Cách nấu chè bà ba Nam Bộ thơm ngon, chuẩn vị
Chè bà ba (hay còn gọi là chè thưng) là loại chè truyền thống đậm chất Nam Bộ với nguyên liệu dễ tìm và công thức nấu khá đơn giản.
Hãy cùng VietNamNet học cách nấu chè bà ba Nam Bộ thơm ngon, chuẩn vị.
1. Nguyên liệu làm chè bà ba
100g khoai mỡ tím
200g khoai lang vàng
400g khoai mì
300g đường phèn
100g đậu xanh tách vỏ
1kg dừa nạo
1 nắm lá dứa
150g lạc tươi
Màu củ dền, màu lá dứa, muối, vani,…
Nguyên liệu làm chè bà ba (Ảnh: dienmayxanh)
2. Cách nấu chè bà ba đơn giản tại nhà
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Gọt bỏ vỏ khoai mỡ tím, khoai lang và khoai mì, rửa sạch rồi cắt thành hạt lựu 1-2 cm. Sau đó, cho khoai mỡ vào tô cùng với 2 muỗng canh bột năng, xốc đều cho bột áo bám đều lên khoai. Còn khoai lang và khoai mì sau khi cắt thì đem ngâm nước để khoai không bị đen.
Đậu xanh không vỏ đem vo thật sạch, ngâm nước 1-2 tiếng để đậu mềm.
Lạc rửa sạch qua nước, sau đó cho vào nồi luộc chín trong khoảng 10 – 15 phút.
Dừa nạo ngâm với nước nóng, lọc lấy 2 chén nước cốt dừa và 2 tô nước dão dừa (nước thứ 2 của nước cốt dừa).
Bước 2: Nấu nước đường
Video đang HOT
Bắc nồi lên bếp, cho vào 400ml nước và 300g đường phèn. Sau đó, bạn cho thêm bó lá dứa vào để tạo hương thơm cho phần nước đường. Đun với lửa vừa, đến khi đường tan hết thì tắt bếp.
Bước 3: Làm bánh lọt
Bạn có thể làm bánh lọt với 3 màu: màu trắng tự nhiên của bột năng, màu xanh khi pha với nước lá dứa và màu hồng khi pha với nước củ dền. Để làm màu củ dền và lá dứa, bạn xay nhuyễn củ dền và lá dứa với một ít nước rồi lọc qua rây để lấy phần nước. Bạn cũng có thể dùng màu thực phẩm nhưng chất lượng và màu sắc sẽ không thể sánh bằng.
Đầu tiên, cho vào tô 2 muỗng canh bột năng, thêm 2-3 muỗng nước sôi và 2 muỗng canh nước màu củ dền vào tô bột, trộn đều tay cho bột và màu hòa lẫn vào nhau thành một khối dẻo.
Để tạo hình bánh lọt, bạn thoa đều lên tay 1 ít bột đồng thời rải 1 ít lên đĩa đựng để bột không dính tay và đĩa. Tiếp đó, bạn ngắt ít bột rồi nặn thành từng sợi nhỏ dài.
Bạn làm tương tự khi trộn phần bột năng tự nhiên và phần bột pha với màu lá dứa.
Phần bột màu trắng bạn chỉ cần cho vào 4 muỗng nước sôi, trộn đều thành khối dẻo là có thể nặn bột được rồi.
Lưu ý là bạn nên dùng nước sôi thật già đổ từ từ vào bột để bột có độ dai và không bị gãy
Bước 4: Luộc khoai và bánh lọt
Bắc lên bếp 1 nồi nước, cho thêm vào nồi 1 bó lá dứa, nấu cho sôi. Cho bánh lọt vào luộc, nấu cho tới khi thấy bánh nổi lên là bánh đã chín. Bạn vớt ra và cho vào tô nước đá để bánh được dai ngon và đỡ dính vào nhau.
Tiếp theo, cho vào nồi nước luộc khoai mỡ đã lăn qua bột, luộc cho tới khi khoai mỡ nổi lên thì vớt ra, tiếp tục ngâm qua nước lạnh.
Bước 5: Nấu chè
Cho vào nồi lớn 1 tô lớn nước dão dừa và 1 bó lá dứa, sau đó thêm khoai mì đã cắt hạt lựu, đậu xanh, muỗng cà phê muối.
