Bún đỏ : món ăn bình dân của người Đắk Lắk
Bún đỏ của người dân ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk được dùng kèm với rau cần, giá và một số phụ gia như tóp mỡ rán giòn và trứng cút luộc.
Bún đỏ là món ăn bình dân của người Đắk Lắk mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên. Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ với bún riêu hay món canh bún ở các nơi.
Tuy nhiên khác với các loại này, bún đỏ giản dị với nguyên liệu gồm bún sợi lớn, chả viên và trứng chim cút luộc. Để tạo nên màu đẹp mắt, người ta dùng một nồi nước pha hạt điều rồi trụng (chần) bún khoảng vài phút là có sắc đỏ tự nhiên rất đẹp.
Nhưng để làm nên bát bún đỏ ngon trứ danh phải kể đến nước dùng. Xương lợn được ninh nhừ rồi đun cùng nước cua tạo thành thứ nước dùng ngọt, thanh mát và đậm đà.
Nếu có dịp đến Buôn Ma Thuột, ngoài đến Buôn Đôn cưỡi voi và xem ngôi nhà cổ 120 tuổi, dò lang Sêrêpôk, bạn chớ quên thưởng thức món bún đỏ nức tiếng. Ảnh: iviet.
Video đang HOT
Ngoài ra, thịt ba rọi được xay nhuyễn, trộn cùng hành khô băm, tiêu rồi nắm thành từng viên nhỏ làm chả, đun cùng nước cua cho đến khi chín mềm, ngấm gia vị
Bát bún đỏ qua bàn tay khéo léo của người chế biến trở nên hấp dẫn với những sợi bún mềm, dai, màu nâu của riêu cua, màu hồng của những viên chả, màu trắng nõn nà của trứng chim cút… Một số quán tùy theo sở thích của khách mà cho thêm giá đỗ hay rau cải ngọt và rưới bên trên lớp hành phi thơm cùng tóp mỡ.
Người ta thường bán bún đỏ vào buổi chiều cho tới khuya. Giữa không gian phố núi lành lạnh, thưởng thức món bún đỏ nóng hổi, vị ngọt thơm của thịt, nước cua, trứng cút… cứ bịn rịn nơi đầu lưỡi.
Bạn dễ dàng tìm thấy món bún đỏ ở các cửa tiệm trong chợ hoặc chiếc xe đẩy giản đơn, nhưng ở đường Phan Đình Giót có nhiều quán hơn cả, với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng một bát.
Theo Internet
Thưởng thức món bánh trôi tàu ấm áp trong ngày đông Hà Nội
Đây là một món ăn bình dân nhưng đông khách mỗi dịp Hà Nội chớm đông. Những viên bánh nhân đậu xanh, nhân vừng đen; một tròn xoe, một thuôn dài, chan lên là nước đường thơm nức mùi gừng, cay cay nồng ấm, khiến ai cũng khó lòng chối từ.
Cái thú ngồi co ro trong một góc phố nhỏ, trên tay cầm bát bánh trôi tàu nóng hổi, thơm ngậy đã theo cùng văn hóa ẩm thực của người Hà thành bao năm nay. Tuy đây không phải món ăn truyền thống thuần Việt, nhưng lại có sự hấp dẫn và gắn bó lạ kì, khiến ai cũng muốn nếm thử khi tới Hà Nội mùa đông.
Trong văn hóa ẩm thực của người Việt, bánh trôi có 2 loại. Mỗi dịp Tết Hàn thực, ngày 3-3 âm lịch hằng năm, người Việt ta thường có tục lệ dâng lên tổ tiên món bánh trôi, bánh chay. Bánh trôi của người Việt là bánh trôi được nhào nặn vói nhân đường, mật mía, nấu trong nước rồi vớt ra, để nguội, ăn khô. Ở trong nhân bánh trôi tàu có phần cầu kì hơn, được ăn với nước đường bỏ thêm chút gừng và cốt dừa, điểm xuyết thêm vài hạt lạc cùng dừa nạo béo ngậy.
Ở Hà Nội, thật không thiếu những quán bánh trôi tàu ngon, nó được bán ở bất cứ đâu, đặc biệt khi thời tiết Hà Nội đã chớm lạnh. Từ những quán ven đường, len lỏi sâu vào trong ngõ ngách, ở trong những con phố cổ Hà Nội hay ở trong những nhà hàng sang trọng, món ăn này vẫn giữ nguyên được hương vị ngọt ngào, ấm áp vốn có. Nhưng đối với người Hà Nội sành ăn, muốn ăn bánh trôi tàu họ thích tìm tới những quán lâu đời, dù phải mất công mò tận sâu vào ngõ ngách phố cổ, để người ta thưởng thức được trọn vẹn cái hương vị tinh tế của món ăn.
Dường như ở Hà Nội, món ăn ngon không chỉ nằm ở chất lượng, hương vị, mà nó còn nằm ở cái thú ngồi miên man trên vỉa hè, đường phố, nhìn người ta trực tiếp nhào nặn bánh, nhìn dòng người qua lại, phảng phất cái màu buồn xam xám của ngày đông. Với người Tràng An, dường như phải thế thì hương vị của món ăn mới cuốn quyện với cảnh vật hữu tình, vì thế mới càng trở nên tinh tế, hoàn hảo.
