Bệnh viện quận ở Sài Gòn thử nghiệm xe cấp cứu 2 bánh
Hai chiếc xe máy trang bị phương tiện sơ cấp cứu, hoạt động thử nghiệm tại Bệnh viện Quận 2 từ ngày 30/1.
Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, cho biết quận cửa ngõ phía đông TP HCM thường xuyên ách tắc giao thông. Nhiều tuyến đường đang trong quá trình cải tạo, sửa chữa, một số trường hợp ôtô cứu thương khó tiếp cận nhanh đến người bệnh.
Theo bác sĩ Khanh, xe cấp cứu hai bánh trang bị những phương tiện sơ cứu cơ bản, đến hiện trường nhanh chóng khi ôtô cứu thương chưa tiếp cận được.
Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM (ở giữa) kiểm tra những phương tiện trên xe cứu thương. Ảnh: Lê Phương.
Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM chia sẻ đây là trạm cấp cứu vệ tinh thứ hai được ngành y tế thành phố chọn để thử nghiệm loại hình xe cấp cứu hai bánh.
Thử nghiệm đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn hiện có hiệu quả tốt, đặc biệt với trường hợp cần cấp cứu trong các hẻm sâu, khó tiếp cận.
Theo ông Thượng, sau 3 tháng, thành phố sẽ sơ kết đánh giá, kết thúc giai đoạn thử nghiệm xe máy cấp cứu. Mô hình sẽ được hoàn thiện, chuẩn hóa quy trình để nhân rộng ở nhiều trạm vệ tinh, dưới sự điều phối của Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố TP HCM.
Video đang HOT
Hai chiếc xe máy trang bị phương tiện sơ cấp cứu, hoạt động thử nghiệm tại Bệnh viện Quận 2. Ảnh: Lê Phương.
Điều cần thiết trong cấp cứu là tiếp cận người bệnh nhanh nhất để kịp xử lý trong thời gian vàng. Xe cứu thương hai bánh được kỳ vọng giúp tăng hiệu quả cấp cứu trong bối cảnh giao thông ùn tắc, nhiều hẻm nhỏ… mà xe cứu thương 4 bánh không thể tiếp cận nhanh. Sau khi sơ cứu, xử trí ban đầu nếu bệnh nhân ổn thì không cần đưa đến viện. Trường hợp bệnh nhân phải vào viện thì xe cứu thương đến đưa đi.
Mô hình cấp cứu môtô hai bánh đã được nhiều nước triển khai thành công. Người cần cấp cứu không chỉ bệnh nhân nặng, chấn thương, tai nạn nghiêm trọng mà cả những trường hợp nội khoa như mệt, khó thở cần bác sĩ đến kịp thời.
Lê Phương
Theo VNE
Xe hai bánh cấp cứu nhiều ca bệnh nguy kịch
Loại hình xe cấp cứu hai bánh để bác sĩ tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất là một trong 10 hoạt động nổi bật của ngành y tế TP.HCM năm 2018.
Hôm nay (30-1), Trạm vệ tinh 115 Bệnh viện (BV) quận 2, TP.HCM ra mắt loại hình xe cấp cứu hai bánh. Đây là trạm vệ tinh thứ hai (sau trạm vệ tinh 115 BV đa khoa Sài Gòn) sử dụng xe hai bánh để đến hiện trường cấp cứu trên địa bàn TP.HCM.
Cứu nhiều ca nguy kịch
"Thực tế cho thấy xe cấp cứu hai bánh đã kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân nguy kịch" - BS Trần Điền Tú, phụ trách Trạm cấp cứu vệ tinh 115 BV đa khoa Sài Gòn, nêu quan điểm.
Mới đây, bà LTC (90 tuổi, ở quận 3) bất ngờ rơi vào tình trạng khó thở, huyết áp cao nên người nhà gọi tới khoa Cấp cứu BV đa khoa Sài Gòn. Nhận định bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, cần được cấp cứu nhanh nên BS Trần Điền Tú cùng điều dưỡng Chương Quang Đạt điều khiển xe hai bánh tới nhà bà C.
Chỉ năm phút sau, tổ cấp cứu có mặt. Lúc này bà C. đang vật vã, khó thở, huyết áp quá cao. Chẩn đoán bà C. bị phù phổi cấp, BS Tú cùng điều dưỡng Đạt nhanh chóng truyền dịch và tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch. Chưa đầy bảy phút sau, bà C. thở được, huyết áp ổn định. Lúc này BS Tú mới gọi xe cứu thương tới nhà và đưa bà C. tới BV tiếp tục chăm sóc.
