Cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn
Đồng bằng sông Cửu Long đang mùa nước lũ nên số người bị rắn cắn trong thời gian qua cũng tăng lên. Bác sĩ Trần Văn Hoàng, phó giám đốc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu và chế biến dược liệu Quân khu 9 (còn gọi là Trại rắn Đồng Tâm), cho biết chín tháng đầu năm 2012 nơi này đã tiếp nhận điều trị cho gần 800 người bị rắn độc cắn.
Làm thế nào nạn nhân và người thân biết đó là rắn độc hay rắn không độc, bác sĩ Hoàng giải thích:
Hình minh họa dấu răng của rắn không độc cắn
- Trước hết xem xét triệu chứng tại chỗ như: dấu răng, phù nề, màu sắc vùng da bị cắn…
Nếu là rắn thường (rắn không độc) như trăn, rắn nước, rắn ri cá, rắn ri voi, rắn bông súng, rắn lục cườm… thì không có tuyến nọc và không có răng độc mà chỉ có răng hàm, nên khi cắn để lại vết cắn hình vòng cung, dấu răng đều nhau hoặc để lại răng trên vết cắn.
Rắn độc: có răng độc (hay răng khóa). Rắn độc có hai tuyến nọc và hai răng độc, do đó khi cắn mổ từ trên xuống có hình chữ V hoặc hình chấm than song song và thường để lại hai dấu răng trên vết cắn.
Rắn độc cắn thường có hai dấu răng nhưng đôi khi cũng chỉ có một dấu răng hoặc ba, bốn dấu răng. Do đó nên khám xét kỹ, tránh bỏ sót.
- Thứ hai, dựa vào triệu chứng toàn thân. Rắn không độc cắn: phản ứng tại chỗ nhẹ, ít phản ứng toàn thân không có. Rắn độc (rắn hổ, rắn lục): nạn nhân sẽ trào đờm, sụp mi, mờ mắt, miệng há không được, nuốt khó hoặc sưng nề, chảy máu tại chỗ, chảy máu
toàn thân, nôn ra máu…
Video đang HOT
* Nạn nhân hoặc người thân cần xử trí:
- Nếu bị nhóm rắn hổ cắn:
Bước 1: băng ép (garô): Phải nhanh chóng buộc garô (nơi nào có thể garô được) ở phía trên vết cắn 3-5cm. Garô bằng mọi thứ dây tự có tại chỗ như: dây thun, dây chuối, dây quai nón… Chú ý khi garô phải dùng dây bản to để giảm tổn thương nơi garô.
Bước 2: tẩy nọc bằng cách rửa sạch vết rắn cắn, sau đó đến cơ sở y tế rửa lại bằng thuốc tím 1&permil,
cồn iôt 2%…
Bước 3: rạch rộng vết cắn hình chữ thập ( ). Độ sâu qua da đến cơ chảy máu là được, rạch rộng dài khoảng 1-2cm. Trước khi rạch rộng phải sát trùng để tránh nhiễm trùng, tránh rạch đứt thần kinh, mạch máu và dây chằng.
Bước 4: hút máu tại chỗ rắn cắn.
Bước 5: dùng thuốc đơn giản rồi nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế mà ở đó có điều kiện cấp cứu hồi sức.
- Nếu bị nhóm rắn lục cắn: việc cần làm là giải quyết vấn đề đau nhức, sưng nề, xuất huyết, tán huyết, hoại tử. Do đó không cần garô, rạch rộng, hút máu. Lý do là garô sẽ làm bệnh nhân dễ hoại tử hơn, rạch rộng sẽ làm chảy máu không cầm được. Chỉ cần băng ép, tẩy nọc và chuyển nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Theo nghiên cứu của chúng tôi, nếu nạn nhân bị nhóm rắn hổ cắn thời gian bị cắn đến tử vong nhanh nhất khoảng 90 phút, còn các loài rắn khác chậm hơn. Do đó cần phải chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu hồi sức trước thời gian đó. Tránh đi loanh quanh ở những nơi không có điều kiện cấp cứu hồi sức và không có kháng huyết thanh đặc hiệu mà bỏ lỡ cơ hội cứu sống nạn nhân.
Theo VÂN TRƯỜNG (Tuổi trẻ)
7 chiếc lá bí truyền trị rắn độc cắn
Hơn 20 năm nay, với phương thuốc gia truyền chuyên chữa rắn độc cắn chỉ bằng vài lá cây rừng mọc hoang dại ngoài tự nhiên, anh Hoàng Văn Châu (40 tuổi, ngụ xóm 2, xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) đã cứu sống rất nhiều người thoát khỏi "thần chết".
