Bạo lực học đường: Ngăn chặn trước hết từ phía người lớn
Bạo lực học đường không chỉ là trăn trở của ngành giáo dục mà còn là nỗi lo của toàn xã hội.
Liên tiếp các vụ việc học sinh bạo hành học sinh, giáo viên bạo hành học sinh được ghi nhận thời gian qua cho thấy vẫn còn khoảng trống trong việc ngăn ngừa việc này từ phía nhà trường.
Mỗi nhà giáo phải phấn đấu là một nhà giáo dục, một nhà tâm lý.
Không có học sinh cá biệt
Cô Trương Thị Mỹ Phụng, giáo viên Ngữ văn, thành viên Ban Tư vấn học đường Trường THPT Rạch Kiến (Long An) cho biết, nguyên nhân của bạo lực học đường phần lớn là do tâm lý tuổi vị thành niên, chưa biết cách giải quyết mâu thuẫn và không có được những lời khuyên tích cực đúng lúc. Các vấn đề các em thường gặp phải là mặc cảm, bị xúc phạm, xung đột với bạn bè, tình yêu, học tập,…
Trên thực tế, nhiều vụ xô xát bắt nguồn từ những nguyên nhân rất nhỏ nếu được hóa giải hợp lý, đúng lúc thì sẽ tránh được những vụ việc bạo lực xảy ra. Nhưng phản ứng tức thời là điều đa số chúng ta vẫn làm, ngay cả người lớn cũng khó tránh khỏi những phản ứng ngay tại thời điểm đó. Bằng chứng là một số vụ việc thầy cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi đánh, bạo hành… học sinh mầm non, theo như lý giải của các cô là vì các em ăn chậm, không nghe lời…
Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng đã là người thầy thì không thể đáp lại bằng phản ứng tức thời, không tạo ra xung đột, phân thắng thua giữa thầy với trò mà cần tạo một “khoảng lặng” cho các em học sinh có cơ hội, thời gian bình tĩnh, nhìn nhận, tự đánh giá, nhất là trong ứng xử với những học sinh có cá tính nổi trội.
Video đang HOT
Nhắc lại quan điểm không coi học sinh là hư, là cá biệt, thầy Nguyễn Tùng Lâm khẳng định mọi cá tính của học sinh đều cần được tôn trọng, yêu thương. Bởi mỗi em đến từ những gia đình khác nhau, môi trường sống khác nhau nên tại trường học, môi trường chung tuy có kỷ luật, nội quy như yêu cầu mọi học sinh mặc đồng phục giống nhau nhưng suy nghĩ của mỗi học sinh là khác nhau. Nếu thầy cô dành thời gian để trao đổi, gần gũi với học trò qua những lời hỏi han, quan tâm hoặc góp ý nhẹ nhàng và tế nhị thì chắc hẳn, nhiều xung đột học đường sẽ được hạn chế.
Mỗi nhà giáo là một nhà tâm lý
Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cho rằng nên nhìn bạo lực học đường dưới góc nhìn tâm lý lứa tuổi HS, tâm lý giáo dục của nhà trường và giải quyết nó dưới góc độ tâm lý giáo dục thay vì thiên về đánh giá đây là nguyên nhân về đạo đức và kỷ luật. Từ đây, mỗi nhà giáo phải phấn đấu là một nhà giáo dục, một nhà tâm lý.
“Một trường học có 60 nhà giáo thì phải có 60 nhà tâm lý chứ nếu cả trường chỉ trông chờ vào 1 – 2 người làm công tác tâm lý cũng không giải quyết được vấn đề” – thầy Hòa nêu quan điểm.
Hiện Bộ GDĐT đang dự thảo quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông với nhiều nội dung mới được hy vọng sẽ góp phần thay đổi vấn nạn này. Theo dự thảo, có nhiều điểm mới trong việc kỷ luật học sinh như: không có hình thức kỷ luật đuổi học, không phê bình trước toàn trường… Mức độ kỷ luật áp dụng cao nhất đối với học sinh đó chính là cho thôi học có thời hạn.
Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về việc cho thôi học có thời hạn thay vì nghỉ học 1 năm như trước đây sẽ không đủ sức răn đe song trên thực tế, đây là cách làm phù hợp vì giáo dục nhà trường cần kết hợp với giáo dục gia đình để uốn nắn, hướng dẫn học sinh. Giáo viên trong nhiều trường hợp là người có khả năng cảm hóa học sinh hơn cả cha mẹ bởi tâm lý chung của con người là “một cái lạ bằng một tạ cái quen”. Một lời khen, một sự ghi nhận của thầy cô có giá trị hơn hàng trăm lời khen của bố mẹ.
Học sinh phải được sống trong môi trường phù hợp với lứa tuổi của mình – đó là trường học thay vì để các em lang thang không ai quản lý hoặc chỉ ở trong nhà dưới sự giám sát của ông bà, cha mẹ mà không giao tiếp với ai.
Tất nhiên, vai trò của gia đình là không thể phủ nhận nhưng nhìn từ phía nhà trường, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội cho rằng cuộc sống thường xảy ra mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực không bao giờ là cách đúng đắn, hợp pháp và có hiệu quả. Phụ huynh cần phối hợp với nhà trường ngăn ngừa và xử lý những vụ việc xảy ra thay vì khi con em mình “có chuyện” ở trường, gia đình đưa người đến gây áp lực, thậm chí bạo lực với HS, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường nhằm “bảo vệ” con em mình…
Liên tiếp vụ việc học sinh đánh bạn: Đình chỉ học cao nhất 2 tuần có làm học sinh "nhờn"?
Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều trường hợp học sinh đánh "hội đồng" bạn học. Tuy nhiên không ít ý kiến cho rằng, cần tăng cường các biện pháp giáo dục phòng chống bạo lực học đường, bởi dự kiến kỷ luật cao nhất là đình chỉ học 2 tuần được cho là khá "nhẹ".
Liên tiếp vụ việc nữ sinh đánh bạn tàn nhẫn
Ngày 25/11, Trường THPT Quảng Xương 4 (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) đã thông tin về vụ việc nữ sinh của trường dùng mũ bảo hiểm đánh bạn xảy ra vào ngày 20/11. Để giải quyết mâu thuẫn cá nhân với người thân, em H.T.H.N (lớp 11C2) đã đánh em P.T.M (lớp 12T) và bắt em này quỳ gối xin lỗi. Sau khi đoạn clip ghi lại cảnh nữ sinh N liên tiếp dùng mũ đập vào đầu nữ sinh M được đưa lên mạng xã hội, Trường THPT Quảng Xương đã làm rõ sự việc, báo cáo với Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Trước đó, ngày 23/11, Hội đồng kỷ luật Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cùng các đơn vị có liên quan đã họp và đưa ra hình thức xử lý kỷ luật đối với 6 học sinh (lớp 8 và 9) tham gia đánh "hội đồng" nữ sinh Đỗ Lê V phải nhập viện. Theo lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, ngoài đình chỉ học 1 tuần, 6 học sinh đều bị xếp loại hạnh kiểm trung bình trong tháng 11 này.
Sự việc cụ thể như sau, khoảng 11h30, ngày 18/11, hai học sinh của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi là Đỗ Lê V và Hoàng Yến M, do mâu thuẫn trên mạng xã hội nên cả hai hẹn nhau tới sân bóng để giải quyết. Tại đây, nữ sinh Đỗ Lê V bị Hoàng Yến M cùng các nữ sinh trên túm tóc giật ngã, dùng tay, chân đấm, đá. Sau khi đoạn clip nữ sinh bị bạn đánh "hội đồng" được đưa lên mạng, dư luận xã hội hết sức bất bình trước sự việc nhiều nữ sinh đánh bạn tàn nhẫn, trong khi đó nhiều em khác đứng ngoài cổ vũ, quay clip...
