Căn bệnh khiến nữ sinh yếu liệt toàn thân chỉ trong 2 tuần
Bắt đầu từ cơn sốt nhẹ, hắt hơi, tê tay chân…, chỉ trong vòng hai tuần, nữ sinh 15 tuổi không thể đi đứng được.
Nữ sinh tên T., 15 tuổi sống ở quận Bình Thạnh hiện đang điều trị tại BV Nhi đồng Thành phố (TP.HCM).
Cách đây một tuần, T. được một BV địa phương chuyển đến trong tình trạng khó thở và liệt toàn thân. Trước khi nhập viện hai tuần, T. bị sốt nhẹ, đau họng, hắt hơi, tê yếu tay chân, dần dần méo miệng, liệt thần kinh mặt, uống nước sặc yếu và đau chân khi đi lại. Tuy đã được gia đình đưa đi khám tại hai BV và uống thuốc, tập vật lý trị liệu nhưng không đỡ.
Sau đó, bệnh diễn tiến càng nặng, T. ngày càng thở khó, nuốt sặc, liệt toàn thân nên được đưa đến một BV tư nhân ở địa phương. Tại đây, T. được đặt ống giúp thở và chuyển đến BV Nhi đồng Thành phố.
Các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có biểu hiện liệt mềm các cơ tứ chi. Nhiều đờm nhớt ở miệng, không nuốt được vì liệt các cơ nuốt vùng hầu họng, thở hổn hển kiểu bụng vì liệt các cơ hô hấp, phản xạ gân cơ giảm.
Tình trạng nữ sinh T. lúc mới nhập viện. Ảnh: PV
Video đang HOT
Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm dịch não tủy, các bác sĩ đã chẩn đoán T. mắc hội chứng Guillain Barré đang diễn tiến đến suy hô hấp nặng. Bệnh nhân được thở máy, phối hợp nhiều điều trị khác như nuôi ăn qua sonde dạ dày với chế độ dinh dưỡng tốt, tập phục hồi chức năng vận động tránh teo cơ cứng khớp, massage mặt (nơi liệt mặt), xoay trở chống loét, tập thở, vật lý trị liệu hô hấp, vận động để tránh xẹp phổi… Đặc biệt là được điều trị truyền tĩnh mạch globuline miễn dịch – một loại thuốc hiện nay được y học chứng minh là có hiệu quả trong điều trị hội chứng Guillain Barré.
Sau hơn một tuần, hiện bệnh nhân đã được cai máy thở và tươi tỉnh, có thể làm các động tác nhấc cổ và đầu, xoay các khớp và nâng được chân tay theo lời bác sĩ. Hiện tại sức khỏe và sức cơ của T. đang tiến triển dần, tập đi đứng hằng ngày, tự xúc cơm ăn và vui vẻ nói chuyện với gia đình. T. đang được theo dõi và ổn định sức khỏe trước khi xuất viện tại khoa Nội tổng hợp.
Hiện bệnh nhân đã hồi phục kỳ diệu. Ảnh: PV
Theo BS CK1 Nguyễn Thị Phương Thảo, khoa Hồi sức tích cực chống độc, người trực tiếp theo dõi và tiếp nhận bệnh nhân, cho biết các triệu chứng rối loạn chức năng thần kinh thực vật, suy hô hấp xuất hiện vào tuần thứ hai của bệnh là yếu tố nguy cơ tử vong của bệnh. May mắn, bệnh nhân được hồi sức cấp cứu kịp thời. Trường hợp của bệnh nhân T. là trường hợp nặng gây yếu liệt cơ hô hấp đưa đến suy hô hấp cần phải giúp thở.
Cũng theo BS Thảo, hội chứng Guillain Barré là bệnh lý thuộc nhóm bệnh thần kinh-cơ, là bệnh lý tổn thương viêm cấp tính, gây giảm hoặc mất phản xạ gân cơ, thường kèm rối loạn cảm giác, rối loạn chức năng thần kinh thực vật thoáng qua. Bệnh thường xảy ra sau nhiễm trùng hô hấp hoặc tiêu hóa.
Để điều trị hiệu quả hội chứng Guillain Barré, chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng, đặc biệt ở trẻ em bởi việc thăm khám để xác định các triệu chứng rối loạn cảm giác hoặc yếu chi ở giai đoạn sớm khá khó khăn. “Ở một trẻ trước đó đã có thể tự đi lại, đột nhiên bị yếu hai chân sau khi bị một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc tiêu chảy khoảng 1-3 tuần, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời hội chứng Guillain Barré nếu có, giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi, tránh di chứng tàn tật” – BS Thảo lưu ý.
HOÀNG LAN
Theo plo.vn
Trẻ mắc viêm não tự miễn bị nhầm với bệnh tâm thần
Đang khỏe mạnh bình thường thì cậu bé có biểu hiện nói nhảm, méo miệng, chân tay múa may quay cuồng khiến người nhà nghĩ bệnh nhân bị tâm thần. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm não tự miễn.
Đó là trường hợp của bé Lưu Tấn P. (15 tuổi, ngụ tại Tây Ninh).
Ngày 27/8, Tấn P. đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong tình trạng hôn mê sâu. Thông tin từ gia đình cho hay, khoảng 2 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân có biểu hiện hay nói lảm nhảm một mình, chân tay múa may quay cuồng mất kiểm soát, hay lo âu, giận hờn...
Những biểu hiện của bệnh viêm não tự miễn dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác
Tiền sử gia đình có mẹ bị bệnh lý tâm thần phân liệt, đang trong thời gian điều trị. Những biểu hiện của bệnh khiến gia đình nghĩ cậu bé bị bệnh tâm thần như mẹ nên chậm đưa đến bệnh viện. Sau 10 ngày kể từ ngày phát bệnh, tình trạng mỗi ngày một xấu, bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, co gồng... mới được đưa đến bệnh viện địa phương. Do không tìm ra bệnh nên trẻ được xuất viện theo dõi, điều trị theo hướng tâm thần. 3 ngày sau, bệnh nhi rơi vào mê sảng, co giật, chuyển đến viện lúc này các bác sĩ mới lập tức chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM.
BS Lại Quang Lộc, khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Trẻ em cho hay: Qua thăm khám lâm sàng, trẻ có những biểu hiện của viêm não tự miễn nên được chỉ định thực hiện các kiểm tra chuyên môn sâu. Kết quả xét nghiệm phát hiện bệnh nhi có kháng thể NMDA (Anti-Nmethyl-D-aspartate - một trong các tác nhân gây viêm não tự miễn).
Viêm não tự miễn là bệnh tự cơ thể sinh ra kháng thể, những kháng thể này gắn kết vô các thụ thể của tế bào thần kinh gây ra bệnh viêm não. Đây là bệnh ít gặp, hiện chưa xác định được nguyên nhân dẫn tới bệnh viêm não tự miễn ở ca bệnh trên. Sau khi nhập viện, bệnh nhi rơi vào hôn mê sâu.
Bệnh nhi đang được bác sĩ theo dõi, điều trị tích cực
Cũng theo BS Lộc, bệnh lý viêm não tự miễn đến nay chưa có phác đồ điều trị. Các bác sĩ đang tập trung điều trị triệu chứng cho bệnh nhi như: thở máy, kháng viêm bằng corticoid, kết hợp Immunoglobulin (IVIg). Thời gian điều trị dự kiến kéo dài ít nhất 3 tháng.
Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng, khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như nói nhảm, chân tay vận động mất kiểm soát, hay bồn chồn, lo âu, tự nhai hàm răng trong vô thức, sốt hoặc có thể không sốt (trong thời gian đầu), gia đình cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chẩn đoán điều trị kịp thời.
Những trường hợp xuất hiện tình trạng co gồng, khó thở, mê sảng là biểu hiện nặng của bệnh... nguy cơ ảnh hưởng đến thần kinh, việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, bệnh nhân nếu qua được nguy kịch cũng đối mặt với những nguy cơ để lại di chứng về sau.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ sớm xảy ra trong vài phút, rất nhiều người đang bỏ qua Cơn thiếu máu cục bộ não thoáng qua (TIA) thường chỉ kéo dài vài phút và không gây tổn thương vĩnh viễn. Có thể xem như là một cảnh báo và một cơ hội - cảnh báo về một cơn đột quỵ sắp xảy ra. Thế nào là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)? Thiếu máu não thoáng qua là rối loạn...