Bệnh tay chân miệng: 25% tử vong do chẩn đoán sai
Trước thực tế số ca tử vong do tay chân miệng (TCM) chỉ trong 3 tháng đã lên đến 16 trường hợp và số ca mắc bệnh gần 22.000, sáng 5/4, Bộ Y tế đã tổ chức họp với các địa phương trên cả nước để tìm cách “hãm” tử vong do TCM.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân các ca TCM biến chứng tử vong bên cạnh việc phát hiện trễ còn phải nói đến… lỗi của ngành y tế.
Cực kỳ nguy hiểm
Theo TS Nguyễn Văn Bình, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến thời điểm này, người dân vẫn tưởng tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm thông thường và chủ quan. Tuy nhiên, nếu dựa trên số ca mắc do TCM từ đầu năm đến nay trên cả nước đã lên đến con số gần 22.000 và phủ rộng trên toàn lãnh thổ VN đã cho thấy, dịch bệnh TCM cực kỳ nguy hiểm.
Trong số đó, các tỉnh, thành có tỉ lệ mắc/100.000 dân cao nhất của cả nước là: Hải Phòng (110,8), Lào Cai (82,5), Đà Nẵng (60,7), Đồng Tháp (60,3), Vĩnh Phúc (57,4), Bình Định (46,5), Bà Rịa – Vũng Tàu (46), Khánh Hòa (45,2)… Khu vực Nam Bộ ghi nhận số trường hợp tử vong cao nhất là 13 ca chiếm 81,3% số tử vong của cả nước. Trong đó, địa phương có nhiều ca tử vong là: An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, TPHCM, Cần Thơ…
Nhiều bệnh nhân mắc tay chân miệng bị tuyến dưới chẩn đoán sai. Ảnh:?V.T
Mặc dù đã được tập huấn theo phác đồ điều trị mới và đã được các BV tuyến trên chuyển giao kỹ thuật, tuy nhiên… theo nhận định của Cục Quản lý khám, chữa bệnh thì tỉ lệ tử vong do mắc TCM trong 3 tháng đầu năm tại VN vẫn rất cao, 81,2% số ca tử vong nằm ở các BV tuyến tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, năm ngoái, sau khi xây dựng phác đồ điều trị TCM thì số ca tử vong giảm hơn một nửa. Đây là một bệnh đặc biệt xảy ra ở trẻ nhỏ, 80% ca mắc là ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh thường diễn tiến rất nhanh nên khâu theo dõi bệnh là rất quan trọng. Cần lưu ý rằng, các khâu sai sót trong điều trị chính là năng lực của điều dưỡng. Lâu nay, việc điều trị TCM và các phác đồ mới chỉ tập huấn cho các BS nhưng lại quên rằng, vai trò của điều dưỡng trong điều trị bệnh này rất lớn. Một êkíp trực phải đảm bảo có 1 BS và 3 điều dưỡng. Đó là chưa kể đến việc bàn giao ca trực, nhiều trường hợp tử vong trong thời gian bàn giao ca trực và việc nắm bệnh của ca mới chưa kỹ.
Video đang HOT
Tử vong oan do chẩn đoán sai
Dẫn chứng về điều này, BS Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Hồi sức cấp cứu BV Nhi Đồng 1 cho biết: Qua hồi cứu trên 141 hồ sơ bệnh án bệnh nhi tử vong do TCM năm 2011 và 12 hồ sơ bệnh nhi tử vong của 3 tháng năm 2012 cho thấy, 40/153 (26,1%) tử vong do chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như: Sốt xuất huyết, viêm phổi, hen suyễn, viêm màng não, viêm ruột, sốc nhiễm trùng, tuyến thượng thận… Thậm chí, 1/3 bệnh nhân chuyển viện không an toàn và có 2 trường hợp tử vong ngay trên đường đi.