Nói tới nguyên liệu làm ra món bánh tinh tế này, thì kì thực lại đơn giản và dễ chuẩn bị vô cùng, chỉ gồm có: gạo nếp, đỗ xanh, vừng đen, gừng già, đường. Một bát bánh trôi tàu thường có 2 viên, viên bánh tròn là nhân đậu xanh, viên bánh dài là nhân vừng đen; một tròn xoe, một bầu dục, chan lên là nước đường thơm nức mùi gừng, cay cay nồng ấm.
Những thực khách sành ăn đều cho rằng, điều làm nên cốt lõi của bát bánh trôi tàu ngon không nằm nhiều ở nhân bánh, mà được chú trọng vào nước đường, quyện trong gừng cay. Muốn ngon, nước này phải được giữ sôi liu riu trên bếp than, đến khi sệt lại một mức vừa phải, không quá đặc, không quá loãng, không có vị ngọt sắc, nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị đậm đà. Màu nước phải là màu sánh vàng, nâu nâu của mật ong, ngửi thôi đã thấy hơi cay của gừng, mới là đạt đúng tiêu chuẩn. Nhưng tùy quán lại có những độ ngọt, nhạt khác nhau. Tùy theo khẩu vị của từng thực khách để lựa chọn điểm đến. Nhưng có điều, nếu nước đường bị làm ngọt quá sẽ vô tình làm mất đi sự tinh tế, thanh thoát của món ăn này.
Trước đây, khi quán bánh trôi tàu của nghệ sĩ Phạm Bằng còn mở, đây là một điểm đến tấp nập của người dân Hà thành, nhiều người vẫn luôn coi quán bánh trôi tàu nhỏ xinh trong một góc phố Hàng Giầy của bác Phạm Bằng là nơi chốn hẹn hò quen thuộc mỗi khi đông về. Mọi người đến vì tò mò muốn gặp người nghệ sĩ già nổi tiếng cũng có hay chỉ đơn giản, người ta tìm đến đây vì muốn thưởng thức món bánh trôi tàu nóng hổi, cảm nhận vị ấm trong lòng bàn tay, trên đầu lưỡi tê tê vị cay nồng của gừng. Bánh trôi tàu Phạm Bằng, không chỉ nổi tiếng với món bánh trôi mà còn hai món chè: lục tàu xá (đậu xanh), chí mà phù (vừng đen) cũng làm biết bao người ấn tượng. Đây từng là một địa chỉ "chuẩn" nhất mỗi khi người dân Hà thành thèm ăn bánh trôi tàu, nó còn là điểm đến hấp dẫn rất nhiều khách du lịch muốn trải nghiệm ẩm thực phố cổ Hà Nội.
Nói vậy, nhưng ở Hà Nội, vẫn còn rất nhiều những địa chỉ khác nên thử, vì xét về độ thơm ngon, có lẽ cũng không kém bánh trôi tàu Phạm Bằng là bao. Bà chủ hàng bánh trôi tàu trên phố Hàng Điếu bật mí: "Những thứ được cho thêm lên trên lớp bánh như nước cốt dừa, lạc rang, vừng,... cũng đều phải làm rất tỉ mỉ, bỏ sao cho vừa phải, hay ninh trong bao lâu. Để cho ra hương vị hoàn hảo của món bánh trôi tàu quả thực cần phải rất dụng tâm vào món ăn, chứ không hề đơn giản".
Cách ăn bánh trôi tàu cũng nói lên cái tinh tế, thanh thoát của nó, đây là món ăn để nhẩn nha, miên man trong một chiều chậm rãi, vậy nên hãy ăn thật từ tốn để cảm nhận được cái bùi, cái ngọt lành của đỗ xanh, vừng đen, của dừa xào... Bưng bát bánh trên tay, các thực khách nên thưởng thức nước dùng đầu tiên để cảm nhận được hương vị chung làm nên "linh hồn" của bát bánh, nó sẽ làm tê tê đầu lưỡi, lưu luyến giữ lại hương vị trong miệng cho tới khi thực khách ăn tới miếng bánh tan chảy cuối cùng.
Một thức quà tinh tế đến vậy nhưng chỉ có giá từ 12.000 - 20.000 đồng/bát, lại làm nổi bật lên văn hóa ẩm thực lâu đời của người Tràng An và khiến người ta say đắm mùa đông Hà Nội hơn biết mấy.
Theo HNM
Bún đỏ - Món ăn dân dã bên dòng Sêrêpôk Đắk Lắk Bún đỏ của người dân ở Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk được ăn kèm với rau cần, giá và một số phụ gia như tóp mỡ rán giòn và trứng cút luộc. Bún đỏ là món ăn bình dân của người Đắk Lắk mang đậm hương vị núi rừng Tây Nguyên. Thoạt nhìn nhiều người sẽ lầm tưởng món bún đỏ với bún...