Bạn nấu với lửa nhỏ, khuấy đều thường xuyên để các nguyên liệu chín đều và không dính nồi. Sau đó, bạn cho tiếp khoai lang và lạc đã luộc vào. Khuấy đều tay để hỗn hợp không dính vào đáy nồi. Sau khoảng 10-15 phút thì khoai sẽ chín, bạn cho nước đường phèn, bánh lọt và khoai mỡ vào rồi tiếp tục khuấy đều.
Để chè sánh và béo hơn, bạn cho thêm 1 chén nước cốt dừa, 2 ống vani và 3 muỗng nước bột năng. Khi chè sôi 1 lần nữa thì tắt bếp.
Bước 6: Hoàn thành
Múc chè ra bát và thưởng thức. Thường món chè này sẽ dùng khi còn ấm nóng sẽ ngon hơn. Nếu bạn thích có thể thêm đá vào thưởng thức.
Chè phải có vị ngọt thanh, vừa ăn không quá gắt, béo thơm, khoai mì dẻo, các loại khoai khác và đậu chín bùi.
Chè bà ba Nam Bộ thơm ngon (Ảnh: ameovat)
3. Một vài lưu ý khi nấu/ bảo quản chè bà ba
Để nấu chè bà ba ngon, chuẩn vị, nên chọn nguyên liệu chuẩn.
Để chọn khoai lang ngon, bạn nên mua những củ lành lặn, không bị nứt mẻ, bị rỗ và vỏ chưa chuyển sang màu đen. Khi cầm khoai lên thấy nặng tay, dùng tay bóp thì khoai vẫn cứng và không bị dập. Khoai lang nên chọn củ tròn hoặc củ dài, không có eo, lành lặn là những củ ít xơ, nhiều bột và khi ăn sẽ ngọt hơn.
Để chọn khoai mỡ tím ngon, bạn nên chọn những củ có vỏ tối màu, dáng suông dài, không méo mó. Lưu ý bấm tay vào củ, nếu thấy cứng thì khoai sẽ chắc và dẻo hơn đấy.
Để chọn khoai mì ngon, bạn chọn những củ to mập, dáng thẳng, vỏ mở màng để ít xơ và mềm. Sau đó, hãy thử dùng móng tay cạo nhẹ phần vỏ mỏng phía ngoài sắn, bạn nên mua củ có lớp vỏ phía trong màu hồng nhạt vì ít độc tố.
Đối với đậu xanh, bạn nên chọn đậu đã cà vỏ, hạt đậu sáng bóng và có màu vàng tươi. Không nên chọn loại đậu xanh xỉn màu, hạt không đều và có lẫn nhiều hạt đen.
Để có nước cốt hay nước dão dừa, bạn ngâm dừa nạo vào 1 ít nước nóng trong 5 phút sau đó vớt dừa bỏ vào miếng vải mỏng sạch. Tiếp theo, bạn túm lại 1 đầu rồi vắt mạnh cho ra nước cốt dừa. Phần bã dừa còn lại, bạn có thể ngâm nước nóng và vắt tiếp lần nữa, gọi là nước dảo dừa.
Nếu không mua được dừa nạo, bạn có thể dùng nước cốt dừa đóng lon để thay thế nhưng chè sẽ không đậm vị bằng.
Chè bà ba đặc biệt ở chỗ bạn có thể tùy chỉnh nguyên liệu: chuối, bí đỏ, khoai hay hạt sen, bột báng … theo sở thích mà không cần theo một công thức nhất định.
Khi đổ nước cốt dừa vào nồi, bạn phải khuấy liên tục để hòa quyện hơn.
Bạn chỉ cần luộc khoai mỡ chín tới. Nếu luộc quá lâu, khoai sẽ bị bở, món chè sẽ mất vị ngon.
Nếu nấu với số lượng lớn, bạn cho chè vào hộp kín, sau đó bỏ vào ngăn mát của tủ lạnh để kéo dài thời gian sử dụng từ 1-2 ngày mà không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và hương vị.
Với cách nấu chè bà ba đơn giản mà ngon tuyệt này, bạn có thể làm cho cả gia đình cùng thưởng thức để giải nhiệt trong mùa hè. Chúc các bạn thành công!
7 món chè độc đáo, lạ miệng của miền Tây
Tới thăm miền Tây, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức nhiều món ăn độc đáo, trong đó có các món chè như chè bà ba, chè kiểm, chè đậu xanh hột vịt...
Chè bà ba
Chè bà ba còn có tên khác là chè thưng, được nấu từ các nguyên liệu thân thuộc như chuối, khoai, hạt sen, nước cốt dừa... Khi nếm thử, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt nhẹ của chuối, vị bùi của hạt sen, vị béo của nước cốt dừa, độ dẻo dẻo của khoai... Tất cả hòa quyện tạo nên một chén chè đặc trưng, ăn một lần là nhớ mãi.