Điều trị cho trẻ bị tay chân miệng tại BV Nhi Đồng 1, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: V.T
Cụ thể, có trường hợp bệnh nhi N bị TCM được BV địa phương chuyển đến BV Nhi Đồng 1 và trong hồ sơ bệnh án ngay từ tuyến dưới đã chẩn đoán nhầm sang nhiễm trùng đường ruột bởi trẻ có biểu hiện nôn ói rất nhiều. Do không được chẩn đoán đúng bệnh và không được điều trị sớm, bệnh nhi bị sốc nặng và sau đó dẫn đến tử vong.
Không những sai về chẩn đoán phát hiện bệnh, 3,9% ca tử vong đã được BV tuyến dưới phân độ bệnh TCM sai ngay từ lúc nhập viện. Ngoài ra, các nguyên nhân gây tử vong trong quá trình điều trị còn phải kể đến do các nhân viên y tế đặt nội khí quản giúp bệnh nhân thở quá trễ, hồi sức sai, sử dụng thuốc vận mạch không đúng, vẫn còn sử dụng dopanine hoặc có chỉ định milrinone nhưng không dùng, sử dụng gammaglobuline trễ…
Để giảm thiểu tử vong do TCM, Bộ Y tế cũng chỉ đạo 5 đơn vị (2 đơn vị ở miền Bắc và 3 đơn vị ở TPHCM) làm nhiệm vụ tập huấn cho các BS điều dưỡng nhi khoa ở tất cả các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh có tỉ lệ bệnh nhi tử vong cao. Bộ Y tế cũng đã làm việc với bảo hiểm y tế để thanh toán các chi phí điều trị đối với bệnh này.
Nhận định của Cục Y tế dự phòng, trong năm 2012, bệnh TCM diễn biến rất phức tạp trên diện rộng với số ca mắc cao do: Tỉ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao tới 71%, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần, tỉ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Bên cạnh đó, sự lưu hành của týp virus EV 71 cao nên có nguy cơ diễn biến bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ gây tử vong.
Theo Võ Tuấn
Lao động
Phòng chống tay-chân-miệng: Y tế "đánh xuôi", giáo dục "thổi ngược"
Trong khi ngành Y tế ra sức tuyên truyền vận động cộng đồng tham gia phòng chống dịch tay chân miệng mỗi ngày một "nóng" thì nhiều trường mầm non trên địa bàn thành phố đang thực hiện theo kiểu đối phó thậm chí giấu ca bệnh không báo cáo.
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã có 1.836 trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) trong đó có 2 ca tử vong. Hiện loại bệnh này đã xuất hiện ở gần 70% phường xã, tập trung chủ yếu tại các quận huyện vùng ven như Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12... Tuy nhiên, những con số nói trên mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm bởi số ca mắc bệnh không được đưa đến bệnh viện hoặc chưa được khai báo, thống kê còn nhiều trong cộng đồng.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế cho biết: "Bệnh TCM đang tấn công chủ yếu vào đối tượng trẻ dưới 5 tuổi, trong đó số trẻ đi học mắc bệnh có xu hướng tăng cao. Đây là điều đáng cảnh báo bởi nếu không ngăn chặn được nguồn lây bệnh thì số ca mắc TCM sẽ tăng theo cấp số nhân" nhưng trên thực tế việc phòng chống, giám sát bệnh TCM của ngành giáo dục mầm non đang mang tính đối phó.
Tại buổi làm việc giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục trong công tác phòng chống bệnh TCM (ngày 4/4), nhiều hạn chế đã được vạch ra. Cụ thể, trong thời gian từ ngày 10/2 - 23/3 Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã tiến hành kiểm tra, giám sát bệnh TCM tại 10 trường mầm non trên địa bàn, đã phát hiện 41 trường hợp trẻ mắc bệnh tại 16 lớp học, nhiều trường có "chùm bệnh" như trường mầm non 19/5 (quận 7) có 5 ca bệnh trong 4 lớp trường mầm non Bông Sen (Q. 8) có 5 ca bệnh trong 3 lớp mầm non Sơn Ca (quận 5) có 5 ca bệnh trong một lớp...
Khảo sát về kiến thức phòng chống bệnh tay chân miệng trên Dantri.com.vn cho thấy, sự hiểu biết về bệnh này khá tốt. Cụ thể:
- 75% (33.510 vote) tin rằng rửa tay và khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi sạch sẽ sẽ giúp phòng bệnh.
- 8% (3.700 vote) cho rằng nên cho trẻ hạn chế tiếp xúc với nhau để ngăn ngừa sự lây lan bệnh tay chân miệng trong cộng đồng.
- 17% cho rằng chẳng có cách nào thực sự hiệu quả.
Công tác phòng chống dịch càng trở nên khó khăn khi nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp không nắm được cách phòng bệnh. Biện minh cho vấn đề này, nhiều trường lấy lý do giáo viên được tập huấn đã lâu nên quên, hoặc giáo viên mới nhận về trường nên chưa qua tập huấn. Trong khi ngành Y tế "bỏng cổ" kêu gọi tăng cường rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh khử khuẩn hàng ngày nơi các bé học tập và vui chơi thì nhiều trường "bỏ ngoài tai" với lý do thiếu hóa chất khử khuẩn hoặc "xà phòng rửa tay bị đánh cắp"...
Nhưng nguy hiểm hơn cả là hiện tượng các trường giấu ca bệnh không báo cáo cho ngành y tế để khoanh vùng xử lý dịch. Phân tích của bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, chỉ ra: "Nếu báo cáo ca bệnh, nhà trường sẽ buộc phải đóng cửa lớp học để xử lý dịch, vấn đề này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy và học của nhà trường, chưa kể đến tâm lý hoang mang của phụ huynh và học sinh".
Thiếu đồng bộ trong công tác phòng chống khiến bệnh TCM khó kiểm soát
Nhiều khó khăn khác nhà trường đang phải đối mặt đó là tình trạng học sinh mắc bệnh nhưng vẫn được phụ huynh đưa đến trường vì nhiều lý do khác nhau như "con tôi không mắc bệnh TCM", "Bệnh nhẹ không sao"... hoặc không báo cáo mà vẫn âm thầm gửi con để đi làm. Trong khi đó, nhiều giáo viên không nhận biết được những biểu hiện của bệnh khiến nguy cơ lây nhiễm TCM trong môi trường học đường tăng cao.
Trước vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận 3, quận vừa có một trẻ tử vong tại trường Mần non 9, cho biết: "Nhiệm vụ của ngành giáo dục là việc dạy và học, nhưng thời gian vừa qua chúng tôi đã phải gánh thêm cả việc phòng chống dịch bệnh. Giáo viên phải tăng ca để làm những công việc ngoài trách nhiệm của mình nhưng không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào, trong khi nhân viên ngành y tế tham gia phòng chống dịch thì lại được hưởng.... Việc thanh kiểm tra liên tục của ngành y tế sau khi có ca bệnh xảy ra trên địa bàn đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của giáo viên và học sinh".
Công tác phòng chống TCM của ngành Y tế đang vấp phải lực cản lớn khi đối mặt với những cuộc tranh luận nảy lửa của ngành giáo dục về vấn đề song song giữa "quyền lợi và nghĩa vụ". Trước vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế, đề nghị Trung tâm y tế, Phòng giáo dục tại các quận huyện cần sớm có đề xuất lên UBND các cấp để xin thêm kinh phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Xác định nguồn lây bệnh Tay chân miệng Số trẻ 3-5 tuổi đi học mắc bệnh tay chân miệng là 11,5% trong tổng số trẻ mắc bệnh. Ngoài ra, trong hai ca tử vong của TP.HCM từ đầu năm đến nay có một trẻ là học sinh một trường mầm non (Q.3). Tại TP.HCM, trong tháng 1 không có trường học nào có từ hai trẻ mắc bệnh tay chân miệng...