Bánh lá dừa, thơm ngon đặc sản miền Tây Nam Bộ
Những chiếc xuồng ba lá thoăn thoắt lướt đi, phía trước là rổ bánh lá dừa quê bình dị mà đỡ lòng cho người nông dân trước lúc ra đồng hay cho mấy trẻ học trò trên đường xa đến lớp.
Mời anh mua bánh lá dừa/ Bánh này em gói nếp mùa thiệt ngon.
Anh mua về đãi bà con/ Bánh em nóng hổi ngọt ngon hơn đường.
Cứ mỗi buổi sáng, khi ánh mặt trời vừa hừng đông, dọc theo các bờ sông, con rạch miền Tây Nam bộ người ta thường nghe vẳng vẳng câu hò rao bánh ngọt lịm của cô gái nhà quê như vậy.
Như tên gọi của nó, loại bánh này được người ta dùng đọt lá dừa non, hoặc đọt cà bắp (cây dừa nước non chưa nở thành tàu lá) để gói bánh. Nguyên liệu chính để gói bánh là nếp, chuối hoặc đậu xanh và cơm dừa nạo để làm nhưn (nhân) bánh.
Video đang HOT
Để gói bánh, phải chuẩn bị từ bữa trước. Nếp rặt không để lộn với gạo, chọn loại dẻo như giống nếp bầu, nếp mỡ, nếp bà bóng, đem ngâm qua đêm. Để nếp mau mềm người ta có thể cho thêm ít khóm vào ngâm chung. Sáng hôm sau người ta té nước vài lượt rồi để nếp cho ráo.
Đậu trắng hoặc đậu đen ngâm mềm vo, tẻ bỏ vỏ ngoài. Dừa khô nạo lấy cơm, vắt nước cốt ra riêng để trộn vào nếp. Còn xác cơm dừa còn lại bằm nhuyễn trộn với đậu xanh cà ngâm vo, bỏ vỏ đã nấu nhừ rồi nêm hành lá, muối, vo thành viên để làm nhưn.
Loại bánh lá dừa gói với nhưn này gọi là bánh nhưng đậu hay bánh nhưng mặn. Đơn giản hơn thì dùng chuối xiêm chín lột vỏ, cắt trái chuối ra hai phần, ướp thêm ít đường cát để làm nhưng, gọi là bánh lá dừa nhưng chuối.
Khi nếp ráo, đổ nước cốt dừa vô bắc lên chảo xào sơ qua cho nếp chín một phần, nước cốt thấm vào tăng thêm vị béo. Để có vị bùi, người ta còn có thể cho thêm đậu trắng hoặc đậu đen vô nếp, xáo trộn cho đều.
Chuẩn bị xong nếp, nhưn, người ta tước lá dừa lấy từ đọt dừa non, hoặc đọt cà bắp. Lá dừa có dạng bản hẹp nhưng dài. Lá dùng gói bánh phải nguyên và không bị sâu. Lá được rửa sạch, sau đó phơi nắng (hoặc nhúng nước sôi và lau khô) sao cho lá hơi héo để dễ gói bánh và không bị rách.
Dùng tay cuộn lá lại thành hình trụ ống, cho một phần nếp vào, để nhưn lên lại đổ nếp vào tiếp rồi bóp lại, cột bánh bằng dây lạt cà bắp hoặc dây lát chẻ phơi khô.
Theo kinh nghiệm dân gian thì nếu gói quá chặt, bánh sẽ chín không đều do phần nếp phía bên trong không hấp thu đủ nước khi nấu hoặc khi hạt nếp trương nở sẽ làm bể bánh. Nhưng nếu gói lỏng tay, khi nấu bánh bị nong nước, hạt nếp sẽ rời rạc và bánh trở nên nhão mềm không ngon. Gói từ vài ba chục đến trăm bánh thì bắt đầu nấu bánh.
