Cảnh báo dấu hiệu giống như đau tim
Khi được đưa đến phòng cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng như đang lên cơn đau tim. Nhưng thực ra đó là một báo động giả.
Người đàn ông này đã nuốt phải một cục pin, dẫn đến rối loạn điện tâm đồ (EKG) – một phương pháp đo hoạt động điện của tim.
Sau khi các bác sĩ lấy cục pin ra, chỉ số EKG đã trở lại bình thường, theo báo cáo được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine. Tiến sĩ Guy L.Mintz, Trưởng khoa Sức khỏe tim mạch và lipid tại Bệnh viện Tim Northwell Health Sandra Atlas Bass ở New York cho biết: “Nếu ai đó nuốt phải một hoặc nhiều cục pin, điện tâm đồ có thể có những thay đổi giống với nhồi máu cơ tim hoặc đau tim cấp tính”.
Người đàn ông 26 tuổi là tù nhân được đưa đến khoa cấp cứu tại Bệnh viện Santa Maria Nuova ở Florence, Ý. Trước đó, anh ta than phiền về chứng đau bụng hai giờ sau khi cố tình nuốt một viên pin AA.
Tại bệnh viện, cục pin được phát hiện trên phim chụp X-quang, các bác sĩ đã tiến hành đo điện tâm đồ, trong đó các điện cực đặt trên ngực ghi lại hoạt động điện của tim và vẽ biểu đồ của nó dưới dạng một đường zigzag trên nền lưới.
Điện tâm đồ cho thấy dấu hiệu của một cơn đau tim được gọi là “đoạn ST chênh lên”. Điều này có nghĩa là một đoạn cụ thể của EKG thường bằng phẳng thay vào đó sẽ được nâng lên, Tiến sĩ Guy L.Mintz giải thích với Live Science.
Điện tâm đồ là dấu hiệu duy nhất về cơn đau tim của bệnh nhân. Người này không có tiền sử bệnh tim mạch và yếu tố nguy cơ duy nhất của anh ta đối với bệnh tim là tật hút thuốc lá. Ngoài ra, tù nhân 26 tuổi không báo cáo bị bất cứ triệu chứng nào của cơn đau tim (chẳng hạn như khó thở), và mức troponin tim – protein cơ tim được giải phóng vào máu trong cơn đau tim nằm ở mức hoàn toàn bình thường.
Các báo cáo trước đây đã ghi nhận những người nuốt phải pin và có điện tâm đồ với ST chênh lên, theo các tác giả cho biết. Ví dụ, hiệu ứng này đã được báo cáo ở một người đàn ông nuốt sáu viên pin AAA và một người đàn ông khác nuốt 18 viên pin AA.
Các tác giả của những báo cáo trường hợp trước đây đã tin rằng có lẽ cần nhiều hơn một cục pin để thay đổi điện tâm đồ. Tuy nhiên, trường hợp lần này đã bác bỏ giả thuyết đó.
Video đang HOT
“Tôi không tin rằng đa số bác sĩ lâm sàng nhận thức được hiện tượng này” – Tiến sĩ Guy L.Mintz cho biết và ông khuyên các bác sĩ điều trị cho những bệnh nhân nuốt phải pin nên kiểm tra các dấu hiệu sinh học của chức năng tim (chẳng hạn như mức troponin) trước khi phản ứng với điện tâm đồ bất thường và loại bỏ cục pin khỏi cơ thể càng sớm càng tốt.
Nhưng làm thế nào việc nuốt phải pin có thể tạo ra các triệu chứng giống với cơn đau tim? Báo cáo về trường hợp cho rằng sự tiếp xúc của pin với axit dạ dày có thể tạo ra một dòng điện đi đến tim và ảnh hưởng đến điện tâm đồ. “Đây không phải là một cơ chế đã được chứng minh, nhưng đây là một cơ chế hợp lý”, TS Mintz cho biết thêm.
Mặc dù những bệnh nhân này không thực sự bị đau tim, nhưng việc nuốt pin vẫn có thể làm tổn thương tim.
Mintz cho biết: “Hiệu ứng điện kéo dài có thể gây ra tổn thương cho tim. Tất nhiên, có nhiều lý do khác để không nuốt pin. Mintz cho biết thêm: “Việc nuốt pin rất nguy hiểm vì quá trình tiêu hóa có thể dẫn đến rò rỉ hóa chất hoặc thậm chí gây tắc ruột. Trong trường hợp của bệnh nhân lần này, người đàn ông không có biến chứng do pin nào được báo cáo.
Cách kiểm soát bệnh tim mạch mùa lạnh
Nhiều nghiên cứu đã kết luận thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ cơn đau tim. Đặc biệt là khi lao động ngoài trời trong mùa đông giá rét càng làm tăng nguy cơ phát triển cơn đau tim cấp tính.
Thời tiết lạnh, đặc biệt tác động tiêu cực tới trái tim do cơ chế tự bảo vệ bằng cách tăng huyết áp và nhịp tim để giữ cho cơ thể ấm áp. Hơn nữa, thời tiết lạnh khiến một số thành phần trong máu thay đổi nồng độ làm tăng nguy cơ đông máu. Đặc biệt, người cao tuổi có nguy cơ cao hơn với tất cả các biến chứng của bệnh tim mạch trong thời tiết lạnh.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Anh cho thấy rằng, khi nhiệt độ trung bình hàng ngày giảm 10C, nguy cơ đau tim tăng 2% trong khoảng thời gian 28 ngày.
Kiểm soát tốt huyết áp trong những ngày trời lạnh giúp phòng ngừa bệnh tim mạch hiệu quả. (Ảnh minh họa)
Ảnh hưởng của thời tiết lạnh đối với sức khỏe tim mạch
Nhiều người không nhận thức đầy đủ khi đang ở ngoài trời trong nhiệt độ lạnh có thể là một mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe. Nếu biện pháp phòng ngừa không được thực hiện, có thể gặp hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.
Không mặc quần áo thích hợp khi trời lạnh có thể dẫn đến hạ thân nhiệt, trong khi cơ thể không thể sản xuất đủ năng lượng để giữ ấm cho cơ thể. Ngoài ra, người có bệnh tim, mạch vành có thể bị cơn đau thắt ngực khi ra ngoài trong thời tiết lạnh.
Thời tiết lạnh ảnh hưởng đến trái tim, vì tim phải làm việc chăm chỉ hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể. Điều này có thể dẫn đến tăng huyết áp cũng như sự gia tăng nhịp tim. Ngoài ra, ở nhiệt độ lạnh hơn các mạch máu co lại, tiếp tục làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ cho bệnh tim mạch.
Làm việc trong thời tiết lạnh, thường sẽ có tình trạng gắng sức hơn do vừa gắng sức công việc vừa cố gắng tạo năng lượng giữ ấm, có thể làm tăng nguy cơ đau tim. Đặc biệt, những người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường có nguy cao hơn người bình thường dù chỉ cần gắng sức nhẹ trong mùa lạnh.
Kiểm tra huyết áp hàng ngày.
Cách bảo vệ tim mạch trong thời tiết lạnh
Để vượt qua mùa đông một cách an toàn và phòng ngừa hữu hiệu cho bệnh tim mạch, hạn chế các cơn đau tim, cần thực hiện các lời khuyên sau:
Mặc đủ ấm để ngăn ngừa hạ thân nhiệt: Mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà và khi ra ngoài bằng áo ấm, đi tất dày. Mặc đủ ấm giúp cơ thể tránh mất nhiệt trong thời tiết lạnh. Đặc biệt ở người lớn tuổi càng cần được mặc đủ ấm hơn, do khối cơ giảm theo tuổi có nghĩa là tấm áo che phủ cơ thể bị mỏng đi và giảm chức năng bảo vệ những cơ quan quan trọng của cơ thể, dễ hạ thân nhiệt trong thời tiết lạnh.
Che đầu và cổ của bạn: Sử dụng khăn quàng cổ, mũ len khi đi ra ngoài trời lạnh, tránh không khí lạnh tiếp xúc những vùng nhạy cảm như da đầu, mặt, cổ gây co mạch ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động hệ tim mạch.
Cần mặc ấm, không để gió lạnh tiếp xúc với da đầu, mặt, cổ khiến hạ thân nhiệt.
Che miệng và tránh hít thở không khí lạnh: Có thể dùng khẩu trang, khăn len che mũi miệng khi ra ngoài trời lạnh để tránh hít thở trực tiếp không khí lạnh dễ bị bệnh hô hấp, nhiễm virus, hạ thân nhiệt... Các bệnh cơ thể, đặc biệt bệnh hô hấp gây khó thở là yếu tố làm dễ tái phát bệnh tim mạch có sẵn.
Đừng làm việc nặng trong vòng 30 phút đầu tiên sau khi thức dậy: Nhiều cơn đau tim xảy ra vào buổi sáng và rơi đúng vào thời điểm mới ngủ dậy, nhất là vào những tháng mùa lạnh. Cần khởi động trước khi đi ra ngoài và làm việc trong thời tiết lạnh.
Dinh dưỡng đúng và tránh tình trạng mất nước: Bù đủ nước hàng ngày, uống 6-8 ly nước ấm hàng ngày, người lớn tuổi cần uống nhiều lần trong ngày không đợi đến lúc thấy khát do dự trữ nước cơ thể thấp so với người trẻ. Không ăn một bữa ăn nặng trước khi làm việc, chọn các món ăn theo chế độ dinh dưỡng đủ chất và giàu năng lượng đã được bác sĩ hướng dẫn. Không uống cà phê hay hút thuốc trong vòng 1 giờ trước khi làm việc nặng vì chúng làm tăng nhịp tim.
Hãy dành thời gian nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc: Mục tiêu là 7-8 giờ ngủ mỗi đêm để giữ sức khỏe, cần đảm bảo một phòng ngủ đủ ấm nhưng thông thoáng trong mùa lạnh.
Duy trì tập thể dục đều đặn trong những ngày trời lạnh: Tốt nhất là duy trì đ i bộ 30 phút/ngày trong nhà kín gió. Có thể tập trong nhà, không nên ra ngoài đường trong thời tiết lạnh, những môn phù hợp và tập trong nhà như tập dưỡng sinh, khí công, yoga, thái cực quyền.
Đo huyết áp hàng ngày: Cần tự kiểm tra huyết áp hàng ngày trong các ngày trời lạnh, ghi vào nhật ký và có thể điều chỉnh liều thuốc nếu cần thiết, tất nhiên đã được tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ trước đó.
Hãy chú ý đến cơ thể của mình và phát hiện sớm bệnh: Chú ý những dấu hiệu của một biến cố tim mạch như chóng mặt, đau ngực và khó thở. Khi có các dấu chứng nghi ngờ, thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.
Thận của bạn có hoạt động bình thường không? Hầu hết chúng ta đều được sinh ra với hai quả thận hoạt động, nhưng làm thế nào để biết thận có hoạt động bình thường không? Dưới đây là những gì bạn có thể làm để đảm bảo cho cơ quan này hoạt động bình thường trong suốt cuộc đời. Thận đảm nhiệm công việc gì? Thận đóng một vai trò quan...