Trước đó không lâu, người nhà chị NAN (30 tuổi, ở quận 1) gọi đến khoa Cấp cứu BV đa khoa Sài Gòn. Người nhà cho biết sau khi uống thuốc cảm, chị N. bị đau bụng, tiêu chảy, chóng mặt, mệt mỏi, nổi mẩn ngứa, huyết áp tụt.
Nhận định chị N. có thể bị sốc phản vệ do dị ứng thuốc, BS Dương Tú Nguyên cùng một điều dưỡng lên xe máy chạy tới nhà bệnh nhân và có mặt không đầy năm phút sau. Quả thật, kết quả chẩn đoán cho thấy chị N. bị dị ứng thuốc nên rơi vào tình trạng sốc phản vệ độ 3 (nặng). Ngay lập tức, BS Nguyên cùng điều dưỡng truyền dịch và cho chị N. uống thuốc chống dị ứng. Lát sau huyết áp chị N. trở lại bình thường, sức khỏe ổn định và được chuyển tới BV điều trị tiếp.
Xe cấp cứu hai bánh tiếp cận bệnh nhân rất nhanh. Ảnh: TRẦN NGỌC
Bệnh nhân hài lòng
"Hoạt động từ tháng 11-2018, đến nay xe cấp cứu hai bánh của BV đa khoa Sài Gòn đã "xuất" 70 lượt, chiếm 30% tổng số trường hợp cấp cứu ngoại viện (210 ca). Trong đó, nhiều trường hợp nguy kịch được cứu sống" - BS Tú nói.
Theo BS Tú, xe hai bánh tận dụng được thời gian vàng trong quá trình cấp cứu, đáp ứng được tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM nên dần tạo niềm tin cho bệnh nhân.
Trong những ngày Tết, xe cấp cứu hai bánh tại BV đa khoa Sài Gòn và BV quận 2 liên tục hoạt động để phục vụ công tác cấp cứu tại nhà bệnh nhân và hiện trường tai nạn.
Tại BV đa khoa Sài Gòn, gia đình bệnh nhân có nhu cầu thì liên hệ qua số điện thoại 0283.9142704 hoặc 0919.965.125. Riêng BV quận 2, liên hệ qua số điện thoại 0912.440.115.
"Chưa hết, nhiều bệnh nhân bị băng bó, bị khâu vết thương... nên ngại đến BV vì đường xa, chờ đợi. Do vậy, không ít người rơi vào hoàn cảnh trên nếu muốn tổ cấp cứu sử dụng xe hai bánh tới nhà thay băng, cắt chỉ cũng sẽ được phục vụ" - BS Tú nói thêm.
BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, cho biết trên địa bàn quận 2 và khu vực lân cận cũng thường kẹt xe, ảnh hưởng đến hoạt động cấp cứu nếu sử dụng xe cứu thương.
"Chưa hết, nhiều nhà trong hẻm nhỏ nên xe cứu thương không thể vào được. Vì vậy, sử dụng xe hai bánh tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất để kịp thời cấp cứu là hoạt động hết sức cần thiết. Do đó, Trạm cấp cứu vệ tinh 115 BV quận 2 đưa vào sử dụng xe cấp cứu hai bánh từ ngày 30-1" - BS Khanh nhận định.
PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận: "Không ít trường hợp xe cấp cứu hai bánh đến nhà bệnh nhân kịp thời. Ngoài ra, nhiều trường hợp người bệnh còn được bác sĩ đi xe cấp cứu hai bánh tới nhà để sơ cứu, kê đơn và tư vấn mà không cần sự hỗ trợ của xe cứu thương".
Theo ông Thượng, có những trường hợp tai nạn giao thông và các bệnh lý cần phải nhập viện khẩn cấp. Khi đó, bác sĩ đi xe cấp cứu hai bánh đến trước để kịp thời sơ cứu trong khi chờ xe cứu thương để chuyển bệnh nhân đến BV điều trị.
"Sau khi trải nghiệm, nhiều người rất hài lòng với loại hình xe cấp cứu hai bánh vì thời gian bác sĩ tiếp cận bệnh nhân chỉ mất từ ba phút đến năm phút" - ông Thượng nói.
TRẦN NGỌC
Theo plo.vn
Cấp cứu cơ động bằng... xe máy Gần đây, Sở Y tế TP HCM đã thử nghiệm mô hình cấp cứu cơ động bằng xe gắn máy tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (quận 1, TP HCM). Mô hình này giúp hoạt động cấp cứu ngoại viện hiệu quả hơn trong điều kiện giao thông thường xuyên ách tắc hiện nay. Nhiều năm qua, cụ Tám (82 tuổi, ngụ...