Bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường
Nhiều tỉnh, thành quyết định cho học sinh trở lại trường từ ngày 17-2 sau khi thực hiện tiêu trùng, khử độc, có phương án bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ngày 13-2 đã có công văn gửi giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh, thành, thủ trưởng các đại học, học viện yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi học sinh (HS), sinh viên (SV) đi học trở lại.
Tiêu độc xong mới cho HS trở lại
Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, các địa phương không có dịch có thể cho HS đi học trở lại sau khi đã tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, bảo đảm các điều kiện vệ sinh phòng bệnh. Đồng thời, hướng dẫn HS, phụ huynh, giáo viên, cán bộ, nhân viên về cách thức phòng chống bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm. “Đối với các địa phương có báo cáo trường hợp bệnh, ngoài yêu cầu trên, tiếp tục theo dõi sát tình hình và chỉ cho HS đi học trở lại khi đã có các biện pháp phòng bệnh. Trường hợp nhiễm bệnh đã được tiến hành cách ly và không phát sinh ca mới phải thực hiện như khuyến cáo của Bộ Y tế” – ông Độ nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu giám đốc các sở GD-ĐT, lãnh đạo nhà trường các cấp, tham mưu UBND tỉnh, thành tăng cường nhân lực y tế cho trường học; bố trí đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo đến từng nhà trường; thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo chuyên môn của Bộ Y tế về các nội dung cần thực hiện trước, trong và sau khi cho HS, SV trở lại trường.
Trong khi đó, Bộ Y tế cũng vừa có công văn gửi Bộ GD-ĐT hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học. Theo Bộ Y tế, trước khi đến trường, cha mẹ cần lưu ý giúp con tăng cường sức khỏe như súc miệng, súc họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng thường xuyên. HS giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn uống chín, bảo đảm chế độ đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế tiếp xúc vật nuôi, động vật hoang dã. Đối với trẻ mầm non, cha mẹ có trách nhiệm đo nhiệt độ cho con. Nếu con sốt hoặc ho, khó thở, phụ huynh chủ động cho nghỉ học, theo dõi sức khỏe tại nhà; hoặc đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị khi cần thiết.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các trường phải bố trí và bảo đảm nơi rửa tay có nước sạch, đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn, thiết bị phục vụ vệ sinh trường học. Trong thời gian HS ở trường, không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm. Hoạt động chào cờ được tổ chức tại lớp học. Nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ công nhân viên, phụ huynh, HS không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết.
Nhiều trường mầm non ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phun độc khử trùng trước khi đón học sinh trở lại Ảnh: QUANG NHẬT
Nhiều địa phương mở cửa trường
Trong cuộc họp chiều nay (14-2), UBND TP Hà Nội mới quyết định học sinh quay trở lại trường học hay tiếp tục nghỉ để phòng dịch Covid-19. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, công tác vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp, làm sạch bàn ghế trong tất cả các trường học sẽ thực hiện từ ngày 14-2 đến chủ nhật (16-2). Trước đó, chiều 12-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các quận, huyện thực hiện việc phun khử trùng, khử khuẩn tại các trường học trên toàn địa bàn, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất để chuẩn bị cho HS đi học trở lại.
Video đang HOT
Cùng ngày, Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa cũng đã có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét về việc cho HS quay trở lại trường học vào ngày 17-2. Hiện nay, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đã phun thuốc tiêu độc khử trùng, vệ sinh trường lớp, dụng cụ dạy và học, vệ sinh các bếp ăn tập thể, sẵn sàng đón nhận HS đến lớp.
Trong khi đó, một số tỉnh, thành như Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình… đã quyết định cho HS trở lại trường từ ngày 17-2.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi Sở GD-ĐT thống nhất với ngành y tế địa phương, đồng thời dựa trên công văn chỉ đạo nói trên của Bộ GD-ĐT. “Trong thời gian tạm nghỉ dạy học vừa qua, tất cả các trường đã làm vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng học rất kỹ, rất thường xuyên nên bảo đảm yêu cầu cho việc dạy học trở lại” – ông Tân trấn an.