Ba nữ sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) đánh nhau trước cổng trường. Ảnh: T.L
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều vụ việc học sinh đánh bạn, rồi quay clip tung lên mạng xã hội. Trước đó, hàng loạt vụ việc đau lòng đã xảy ra gây bất bình dư luận. Cụ thể, vào ngày 24/9 vừa qua, một nhóm nữ sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã đánh "hội đồng" bạn ngay trước cổng trường, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác. Trước đó, ngày 29/5, hai nữ sinh lớp 8 (Trường THCS Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM) hẹn em học sinh lớp 6 ra một địa điểm gần trường thay nhau đánh.
Kỷ luật ngày càng nhẹ, học sinh không biết "sợ"?
Theo các chuyên gia giáo dục, tình trạng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Vấn nạn bạo lực học đường đã trở thành tình trạng gây nhức nhối của ngành Giáo dục và toàn xã hội. Đây không phải là hiện tượng mới, song thời gian gần đây xảy ra liên tục hơn trong các trường học, bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội...
Với những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp... Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành. Bạo lực học đường có nhiều nguyên nhân, từ phim, truyện bạo lực, sự thiếu quan tâm giáo dục của gia đình, nhà trường. Chưa có sự tư vấn, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh...
Nhiều năm công tác quản lý giáo dục, NGƯT Đặng Đình Đại - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) cho rằng, hiện tượng học sinh gặp các vấn đề học đường như bị cô lập, tẩy chay, trấn lột, thậm chí là bị đánh đã xảy ra từ khá lâu. Tuy nhiên, gần đây học sinh có xu hướng ngang nhiên đánh bạn theo kiểu đánh "hội đồng", quay clip tung lên mạng xã hội. Dù đã được thầy cô, gia đình thường xuyên tuyên truyền, song vẫn diễn ra hiện tượng này như một thực trạng đáng buồn.
Để khắc phục, theo NGƯT Đặng Đình Đại: "Bên cạnh công tác giáo dục, tư vấn thường xuyên cho các em về tác hại của bạo lực học đường. Cũng cần đề cao vai trò của nhà trường, gia đình. Trong đó, vai trò của giáo viên là hết sức quan trọng, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Ngoài công tác chuyên môn, trong thời gian giảng dạy, tiếp xúc với học sinh, giáo viên cần gần gũi, nắm bắt tình hình trong lớp học, biểu hiện của học sinh, luôn lắng nghe, chia sẻ làm chỗ dựa cho học sinh, từ đó giúp đỡ học sinh khi gặp tình huống nào đó. Phụ huynh không nên khoán trắng vai trò dạy dỗ con cái cho nhà trường, cần phải gần gũi, động viên, chia sẻ cùng con. Quan sát những biểu hiện, hỏi han để tư vấn, giúp con vượt qua khó khăn nào đó".
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Thông tư quy định về khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo quy định chỉ còn 3 hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp, tối đa 2 tuần với vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Thay vào đó là các hình thức kỷ luật giáo dục tích cực. Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, khi hình thức kỷ luật học sinh được giảm xuống, cũng cần đề cao vai trò của nhà trường, bởi nếu không thực sự thường xuyên dạy kỹ năng sống, tuyên truyền hậu quả của bạo lực học đường, học sinh sẽ dễ dàng "nhờn" và đối phó bởi quy định dừng việc học tập cao nhất 2 tuần là chưa đủ mạnh.
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông được Bộ GD&ĐT đăng tải xin ý kiến góp ý của dư luận đến hết ngày 31/10/2020. Dự thảo bỏ quy định đuổi học đến 1 năm, thay vào đó chỉ là hình thức tạm dừng thời gian học tập trên lớp tối đa là 2 tuần. Trong Dự thảo cũng không còn quy định việc tổ chức kiểm điểm, phê bình học sinh trước lớp, trước toàn trường. Các hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp dự kiến sẽ không được áp dụng đối với học sinh tiểu học. Thay vào đó, ở cấp học này sẽ chỉ sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.
Những định hướng mới cho ngành giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có cuộc họp nhằm đánh giá lại hoạt động của ngành GD&ĐT giai đoạn 2019-2020. Đồng thời, đề ra những nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn 2020-2025, với quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện từ các cấp học đến việc tổ chức thi cử, giáo dục ở bậc đại học. Theo Bộ...