Bất ngờ với 2 loại tinh bột chứa chất ‘như thuốc giảm cân’
Các nhà khoa học Mỹ và Áo đã tìm ra thứ có thể hỗ trợ kiểm soát đường huyết, giảm cân, giảm mỡ cực tốt trong 2 nguồn tinh bột quen thuộc.
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Arizona (UA – Mỹ) và Đại học Vienna (Áo) đã thử nghiệm nhiều loại chất xơ khác nhau và xác định thứ có thể giúp bạn cải thiện vóc dáng và đường huyết: Beta-glucan, có trong 2 nguồn tinh bột quen thuộc là yến mạch và lúa mạch.
Trong các nguồn tinh bột phổ biến thì yến mạch và lúa mạch chứa nhiều beta-glucan giúp giảm cân hiệu quả – Minh họa AI: ANH THƯ
Trong thử nghiệm trên những con chuột bị cho ăn nhiều chất béo trong 18 tuần, nhiều dạng chất xơ khác nhau đã được xem xét bao gồm beta-glucan, dextrin lúa mì, pectin, tinh bột kháng và xenluloza.
Kết quả cho thấy tất cả chúng đều đem lại lợi ích cho sức khỏe bao gồm thay đổi đáng kể hệ vi sinh vật đường ruột theo hướng tích cực.
Tuy vậy, chỉ có beta-glucan phát huy vai trò hỗ trợ giảm cân hiệu quả và hiệu quả này có thể nhận thấy rõ từ trước mốc 10 tuần.
Nó cũng làm giảm lượng chất béo trong cơ thể những con chuột thí nghiệm, cũng như hỗ trợ khả năng cân bằng mức đường huyết.
Video đang HOT
Phân tích chi tiết hơn, họ nhận thấy beta-glucan tăng số lượng vi khuẩn Ileibacterium, vốn có trong trong ruột của chuột cũng như con người và các động vật khác. Các nghiên cứu khác đã liên kết vi khuẩn này với việc giảm cân.
Ngoài ra, nồng độ butyrate – một chất chuyển hóa được tạo ra khi vi khuẩn phân hủy chất xơ -cũng tăng lên trong ruột các con chuột thí nghiệm.
Butyrate thúc đẩy giải phóng peptide giống glucagon-1 (GLP-1), đây là loại protein tự nhiên mà các loại thuốc giảm cân tổng hợp hay được ca ngợi như Ozempic mô phỏng để kích thích giải phóng insulin.
“Một phần lợi ích của việc tiêu thụ chất xơ trong chế độ ăn uống là thông qua việc giải phóng GLP-1 và các peptide đường ruột khác giúp điều chỉnh cảm giác thèm ăn và cân nặng cơ thể” – nhà khoa học y sinh Frank Duca từ UA, đồng tác giả, giải thích.
Các nhà nghiên cứu sẽ cần thử nghiệm lâm sàng (trên người) để đánh giá cụ thể và rõ ràng hơn phát hiện này.
Mặc dù vậy, một số nghiên cứu dạng quan sát trước đây đã liên kết nhóm thực phẩm giàu tinh bột như lúa mạch và yến mạch với việc giảm cân.
Vì vậy, nếu bạn đang vật lộn với việc cắt giảm tinh bột để giảm cân, việc thay đổi loại tinh bột tiêu thụ có thể là gợi ý hay và an toàn.
Phát hiện bất ngờ về vai trò của tinh bột đối với bệnh gout
Nghiên cứu trên hơn 188.000 người cho thấy các nguồn carbohydrate như tinh bột, chất xơ và đường có tác động rất khác nhau đến bệnh gout.
Người mắc bệnh gout thường được khuyên hạn chế một số loại đạm, tăng cường rau củ, trái cây. Nhưng một nghiên cứu mới từ Đại học Y khoa Trung Quốc Chiết Giang vừa chỉ ra thêm mối quan hệ giữa bệnh này và tổng lượng carbohydrate tiêu thụ, trong đó gây bất ngờ nhất là nhóm tinh bột.
Tinh bột đóng vai trò rất bất ngờ đối với bệnh gout - Minh họa AI: Anh Thư
Viết trên tạp chí y học Nutrients, các tác giả cho biết bệnh gout là một rối loạn viêm khớp đặc trưng bởi tình trạng tăng axit uric huyết thanh, bão hòa urat và lắng đọng các tinh thể urat monosodium trong các khớp.
Căn bệnh gây đau đớn và liên quan đến vấn đề sức khỏe nguy hiểm như bệnh tim mạch, huyết khối, hội chứng chuyển hóa.
Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến bệnh.
Các chương trình giảm cân ít carbohydrate có thể làm giảm nồng độ urat, mặc dù mối quan hệ giữa lượng carbohydrate nạp vào và nguy cơ mắc bệnh gout vẫn chưa chắc chắn.
Nghiên cứu mới cho thấy không phải lúc nào carbohydrate cũng gây hại. Đôi khi, nó có lợi trong việc đẩy lùi gout.
Dữ liệu của gần 188.000 người từ 40-69 tuổi được thu thập bởi ngân hàng dữ liệu sinh học Biobank của Anh đã được phân tích, trong đó thống kê chi tiết về việc tiêu thụ 206 loại thực phẩm và 32 loại đồ uống khác nhau.
Các loại carbohydrate được phân tích bao gồm tinh bột, chất xơ và tổng lượng đường.
Những người tham gia cũng được phân tích kiểu gene, đánh giá các tác động chung của lượng carbohydrate hấp thụ và khả năng mắc bệnh di truyền đối với nguy cơ gout.
Trong hơn 12 năm theo dõi, 2.548 người đã mắc bệnh gout.
Kết quả rất bất ngờ: Những người có tổng lượng carbohydrate tiêu thụ cao nhất lại ít có khả năng mắc bệnh gout nhất.
Nhưng lợi ích này không được mang đến từ mọi loại carbohydrate.
Trong khi carbohydrate có nguồn gốc từ 6 nhóm tinh bột và chất xơ được phân tích làm giảm nguy cơ gout từ 10%-30%, carbohydrate từ đường lại làm tăng nguy cơ 20%.
Đây là một phát hiện thú vị bởi ít ai nghĩ rằng tinh bột - bao gồm cả từ ngũ cốc nguyên cám và tinh chế - cũng góp phần đẩy lùi bệnh gout.
Các tác giả chưa đi sâu vào phân tích nguyên nhân, tuy nhiên một số nghiên cứu trước đó đã khuyến nghị một chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp giảm nguy cơ gout. Việc tiêu thụ quá nhiều đạm, ít carbohydrate để giảm cân ở nhiều người vốn lại làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Trong khi đó, người tiêu thụ nhiều carbohydrate từ tinh bột và chất xơ có khuynh hướng ăn cân bằng tinh bột và nhiều rau củ, trái cây, do vậy có thể điều này cũng góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh gout.
Tại sao chất xơ cần thiết cho sức khỏe? Chất xơ là một loại carbohydrate mà cơ thể không tiêu hóa được. Có hai loại chất xơ chính là hòa tan và không hòa tan, cả hai đều tốt cho sức khỏe. Chế độ ăn giàu chất xơ có liên quan đến sức khỏe tim mạch, trao đổi chất và đường ruột. Chất xơ nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột,...