Các biện pháp điều trị gù cột sống
Gù cột sống do nhiều nguyên nhân, mỗi nguyên nhân sẽ có biện pháp điều trị khác nhau. Dưới đây là biện pháp điều trị gù cột sống do một số nguyên nhân chính…
1. Điều trị gù cột sống do loãng xương
Loãng xương là một trong những yếu tố gây cong, gù cột sống, đặc biệt là khi đốt sống bị yếu gây gãy nén cột sống. Loãng xương thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi và những người sử dụng corticoid kéo dài. Để điều trị, cần bổ sung đầy đủ canxi từ khi còn trẻ. Theo đó, nhu cầu canxi mỗi ngày tùy thuộc theo độ tuổi được khuyến nghị.
Trẻ từ 0 – 6 tháng: 300 mg canxi/ngày.
Trẻ từ 6 – 11 tháng: 400 mg canxi/ngày.
Trẻ từ 1 – 3 tuổi: 500 mg canxi/ngày.
Trẻ từ 4 – 6 tuổi: 600 mg canxi/ngày.
Trẻ từ 7 – 9 tuổi: 700 mg canxi/ngày.
Người từ 10 – 18 tuổi: 1000 mg canxi/ngày.
Người từ 18 – 50 tuổi: 1000 mg canxi/ngày.
Phụ nữ có thai, người cao tuổi: Cần bổ sung lượng canxi nhiều hơn khoảng từ 1200 mg – 1500 mg canxi/ngày.
Nên bổ sung canxi từ nguồn thực phẩm như sữa và thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua. Các nguồn thực phẩm khác như hải sản, cá biển, rau xanh, các loại đậu, trái cây khô, đậu phụ…
Cột sống cong vẹo, gù ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh…
Ngoài canxi, cần bổ sung vitamin D. Nhu cầu vitamin D hàng ngày phù hợp cho mỗi đối tượng khác nhau. Mức khuyến nghị được đề ra là:
Trẻ sơ sinh – 1 tuổi: Cần khoảng 400 IU/ngày. Lưu ý, không vượt quá 1.000 IU/ngày đối với trẻ sơ sinh đến 6 tháng; 1.500 IU/ngày ở trẻ 6 tháng đến 1 tuổi.
Từ 1-18 tuổi: Khoảng 600-1.000 IU/ngày. Lưu ý, không vượt quá 2.500 IU/ngày đối với trẻ 1-3 tuổi; 3.000 IU/ngày với trẻ 4-8 tuổi và 4.000 IU/ngày đối với trẻ trên 8 tuổi.
Từ 19-70 tuổi: Khoảng 1.500-2.000 IU/ngày, không được vượt quá 4.000 IU/ngày)
Trên 70 tuổi: 1.500-2.000 IU/ngày, mức tối thiểu là 800IU/ngày, không vượt quá 4.000IU/ngày.
Các thực phẩm giàu vitamin D gồm: Cá trích, cá mòi, cá hồi, cá ngừ, dầu gan cá, hàu, tôm, lòng đỏ trứng, sữa, nấm, ngũ cốc… Đặc biệt là ánh nắng mặt trời sẽ giúp cơ thể chuyển hóa và hấp thu vitamin D hiệu quả nhất.
2. Điều trị gù cột sống do thoái hóa đĩa đệm
Thoái hóa đĩa đệm đốt sống lưng là nguyên nhân chính dẫn đến gù cột sống. Khi bị thoái hóa, đĩa đệm sẽ co lại, ngày càng gây gù lưng nặng hơn. Để điều trị, cần thực hiện các bước:
2.1 Quản lý cơn đau
Mặc dù không điều trị được bệnh, nhưng quản lý cơn đau nhằm mục đích giảm đau, cải thiện khả năng vận động. Có thể thực hiện các biện pháp:
- Chườm đá vào vùng cột sống bị đau sẽ giúp giảm viêm đáng kể trong trường hợp đau cấp tính.
- Chườm nóng giúp thư giãn cơ, làm giảm tình trạng căng thẳng và co thắt trong đau mạn tính.
Video đang HOT
- Dùng thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm giảm đau như ibuprofen, aspirin, naproxen… Các thuốc này thường được khuyên dùng cho các cơn đau ở mức độ nhẹ.
