, người ta đành để mọc thành rừng tre, rồi chặt bán cho các nhà máy giấy.
Đến năm 2005, nhìn thấy giá trị của cây tre măng Bát Độ có thể xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Công ty TNHH Vạn Đạt và Công ty CP Yên Thành đã quyết định đầu tư vào vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến măng xuất khẩu. Từ đó người dân mới thực sự chú ý phát triển cây tre măng Bát Độ, ngoài diện tích mà các doanh nghiệp đầu tư, người dân tự mua giống, vật tư phân bón về trồng.
Thực tế cho thấy măng tre Bát Độ nhanh cho thu hoạch. Trung bình trong 3 năm giai đoạn kiến thiết cơ bản, tre măng Bát Độ cho thu nhập 3 triệu đồng/ha/năm. Vào giai đoạn kinh doanh, thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/ha/năm; sau chu kỳ 7 năm, 1ha tre Bát Độ sẽ cho thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng.
Đến nay, toàn huyện Trấn Yên có khoảng 3.578ha tre Bát Độ, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 2.500ha. Bên cạnh đó, cây tre Bát Độ cũng được trồng khá phổ biến ở Yên Bình khoảng 200ha, Lục Yên 200ha, Văn Chấn 150ha, Văn Yên 100ha... Đáng chú ý là nhờ phát huy hiệu quả mối liên kết "4 nhà" mà những năm qua, đầu ra của măng Bát Độ khá ổn định, hiếm khi gặp phải tình trạng được mùa rớt giá.
Măng tre Bát Độ sau khi bóc vỏ, sơ chế được người dân đem luộc rồi bán cho doanh nghiệp, thương lái.
Chỉ tính riêng 2 Công ty Vạn Đạt và Yên Thành, sản lượng thu mua măng đã chiếm khoảng 70% lượng măng của toàn tỉnh, còn lại 30% được bà con tự tiêu thụ tại các chợ địa phương hoặc một số doanh nghiệp khác đến thu mua.
Tùy thời điểm, giá thu mua măng tươi của công ty khoảng 4.000 đồng/kg, măng luộc 4.500 đồng/kg. Sản phẩm măng chế biến gồm măng khô sợi nhỏ, măng muối, măng khô... Tổng sản phẩm măng xuất khẩu khoảng trên 12.000 tấn.
Đầu tư mạnh cho cây trồng chủ lực
Ông Nguyễn Đức Dũng - Giám đốc Công ty CP Yên Thành cho biết, để sản xuất ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường Đài Loan, Nhật Bản, công ty đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm măng tre Bát Độ; đầu tư đúng quy trình từ khâu trồng, chăm sóc đến thu hoạch và thực hiện chuỗi liên kết "trồng - thu mua - chế biến - xuất khẩu sản phẩm" với một số hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.
Năm 2019, công ty đã sản xuất, tiêu thụ 2.220 tấn măng muối và măng khô, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương...
Với diện tích măng tre Bát Độ lên tới gần 1.800ha, xã Kiên Thành đang được xem là "thủ phủ" trồng măng tre, với những đồi tre bạt ngàn, "đẻ" ra tiền. Từ một xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, nhờ trồng tre lấy măng mà đến nay Kiên Thành đã thay da đổi thịt, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 36 triệu đồng/năm.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái, năm 2019, huyện Trấn Yên đã triển khai thực hiện dự án "Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát Độ" tại 4 xã Kiên Thành, Hồng Ca, Lương Thịnh, Hưng Khánh, với diện tích 1.000ha tre kinh doanh/780 hộ tham gia. Các hộ được tập huấn kỹ thuật vệ sinh nương tre, chặt tỉa cây mẹ, kỹ thuật bón phân và thu hoạch măng, đồng thời được hỗ trợ phân bón vật tư...
Nhờ vậy mà năm 2019, sản lượng măng thương phẩm toàn huyện Trấn Yên đạt trên 22.000 tấn, trị giá trên 70 tỷ đồng.
Năm nay, do tiếp tục được thâm canh nên tre sinh trưởng, phát triển tốt, bước vào đầu vụ thu hoạch măng đã cho sản lượng rất cao. Dự kiến, năm nay sản lượng măng thương phẩm ước đạt 30.000 tấn, giá trị kinh tế ước khoảng 100 tỷ đồng.
Kỳ lạ loài côn trùng "vật vờ" ngoài sông Hồng được bán với giá hàng triệu đồng/kg Loài côn trùng này thường sống ở đáy sông, khi trở trời, các ấu trùng nở ra những con to bằng con châu chấu nhưng trắng muốt, cánh mỏng tang, bay vật vờ ở mặt nước. Người dân ven sông Hồng canh giờ ra vớt về bán với giá hàng triệu đồng/kg, nhiều người muốn ăn còn không có mà mua. Anh Xuân...