Tại công văn phát đi ngày 13-2, UBND TP Đà Nẵng giao giám đốc Sở GD-ĐT, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch các quận huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn, thông báo cho HS, SV, học viên trở lại trường từ ngày 17-2. UBND TP giao Sở Y tế TP chỉ đạo các bộ phận chức năng phối hợp với tất cả các cơ sở giáo dục, dạy nghề phun thuốc khử trùng trong 2 ngày 14 và 15-2.
TP HCM sẵn sàng ứng phó
Ngày 13-2, Văn phòng UBND TP HCM đã có công văn gửi Công an TP, Sở GD-ĐT, Sở Thông tin và Truyền thông về việc xử lý giả mạo văn bản trên mạng xã hội về việc tiếp tục cho HS nghỉ học do dịch Covid-19 đến ngày 21-2. Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu Công an TP phối hợp với 2 đơn vị trên điều tra, làm rõ sự việc trên và xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, sáng 13-2, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn đã có công văn khẩn khẳng định văn bản lan truyền trên mạng xã hội là giả; đồng thời đề nghị thủ trưởng các đơn vị, cơ sở giáo dục thông tin đầy đủ, chính xác cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành.
Để chuẩn bị tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, bảo đảm an toàn cho học sinh khi quay trở lại trường, Thường trực UBND TP yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp Sở Y tế rà soát việc tiêu độc, khử trùng tại các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo trước ngày 14-2, sẵn sàng phương án đưa HS, sinh viên đi học trở lại.
Theo dự kiến của Sở GD-ĐT TP HCM, gần 2 triệu HS TP sẽ quay lại trường học sau 2 tuần nghỉ liên tiếp, vào ngày 17-2. Các trường sẽ tổng vệ sinh trường lớp vào ngày 15 và 16-2. Nhiều trường đồng tình với đề xuất này. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho biết tính đến thời điểm hiện tại, công tác tiêu độc, khử trùng của trường cơ bản đã hoàn tất. Nhà trường còn có phòng cách ly và thuốc cho giáo viên, HS có biểu hiện ho, sốt. Trường chuẩn bị nước cam hòa tan cho HS uống trong giờ giải lao để tăng cường vitamin C.
Trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp) cũng đã phun khử trùng, lau bàn ghế, vệ sinh rèm cửa, hoàn thành những phương án chuẩn bị để đón HS đi học lại.
Đóng cửa lớp nếu 1 lớp có 2 HS mắc bệnh
Để chuẩn bị cho HS đi học lại vào ngày 17-2 tới, GS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, vừa ký công văn đề nghị Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH cùng phối hợp phòng chống dịch bệnh.
Về công tác giám sát bệnh, Sở Y tế TP khuyến cáo trong vòng 7 ngày, nếu 1 lớp học có từ 2 trẻ trở lên bị nhiễm Covid-19 và có qua khảo sát cho thấy có khả năng lây lan giữa trẻ mắc bệnh thì sẽ đóng cửa tạm thời lớp học đó. Một trường học sẽ chỉ đóng cửa tạm thời khi có từ 2 lớp học có trẻ nhiễm Covid-19 và kết quả khảo sát cho thấy có sự lây lan virus corona giữa các lớp học. Việc đóng cửa trường chỉ được thực hiện dựa trên đề xuất của cơ quan y tế và sự chấp thuận của UBND TP HCM.
N.Thạnh
NHÓM PHÓNG VIÊN
Theo Người lao động
Những câu hỏi còn bỏ ngỏ
Mốc ngày 17/2 học sinh sẽ đi học trở lại đang đến gần, khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Ấy là bởi ở phía Bắc, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã có học sinh cấp 3 nhiễm Covid - 19. Ngành y tế tỉnh phải cách ly nhiều bạn học đã tiếp xúc với bệnh nhân này.
Ảnh minh họa
Không nên hoang mang vì dịch bệnh, cần tỉnh táo và nhận thức rõ để phòng và chống dịch thực sự hiệu quả, đúng với mục đích, vì mình và cộng đồng. Từ đầu mùa dịch đến nay, không thể phủ nhận Chính phủ và các bộ, ngành đã quyết liệt phòng chống dịch Covid - 19.
Vậy nhưng ai dám chắc trong số cả chục triệu người dân có ý thức phòng bệnh lại không có vài trăm người chủ quan, coi thường dịch bệnh? Đó chính là nguồn cơn khiến dịch Covid - 19 lan ra cộng đồng.