Codeine điều trị cơn đau lưng nhẹ đến trung bình, thường được kết hợp với acetaminophen hoặc các thuốc giảm đau không chứa opioid khác.
Thoái hóa đĩa đệm – một trong những nguyên nhân gây gù cột sống.
- Đối với tình trạng đau nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau kê đơn opioid. Opioid là loại thuốc có tác dụng mạnh. Các loại thuốc trị đau lưng kê đơn thường được sử dụng như:
Oxycodone điều trị giảm đau lưng từ vừa đến nặng.
Hydrocodone giảm đau từ trung bình đến nặng thường được kết hợp với acetaminophen hoặc các thuốc giảm đau không chứa opioid khác.
Tramadol dùng trong các trường hợp đau vừa đến nặng.
Morphine được chỉ định trước và sau phẫu thuật.
- Tiêm steroid ngoài màng cứng: Một loại steroid được tiêm xung quanh màng cứng cột sống để giúp giảm đau tạm thời và cải thiện khả năng vận động. Phương pháp này thường được khuyến nghị thực hiện trước khi tiến hành vật lý trị liệu.
Lưu ý dùng thuốc: Để sử dụng thuốc trị đau lưng, đặc biệt là thuốc kê đơn hiệu quả và an toàn, cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ. Nếu lạm dụng thuốc giảm đau sẽ gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm, thậm chí gây tử vong.
2.2 Vật lý trị liệu và tập thể dục hỗ trợ trị gù cột sống
Vật lý trị liệu và tập thể dục được xem như một phương pháp hiệu quả trong điều trị gù cột sống. Trong đó, vật lý trị liệu sử dụng các yếu tố vật lý như vận động cơ học, tia hồng ngoại, nhiệt độ… tác động lên cơ thể người bệnh giúp giảm đau và phục hồi các chức năng bị suy giảm. Kết hợp cùng các bài tập để đạt được mục tiêu hỗ trợ chữa lành cột sống, giảm nguy cơ tái phát cơn đau.
Theo đó, một chương trình cho chứng thoái hóa đĩa đệm bao gồm:
- Vật lý trị liệu: Các động tác kéo giãn giúp giảm căng thẳng và cải thiện tính linh hoạt cho các cơ cột sống. Một số vị trí cần tập trung là cơ cổ, vai, lưng, lưng dưới, hông, xương chậu, cơ gân kheo…
Thực hiện các động tác chống gù lưng như vươn vai, vặn mình… với sự hỗ trợ của các dụng cụ như dây căng, bóng tập, gậy… Liệu pháp vật lý trị liệu áp dụng công nghệ cao là sử dụng máy móc hỗ trợ chống gù lưng.
- Tập thể dục: Đây là biện pháp giúp tăng cường tuần hoàn máu, giữ cho các khớp và cơ hoạt động linh hoạt. Đặc biệt là các bài tập thể dục nhịp điệu sẽ phù hợp nhất, tác động lên tuần hoàn, tim và tác động mềm dẻo lên cấu trúc cột sống.
3. Phương pháp ngăn ngừa gù cột sống
Gù cột sống không chỉ gặp ở người cao tuổi mà gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính. Gù cột sống ảnh hưởng rất lớn đến ngoại hình, khả năng sinh hoạt, chất lượng sống của người bệnh. Vấn đề điều trị gù cột sống khá phức tạp, do đó cần phòng ngừa trước khi tình trạng này xảy ra là rất cần thiết.
Gù cột sống có thể được phòng ngừa bằng một số biện pháp sinh hoạt hằng ngày:
Bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi.
Không tiếp xúc với khói thuốc, hạn chế bia rượu…
Điều chỉnh tư thế ngồi thẳng lưng khi học tập, làm việc.
Một số trường hợp có yếu tố nguy cơ cao nên được sử dụng nẹp giúp định hình cột sống, nhất là đối với trẻ em, thanh niên hay những người làm công việc văn phòng phải ngồi một chỗ trong thời gian dài.
Trẻ em nên tránh mang vác quá nặng (cặp sách) trong thời gian dài dẫn đến tác động xấu lên các cơ và dây chằng vùng lưng gây ra gù cột sống.
