Bé 2 tuổi co giật vì uống oresol sai nồng độ
Phòng khám Nhi – Bệnh viện Xanh Pôn vừa tiếp nhận một bé trai 20 tháng tuổi trong tình trạng sốt, co giật, vật vã kích thích. Hỏi bệnh sử và khám, bác sĩ phát hiện cháu bé bị tiêu chảy và được mẹ cho uống oresol nhưng pha sai nồng độ…
Thực tế, một số bà mẹ bao biện ” oresol (ORS) có vị khó uống nên cho thêm… chút đường cho cháu dễ uống” hoặc một số khác có “cao kiến” thay bằng việc phải pha 1 gói ORS với 200ml nước theo chỉ dẫn lại chỉ pha với một chén nước nhỏ được một dung dịch đặc hơn uống cho nhanh khỏi… khỏi đâu không thấy mà hậu quả là trẻ bị ngộ độc, thậm chí có thể tử vong do uống ORS pha sai nồng độ.
Mỗi gói oresol được định liều để pha với liều lượng nhất định, được ghi rõ trên bao bì.
Theo các bác sĩ nhi khoa, khi trẻ bị tiêu chảy, tình trạng mất nước xảy ra, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe dọa tính mạng của trẻ. ORS với thành phần là muối, đường… khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất giúp trẻ phục hồi. Trong khi đó, nếu ORS lại được pha đặc hơn so với khuyến cáo nên khi trẻ uống không khác gì uống một cốc nước muối.
Khi uống oresol với nồng độ quá đặc như thế sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây tình trạng ưu trương (quá nhiều muối trong máu), áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường (bình thường, hai bên màng tế bào cân bằng nhau). Do nồng độ muối quá cao nên áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, “hút” nước từ tế bào, khiến tế bào bị hút hết nước nên bị “teo” lại. Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng… Điều nguy hiểm nhất lúc này, khi tế bào não bị “teo” gây tổn thương não, khiến trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích nặng hơn nữa thì hôn mê,… Nếu không được cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ bị tử vong.
Vì hiểu biết không cặn kẽ hoặc “ sáng tạo” quá mức, một số người đã biến dung dịch ORS – một phát minh cứu sống hàng triệu trẻ tiêu chảy thành một hỗn chất gây hại cho trẻ.
Theo Bùi Hà (Sức khoẻ & Đời sống)
Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm
Sổ mũi, ho và sốt là những triệu chứng của cảm lạnh hoặc cúm, những bệnh phổ biến vào mùa đông. Vậy làm thế nào để phân biệt được 2 bệnh này?
Tiến sĩ, bác sĩ Sherif Mossad, tại bệnh viện Cleveland (Mỹ) cho biết sự khác biệt rõ ràng nhất giữa các triệu chứng cảm lạnh và cúm là nhiệt độ cơ thể. Mặc dù cả hai bệnh có thể gây ra sốt, tuy nhiên sốt nhẹ thường biểu hiện của cảm lạnh, trong khi sốt cao 39-40 độ C là biểu hiện của cúm. Khi bị cúm, sức khỏe suy sụp rất nhanh, buổi sáng bạn cảm thấy khỏe nhưng về chiều thì mệt mỏi, kiệt sức.
Ngoài ra, Tiến sĩ Mossad chỉ ra rằng ho, đau họng, nhức đầu, đau nhức người, sốt là dấu hiệu nổi bật của bệnh cúm. Hắt hơi, chảy mũi, ho là triệu chứng đặc trưng của cảm lạnh.
Cúm do virus gây ra nên không có thuốc chữa trị đặc hiệu. Vì thế khi bị cúm tốt nhất là dùng thuốc trị các triệu chứng, giảm đau nhức và ngăn chặn các biến chứng. Nếu cúm nhẹ, có thể tự chữa trị ở nhà, nghỉ ngơi, uống nhiều nước nóng, súc miệng nước muối, tránh tiếp xúc với mọi người. Nếu thấy khó thở, ho nhiều, thì phải đến bệnh viện, vì bệnh cúm đã biến chứng thành viêm phổi. Khi bị cúm hoặc cảm lạnh, bạn nên che miệng khi ho hoặc hắt hơi, đồng thời thường xuyên rửa tay để tránh lây lan.
Theo Trúc Linh (An ninh thủ đô)
Ăn khoai tây mọc mầm dễ bị ngộ độc Củ khoai tây đã mọc mầm chứa một lượng lớn độc tố, người ăn dễ bị ngộ độc. Khoai tây bình thường chứa nhiều tinh bột và chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên khi củ khoai đã mọc mầm thì tốt nhất là bỏ đi, bởi lúc này nó chứa một lượng lớn chất solanine và chaconine rất độc....