Cảnh báo cứ 10 người sẽ có 1 người bị bệnh đái tháo đường
Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới, dự báo tới năm 2045 con số này sẽ là 629 triệu người, tương đương với cứ 10 người có 1 người bị đái tháo đường.
Khu vực lấy máu xét nghiệm đường huyết. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc phòng, chống bệnh đái tháo đường và các bệnh lý do thiếu hụt iốt, bảo vệ sức khỏe cho mọi người dân, sáng 13/11, tại Thanh Hóa, Bộ Y tế phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức míttinh nhân Ngày toàn dân mua và sử dụng muối iốt 2/11 và Ngày Thế giới phòng, chống đái tháo đường 14/11.
Đái tháo đường hiện là một trong những bệnh nội tiết phổ biến nhất trên thế giới và được dự báo sẽ như một đại dịch của thế kỷ 21. Mỗi năm, bệnh đái tháo đường cướp đi sinh mệnh của hơn 3 triệu người trên thế giới.
Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF), năm 2017, toàn thế giới có 425 triệu người trong độ tuổi 20-79 bị bệnh đái tháo đường, có nghĩa là cứ 11 người có 1 người mắc bệnh. Dự báo tới năm 2045 con số này sẽ là 629 triệu người, tương đương với cứ 10 người có 1 người bị đái tháo đường.
Cùng với việc tăng sử dụng thực phẩm không thích hợp, lười vận động thể lực ở trẻ em, bệnh đái tháo đường tuýp 2 đang có xu hướng gia tăng ở cả trẻ em và trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng. Bệnh không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn mà xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh từ miền núi đến trung du, đồng bằng. Đáng chú ý, có trên 50% số người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng không được phát hiện sớm mà chỉ được biết khi đã có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như biến chứng tim mạch, suy thận, mù lòa, biến chứng bàn chân…
Bệnh đái tháo đường thực sự là “kẻ giết người thầm lặng” do thường được chẩn đoán muộn. Hiện Việt Nam có khoảng 5,3 triệu người bị tiền đái tháo đường và 2/3 số này (chiếm 70%) sẽ chuyển thành đái tháo đường với nguy cơ tử vong cao.
Video đang HOT
Liên quan đến các bệnh lý do thiếu hụt iốt, trong khi khuyến cáo toàn cầu về phổ cập sử dụng muối iốt toàn dân là 90%, Việt Nam chỉ có 45% số hộ gia đình đang sử dụng muối iốt, thấp hơn nhiều so mức khuyến cáo.
Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương gần đây cho thấy tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8-10 tuổi là 9,8%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh khoảng 60%, mức trung vị iốt niệu là 8,4mcg/dl.
Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua và là một thực tế đáng báo động về tình trạng thiếu hụt iốt ở Việt Nam.
Thiếu iốt sẽ gây bệnh bướu cổ, suy giảm trí thông minh và đần độn. Đặc biệt, thiếu iốt giai đoạn bà mẹ mang thai còn gây ra xảy thai, thai chết lưu, suy giáp bẩm sinh cho trẻ…
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Bộ Y tế mong muốn thông qua Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường và Ngày vận động toàn dân dùng muối iốt 2/11, các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng cùng xây dựng ý thức xã hội; nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc phòng ngừa và chữa trị kịp thời, khoa học đối với bệnh đái tháo đường và các biến chứng nguy hiểm của nó.
Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể dự phòng được nếu mọi người dân chú ý và quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn hằng ngày, thường xuyên tăng cường hoạt động thể lực.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng kêu gọi toàn dân hãy quan tâm đến việc phòng, chống thiếu iốt bằng cách bổ sung muối iốt vào thực phẩm hằng ngày trong cả cuộc đời.
Trong khuôn khổ Lễ míttinh, Bộ Y tế và Sở Y tế Thanh Hóa đã tổ chức khám bệnh miễn phí cho người dân tại Thanh Hóa, trong đó có việc hỗ trợ kiểm tra phát hiện bệnh và tư vấn về việc phòng ngừa, chữa trị cho người dân nếu bị đái tháo đường; tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập dành cho người đái tháo đường; phát tài liệu truyền thông hướng dẫn dự phòng bệnh.
Sau Lễ míttinh, các đơn vị y tế đã diễu hành trên địa bàn thành phố Thanh Hóa để tuyên truyền về Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường 14/11 và Ngày vận động toàn dân dùng muối iốt 2/11./.
Người bệnh đái tháo đường cần phòng ngừa biến chứng mất thị lực, mù mắt
Đục thủy tinh thể là biến chứng thường gặp ở mắt của bệnh đái tháo đường (tiểu đường). Bệnh diễn tiến nhanh và nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Bệnh nhân bị đục thủy tinh thể do biến chứng đái tháo đường được bác sĩ thăm khám - KHẢI LINH
Mất thị lực do biến chứng đái tháo đường
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Hiếu (Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Gia An 115, TP.HCM): Đái tháo đường có thể ảnh hưởng tới toàn thân, gây ra các biến chứng ở não, thận, tim và mắt. Trong các biến chứng tại mắt, đục thủy tinh thể là biến chứng rất thường gặp.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ người bệnh đái tháo đường trên 60 tuổi bị đục thủy tinh thể khoảng 90%.