Tập các bài tập giúp tăng cường độ dẻo dai cho cột sống như: bơi lội, tập yoga, thể dục nhịp điệu…
Thoát vị đĩa đệm: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh
Trước đây, các bệnh lý của đĩa đệm, cột sống và nhất là thoát vị đĩa đệm hay gặp ở những người lớn tuổi, tuy nhiên hiện nay tỉ lệ trẻ hóa bệnh lý đĩa đệm tương đối phổ biến với độ tuổi từ 20 đến 30.
1. Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống. Về giải phẫu bệnh có sự đứt rách vòng sợi, về lâm sàng gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình.
Theo ghi nhận những bệnh nhân mắc thoát vị đĩa đệm do một trong những nguyên nhân sau đây:
Làm việc, vận động quá sức cơ thể. Vận động sai tư thế khiến đĩa đệm và cột sống bị ảnh hưởng xấu.
Tuổi tác được xem là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra thoát vị đĩa đệm. Khi cơ thể bị lão hóa, đĩa đệm và cột sống mất nhiều nước, thoái hóa xơ cứng và dễ bị tác động.
Gặp chấn thương ở lưng.
Mắc các bệnh bẩm sinh như gù lưng, thoái hóa cột sống...
Do di truyền.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý những yếu tố nguy cơ gây bệnh như:
Cân nặng cơ thể: Nếu cơ thể có số cân nặng quá lớn sẽ tạo thêm gánh nặng cho đĩa đệm cột sống, chủ yếu là vùng thắt lưng.
Nghề nghiệp: Những người làm công việc chân tay, khuân vác nặng hay sai tư thế đều có khả năng bị thoát vị đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi.
2. Biểu hiện thoát vị đĩa đệm
Bệnh thường xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức của cột sống, khi đó người bệnh thường có các biểu hiện như:
Đau nhức ở tay và chân: Người bệnh thường gặp những cơn đau bất chợt ở vị trí cổ, thắt lưng, vai... Cơn đau có thể diễn ra âm ỉ trong khoảng vài ngày, vài tuần hoặc dài hơn. Sau đó người bệnh cảm thấy đau dữ dội hơn khi đi lại, làm việc.
Chứng tê bì tay chân: Khi nhân nhầy trong đĩa đệm rơi ra ngoài gây chèn ép lên rễ dây thần kinh khiến cơ thể đau nhức. Khi bị ở cột sống cổ sẽ gây đau và tê bì lan xuống cánh tay, bàn ngón tay. Nếu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thì lan xuống vùng mông, đùi, bẹn và chân... Bệnh nhân có thể bị rối loạn cảm giác, luôn cảm thấy có kiến bò trên người.
Yếu cơ, bại liệt: Triệu chứng này sau thời gian dài mới nhận ra được, khi bệnh đã vào giai đoạn nặng. Lúc này bệnh nhân gặp khó khăn trong việc di chuyển, lao động, khiến chân bị teo cơ, thậm chí là liệt chi phải dùng xe lăn.
Ngay khi quan sát và nhận thấy những triệu chứng sau đây thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh:
Đau, tê bì các cơ với mức độ ngày càng nặng gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Bị són hoặc bí tiểu.
Bị mất cảm giác ở các vị trí như bắp đùi trong, quanh hậu môn...
3. Bệnh thoát vị đĩa đệm có lây không?
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy trong đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu, chèn ép lên dây chằng và hệ thần kinh liên quan. Nguyên nhân là do quá trình lão hóa, hoạt động sai tư thế, tai nạn lao động... nên không phải là bệnh lây nhiễm.
Thoát vị đĩa đệm thường xuất hiện sau một chấn thương hay gắng sức của cột sống.
4. Cách phòng thoát vị đĩa đệm
Thông thường khó có thể phòng ngừa để hoàn toàn không bao giờ bị thoát vị đĩa đệm, tuy nhiên có một số việc chúng ta có thể làm để giảm thiểu nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm:
Sử dụng những kỹ thuật phù hợp khi nâng các vật nặng. Không được khom lưng. Hãy hạ thấp cơ thể bằng cách gập nhẹ gối, trong khi vẫn cố gắng giữ thẳng lưng và sử dụng sức mạnh của các cơ vùng chân để chịu lực.
Duy trì cân nặng hợp lý, quá cân sẽ làm gia tăng sức ép lên các đốt sống và đĩa đệm vùng thắt lưng.