Thông tin một người phụ nữ 44 tuổi trốn khỏi khu cách ly tập trung những người nghi nhiễm tại Hà Nội được đưa dày đặc trên các trang báo và mạng xã hội, đủ để thấy sự lo lắng của phần lớn người dân đối với hành vi thiếu ý thức của người phụ nữ này.
Đó là chưa kể nhiều người nhiễm bệnh nhưng không hề có biểu hiện ho, sốt đã nghiễm nhiên "vượt ải" máy đo thân nhiệt tại các cửa khẩu, hòa nhập với cộng đồng một cách hồn nhiên. Và từ đây, Covid - 19 có thể lang thang thăm hỏi bất cứ ai.
Tết Canh Tý vừa qua, hàng trăm, hàng ngàn người từ Trung Quốc trở về quê hương tận hưởng sự đoàn viên. Và cũng chính không khí ấm áp ấy đã đưa Covid - 19 đến với nhiều người hơn khi người nhiễm vô tình trở thành nguồn lây bệnh cho những người mà họ tiếp xúc.
Làm sao thống kê được thực sự số người mà bệnh nhân Covid - 19 đã tiếp xúc? Và làm sao để chắc chắn những người tiếp xúc với bệnh nhân tự nguyện khai báo y tế để được cách ly hay mang mầm bệnh đi muôn nơi?
Khi học sinh đi học trở lại mỗi trường học có đến cả nghìn học sinh. Những đứa trẻ đang ở lứa tuổi cấp 1, cấp 2 hồn nhiên, vô tư nô đùa, nghịch ngợm mà vô tình quên mất lời dặn của cha mẹ rằng phải tránh sờ vào đồ vật và phải rửa tay thường xuyên.
Trong khi đó, Bộ Y tế lại khuyến cáo học sinh đến trường, lên lớp không cần đeo khẩu trang. Lớp học, sân trường trở thành nơi có nguy cơ gây nhiễm bệnh rất cao. Nếu không may một trong số những học sinh ấy dương tính với Covid - 19 do lây từ người thân hoặc cộng đồng và từ đây có thể lây cho bạn bè chỉ qua hành động ho, hắt hơi tại lớp học.
Điều gì đảm bảo kiểm soát được khả năng lây lan khi mà việc rửa tay thường xuyên không dễ gì thực hiện đúng, việc lau bề mặt bàn ghế không thể làm thường xuyên, với học sinh ý thức chưa cao, mà ngay cả người lớn cũng đang khó thực hiện?
Hiệu trưởng các trường, các thầy cô giáo có đảm bảo đủ thời gian để vệ sinh bàn ghế, lớp học bằng nước Javel, Cloramin B thường xuyên không khi mà việc này cũng chỉ giúp giảm tối thiểu việc lây nhiễm?
Các thầy cô không phải nhân viên y tế, không thể đòi hỏi họ làm công tác vệ sinh lớp liên tục. Chưa kể, thầy cô giáo cũng không thể giám sát được hết học sinh. Thầy cô chỉ có thể phát hiện học sinh bị bệnh khi trẻ đã ho, sốt. Mà lúc này, có cách ly học sinh ho sốt (có thể do nhiễm Covid - 19) thì mầm bệnh từ học sinh này có thể đã lây cho nhiều bạn học khác. Và những bạn học đó lại âm thầm ủ bệnh, tiếp tục trở thành nguồn lây ra cộng đồng.
Ngày 12/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, phải 1 tuần nữa mới có thể nhận định lại việc có được tập trung đông người hay không. Trong bối cảnh đó, mỗi gia đình là mắt xích quan trọng nhất khi "chống giặc". Ngăn cách, không tiếp xúc nguồn lây là cách duy nhất để dịch Covid -19 không bùng phát tại Việt Nam.
Cho học sinh nghỉ học tiếp hay đi học trở lại là bài toán mà ngành Giáo dục cần giải vào lúc này.
THÁI HÀ
Theo Tiền phong
Học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ phòng Covid-19: Phụ huynh, nhà trường cần chuẩn bị gì? Trước khi đưa con đến trường, phụ huynh cần đo nhiệt độ để biết tình trạng sức khỏe của trẻ. Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) góp ý về phòng chống dịch Covid-19 (nCoV) tại trường học. Tại nhà, phụ huynh cần chuẩn bị gì cho con? Trước khi...