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Có mặt tại xã Hồng Sơn vào một ngày cuối tháng 9/2012, theo con đường làng quanh co đầy ổ gà, sau mấy lần hỏi đường, cuối cùng khách cũng tìm đến được ngôi nhà nhỏ của "thần y" Châu.
Không chút e dè giữ bí mật về bài thuốc gia truyền chữa rắn độc cắn hiệu nghiệm đã có từ 3 đời nay, anh Châu thoải mái bộc bạch tâm sự: "Trước đây, ông nội tôi là một nông dân không hề biết gì về nghề bốc thuốc. Nhưng một hôm, có một người dân tộc thiểu số xin vào ở nhờ nhà ông nội tôi vài bữa. Sau đó, người khách này đã được gia đình đón tiếp nồng hậu, lo lắng ân cần chu đáo. Có lẽ vì cảm động trước lòng hiếu khách, tốt bụng của ông nội tôi nên trước khi từ biệt, người khách lỡ đường này đã dẫn ông vào rừng và chỉ cho bài thuốc chữa rắn cắn này".
Anh Hoàng Văn Châu
Sau khi truyền xong bài thuốc lạ, người khách lạ này không một lần quay trở lại nhưng bài thuốc này đã được ông nội của anh Châu dùng để chữa rắn cắn cho rất nhiều người dân. Và kỳ lạ thay, chỉ với 7 loại cây lá rừng đơn giản mà bài thuốc này lại có thể cứu sống cho cả những người đã bị nọc rắn làm cho lâm vào tình trạng "thập tử nhất sinh".
Cũng theo anh Châu, loại cây rừng này chỉ dễ kiếm vào mùa Xuân và mùa Thu, còn nếu mùa Hè, do thời tiết nắng nóng, khô hạn nên những cây rừng trở nên rất khan hiếm, vì thế người hái thuốc thường phải vào rừng từ sáng sớm, có khi đến tối mịt mới về đến nhà.
Trước khi ông nội anh Châu mất, cha của anh Châu là người duy nhất được truyền lại phương thuốc quý này. Và đến sau này, trong gia đình có 7 người con thì chỉ một mình anh Châu là người kế thừa được phương thuốc, dù 6 người còn lại cũng được cha truyền cho cách lấy thuốc nhưng không một ai thành công.
Nói về bài thuốc gia truyền của vị "thần y chân đất" Hoàng Văn Châu, ông Lý (45 tuổi, ngụ xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương) chia sẻ: "Bài thuốc của gia đình anh Châu đã cứu sống rất nhiều người dân trong làng. Chúng tôi ai cũng biết biệt tài của anh Châu và gọi anh ấy là khắc tinh của các loài rắn độc".
Hơn 20 năm, cứu trăm mạng người
Nhớ lại những ngày đầu theo chân cha học nghề bốc thuốc cứu người, anh Châu bồi hồi tâm sự rằng lúc nhỏ anh đã theo cha đi hái thuốc nhưng không hề để tâm. Đến năm 18 tuổi, anh mới chính thức bắt đầu học làm người thầy thuốc. Anh Châu chia sẻ: "Khi mới bắt đầu lấy thuốc, tôi cũng thấy khó khăn lắm, giữa rừng đủ các loại cây như vậy, việc phân biệt cây thuốc, cây độc là rất khó khăn bởi nếu chỉ nhìn qua thì chúng rất giống nhau".
Sau này, phải mất cả năm ròng chuyên tâm theo cha đi khắp các cánh rừng, anh Châu mới nhớ và phân biệt được các loại cây một cách thành thạo nhất. Mặc dù vậy, khi đã nhận biết được các loại lá cây để làm thuốc thì anh Châu cũng chưa dám chữa bệnh, bởi nhỡ xảy ra sơ suất có thể dẫn đến mất mạng người như chơi. Vì vậy, hàng ngày anh Châu vẫn chỉ giúp cha làm các việc vặt khi ông chữa bệnh cho mọi người để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm.
Cho đến một hôm, cha anh Châu có việc đi vắng, nhà chỉ còn mình anh và một người chị nữa đang dọn dẹp trong nhà thì chợt thấy ngoài ngõ mọi người chạy rầm rập. Khi anh Châu còn đang ngơ ngác chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đoàn người đó đã vào tận sân nhà anh. Đâu đó tiếng khóc lóc, nỉ non, khi anh Châu chạy ra xem thì mới biết có một người đàn ông ở xã Bồi Sơn trong lúc đi làm rừng bị rắn hổ chì cắn. "Khi sang đến nhà tôi, cơ thể ông ấy đã thâm tím, miệng ngậm cứng rồi", anh Châu hồi tưởng.
Lúc đó anh Châu lo lắng lắng vì "cứu người như cứu hỏa" trong khi cha anh lại vắng nhà còn bản thân anh lại chưa từng trực tiếp cứu chữa cho ai. "Lúc đầu tôi không dám đứng ra nhận lời chữa, nhưng thấy người thân của người đàn ông đó cứ van xin mãi nên tôi cũng làm liều. Tôi đem đủ 7 thứ lá mà cha vẫn hái nghiền ra rồi lấy nước dùng thìa cạy miệng ông ấy đổ thuốc vào. Sau khi cho người bệnh uống thuốc xong, tôi lo lắm sợ nhỡ có chuyện xảy ra thì mình có lỗi nên đã giục gia đình họ đưa xuống bệnh viện để tiếp tục chữa trị", anh Châu kể.
Thế nhưng, khi được người nhà cáng chạy khỏi nhà anh Châu được chừng 2km thì người đàn ông đó bỗng dưng cựa quậy chân tay và dần hồi tỉnh. Gần 10 ngày sau, khi đã khỏi bệnh, bệnh nhân này mới đem tiền thuốc và lễ vật sang cảm ơn. Đến lúc này anh Châu mới biết ông ta vẫn còn sống, đồng nghĩa với việc mình đã cứu người thành công. Nhận lễ vật là mấy món quà quê, cha của anh Châu khi nghe xong câu chuyện đã mỉm cười và hoàn toàn yên tâm giao phó việc chữa bệnh cho anh.
Năm đó, anh Châu mới 18 tuổi và hơn 20 năm nay anh vẫn âm thầm lấy thuốc chữa bệnh cho mọi người. Theo anh Châu, cách sử dụng thuốc cũng rất đơn giản, không cần sao hay sắc, chỉ cần giã nát nắm thuốc đó ra rồi gạn lấy nước uống. Trung bình 3 tiếng nên uống một lần cho độc rút, dần dần uống đến khi độc rút hẳn là được. Tuy nhiên, với những bệnh nhân để nọc độc của rắn đã ngấm sâu vào máu thì rất khó chữa.
"Bác sĩ" của nhân dân
Dù không có một bảng hiệu hay sự chỉ dẫn nào về việc anh Châu có thể chữa khỏi độc tố của con rắn, nhưng giờ đây với người dân trong làng khi nhắc đến anh Châu lấy thuốc rắn cắn thì ai cũng phải khâm phục và tôn kính. Ông Nguyễn Quốc Du (50 tuổi) sống gần nhà anh Châu và cũng từng bị rắn đen trắng cắn chia sẻ: "Không hiểu bài thuốc đó có gì mà kỳ lạ thế, người nhẹ chỉ cần uống 3-5 thang là khỏi, còn người nặng thì cần đến 7 thang là dứt. Bản thân tôi cũng từng bị rắn cắn và cũng được anh Châu chữa khỏi bằng các loại cây rừng đó".
Nhưng cũng như đời ông cha mình, dù nay có được bài thuốc chữa bệnh gia truyền nhưng anh Châu lại không sử dụng bài thuốc này làm kế mưu sinh, mà hàng ngày anh vẫn cùng vợ cày cấy, làm nông nghiệp để nuôi các con. Khi nào có người bị rắn cắn, họ cần đến thuốc giải thì anh lại sẵn sàng giúp đỡ, mỗi lần lấy thuốc, anh thu 200.000 đồng/người, số tiền ít ỏi đó so với việc nằm ngoài bệnh viện thì chẳng đáng là bao, nhưng hiệu quả lại rất tốt.
Chỉ bằng mấy thứ lá cây rừng, anh Châu đã hoàn toàn chế ngự được độc tố của các loại rắn độc, đây là một trong nhưng niềm tự hào không chỉ của gia đình anh Châu mà của người dân nơi đây bởi họ đã chứng minh được một điều trong tự nhiên còn rất nhiều điều hữu ích cho cuộc sống của người dân. Trước khi chia tay khách, anh Châu nói rằng sẽ cố gắng giữ gìn bài thuốc để giúp đỡ được nhiều người hơn.
Theo Trịnh Thành - Văn Minh (Pháp luật Việt Nam)
Lao thanh quản Giọng khàn - coi chừng lao thanh quản Lao thanh quản có mối liên quan mật thiết với lao phổi. Từ phổi, vi khuẩn lao trong đờm, mủ bị khạc ra ngoài có thể dính vào thanh quản lúc đi qua cơ quan này và gây nhiễm bệnh, nhất là khi có các tổn thương viêm, phù nề, trợt... Vi khuẩn lao còn...