Chè chuối bột báng
Chè chuối bột báng cũng là một món chè ngon của miền Tây. Chè được chế biến từ những nguyên liệu khá đơn giản, dễ tìm là chuối, bột báng, đậu phộng, nước cốt dừa...
Chè chuối bột báng sau khi hoàn tất sẽ có mùi thơm hấp dẫn của nước cốt dừa. Nước chè sóng sánh, thơm lừng, chuối thì chín mềm, có độ ngọt vừa phải, còn đậu phộng béo ngậy. Chè có thể ăn lạnh hoặc ăn khi còn nóng đều ngon.
Chè kiểm
Chè kiểm hay còn được nhiều người dân miền Tây gọi với cái tên dân dã là canh kiểm. Đây vốn là món chè được nấu vào những ngày rằm cúng ông bà tổ tiên. Ngày nay, chè kiểm xuất hiện nhiều trong thực đơn chay ở nhà chùa không chỉ trong Nam mà cả ngoài Bắc.
Chè kiểm có nguyên liệu gồm bí đỏ, khoai lang, khoai môn, chuối, đậu phộng... Vị ngọt của chuối, vị bùi của khoai lang và vị béo nhẹ, thanh ngọt của bí đỏ hòa quyện cùng vị ngậy của đậu phộng, vị thơm của nước cốt dừa sẽ mang lại cho bạn một món tráng miệng ngon tuyệt vời trong những ngày nắng nóng.
Chè ỷ
Chè ỷ còn được người miền Tây gọi với cái tên đặc biệt khác là chè lủm chủm. Món ăn này có nguồn gốc từ người Hoa ở Sóc Trăng. Nét đặc biệt của chè ỷ là những viên bột nếp tròn, nhỏ xinh mang lại hương vị ẩm thực ngọt ngào.
Cách chế biến chè ỷ khá công phu với các nguyên liệu gồm bột nếp, bột năng, nước cốt dừa, đậu phộng rang, gừng, lá dứa... Không chỉ ngon miệng, món chè này còn mang ý nghĩa đoàn viên, may mắn.
Chè đậu xanh hột vịt
Chè đậu xanh hột vịt là món ăn chỉ được nấu trong các gia đình miền Tây, hiếm khi được bày bán bên ngoài nên người nơi khác ít khi biết đến. Đúng như tên gọi, sự độc đáo của món chè này nằm ở trứng vịt. Ngoài ra, các nguyên liệu khác như đậu xanh, phổ tai, bột báng và nước cốt dừa đều không quá xa lạ.
Chè đậu xanh hột vịt ngon nhất là ăn khi nóng. Chè sau khi chín có độ sánh vừa phải, đậu xanh chín nhừ, phổ tai giòn sần sật, nước dừa béo ngọt. Đặc biệt, hột vịt chín tới, có lòng đào, ăn vừa bùi vừa ngậy, lại không bị tanh.
Chè đậu xanh nha đam đường phèn
Chè đậu xanh nha đam đường phèn là một trong những món chè đặc sắc của miền Tây. Món tráng miệng này được chế biến từ đậu xanh, nha đam, đường phèn và nước cốt dừa.
Chén chè đậu xanh nha đam có vị ngọt thanh của đậu xanh, dai dai của nha đam, thêm chút đá mát lạnh vào ăn kèm sẽ đem đến cho bạn cảm giác sảng khoái, ngon miệng.
Chè khoai mì
Chè khoai mì là món ăn dân dã của người dân miền Tây. Món tráng miệng này hấp dẫn thực khách bởi độ mềm dẻo của viên khoai mì vo tròn ngập trong nước cốt dừa béo ngậy.
Chè khoai mì có 2 loại gồm chè truyền thống và chè ngũ sắc, loại nào cũng ngon và được nhiều người ưa chuộng.
'Save' ngay các món chè ngon của 3 miền, có dịp là phải thử liền bạn ơi Có rất nhiều món chè ngon của 3 miền trở thành món ăn vặt hấp dẫn cả du khách trong và ngoài nước, đâu là món chè mà bạn yêu thích nhất? Những món chè ngon của 3 miền càng ăn càng ghiền 1. Món chè ngon miền Bắc Chè cốm Nhắc đến các món chè miền Bắc thì không thể bỏ qua...