Lấy lá dừa lót thành lớp mỏng dưới đáy nồi để tránh bánh bị cháy khét. Xếp bánh vào nồi, đổ nước ngập mặt bánh, phủ thêm một lớp lá dừa trên bề mặt, sau đó đậy kín rồi nổi lửa nấu bánh. Cần chú ý luôn để bánh ngập trong nước. Chừng nào hột nếp bên trong dính quện vào nhau là bánh đã chín. Muốn bảo quản lâu, khi vớt ra phải rửa bánh qua nước lạnh cho hết nhựa, để ráo và treo lên.
Bánh lá dừa được dùng nóng hay nguội tùy vào sở thích mỗi người. Bánh khi ăn có vị mặn nhẹ của muối, vị béo của dừa, cái dẻo của nếp, cái bùi của hạt đậu kết hợp với cái riêng của từng loại nhân cùng hương nếp thơm. Tất cả hòa quyện vào nhau làm cho người ăn cảm nhận được hương vị tao nhã và mộc mạc của bánh.
Tuổi thơ tôi đầy ắp những lời rao, mà có lẽ “Ai ăn bánh lá dừa hôn!” luôn ẩn chứa bao kỷ niệm của trẻ thơ miền Tây sông nước. Thoảng theo hương thơm dịu nhẹ của nếp, vị ngọt của chuối, vị béo của dừa người ăn bánh như thấy lòng chợt thanh thản, quay về hương quê dạt dào tình thương mến!
Món bún đặc sản có cái tên rất lạ vị dễ "gây nghiện" ở Trà Vinh
Bún suông là đặc sản miền Tây với hương vị thơm ngon và nước dùng ngọt thanh. Bún suông hấp dẫn thực khách với hương vị rất đặc trưng và rất riêng của nó.
Bún suông còn được gọi là bún đuông. Món ăn có xuất xứ từ Trà Vinh. Theo bà con ở đây thì tên gọi loại bún này bắt nguồn từ nguyên liệu được chế biến ăn kèm với bún. Những con tôm đất được quết, giã nhuyễn, nêm nếm vừa ăn rồi nắn thành sợi dài đem hấp chín, hoặc chiên trong chảo dầu cho vàng, giòn. Gọi đó là suông. Đây cũng là cách Việt hóa một tiếng Khmer dùng chỉ con tôm đất. Nhưng cũng có người lại giải thích rằng suông là cách nói trại đi của từ "đuôn". Bởi hình dáng cọng chả tôm đất nhìn cũng hao hao ấu trùng của loài bọ cánh cứng chuyên cắn phá dừa, dừa nước.
Từng miếng chả tôm thon dài, suông đuột trông lạ mắt như quấn lấy sợi bún. Sự hấp dẫn của món này chính là nước lèo mang đậm chất Trà Vinh. Nước lèo không trong mà có màu nâu đậm, bởi được thêm một ít me và tương hạt vừa tạo nên vị ngọt thanh lại vừa thoang thoảng hương thơm của tương rất hấp dẫn, nguyên liệu ngập trong nước dùng chua ngọt khiến thực khách hài lòng khi thưởng thức. Để tô bún thêm hài hòa, người dân Trà Vinh còn có thể cho thêm vài lát thịt ba chỉ luộc, giá trụng, rau xà lách và ăn kèm bắp cải trắng bào sợi. Chén nước chấm là hỗn hợp của tương xay và ớt xay.
Tô bún suông ngọt lịm lại phảng phất mùi vị tôm đất tỏa ra làm cho người thưởng ngất ngây, thả hồn về với quê hương bình dị mà thân thiết, đậm đà tình nghĩa
Nhớ mãi món cháo lươn quê nhà Cảm giác vừa no lại vừa ấm dường như cái lạnh đã bị đẩy dạt ra ngoài, thật sung sướng, hạnh phúc và "ngon" biết bao khi hơn hai mươi năm mới có dịp trở về quê hương, được thưởng thức lại hương vị độc đáo của món cháo lươn quê nhà. Xa quê đã lâu lắm, vừa rồi mới có điều kiện...