Bệnh còi xương ở trẻ em, những điều nên biết
Những năm gần đây bệnh còi xương ở trẻ em có xu hướng gia tăng. Theo thống kê, cứ 3 trẻ lại có 1 trẻ mắc bệnh còi xương. Sau đây là những điều cần biết về căn bệnh này.
Những điều nên biết về bệnh còi xương ở trẻ em
Độ tuổi dễ mắc bệnh còi xương
Độ tuổi dễ mắc còi xương ở trẻ thường xảy ra chủ yếu trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh làm cho xương mềm, xốp, đồng thời làm biến dạng xương ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Vì thế để tránh trẻ mắc bệnh còi xương ở trẻ em trong những năm đầu đời thì cha mẹ cần chú ý chăm sóc đúng cách.
Cách phát hiện trẻ bị còi xương
Các phụ huynh có thể phát hiện bệnh còi xương ở trẻ qua một số triệu chứng sau:
Giai đoạn ở thể nhẹ:
Ở giai đoạn này bệnh thường có biểu hiện ở mức độ nhẹ, thường khởi phát trong khoảng thời gian 6 tháng đầu đời của trẻ.
Các bậc cha mẹ nên chú ý chăm sóc trẻ cần thận hơn khi thấy trẻ có những biểu hiện như ngủ không ngon, đổ mồ hôi nhiều hoặc bị chứng rôm sảy…
Giai đoạn nặng:
Bệnh còi xương ở giai đoạn nặng, bạn sẽ thấy xương của trẻ mềm đến mức khi chạm vào có cảm giác như trẻ không có xương. Hình dáng đầu của trẻ cũng bị thay đổi, vùng đỉnh đầu và phía trước gần như nhô to hơn.
Từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 12 xuất hiện các nốt ở đầu xương sườn và biến dạng lồng ngực, ngực dô ức gà, xương sườn cong. Sau 1 tuổi, biến dạng sẽ ảnh hưởng lên chi khi trẻ em đã tập đi: cong xương chi dưới hình chữ O, chữ X, đầu gối vẹo ra ngoài.
Video đang HOT
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Giai đoạn mang thai và cho con bú
Người mẹ khi mang thai cần ăn uống đầy đủ, làm việc hợp lý, uống bổ sung viên sắt, canxi theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trẻ sau sinh 1 tháng cần được tắm nắng mỗi ngày 15 phút vào lúc mặt trời mọc (nên trước 9 giờ sáng) và ánh nắng phải chiếu trực tiếp trên bề mặt da. Cần bộc lộ da càng nhiều càng tốt để ánh nắng trực tiếp chiếu vào da thì sẽ tạo ra nhiều vitamin D. Sau khi ra nắng vài phút cho bé ấm người rồi mẹ nên cởi bớt nón, vớ, vén áo hoặc quần bé càng nhiều càng tốt.
Giai đoạn 3 năm đầu đời
Trong vòng 3 năm đầu đời, khoảng 70% trẻ em có thể thoát khỏi tình trạng còi xương nếu cha mẹ chăm sóc đúng cách. Thế nên các mẹ cần chú ý:
Đối với trẻ em, cho bú mẹ sớm ngay sau khi sinh và bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu.
Đến tuổi ăn dặm, cần cho trẻ ăn đầy đủ và cân đối 4 nhóm thức ăn là chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng. Khi trẻ ăn bổ sung: cho trẻ ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi như: sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh và dầu mỡ.
Vào mùa đông, bạn cần cho con uống một liều vitamin D3 để điều trị dự phòng trong suốt những năm đầu của trẻ.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh còi xương ở trẻ
Nguyên nhân còi xương là thiếu vitamin D. Việc thiếu chất này sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, dẫn tới hạ canxi máu, gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương. Vì vậy cách điều trị chủ yếu là uống chất này kết hợp bổ sung canxi. Việc bổ sung canxi có thể từ sữa và thực phầm mà trẻ dễ hấp thu. Thực phầm giàu canxi phải kể tới hải sản.
Phân biệt giữa còi cọc và còi xương
Trẻ còi cọc: Trẻ bị suy dinh dưỡng, có số đo về cân nặng và chiều cao đều thấp hơn trẻ bình thường, cũng có thể kèm còi xương hoặc không.