Người bệnh có các triệu chứng như nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng (chói mắt khi nhìn ánh sáng), nhìn một thành hai hoặc nhiều hình (song thị), thấy màu sắc có vẻ nhạt hơn... "Diễn tiến bệnh đục thủy tinh thể ở người đái tháo đường thường nhanh hơn rất nhiều so với người bình thường, tiến triển tính theo hằng tháng thay vì hằng năm như bình thường. Nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ mù lòa rất cao", bác sĩ Hiến cảnh báo.
Ghi nhận tại Bệnh viện Gia An 115, có nhiều trường hợp bệnh nhân bị đục thủy tinh thể do biến chứng đái tháo đường, trong đó đa phần đến điều trị khá muộn, khi mắt đã nhìn mờ nhiều.
Bệnh nhân L.B.Q (47 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) những tháng gần đây mắt trái nhìn mờ. Anh đã tự điều trị bằng thuốc nhỏ mắt nhưng không đỡ, mắt ngày càng mờ dần. Đến khi mắt mờ nhiều, gần như không thấy gì, chỉ có thể nhìn thấy bóng bàn tay khua trước mặt (thị lực bóng bàn tay), bệnh nhân đã đến bệnh viện khám mắt.
Tại Bệnh viện Gia An 115, qua thăm khám, trao đổi với bác sĩ, anh cho biết mình có tiền sử đái tháo đường, trước đó đã phát hiện đục thủy tinh thể nhưng do lượng đường trong máu cao, huyết áp không ổn định nên chưa thể thực hiện phẫu thuật. Sau đó, do công việc bận rộn nên bệnh nhân "bỏ lơ" bệnh.
Bác sĩ đánh giá bệnh nhân cần phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bị đục bằng siêu âm (Phaco) kết hợp đặt thể thủy tinh nhân tạo (IOL) ngay để tránh dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
Tuy nhiên, bác sĩ Hiếu cho biết phẫu thuật đục thủy tinh thể ở bệnh nhân đái tháo đường phức tạp hơn và nhiều nguy cơ biến chứng. Tình trạng đái tháo đường cũng phải được kiểm soát thật tốt để chuẩn bị phẫu thuật.
Sau điều trị kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và phẫu thuật, thị lực của bệnh nhân đã tốt 10/10. "May mắn ở trường hợp này là đáy mắt của bệnh nhân còn tốt. Nếu để bệnh đái tháo đường tiến triển làm tổn thương đáy mắt thì đôi khi thị lực sẽ không thể phục hồi tốt dù được phẫu thuật", bác sĩ Hiếu nhận định.
Không nên tự điều trị bằng thuốc nhỏ mắt
Theo bác sĩ Hiếu, đục thủy tinh thể là bệnh rất thường gặp, đứng hàng đầu trong các nguyên nhân gây mù lòa trên thế giới. Nếu đục thủy tinh thể, đặc biệt là trường hợp do biến chứng của bệnh đái tháo đường, không được điều trị đúng, thể thủy tinh sẽ càng ngày càng đục nhiều. Khi đó, phẫu thuật sẽ khó khăn hơn, thủy tinh thể quá chín sẽ gây biến chứng như tăng nhãn áp, bị vỡ bao dẫn đến phản ứng viêm màng bồ đào... và làm tăng nguy cơ mù mắt.
Thực tế, nhiều người khi có các triệu chứng mỏi mắt, khô mắt, mờ mắt... thường tự ra tiệm thuốc mua thuốc nhỏ mắt về sử dụng.
Tuy nhiên, bác sĩ Hiếu cảnh báo: "Việc tự điều trị các triệu chứng bệnh ở mắt bằng thuốc nhỏ mắt là thói quen xấu có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Bởi vì trong các loại thuốc nhỏ mắt được bán ở hiệu thuốc có thể có chứa kháng sinh hoặc các chất corticoid. Tuy các chất này tốt cho việc điều trị một số bệnh về mắt như viêm bờ mi, viêm giác mạc... nhưng nếu lạm dụng hoặc tự ý sử dụng, không theo chỉ định của bác sĩ thì có thể làm tăng nhãn áp, làm tăng thêm tình trạng đục thủy tinh thể, tổn hại thần kinh thị giác, thậm chí mất thị lực vĩnh viễn".
Vì vậy, bác sĩ Hiếu khuyến cáo, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng đục thủy tinh thể hoặc thấy mỏi mắt, khô mắt, mắt mờ, giảm thị lực... người bệnh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị. Đặc biệt, đục thủy tinh thể, mất thị lực ở người đái tháo đường thường tiến triển nhanh, nếu không được điều trị kịp thời, nguy cơ mù lòa rất cao.
Nguy cơ mù loà vì bệnh lý đái tháo đường Đục thủy tinh thể là biến chứng thường gặp ở mắt của bệnh đái tháo đường. Bệnh diễn tiến nhanh và nếu không được điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Bệnh đái tháo đường và biến chứng thường gặp Đái tháo đường (ĐTĐ) có thể ảnh hưởng tới toàn thân, gây ra các biến chứng ở...