Tập luyện các tư thế làm việc đúng khi đi, đứng, ngồi, nằm. Ví dụ như giữ lưng thẳng, không cúi cổ nhiều khi đứng, ngồi, khi ngồi gối gập một góc 90 độ với lòng bàn chân phải tiếp xúc được toàn bộ trên mặt đất, hạn chế đứng hoặc ngồi liên tục quá lâu, khi ngủ không nằm võng hay nằm nệm lún.
Tập các động tác căng dãn lưng nhẹ nhàng khi ngồi thời gian dài.
Không nên mang giày cao gót.
Tập thể dục thường xuyên để duy trì độ dẻo dai của cột sống, nâng cao sức mạnh các cơ vùng lưng, vùng bụng và chân.
Không hút thuốc.
Chế độ ăn dinh dưỡng đủ chất, hạn chế nguy cơ bị loãng xương.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, hoặc đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng bất thường như đau, tê vùng mông, đùi, chân, đi tiểu khó hoặc tay chân đột ngột yếu đi...
5. Cách điều trị thoát vị đĩa đệm
Điều trị nội khoa được chỉ định cho những trường hợp mới bị thoát vị đĩa đệm mức độ nhẹ mới xuất hiện mà không có các dấu hiệu nguy hiểm cũng như không cần phải phẫu thuật khẩn cấp.
Nghỉ ngơi, hạn chế làm việc nặng, ngồi lâu, khom người, cúi cổ hoặc vặn cổ, vặn lưng quá mức.
Tập luyện các bài tập thể dục để tăng cường độ dẻo dai và sức mạnh của các khối cơ cạnh cột sống.
Vật lý trị liệu, có thể kèm kéo nắn cột sống.
Dùng thuốc để giảm đau giảm tê.
Các thủ thuật điều trị có thể ứng dụng để làm giảm đau:
Nếu điều trị đúng chỉ định và đúng phương pháp thì tỉ lệ thành công tới 95%. Với mục đích là giảm đau, hết dị cảm, phục hồi chức năng vận động và tạo điều kiện cho phần đĩa đệm bị thoát vị co bớt lại, làm giảm chèn ép thần kinh.
Điều trị thông thường qua từng giai đoạn bệnh:
- Giai đoạn 1: Giảm đau kết hợp chống viêm non-steroid, thuốc chống co cứng cơ hoặc corticoid đường uống.
- Giai đoạn 2: Tiêm ngoài màng cứng, tiêm quanh rễ thần kinh và các biện pháp khác (vật lý trị liệu, xoa bóp, kéo giãn cột sống, đai lưng...).
Trong một số trường hợp có thể sử dụng thủ thuật phong bế rễ thần kinh chọn lọc hay tiêm ngoài màng cứng (thường dùng Hydrocortisol) để làm giảm đau thần kinh bị chèn ép. Thủ thuật này được thực hiện trong phòng mổ, sử dụng màng tăng sáng. Mỗi lần thực hiện có thể có hiệu quả trong 3 - 4 tháng.
Khi triệu chứng đau cấp cải thiện, cần tập chương trình phục hồi để dự phòng các tổn thương về sau. Bao gồm các bài tập để điều chỉnh tư thế, làm khỏe các cơ nâng đỡ cho lưng và cải thiện tính mềm dẻo uyển chuyển. Có thể kết hợp với các phương pháp đông y như châm cứu, bấm huyệt...
Điều trị phẫu thuật cần được chỉ định khi thoát vị đĩa đệm nặng gây ra các vấn đề như rối loạn chức năng đi tiểu, yếu chân, mất cảm giác chân, khi bị đau dữ dội mà người bệnh không muốn điều trị bằng phương pháp nội khoa, hoặc các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả. Tùy trường hợp cụ thể, người bệnh có thể lựa chọn phương pháp tối ưu tùy theo tính chất tổn thương và chi phí kinh tế.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh vôi hóa cột sống Vôi hóa cột sống là bệnh lý thuộc nhóm thoái hóa cột sống gây cảm giác khó chịu, đau đớn vùng cột sống cổ và lưng. Ngoài các nguyên nhân liên quan đến lão hóa, sinh hoạt, vận động thì dinh dưỡng kém cũng là yếu tố góp phần phát sinh và làm nặng thêm tình trạng tổn thương cột sống. 1. Tầm...