Bệnh còi xương: Có thể gặp ở cả những trẻ rất bụ bẫm, do nhu cầu về canxi, phốtpho cao hơn trẻ bình thường.
Cần phải làm gì khi trẻ bị còi xương
Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: khoảng 10-15 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ), để chân, tay, bụng, lưng trẻ tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng.
Cho trẻ uống vitamin D 4000 UI/ngày trong 4-8 tuần, trong trường hợp trẻ bị viêm phổi, tiêu chảy cần tăng liều 5000 – 10.000 UI/ngày trong 1 tháng.
Cho trẻ uống thêm các chế phẩm có canxi như: Canxi B1 – B2 – B6: 1-2 ống/ngày, trẻ lớn có thể ăn cốm canxi 1-2 thìa cà phê/ngày.
Chế độ ăn uống:
Cho trẻ bú mẹ.
Ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi: sữa, cua, tôm, cá trong các bữa ăn hàng ngày.
Cho dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ: Vì vitamin D là loại tan trong dầu, nếu cần cho trẻ ăn dầu mỡ để hấp thụ được vitamin D.
Khi thấy có những dấu hiệu của còi xương nên cho trẻ đi khám để thầy thuốc hướng dẫn và chỉ định cách điều trị cụ thể và tích cực hơn.
Theo vietnamnet
Cảnh báo trẻ còi xương từ trong bụng mẹ
Thiếu vitamin D khiến trẻ suy giảm hệ miễn dịch, còi xương, chậm vận động hay mới 16 tuổi đã loãng xương. Có bé còi xương từ trong bụng mẹ.
Trẻ quấy khóc vì thiếu vitamin D (Ảnh minh họa)
Còi xương từ trong bụng mẹ vì thiếu vitamin D
Ôm cậu con trai 2 tháng tuổi đi khám dinh dưỡng, chị Nguyễn Thanh L. (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: "Không hiểu lý do gì mà cháu hay quấy khóc, đêm ngủ thì vật vã, chốc lát đã tỉnh giấc. 2 tháng mà chỉ lên có 1kg nên gia đình lo lắng đành cho con đi khám dinh dưỡng xem sao". Sau khi khám, bác sĩ chẩn đoán con chị L. còi xương do thiếu vitamin D và tình trạng này từ khi còn trong bụng mẹ.
TS. BS. Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay: "Theo báo cáo đánh giá hàng năm, tỷ lệ còi xương vẫn cao khoảng 40% và lý do cha mẹ đưa con đến khám do xuất hiện các triệu chứng thiếu vitamin D như quấy khóc, vật vã, ngủ kém, rụng tóc, chậm vận động... thậm chí chiếm đến 60%".
BS. Nga cho biết đã gặp nhiều trường hợp còi xương từ trong bụng mẹ. Nguyên nhân là do thai phụ ra nắng bịt kín và trong quá trình mang thai tập trung bổ sung dưỡng chất nhưng lại bỏ quên bổ sung vitamin D nên trẻ thiếu vitamin D từ trong bụng mẹ. Do vậy, trẻ bị còi xương từ trong bào thai dẫn đến khi sinh ra đã bị còi xương. Vì thế, nhiều trẻ xương sọ bị mềm và mới đặt nằm đã bị bẹp (đầu như cá trê) gia đình cứ trách nhau là bắt con nằm nhiều mà không biết rằng thực ra những trẻ này bị còi xương quá sớm.
Hay có những trường hợp ra đời một thời gian gia đình không lưu ý lấy ánh nắng khiến cho trẻ thiếu vitamin D dẫn đến trẻ rối loạn dưỡng hóa xương và vừa kém hấp thụ canxi vừa thải canxi của xương do vậy càng làm thêm vấn đề trầm trọng của xương.
Thiếu vitamin D ở trẻ nhỏ dẫn đến còi xương, chậm phát triển, hệ lụy miễn dịch kém, dễ mắc các bệnh hô hấp. Tương tự, các bác sĩ Viện Dinh dưỡng cũng đã từng gặp các cháu 16, 17 tuổi đã mắc loãng xương nặng.
"Chúng tôi đã gặp nhiều trẻ đến khám bị còi xương trong một thời gian dài sau 1 tuổi bị biến dạng xương như bướu trán, gồ lên, lồng ngực gồ, chân vòng kiềng chậm biết đi...", BS. Nga cho biết.
Còn PGS., BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi cho biết: "Ở bệnh viện hơi khác một chút, trẻ đến viện khám vì một bệnh khác như chữa mãi về viêm phổi, hen không thuyên giảm, thì phát hiện trẻ đồng thời thiếu vitamin D. Trong bệnh hô hấp, nếu thiếu vitamin D trẻ dễ bị viêm phổi, viêm đường hô hấp, khó chữa bệnh hen".
Bổ sung vitamin D sao cho đúng?
TS. BS. Phan Bích Nga cho biết: "Vitamin D có vai trò với cơ thể không chỉ là vitamin thông thường mà thậm chí còn như một hormone. Nó không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xương, răng, tác động đến sự phát triển của cơ thể ở tuổi đang lớn mà còn với hệ miễn dịch. Ở trẻ hay bị viêm đường hô hấp (viêm phế quản) thì hàm lượng vitamin D thấp. Qua nghiên cứu, nếu bổ sung vitamin D với liều phòng và trong thời gian dài mấy năm tuổi thơ giúp cho khi trưởng thành sẽ giảm nguy cơ tỉ lệ mắc bệnh không chỉ ung thư, tim mạch".
Vitamin D có đặc điểm tan trong chất béo, trong dầu mỡ nên bao giờ cũng bổ sung trong chế độ ăn dầu mỡ. Vitamin D2 từ thực vật, D3 từ động vật và có tác dụng giống nhau.
Theo BS. Dũng, ở trẻ sơ sinh, vitamin D rất quan trọng. Trẻ sinh non do thiếu vitamin D từ trong bụng mẹ và khi ra đời cũng bị thiếu vitamin D nên cần bổ sung để phát triển. Trong 3 năm đầu trẻ cần lượng vitamin D nhiều hơn. Trẻ thiếu vitamin D gây thiếu canxi mà thiếu canxi cấp tính trong máu dễ gây co giật... Do đặc điểm Vitamin D chủ yếu lấy từ phơi nắng, còn nguồn thực phẩm tự nhiên thấp. Ví như trong 100ml sữa chỉ có 30-50 đơn vị. Trong đó, liều khuyến nghị cho trẻ dưới 1 tuổi để phòng còi xương là 400 đơn vị (UI). Như vậy, một ngày trẻ phải dùng tối thiểu 400ml sữa, nhưng với điều kiện hàm lượng sữa mẹ phải đủ vitamin D. Tuy nhiên, hiện tỉ lệ hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ ở nước ta thường rất thấp...
Ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, khuyến nghị theo Tổ chức Y tế thế giới với liều dự phòng 400 UI vitamin D/ngày an toàn; Trẻ trên 1 tuổi là 600UI vitamin D/ngày. Liều này có thể áp dụng cho trẻ đến tuổi trưởng thành. Còn từ 50 tuổi trở lên có thể 800 UI/ngày đến không quá 1.000 UI, nếu liều cao có thể ngộ độc.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của BS. Dũng, việc bổ sung vitamin D cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi nếu dùng hàng ngày từ 10.000-15.000 UI thì sẽ bị ngộ độc nhưng tùy cơ địa có khi dùng 2.000-3.000 UI cũng đã có dấu hiệu ngộ độc với dấu hiệu kích thích thần kinh. Ngoài ra, có thể gây lắng cặn ở thận, thành mạch máu có thể gây xơ vữa ảnh hưởng tim mạch, đau cơ đau khớp, mất thăng bằng, ảnh hưởng thần kinh...
Theo baogiaothong
Điều cấm kỵ khi ăn rau ngót nhưng nhiều người vẫn không hay biết Rau ngót không chỉ là một loại rau dùng để ăn mà còn được dùng làm thuốc chữa bệnh nếu sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, khi ăn rau ngót, bạn cần chú ý những điều này để tránh rước họa vào thân. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà...